Năm lên sáu tuổi, mẹ dẫn tôi đi xin học. Ông hiệu trưởng trường đó chê tôi bé, không nhận. Tôi lại tha thẩn chơi ở nhà một năm. Năm sau, đến lượt bố tôi đưa con đi. Vẫn ông hiệu trưởng ấy, vẫn Ban Giám hiệu ấy chê tôi “còi”, không nhận. Bố tôi đưa giấy khai sinh cho họ xem. Ông ta chê tên tôi xấu và phán:*
*- Chắc là khai man tuổi. Tôi nhìn nó bé thế này, cùng lắm là năm tuổi, chứ
bẩy tuổi gì mà bé như cái kẹo mút dở.*
*Bị vu vạ là “khai man” tuổi cho con, bố tôi tức lắm:*
*- Giấy trắng mực đen có đóng dấu nhà nước đàng hoàng mà ông vẫn nói khai
man.*
*Rồi bố tôi ấm ức bỏ về. *
*Hôm sau, mẹ tôi cùng mấy cô hàng xóm mang giấy khai sinh và hồ sơ xin học
đến trường. Giấy trắng mực đen, dấu đỏ của nhà nước họ không tin. Họ tin
mấy người hàng xóm làm chứng cho cái sự bẩy tuổi của tôi.*
*- Nếu thầy không nhận thì cháu nó thất học. Năm ngoái tôi đã đến xin một
lần rồi. Cháu nó đi học năm nay là thiệt mất một năm. Mẹ tôi nài nỉ.”.*
Đấy là câu chuyện đi học của tôi, đã được kể trong bài viết “*Chút kỷ niệm
nhân ngày giỗ Bố cách đây gần hai năm. Dù chậm mất một năm, nhưng tôi vẫn được đi học.
Nhà nghèo, bố mẹ tôi phải chật vật chạy ăn từng bữa cho con đi học. Nhưng
tôi cũng không tránh được cảnh bị cô giáo bêu tên trước lớp vì tội chậm
đóng tiền học. Thế mà rồi cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Năm mười tám
tuổi, tức là lúc đang học lớp mười một thì tôi nghỉ. Không phải mải chơi,
mà vì tôi bị ốm. Một trận ốm thập tử nhất sinh khiến tôi phải nghỉ học mất
vài tuần. Hổng kiến thức, với lại bố mẹ tôi cũng không còn lo nổi cho con
đi học sau khi đã thuốc men chạy chữa. Tôi nghỉ một lèo sáu năm trời để đi
làm phụ giúp bố mẹ.
Sáu năm sau, tôi xin vào Trung tâm Giáo dục Thường xuyên học lại chương
trình lớp mười một. Lúc này, tôi vừa đi làm, vừa đi học nên không phải xin
tiền bố mẹ nữa. Tôi tốt nghiệp Bổ túc Văn hóa khi đã hai mươi lăm tuổi.
Tôi bối rối lắm (và không vui nữa) khi thỉnh thoảng vẫn có người nhầm và
hỏi tôi có phải là giáo viên, nhà văn hoặc luật sư không, bằng thái độ khá
trịnh trọng. Giáo viên, luật sư, nhà văn khỉ gì tôi. Tôi là công nhân dệt
len, đến khi nhà máy phá sản tôi đi làm nghề quét dọn vệ sinh để kiếm sống.
Chấm hết. Lý lịch tôi chỉ thế thôi. Tôi đã bộc bạch điều này ngay trong bài
viết đầu tiên công khai trên mạng hồi tháng 9/2007 rồi.
Cái sự học của tôi ngắn ngun ngủn không bằng một đường chỉ trong lòng bàn
tay. Bạn bè tôi hồi ấy khối đứa phải bỏ giữa chừng vì không có tiền theo
học tiếp. Câu chuyện thất học tưởng đã lùi vào dĩ vãng, vậy mà vẫn tươi rói
cho đến ngày hôm nay. Khốn nạn, cái tiền đồ tối thui, mờ mịt ấy sẽ truy
cùng đuổi tận tới tương lai, không biết bao giờ mới chấm dứt.
