Saturday, February 15, 2014

Đôi dòng gửi cựu tù nhân Chu Mạnh Sơn


Chào Sơn, lời đầu tiên tôi xin gửi lời chúc mừng Sơn đã thoát ra khỏi nhà tù nhỏ, xin chúc cho Sơn luôn luôn vững tinh thần hơn nữa trên con đường mà Sơn đang đi.

Tôi là một người rất ngưỡng mộ Sơn và một số anh em ở Vinh, đã dấn thân hết mình, không cúi đầu trước gông cùm cộng sản. Phải nói rằng tôi khâm phục các bạn. Vừa qua, nghe tin Sơn ra tù, tôi rất đỗi vui mừng, nhưng trong cái mừng lại có cái lo, tôi lo vì suốt 2 năm qua, Sơn đã bị tách biệt với xã hội, và trong suốt 2 năm đó, xã hội cũng đã đổi thay rất nhiều. Phải khẳng định chắc chắn là đã đổi thay rất nhiều, và không biết Sơn có thể bắt kịp được hay không?

Có lẽ đó chỉ là một cái lo thừa thải, nhưng cũng chỉ tại tôi là con người hay lo mà. Sơn à, tôi và bạn, đều là những người trẻ, là con dân Việt Nam, chúng ta đều có những nỗi thao thức với tiền đồ của dân tộc và hẳn ai cũng muốn góp sức mình trong công cuộc đấu tranh để giúp cho Việt Nam thay da đổi thịt, sớm được lật sang một trang sử mới, điều đó nó đã được Sơn chứng minh qua những việc làm và những năm lao tù mà Sơn đã phải gánh lấy. Thế hệ của Sơn đã tạo ra được một cú hích để đóng góp vào phong trào đấu tranh tại Vinh. Tuy chưa làm được gì nhiều thì đã bị vào chốn lao tù, nhưng các bạn đã trở thành những viên gạch lót đường để thế hệ trẻ đi sau bước tiếp những bước đi của các bạn. Đó là một điều đáng mừng.

Tôi cũng rất vui mừng nữa là sau khi ra tù, tinh thần và ý chí của Sơn vẫn rất cao, Sơn sẵn sàng để tiếp tục dấn thân vào con đường đấu tranh. Sơn ạ, đó là điều rất tốt, nhưng tôi nghĩ, ngoài ý chí ra, mình cũng nên dùng trí khôn ngoan của mình để định hướng đấu tranh cho mình, tôi nói như vậy, không có ý muốn ngăn chặn con đường mà Sơn đang đi. Tôi chỉ thấy rằng, thời gian cách đây 3 năm, những phong trào đấu tranh vẫn còn yên ắng lắm, vẫn còn ít ỏi lắm. Nhưng giờ đây, trong thời gian Sơn ở sau song sắt, thì ở ngoài xã hội, phong trào đấu tranh đã nổ ra khắp mọi miền đất nước, với nhiều nhóm hội, với nhiều hướng đi, nhiều cách đấu tranh, nhiều lĩnh vực khác nhau... Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, giờ đây trước mắt Sơn đang có nhiều lựa chọn, nhiều con đường để Sơn có thể đi, mà con đường nào cũng dẫn đến một mục đích là giúp cho đất nước thay da đổi thịt.

Qua một thời gian dài Sơn cách biệt với xã hội, giờ đây, tôi nghĩ rằng Sơn khoan vội tiếp tục. Tốt nhất, Sơn nên dừng lại để nhận định dòng chảy của xã hội, để rồi mình có một hướng đi, một con đường đấu tranh mà thích hợp với mình, đúng với nguyện vọng và tư tưởng của mình. Bạn hãy tưởng tượng đơn giải rằng. Bạn bị bịt mắt ở trong bóng tối khoảng 2h và sau đó người ta sẽ đưa bạn ra ánh sáng mặt trời, cởi khăn bịt mắt cho bạn, vậy bạn có nhìn được ngay không?

Không hề, bạn sẽ phải mất một vài phút để làm quen với ánh sáng. Và việc này cũng vậy, bạn cũng nên cần có một thời gian, để xem, để xét và chọn cho mình một lựa chọn đúng đắn, để rồi khi bạn cảm thấy đủ tự tin, sẵn sàng để chọn cho mình một hướng đi thì lúc đó vẫn chưa muộn. Trong thời gian này, bạn cũng nên trang bị cho mình nhiều hơn nữa những kiến thức mà lâu nay bạn chưa bắt kịp được, còn nếu bạn vội vàng vào cuộc thì cũng giống như một người lính ra trận mà không mang theo vũ khí, còn đối phương thì mang đầy đủ vũ khí mềm và cứng. Như vậy chắc chắn bạn sẽ thua.

Đó là những điều tôi thao thức về Sơn với tư cách là một người ngưỡng mộ Sơn, bởi vì trên cương vị là một người đứng từ ngoài nhìn vào, với cái nhìn khách quan, tôi nhận thấy rằng, có nhiều tổ chức, hội nhóm, đảng phái đang muốn tìm kiếm nhân lực, và có thể Sơn cũng là một đích đến của họ. Tôi không có ý ngăn chặn Sơn tham gia một đảng phái hay hội nhóm nào, vì đó là quyền tự do của Sơn, tôi chỉ muốn Sơn hãy bình tĩnh, Dừng lại để đưa ra cho mình một quyết định đúng đắn, đừng vội vàng. Vì giờ đây có rất nhiều con đường để Sơn lựa chọn.

Với những tâm tư trên, tôi xin được gởi đến Sơn - Một người bạn của tôi.

Vinh, 15.2.2014


Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận - Freespeech4vietnam

Níck Lý Đức Hùng & Hận Cộng Sản Vì Công Lý sưu tầm từ DLB

No comments:

Post a Comment