Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Nguyễn Văn Linh là người được đảng cộng sản che đậy bằng mỹ từ “Đổi mới” và “những việc cần làm ngay”. Nhưng cũng giống như Võ Văn Kiệt, chính Nguyễn Văn Linh là người tạo nên cái cũi màu đỏ để rồi lừa dối nhân dân là “phá cũi”. Và quan trọng hơn. Nguyễn Văn Linh là kẻ bán nước. Trong bài viết này sẽ cho thấy những điều đó là sự thật.
I. Nguyễn Văn Linh và “giải pháp đỏ”:
Nguyễn Văn Linh |
Theo sách vở của cộng sản cho biết về tiểu sử Nguyễn Văn Linh như sau:
“Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915 trong một gia đình công chức tại Hà Nội, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tham gia Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo, từ lúc 14 tuổi. Ngày 1-5-1930, khi rải truyền đơn chống đế quốc, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động trong công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội và được kết nạp vào đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1939, đồng chí được đảng điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành đảng bộ thành phố. Cuối năm 1939, đồng chí được Trung ương cử ra miền Trung công tác nhằm lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.
Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, chúng đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được đón về Nam Bộ hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo kháng chiến với các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1947, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Xứ ủy Nam Bộ, năm 1949, đồng chí tham gia Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1976, đồng chí được cử làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của đảng (12-1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Từ tháng 4-1977, đồng chí thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để giữ các chức vụ Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Từ cuối năm 1980 đến cuối năm 1981, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện nghị quyết của đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam.
Tháng 12-1981, đồng chí được phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tháng 6-1986.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của đảng (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 6-1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương đảng và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của đảng (12-1986), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) và lần thứ VIII (6-1996) của đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Đồng chí từ trần ngày 27-4-1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của đảng và cách mạng Việt Nam. Là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng ầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng Trung ương đảng triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, làm xoay chuyển tình thế, đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.” [1]
Cũng giống như rất nhiều lãnh đạo cộng sản khác, trong phần lý lịch không có phần học vấn lúc ban đầu tương tự như Đỗ Mười, Nguyễn Tấn Dũng vv… Nguyễn Văn Linh cũng không là ngoại lệ.
Theo thông tin lề đảng về lý lịch, thì Ngày 1-5-1930, Nguyễn Văn Linh bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo, tức là năm Linh 14 tuổi. Có một điều cần phải nhớ là điều luật của nước Pháp không xử tù tuổi vị thành niên. Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang, sinh năm 1913, hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, bị bắt 1930, năm 1931, khi ra tòa đã 17 tuổi, vẫn được tha bổng vì còn vị thành niên. Nguyễn Văn Linh khi ra tòa mới 14 tuổi 10 tháng, mà bị xử tù chung thân là một điều cần phải xem xét lại vì cộng sản vốn khai man lý lịch.
Nguyễn Văn Linh đến thăm một xí nghiệp
Năm 1976, Nguyễn Văn Linh lại được làm Bí thư Thành ủy thành phố Sài Gòn (Nay đã bị đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh), Võ Văn Kiệt làm Phó bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhận dân thành phố. Chưa đầy một năm, ngày 20 - 12-1976, tại Đại hội đảng Toàn quốc lần thứ IV, Nguyễn Văn Linh được bầu tiếp vào Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ chính trị, và Ban bí thư Trung ương, nhưng phải nhường chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho ông Võ Văn Kiệt, Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị.
Nguyễn Văn Linh được phân công làm Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa, Trưởng ban Dân vận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, và Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam. Ba cái ghế ấy không thể so sánh với cái ghế Bí thư Thành ủy Sài Gòn.
Nhưng tất cả tội lỗi của Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ việc xác quyết trong hội nghị Thành Đô, Trung Cộng từ 3 đến 5-1990.