Bây giờ, chắc không còn mấy trường hợp phải “tha thẩn chơi ở nhà một năm”
như tôi chỉ vì bị ông thầy Hiệu trưởng chê bé, chê còi nữa. Cũng không cần
phải kéo hàng xóm đi theo để làm chứng rằng đứa trẻ đã thừa tuổi đến
trường. Đến tuổi đi học, bé hay còi đều nhận hết. Miễn là bố mẹ cứ nộp được
hồ sơ xin học cho con, cốp đủ tiền cho nhà trường là xong. Cho dù để nộp
được hồ sơ xin học, ngay từ đêm hôm trước, nhiều ông bố bà mẹ phải mang
chiếu, võng, ghế bố, áo mưa... để cố thủ trước cổng trường, hy vọng sẽ đặt
được chỗ xin học cho con dù sáng -thậm chí chiều- hôm sau mới mở cửa tuyển
sinh.
Đấy là chưa kể xin học trái tuyến, phụ huynh phải đăng ký trước ngày khai
giảng mấy tháng trời. Phải nhờ vả, chạy chọt và trải qua nhiều chủ tục hành
(là) chính vô cùng nhiêu khê. Phải tốn nhiều công sức, thời gian đi lại,
hao tổn tinh thần và tốn tiền. Ở Hà Nội, Sài Gòn, việc xin học trái tuyến
tốn mười mấy gần hai mươi triệu cho trẻ vào lớp một. Đành ngậm ngùi, vì bố
mẹ ở đâu con ở đấy. Công việc ở thành phố, chả lẽ tống con về quê hoặc về
tỉnh khác cho người nhà nuôi để chúng đi học.
Chẳng có xứ nào mà cái sự đi học lại gian truân đến thế. Nhưng gian truân
mà được đi học, kể cũng bớt tủi. Tủi nhất là những đứa trẻ đang sống bình
yên bên cha mẹ, đang được tung tăng đến trường bỗng nhiên phải nghỉ học,
ngơ ngác và buồn rười rượi. Đọc đến đây chắc các bạn biết tôi đang nhắc đến
thảm họa môi trường với hung thủ là Formosa và những kẻ tòng phạm.
Biển miền Trung không còn cưu mang cuộc sống của những ngư dân nghèo Việt
Nam được nữa.
Tôi ấn tượng với quan điểm của ông PGS-TS Nguyễn Chu Hồi (Nguyên phó Tổng
cục trưởng Biển Đảo) rằng *“nghề cá đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và hàng
triệu ngư dân rơi vào cảnh khốn khó do Trung Quốc đang huỷ hoại Biển Đông
không thương tiếc”.*
Đằng sau hàng triệu ngư dân ấy là nhiều hơn con số “hàng triệu” đứa trẻ
thất học và phải sống khổ sở, cơ cực hơn cả cha mẹ chúng.
Trong bài viết *“Formosa: Cú lừa vĩ đại của Ba Đình và thủ đoạn thâm độc
của Bắc Kinh”đăng trên Dân Làm Báo hôm 1/9/2016, Blogger Vũ Đông Hà đã đưa ra quan điểm *“Formosa là phương tiện, Bắc Kinh là thủ phạm, Ba Đình là đồng phạm.” *
Blogger này cũng kết luận: *“Từ nguyên nhân giả dối là công ty Đài Loan
Formosa vi phạm xả thải và chủ trương ngăn chặn, kiểm soát công ty này
trong quá trình xử lý chất thải sang đến nguyên nhân thật sự và thủ đoạn
thâm độc của Bắc Kinh cho chúng ta thấy thảm hoạ Vũng Áng chỉ là màn khởi
đầu. Nếu đảng cộng sản vẫn tiếp tục độc tôn lãnh đạo và cai trị, những cú
lừa vĩ đại do Ba Đình dàn dựng sẽ tái diễn; thủ đoạn thâm độc của Bắc Kinh
sẽ trở thành một chiến dịch diệt chủng dài hạn. Và đất nước, con người Việt
Nam sẽ trở thành những vùng đất chết, biển chết, những con người bệnh tật,
ngắc ngoải theo số phận bi đát của dân tộc.”*
Khi mạng sống, giống nòi còn không giữ được thì chuyện học hành đâu còn cơ
hội để bàn tới.
Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment