Khi
sáng tác nhạc phẩm “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” năm 1996, với câu
hát “Người Đã Cứu Người”
để đánh dấu ngày thành lập Làng Việt Nam ở Palawan, Phi Luật Tân, chắc
nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng không ngờ rằng chỉ 10 năm sau đó thì toàn bộ
3000 người tỵ nạn bị kẹt lại và sống ở đó, đã được luật sư Trịnh Hội
với sự tiếp tay của cộng đồng người Việt tại
hải ngoại tranh đấu để họ được thế giới tự do đón nhận. Và chắc ông lại
càng ngạc nhiên khi biết, cho đến ngày hôm nay, sau 20 năm thì “người
vẫn cứu người”.
Quả
thật là như vậy, bởi vì it ai có thể nghĩ được rằng, sau
41 năm kể từ ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam VN mà vẫn còn có những
thuyền nhân long đong, vất vưởng, sống ngoài vòng pháp luật trên những
mảnh đất không cả được tạm dung!
Vâng,
đó là 28 thuyền nhân tỵ nạn muộn màng, sau hơn một phần tư thế kỷ miệt
mài tìm kiếm tự do, cuối cùng họ đã đến được bến bờ hạnh phúc. Cuộc hành
trình gian khổ này được kết
thúc một cách tốt đẹp, là nhờ vào lòng bao dung cùng sự tranh đấu kiên trì của những người mà tôi xin được gọi họ là những “thiên thần trong bóng tối”!
Ngưỡng cửa tự do, phi trường Bangkok, Thái Lan
Hồi
tưởng lại, cách đây hơn 10 năm, khi số phận hẩm hiu của 3000 đồng bào
tỵ nạn VN bị thế giới
lãng quên ở Phi Luật Tân, qua cuộc vận động và tranh đấu không mệt mỏi
của luật sư Trịnh Hội cùng các thiện nguyện viên trong nhóm của anh,
khoảng gần 1000 người được đoàn tụ gia đình, số 2000 “không thân nhân”
còn lại đã được nhận vào định cư tại Hoa Kỳ,
Canada, Úc Châu, Na Uy v..v... Khoảng thời gian đó không mấy ai tin
rằng nỗ lực của Trịnh Hội có thể thành công được, thậm chí, chính bản
thân những người tỵ nạn cũng không nghĩ là giấc mơ của mình sẽ trở thành
sự thật! Ngay cả ông giám đốc của một cơ quan
gọi là “cứu người vượt biển” lúc đó đã ra một thông báo cho biết đây
chỉ là chuyện viển vông, không có thật! Ấy thế mà nó đã thành hiện thực!
Đó là nhờ vào sự hỗ trợ và tiếp tay của những “thiên thần trong bóng
tối”! Họ là ai? Họ là những người tin vào lý
tưởng tự do của bất cứ ai phải bỏ nước ra đi vì không muốn sống dưới
chế độ Cộng Sản. Họ là những vị luật sư, nghệ sĩ, hay thiện nguyện viên
có lòng hy sinh thì giờ và tiền bạc để bay sang PLT hỗ trợ và tiếp tay
Trịnh Hội, họ là những viên chức Bộ Ngoại Giao
Mỹ, Canada hay Na Uy nhưng tin vào lòng thành thâm cùng sự hy sinh kiên
trì của một người luật sư trẻ dù anh ta mang quốc tịch Úc Châu. Họ là
quý vị tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo, các vị dân cử, viên chức chính quyền
của nhiều quốc gia và quan trọng hơn cả, họ
là những thiện nguyện viên âm thầm đóng góp và hỗ trợ, họ là những luật
gia trẻ tuổi, tình nguyện gia nhập tổ chức VOICE để tiếp tục cuộc hành
trình cứu người bất hạnh mà Trịnh Hội đã đánh đổi bằng cả quãng đời
thanh xuân của mình.