Từ đầu năm 2004, giới cán bộ ngoại giao rồi giới trí thức ở Việt Nam đã chuyền tay nhau tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao. Tập hồi ký 82 trang (khổ A4, viết xong lần thứ nhất năm 2001, hoàn thành tháng 5-2003) chưa được xuất bản công khai. Với nội dung phong phú, chính xác và trung thực, tác giả cung cấp những thông tin quý hiếm về những vấn đề Việt Nam đương đại.
Tác giả làm việc ở Bộ ngoại giao từ năm 1954. Năm 1968 ông tham gia Hội nghị Paris (1968-1973), cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1975-1978) và các cuộc thương lượng giải quyết vấn đề Campuchia (thập niên 80-90 thé ký 20). Năm 1991, được đề nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch, ông viện lý do “sức khỏe” để từ chối. Cuối năm 1993, ông xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng. [2]
Hồi Ký Trần Quang Cơ
Theo ông Trần Quang Cơ, ngày 29-8-1990, đại sứ Trung Cộng Trương Đức Duy, gặp Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội, chuyển thông điệp của Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, và Lý Bằng, Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc, mời Nguyễn Văn Linh, Đổ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung cộng ngày 30-9-1990 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hòa quan hệ hai nước.
Trương Đức Duy nói mập mờ rằng, Đặng Tiểu Bình có thể gặp Phạm Văn Đồng, và lấy cớ Bắc Kinh đang tổ chứ Á vận hội ASIAD, sợ lộ bí mật nên phải gặp nhau ở Thành Đô.
Đây là chuyện rất đột ngột, bởi mới 5 ngày trước, Trung Cộng khăng khăng không muốn bàn chuyện bình thường hóa, mà đòi phải giải quyết vấn đề Campuchia trước. Theo Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng ngoại giao nhận định: “Sự thay đổi đột ngột của Trung Cộng là do họ cần thực hiện 4 hiện đại hóa, nhưng bị Mỹ, Nhật, Liên Xô và các nước cấm vận sau vụ đàn áp Thiên An Môn, nên phải tìm cách thoát ra. Bên cạnh đó, Trung Cộng thấy Mỹ, Nhật, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN, tỏ thái độ thân thiện với Việt Nam, nên muốn phá ta”.
Nhưng quan điểm của Nguyễn Văn Linh lại khác. Ông ta triệu tập họp Bộ chính trị và cho ý kiến: “Tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa!”
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, đặc biết là Rumani mà Nguyễn Văn Linh vừa thăm đã tác động rất lớn tới ông ta, lảm cho Nguyễn Văn Linh quyết định đi theo Trung công – kẻ thù ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Mặc dù Nguyễn Cơ Thạch, Võ Chí Công, Trần Xuân Bách can ngăn, nhưng Nguyễn Văn Linh không nghe, vẫn giữ quan điểm: “Hợp tác với Trung Quốc, bảo vệ XHCN chống đế quốc!”.
Nguyễn Văn Linh đã bị ám ảnh bởi cái gọi là “Diễn biến hòa bình” và say mê mật ngọt của Trung Cộng “16 chữ vàng”, “4 tốt” tại Hội nghị Thành Đô. Quan điểm theo Tàu của Nguyễn Văn Linh được Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Đào Duy Tùng. . . ủng hộ.
Và thế là, ngày 2-9-1991, dù đang kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 45 năm, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng vẫn đi Thành Đô, với sự tháp tùng của Hồng Hà, Chánh văn phòng Trung ương đảng và Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng ngoại giao. Nguyễn Văn Linh không cho Nguyễn Cơ Thạch đi, vì Nguyễn Cơ Thạch không đồng quan điểm, Trung Quốc không thích Nguyễn Cơ Thạch.
Vấn đề Campuchia, Trung Cộng vẫn giữ thái độ như ngày 24-8-1990, đòi cấu trúc thành phần chính phủ hòa hợp dân tộc Campuchia theo công thức: 6+2+2+2+1 (6 người phe chính phủ Hun sen, 2 người phe Khmer đỏ, 2 người phe Hoàng gia, 2 người phe đảng dân chủ, và Sihanouk). Điều này hoàn toàn trái với công thức: 6 2 +2 +2 mà Hun Sen và Sihanouk đã thỏa thuận tại Tokyo.
Ông Trần Quang Cơ viết: “Hội nghị Thành Đô có 8 điểm, hai điểm về quốc tế, 5 điểm về Campuchia, chỉ có một điểm về Việt Nam. Nguyễn Văn Linh nêu ‘Giải pháp Đỏ’, Trung Quốc hoan nghênh nhưng không mặn mà !”.
Cái gọi là “Giải pháp Đỏ” của Nguyễn Văn Linh là “Kéo Trung Quốc lại, thay thế Liên Xô, làm chỗ dựa vũng chắc bảo vệ phe Xã hội chủ nghĩa!”. Nguyễn Văn Linh mê muội phe chủ nghĩa xã hội, tìm mọi cách bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, quên quyền lợi và danh dự của dân tộc mình để đến nỗi Việt Nam chúng ta ngày nay đang đi theo vết xe đổ của việc mất nước.
Khi Trung Quốc đưa công thức 6+2+2+2+2+1 ra, Phạm Văn Đồng nhắc Nguyễn Văn Linh thận trọng. Phía Trung Cộng liền mời Phạm Văn Đồng ra chỗ khác để Nguyễn Văn Linh ký. Phạm Văn Đồng đã thấy nguy, nhắc Nguyễn Văn Linh sửa sai, nhưng Nguyễn Văn Linh nói: “Không sao đâu!”.
Cũng theo Trần Quang Cơ thì: “Từ Thành Đô về, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh sang Campuchia gặp Hengsomrin và Hunsen trao đổi về Hội nghị Thành Đô, họ không chấp nhận công thức ấy và nói thẳng Việt Nam, Trung Quốc không có quyền can thiệp vào Campuchia. Xương máu của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ quân đội ta đổ trên chiến trường Campuchia đã bị Nguyễn Văn Linh bán rẻ cho Trung Quốc!”
Trung Cộng nói giữ bí mật Hội nghị Thành Đô nhưng chính họ thông báo cho thế giới biết toàn bộ nội dung cuộc “họp bí mật” đó. Tờ Bangkok Post và tờ Tạp chí kinh tế Viễn Đông, ngày 4-10-1990, đăng bài bình luận “Củ cà rốt và chiếc gậy” nói Việt Nam đã nhượng bộ nhiều hơn làm vừa lòng Trung Cộng.
Nguyễn Văn Linh đã thất bại trong sách lược “Giải pháp Đỏ”, bị Trung Cộng ra khỏi các mối quan hệ với phương Tây với nhiều mở hướng tốt đẹp cho sự nghiệp đổi mới, chỉ vì nghe Trung Quốc xúi cho bùi tai là làm thành trì bảo vệ Xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác Nguyễn Văn Linh đã bán nước
Theo ông Trần Quang Cơ: “Sở dĩ ta bị mắc lừa ở Thành Đô vì chính ta lừa ta! Ta ảo tưởng Trung Quốc giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và XHCN thế giới, chống lại hiểm họa “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Sai lầm đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm: Giải pháp Đỏ”.
Nguyễn Cơ Thạch nói: “Trung Quốc đã sử dụng Hội nghị Thành Đô để phá mối quan hệ Việt Nam với các nước, chia rẽ nội bô ta, kéo lùi tiến trình đổi mới của ta!”
Theo quan điểm gọi là “giải pháp đỏ” thì Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Âm mưu đế quốc Mỹ chống phá xã hội chủ nghĩa ở châu Á, cả Cu Ba. Nó đã phá Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn rồi, nay chuyển sang phá ta!”. Và theo quan điểm của Nguyễn Văn Linh thì: “Dù Trung Quốc bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước Xã hội chủ nghĩa!”.
