Hà Nội: Tường thuật buổi thảo luận của MLBVN về Quyền tự do đi lại
Blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành và Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phát biểu bắt đầu buổi thảo luận (Ảnh: CTV Danlambao)
Khoảng 30 người đã có mặt tại buổi thảo luận. Thành phần tham dự gồm có đại diện các sứ quán Đức, Úc, Thụy Điển, liên minh Châu Âu; TS Nguyễn Quang A, giáo sư Chu Hảo, ông Nguyễn Hoàng Đức... và các thành viên thuộc Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Đại diện phía công an không có mặt, mặc dù blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnhtrước đó đã chính thức gửi lời mời cục trưởng cục quản lý xuất nhập cảnh (bộ CA). Đáng chú ý, một thành viên trong nhóm 'phản bác tuyên bố 258' là cô Hoàng Thị Nhật Lệ cũng có mặt để tham dự buổi thảo luận.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chia sẻ: "Mặc dù có những khó khăn nhưng buổi cà phê vẫn diễn ra như đã thông báo".
Trích phát biểu của blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành:
Chủ đề hôm nay sẽ tiếp nối chủ đề ở Sài Gòn về việc tự do đi lại. Từ khi tuyên bố 258 ra đời và có những hoạt động như ra nước ngoài vận động quốc tế, vận động Đại Sứ Quán... thì tình trạng người dân bị cấm xuất cảnh ngày một nhiều hơn. Nhất là các thành viên đã tham gia ký tuyên bố 258, thì tất cả đều bị cấm xuất cảnh.
Chính phủ Việt Nam dùng một lý do an ninh chung chung, biên bản cấm xuất cảnh không được thông báo trước cho người bị cấm. Một lý do chung áp dụng cho tất cả những người bị cấm xuất cảnh, là một lý do rất là mơ hồ là vì “ninh quốc gia” và không giải thích thêm lý do an ninh cụ thể nó là cái gì? Những người bị cấm, người ta vi phạm, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia ở điểm nào, mục nào và ảnh hưởng tới tình trạng an ninh như thế nào thì không được giản thích.
Chính vì cái luật mơ hồ và lý do 'an ninh quốc gia' như vậy nên đã tạo ra một không gian rất lớn cho lực lượng an ninh hành xử tùy tiện. Họ có thể cấm bất cứ ai nếu họ cảm thấy ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Nó tạo ra một khoảng trống về sự vi phạm nhân quyền rất lớn. Họ cấm vì an ninh quốc gia, đơn giản vậy thôi và không giải thích thêm gì nữa.
Vì tất cả những lý do đó, buổi hội thảo hôm nay, đại diện ở Sài Gòn đã phân tích một số điểm sai trong luật Việt Nam.
Chúng ta cùng nhìn ra một góc bên ngoài là “Quốc tế nghĩ gì về lý do an ninh quốc gia”. Thực ra, lý do an ninh quốc gia tất cả các nước đều có, nhưng họ áp dụng và cấm rất rõ ràng chứ không mơ hồ như Việt Nam.
Các vị khách mời gồm:
Mr. Felix đến từ ĐSQ Đức
Mr. David đến từ ĐSQ Úc
Mr. Alex đến từ Liên Minh Châu Âu
Trong buổi hôm nay còn có Giáo sư Chu Hảo và bác Nguyễn Quang A.
Hôm nay rất vui mừng có thêm nhóm của bạn Hoàng Thị Nhật Lệ. Xét về mặt quan điểm về đối với Chính Phủ Việt Nam, Nhật Lệ có quan điểm thiên về ủng hộ bên chính phủ VN và thường gây ra bất đồng. Có những người có quan điểm khác trong buổi hôm nay rất vui.
Buổi thảo luận có sự tham dự của đại diện ngoại giao của Úc, Đức, Thụy Điển và Liên Minh Châu Âu. Trong phần phát biểu của mình, ông David Skowronski - Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Australia nói bằng tiếng Việt khá sõi:
Xin chào các bạn,
Xin cảm ơn các bạn đã mời chúng tôi đến đây hôm nay, nhất là Mẹ Nấm. Sự kiện hôm nay là cơ hội rất quan trọng cho chúng tôi hiểu tốt hơn về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Tôi biết là chính phủ Úc và chính phủ của các đồng nghiệp tôi rất quan tâm vào hình hình nhân quyền ở Việt Nam, và chúng tôi luôn luôn thúc đẩy chính phủ Việt Nam về vấn đề này.
Ông Felix Schwarz - Lãnh sự và Tham tán chính trị Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do đi lại, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm:
Tôi xin thay mặt cho các bạn và các đại sứ quán khác rất muốn đến đây nhưng vì lý do bận không đến được. Tôi rất vui vì hôm nay chúng ta có mặt ở đây để thảo luận dựa trên những quan điểm khác nhau chủ về chủ đề quyền tự do đi lại và các chủ đề khác.
Tại Châu Âu, chúng tôi có thể tự do đi lại khắp các nước trong liên minh mà không phụ thuộc vào quốc tịch. Đối với chúng tôi, một trong những thành tự lớn nhất của Liên minh Châu Âu chính là quyền tự do đi lại.
Và tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện khi tôi còn là một cậu bé, giữ Đông Đức và Tây Đức. Khi ấy, tôi sống ở Tây Đức cùng với gia đình. Khi bà ngoại tôi mất, những bà con ở phía Đông Đức muốn đến dự tang lễ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bà con của chúng tôi đều được phéo rời khỏi Đông Đức để đến tham dự lễ tang.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi không thể hiểu được tại sao mọi người không thể đến dự đám tang khi có người trong gia đình qua đời.
Tôi tin tưởng rằng điều quan trọng là mọi người có quyền tự do di chuyển và đi khắp thế giới.
Họ [chính quyền] cần có lý do cụ thể chứ không thể trả lời bằng vài từ, cần phải tôn trọng quyền tự do di chuyển.
Tôi muốn nói thêm về những điều mà bác Quang A chia sẻ, thậm chí tại Đức cũng có một số người không được cấp hộ chiếu để đi lại. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp liên quan đến những tội ác nghiêm trọng.
Chúng tôi tin rằng, việc nói khác quan điểm hoặc thể hiện những ý kiến khác biệt với chính phủ không thể bị xem là tội phạm, và sẽ không bị cấm xuất cảnh hoặc thu giữ hộ chiếu.
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Tôi rất vui được ở đây để thảo luận với các bạn cùng với những ý kiến khác nhau. Thật tốt vì chúng ta có thể chia sẻ các ý kiến và thảo luận.
Tôi muốn nêu thêm một ví dụ, tôi có hai con nhỏ và các cháu thường xuyên có những ý kiến khác biệt với tôi. Các cháu không muốn đi ngủ khi tôi bảo các cháu ngủ, hoặc các cháu không muốn ăn khi tôi nói phải ăn. Thậm chí, thỉnh thoảng các cháu còn khóc nữa.
Tôi muốn nói rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần thảo luận. Bạn có thể nói rằng tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia... nhưng sau đó chúng ta cần có một giải pháp cùng nhau.
Phát biểu tại buổi thảo luận, TS Nguyễn Quang nói:
Tôi thấy nước nào cũng có những điều khoản về an ninh của người ta, nhưng ở Việt Nam nhiều khi người ta sử dụng lý do là vì an ninh một cách rất tùy tiện và ngăn cản sự tự do đi lại của người dân, nhất là khi đi ra nước ngoài.
Các bạn trẻ của MLBVN mà đi sang Philippin, đi về, đi dự hội thảo UPR bên Genever về bị chặn, thậm chí bị thu hộ chiếu, thì tôi thấy đó là cách làm hết sức tùy tiện và không thể chấp nhận được.
Anh Nguyễn Hoàng Đức đây, nhận được lời mời của Vatican đi ra đến sân bay Nội Bài họ cũng chặn lại, không cho đi.
Tôi nghĩ, giả sử nếu mà đúng, có lý do vì an ninh thì họ phải báo trước cho người đấy là ông phạm những điều này, như vậy vì lý do an ninh ông không thể đi được. Và báo trước cho người ta, để người ta còn có khả năng khiếu nại, khiếu kiện lại.
Cái quan trọng là nó làm cho cái việc quản lý đó trở thành văn minh hơn, chứ không phải là một cách tùy tiện.
*
*
Báo động: Sau khi tham dự buổi thảo luận nhân quyền, lúc 11h35', blogger Trịnh Anh Tuấn (Facebook Gió Lang Thang) trên đường về đã bị an ninh thường phục đánh đập dã man tại đoạn đường Giải Phóng (gần ga Giáp Bát).
Trịnh Anh Tuấn khẳng định những kẻ tham gia vụ hành hung chính là các viên an ninh thường phục trước đó đã xuất hiện trong buổi cà-phê nhân quyền để theo dõi.
Trên đường về, blogger này bị ít nhất 3 viên an ninh thường phục bám sát. Khi lái xe đến gần ga Gia Bát, 3 người này bất ngờ lao đến đạp xe khiến Tuấn bị ngã xuống mặt đường. Chưa kịp ngồi dậy thì Trịnh Anh Tuấn bị cả 3 viên an ninh thường phục lao đến đánh đập túi bụi khắp người.
Sau khi đánh người dã man, cả 3 viên an ninh lập tức lên xe bỏ chạy. Blogger Trịnh Anh Tuấn bị đánh sưng mặt, chảy máu với nhiều vết xước khắp người. Điện thoại bị đập vỡ tung tóe.
Trịnh Anh Tuấn sinh năm 1989, là thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam
Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận
nick Lý Đức Hùng & Hận Cộng Sản Vì Công Lý
sưu tầm từ trang DLB.
No comments:
Post a Comment