Phần
thưởng mà Thượng Đế tặng lại cho tất cả những người tôi vừa kể, là nụ
cười hạnh phúc của hàng
ngàn đồng bào tỵ nạn đã được họ cứu giúp. Sự thành công trong cuộc
sống, thành đạt trong sự nghiệp, và nhất là thành tích về học vấn cùng
tương lai sáng lạn của các trẻ em tỵ nạn muộn màng chính là niềm hãnh
diện lớn lao đối với những người mà tôi gọi là “thiên
thần trong bóng tối”!
Những
tưởng sứ mạng cứu người tỵ nạn đã chấm dứt sau khi 3000 đồng bào còn
lại tại PLT được đến
bến bờ tự do, thế nhưng không lâu sau đó qua lời kêu gọi của linh mục
Peter Prayoon NamWong (vị tu sĩ nhân từ, đã tận tình giúp đỡ người tỵ
nạn VN tại Thái Lan trong suốt hơn 40 năm qua), anh chị em trong nhóm
VOICE lại nhận được lời kêu cứu của một số thuyền
nhân và người tỵ nạn cũng có hoàn cảnh tương tự, họ đã trốn ra khỏi
trại vì nhất định không chịu bị cưỡng bức hồi hương, trong số đó có
những người đã từng mổ bụng tự tử hay uống thuốc độc để quyên sinh, có
những cựu quân nhân QLVNCH, họ đang sống vất vưởng
ở các nước Đông Nam Á. Trước hoàn cảnh chẳng đặng đừng Trịnh Hội và các
thành viên của VOICE cùng những thiện nguyện viên ở khắp nơi trên thế
giới lại tiếp tục cuộc hành trình đấu tranh cho quyền tỵ nạn của những
người di tản bất hạnh nói trên! Tuy nhiên lần
này có vẻ phức tạp hơn, vì đồng bào phải sống rải rác ở nhiều nơi, vì
thế ngoài trụ sở chính ở PLT, VOICE đã phải mở thêm văn phòng ở Thái
Lan. Điều lệ mà chính phủ Canada đòi hỏi trong vấn đề định cư cũng cam
go hơn, qua chương trình “private sponsorship”
thì mỗi người tỵ nạn cần phải có 5 công dân Canada ký tên bảo trợ và
chịu trách nhiệm toàn bộ về chi phí định cư tối thiểu là $11,800.00
dollars cho một đầu người. VOICE phải lo mọi thủ tục giấy tờ, lệ phí đơn
từ, visas, khám sức khỏe, đóng tiền phạt, thuê
nhà tạm trú ở thành phố, chi phí di chuyển cho những lần phỏng vấn,
đồng thời đài thọ vé máy bay từ Bangkok đến Canada cho tất cả mọi người
tỵ nạn, v..v…
Người bạn ẩn danh, thuyền nhân năm xưa,
đài thọ toàn bộ vé máy bay cho các thuyền nhân cuối cùng.
Tuy
nhiên như một phép lạ, tình đồng hương vẫn bao la, lòng người vẫn không
mệt mỏi và một lần nữa
“người vẫn cứu người”. Các đợt gây quỹ để giúp định cư đồng bào tỵ nan
đã được chính các hội đoàn, tổ chức thiện nguyện hay cộng đồng người
Việt tại nhiều địa phương đứng ra tổ chức. Chính cá nhân tôi dù không
yêu cầu, nhưng qua các chương trình truyền thanh,
truyền hình mà tôi chia xẻ, vẫn có những đồng hương hoặc thân hữu nghe
tin và tự động đóng góp cho VOICE ở khắp nơi trên thế giới, mà điển hình
và gần đây nhất là một người bạn, sau hơn 6 năm trời không gặp mặt,
nhưng anh cũng đã tìm cách liên lạc với tôi
để tự động xin được đài thọ cho toàn bộ vé máy bay với số tiền lên đến
$33,600.00. Hoặc như hai nữ doanh gia trẻ tuổi đến từ Houston, Texas,
nghe được chuyện này cũng đã tự động bay đến Thài Lan để tiếp tay VOICE
hầu giúp đỡ đồng bào hoàn tất các thủ tục cuối
cùng mà đặc biệt là đã tình nguyện đóng toàn bộ tiền phạt “cư trú bất
hợp lệ”, lên đến hơn $6000.00 dollars cho nhóm thuyền nhân cuối cùng
này. Đấy là chưa kể đến những cuộc gây quỹ có sự tham gia vô vụ lợi của
các anh chị em nghệ sĩ, và được sự đóng góp,
hưởng ứng từ mọi thành phần khán giả!
Nam Lộc, Trịnh Hội và thiện nguyện viên Đỗ Minh Tâm (Houston, TX)
trong một buổi ăn tối tại Bangkok, Thái Lan
Tờ
mờ sáng Thứ Sáu 23 tháng 9, 2016, trong cơn mưa tầm tã như thác đổ
xuống thành phố Bangkok, tôi
cùng Trịnh Hội và linh mục Peter Namwong cũng như anh chị em tình
nguyện viên đã đến nhà giam di trú (Immigration Detention Center) để đón
họ ra tù! Ngồi trên chiếc xe bít bùng để đi ra phi trường BKK, nét mặt
thuyền nhân nào cũng có một nụ cười thật tươi,
bên cạnh nỗi khổ đau của một số người tỵ nạn thuộc những quốc gia khác
đang bị các sĩ quan di trú Thái Lan áp tải ra phi trường để trục xuất về
lại quê hương mà họ đã bỏ ra đi! Ôi thật là một cảnh tượng xót xa và
kinh hoàng như cơn ác mộng trở về từ gần 30
năm trước đối với các thuyền nhân tỵ nạn VN! Tuy nhiên vào giờ chót 9
trong số 28 thuyền nhân cuối cùng đó cũng vẫn chưa hội đủ điều kiện sức
khỏe và thủ tục phỏng vấn nên đành phải ở lại để chờ chuyến bay sau.
Những “tù nhân hạnh phúc”: Chị Lê Thị Ba đang tươi cười trên xe bít bùng.
Một
mình tôi trên phi cơ cùng đoàn người tỵ nạn, tôi có dịp
chia xẻ về hoàn cảnh của từng thuyền nhân, hầu hết đều vượt biển đến
Thái Lan năm 1989 và trốn trại năm 1996. Gặp chị Lê Thị Ba, người sĩ
quan huấn luyện viên trường nữ quân nhân thuở nào, còn là một phụ nữ trẻ
trung, khỏe mạnh ngày vượt biển, giờ nhìn chị
khác hẳn, nhục nhằn, khổ đau cùng bao nỗi nỗi gian truân trong cuộc
sống lưu lạc không tương lai, không bờ bến đã biến chị thành một người
cao niên gầy yếu! Gặp cô bé Tăng Phannida, 15 tuổi, sinh ra ở Thái Lan
nhưng hãnh diện mang dòng máu của một “người Việt
tự do”. Cháu đã vẽ tặng Trịnh Hội, người LS đã và đang thay đổi toàn bộ
tương lai cùng cuộc đời của cháu và gia đình cháu, hình ảnh chiếc lá cờ
Vàng Ba Sọc Đỏ, bị trói trong một sợi xích, nhưng vừa được cắt đứt, phá
tan, kèm theo câu “Freedom is Not Free”!
Cháu nói đúng, Tự Do không phải tự nhiên mà có, nhưng cái giá tự do mà
cháu cùng những người đồng hành phải trả cũng không thể đo được bằng
tiền, mà bằng tình thương vô bờ của những người Việt Nam tử tế, của
những đồng hương nhân hậu và có lòng, bất chấp những
dèm pha, tỵ hiềm của kẻ tiểu nhân!
Đúng
7:56 phút tối giờ miền Đông Canada cùng ngày, chuyến bay
CX826 của hãng Pacific Airlines hạ cánh xuống phi trường Toronto trong
cái xe lạnh vào Thu của miền Bắc Mỹ qua gần 19 tiếng đồng hồ trên chuyến
bay đầu tiên trong đời của cả 19 người tỵ nạn, nhưng ai cũng cảm thấy
ấm lòng vì họ đã được quốc gia nhân đạo này
mở rộng vòng tay nhân ái nhận cho định cư và được đón chào bởi các
thiện nguyện viên trong nhóm VOICE Canada cùng quý vị đồng hương và
người bảo trợ, tất cả đã phải chờ đợi hơn 3 tiếng đồng hồ bởi thủ tục di
trú và nhập cảnh để đón chào người tỵ nạn. Sau gần
30 năm trôi dạt, lần đầu tiên được chính thức và công khai phất cao lá
cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, bên cạnh quốc kỳ Canada, tất cả đều dạt dào nước mắt
kể cả những đưa bé sinh ra “vô tổ quốc”. Tôi sợ mình cũng sẽ khóc theo
họ nên tìm một góc kín thật riêng tư để ngẫm
lại cuộc đời cùng sự nghiệp của một người may mắn được làm công việc
định cư người tỵ nạn từ hơn 40 năm, mà bây giờ mặc dù đã về hưu gần một
năm qua, nhưng định mệnh hình như vẫn gắn liền tôi với nó. Hay phải
chăng Thượng Đế đã tặng cho tôi cơ hội được giúp
đỡ những thuyên nhân cuối cùng để rồi với đồng bào tôi, chúng ta cùng
nhau khép lại trang sử bi thương của cuộc vượt biển ra đi tìm tự do vĩ
đại nhất trong lịch sử nhân loại!
VOICE Canada và cộng đồng người Việt tại Toronto đón chào các thuyền nhân cuối cùng.
Còn
nhớ mấy hôm trước đây, lúc ngồi trên chuyến bay từ Los
Angeles đến Thái Lan qua ngã Hong Kong, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra gần
nửa chỗ ngồi là người Việt Nam từ Hoa Kỳ về thăm quê hương, ai cũng ngạc
nhiên khi nhìn thấy tôi tưởng là bạn đồng hành và hỏi thăm rối rít
“làm sao mà ông dám về VN”? Tôi nói đùa
“đoán trước chuyện gì sẽ xẩy ra cho nên tôi chỉ mua vé một chiều”! Hình ảnh trên làm tôi làm tôi
chợt nhớ đến một câu hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trong nhạc phẩm “Kinh Khổ”:
“Người về một ngày một đông hơn, người đi càng lúc càng thưa dần”!
Tôi cho ông là một nhà tiên tri về
tương lai của đất nước qua âm nhạc, bởi vì với những biến chuyển đang
diễn ra ở VN hiện nay, mới nhất là sự việc tàn phá các cơ sở tôn giáo và
tiêu hủy ngôi Chùa Liên Trì, là điểm tựa tình thần của hàng trăm ngàn
Phật Tử từ hơn 70 năm qua. Và nếu đúng như
câu thành ngữ được truyền tụng trong dân gian: “Giặc đến Bồ Đề, giặc phải tan”,
thì có lẽ ngày tàn của chế độ CSVN đã điểm. Người Việt tại hải ngoại
chuyển lửa về nước mỗi ngày một đông hơn qua nhiều hình thức, còn người
ra đi tỵ nạn thì hầu như đã chẳng còn, và hy vọng 28 người thuyền nhân
tỵ nạn mà thế giới tự do đang dương tay chào
đón sẽ là nhóm cuối cùng. Vì có biết bao người đã quyết tâm ở lại trong
nước dù đã được các quốc gia tự do đón nhận, như luật sư Lê Thị Công
Nhân, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và
nhiều người ẩn danh khác nữa. Họ quyết định ở
lại, không những để tiếp tục tranh đấu cho một nước VN tự do, dân chủ,
nhân quyền, phi Cộng Sản, mà còn ở lại để giữ nước trước hiểm họa ngoại
xâm, và trước hành động dâng đất, dâng biển cho quan thầy Trung Cộng của
nhà cầm quyền CSVN hiện nay.
Chúng
ta, những người Việt ở hải ngoại có tiếng nói, thì hãy lên tiếng để
tranh đấu, để vận động
và để nói thay cho những người không được nói, “VOICE for the
VOICELESS”! Và xin đồng bào ở trong nước hãy vững niềm tin vì
“người...sẽ cứu người”.
Nam Lộc
(Toronto, mùa Thu 2016)
No comments:
Post a Comment