Từ Hội nghị Thành Đô trở về hình như Nguyễn Văn Linh là một con người khác. Ngày 28-8-1990, tuyên bố chấm dứt “Những việc cần làm ngay”. Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan, Đỗ Mười đánh dập vùi Trần Xuân Bách, một người được coi là có trí tuệ và có tư tưởng tiến bộ lúc đó. [3]
Để thấy rõ hơn vai trò của Nguyễn Văn Linh và đồng bọn dưới cái tên “Giải pháp đỏ” mà sau này chúng ta nhận ra đó là một trò mèo bán nước không hơn không kém.
Trong một bài viết ca ngợi Nguyễn Văn Linh trên báo đảng. Các quan chức cộng sản thi nhau bốc thơm Nguyễn Văn Linh: “Đại tướng Lê Văn Dũng, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trình bày tham luận nhấn mạnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh với đảng và dân tộc là rất to lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trải qua nhiều cương vị khác nhau ở địa phương và cơ quan Trung ương, dù ở đâu và làm việc gì đồng chí cũng đem hết sức lực, trí tuệ để cống hiến cho đảng và nhân dân; đặt lợi ích của Cách mạng lên trên lợi ích cá nhân; luôn trau dồi kiến thức và lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí; quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng.
GS. TS Lê Hữu Nghĩa phát biểu đề dẫn hội thảo khẳng định: Đồng chí Nguyễn Văn Linh là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một người lãnh đạo uy tín lớn của đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế”. [4]
Nhưng có một sự thật không thể khỏa lấp đó là: Ai được đảng ca ngợi là “học trò xuất sắc” của Hồ Chí Minh và “Kiên định theo đường lối đảng” thì dứt khoát đó là những kẻ bán nước. Và đó chính là sự thật sẽ được chứng minh dưới đây
II. Tội đồ bán nước:
Lịch sử đã cho thấy Nguyễn Văn Linh chính là một kẻ có chủ trương bán nước và làm nô lệ cho Tàu theo con đường Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Điều đó là hoàn toàn không thể chối bỏ. Ngày nay nhiều tài liệu được bạch hóa đã chỉ ra điều đó. Và những sự thật đó sẽ được gửi tới bạn đọc ngay dưới đây. Trước đó, xin quý bạn đọc tìm đọc lại “Những sự thật cần phải biết” – Phần 23 để thấy rõ đường dây và tiến trình bán nước của cộng sản gồm: Phiêu, Linh, Khải, Kiệt, Mười, Mạnh vv… Ở đây chỉ xin tóm tắt một số sự kiện chính để thấy rõ bộ mặt bán nước của Nguyễn Văn Linh.
Thứ nhất, Hãy đọc những đoạn “hồi ký” của đại sứ Trung cộng Trương Đức Duy tại Hà Nội cùng thời điểm với vụ bán nước của Nguyễn Văn Linh và đồng bọn để thấy dã tâm của cộng sản Việt Nam (Bản tiếng Việt của dịch giả Quốc Thanh)
Trước hết là những cuộc gặp bí mật giữa Lê Đức Anh với đại sứ Tầu Trương Đức Duy và giữa TBT Nguyễn Văn Linh với Trương Đức Duy do chính sứ Tầu viết. Trong hồi ký còn có những tên Việt gian dắt mối nguy hiểm như Thiếu Tướng Vũ Xuân Vinh cục trưởng cục đối ngoại Bộ quốc phòng (sau này được phong Trung Tướng) và Hoàng Nhật Tân con trai Hoàng Văn Hoan. Dấu mốc thời điểm này, Trương Đức Duy viết: “Tháng 4 năm 1989, tôi nhận nhiệm vụ làm Đại sứ tại Việt Nam, gánh trên vai một sứ mệnh quan trọng, đó là quán triệt phương châm mà Trung ương đã định ra là: Trước hết, Việt Nam phải thực sự rút sạch quân ra khỏi Campuchia, thực sự giải quyết công bằng vấn đề Campuchia theo chủ trương của cộng đồng quốc tế, thực sự thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, thì mới có thể gạt bỏ được mọi trở ngại mà khôi phục lại mối quan hệ bình thường Trung-Việt, đây chính là then chốt…. Cần thấy rằng, điều kiện lúc này đã cơ bản đầy đủ. Nhưng, qua một thời gian tìm tòi và làm việc kể từ khi tới nhậm chức, tôi cảm thấy muốn giải quyết được hai vấn đề đại sự này vẫn còn những khó khăn không nhỏ, nguyên nhân là do tàn dư thế lực của Lê Duẩn vẫn còn gây quấy nhiễu từ nhiều phía, mối quan hệ Trung-Việt vẫn còn ở trạng thái đối lập và đối kháng, tranh chấp biên giới vẫn còn xảy ra đôi lúc; giữa hai nước ngoài quan hệ ngoại giao ra, mọi mối quan hệ khác đều đã bị đoạn tuyệt… Song, vũ đài ngoại giao rất rộng lớn, tôi đã mở hoạt động bằng nhiều phương thức, tận dụng hết những mối quan hệ cũ, tới thăm khắp những người lãnh đạo các cấp các ngành để làm việc xoay quanh các vấn đề nói trên. Trải qua bao nỗ lực, tuy cũng có được một vài tiến triển, nhưng Nguyễn Cơ Thạch khi ấy là Ủy viên Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao lại đang nắm đại quyền ngoại giao của Việt Nam. Tôi đã nhiều lần bàn bạc trao đổi với ông ta về vấn đề Campuchia nhưng không bao giờ tới nơi, vấn đề mấu chốt vẫn chưa giải quyết được. Thời gian đã trôi qua 1 năm, làm thế nào bấy giờ? Lúc này tôi cân nhắc đến việc phải tìm cách thâm nhập chuyện trò với những người lãnh đạo cấp cao hơn bên phía Việt Nam. Vì thế, tôi nghĩ đến Nguyễn Văn Linh đang giữ chức Tổng bí thư Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, trong thời kì Đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam từng bí mật tới thăm Trung Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo chủ yếu của Miền Nam Việt Nam, khi gặp mặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh, tôi từng đảm nhận vai trò phiên dịch cho ông ta, ông ta chắc vẫn còn nhớ tôi, thế là tôi bày tỏ ý muốn được tới thăm ông thông qua bạn bè. Quả nhiên không lâu sau, Nguyễn Văn Linh đã tiếp tôi vào ngày 5 tháng 6 năm 1990. Khi gặp mặt, ông bắt tay tôi rất lâu và nhiệt tình, tỏ ra hết sức thân thiết. Tự đáy lòng, ông vẫn nhớ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước hai đảng trong quá khứ, đồng thời bày tỏ hết sức trân trọng mối tình hữu nghị tốt đẹp Việt-Trung, hi vọng mối quan hệ này sẽ được khôi phục trong thời gian sớm nhất…”
Trương Đức Duy viết tiếp: “Nguyễn Văn Linh nói, ông cũng có nguyện vọng giống như lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ, để đích thân trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về những vấn đề cùng quan tâm. Ở lần gặp mặt này, vì có nhiều người đi theo cùng có mặt, nên Nguyễn Văn Linh chưa bàn sâu đến vấn đề Campuchia và quan hệ giữa hai nước. Nhưng sau đó, mọi việc đã có bước tiến triển mới…. Tối ngày 13 tháng 8, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho xe tới đón tôi đến nhà ông nói chuyện một tiếng đồng hồ, hỏi thăm kỹ lưỡng về tình hình sinh hoạt và sức khỏe của bố tôi, hết sức thân thiết. Tổng bí thư còn nói, ông muốn được gặp Đại sứ Trương lần nữa, nhưng Bộ ngoại giao nói chưa cần và đã ngăn lại. Vì thế, ông ấy nhờ tôi ghi lại một lời nhắn. Khi Tổng bí thư nói, tôi đã ghi lại hết sức tường tận. Cuối cùng còn đọc lại một lượt và đã được sự xác nhận của ông ấy”. Sau đó, Hoàng Nhật Tân trịnh trọng chuyển cho tôi lời nhắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nội dung chủ yếu như sau: “Tháng 10 năm ngoái, đồng chí Khải Sơn đã chuyển đến tôi lời thăm hỏi của đồng chí Đặng Tiểu Bình và lòng mong mỏi sớm được thấy sự bình thường hóa mối quan hệ Trung-Việt của đồng chí Đặng Tiểu Bình, tôi nghe thấy rất phấn khởi. Tôi cũng tha thiết mong mỏi mối quan hệ tốt đẹp Việt-Trung có thể được khôi phục trong nhiệm kì Trung ương khóa 6 đảng cộng sản Việt Nam do tôi chủ trì, để mở đầu một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước khi tiến hành Đại hội 7 của đảng cộng sản Việt Nam… Tôi muốn nói một cách thẳng thắn rằng, sở dĩ trở ngại về vấn đề Campuchia cứ bị kéo dài chưa được giải quyết là vì có những người trong đảng luôn làm sai lệch sự việc, chưa quán triệt được tinh thần chủ yếu của Trung ương. Tôi hi vọng phía Trung Quốc cho mời tôi và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười cùng Cố vấn Phạm Văn Đồng tới thăm Trung Quốc theo con đường nội bộ, để trao đổi trực tiếp và sâu hơn với lãnh đạo Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề Campuchia…, tin rằng những vấn đề này nhất định sẽ được giải quyết thật tốt, từ đó mà thực hiện được bình thường hóa quan hệ hai nước Việt-Trung. Tôi sẽ đi theo con đường của Hồ Chủ tịch, vun đắp tình hữu nghị. Sau khi đã chăm chú nghe lại lời nhắn từ Nguyễn Văn Linh, tôi nói với Hoàng Nhật Tân: ”Tình hữu nghị Việt-Trung tốt đẹp, bảo vệ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và những lợi ích cách mạng chung giữa hai nước Việt-Trung, sẽ đi tiếp một cách kiên định không lay chuyển. Nếu có cơ hội, nhờ anh chuyển lời lại cho đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh rằng tôi hiểu được ý tứ và nỗi lòng của ông ấy, tôi sẽ báo cáo ngay với Trung ương chúng tôi. Tiễn chân Hoàng Nhật Tân xong, tôi quay về phòng làm việc suy nghĩ mãi về một vấn đề. Ngày 5 tháng 6, tôi từng báo cáo về trong nước là khi Nguyễn Văn Linh gặp tôi có đề xuất yêu cầu được đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ.”
Thứ hai, Để vấn đề được minh bạch sáng tỏ, hãy tiếp tục đọc cuốn “Hồi ký Trần Quang Cơ” của ông Trần Quang Cơ, nhân chứng lịch sử giữ vai trò quan trọng trong Bộ Ngoại Giao của cộng sản Hà Nội vào thời điểm đó. Về vai trò làm đầu sai trong việc đưa nước ta vào tròng ách nô lệ giặc phương Bắc của Nguyễn Văn Linh, Ông Trần Quang Cơ viết:
“Ngày 5. 6. 90, vài ngày trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, TBT Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương đảng ói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, như để chấp nhận lời phê bình của Đặng (nói qua Kayson), Nguyễn Văn Linh nói: "Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa". Anh sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để "bàn vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa xã hội" vì "đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. . . chúng âm mưu diễn biến hoà bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì XHCN, nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội. . . Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay... Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin.”
Ngoài ra Trần Quang Cơ còn cho biết rất rõ về “giải pháp đỏ” mà Nguyễn Văn Linh và đồng bọn muốn làm nô lệ cho Trung cộng “Sáng 6. 6. 90, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên không cần có người làm phiên dịch. Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19. 6 trong cuộc họp BCT để đánh giá cuộc đàm phán 11-13. 6 giữa tôi và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy. Còn đại sứ Trung Quốc cho anh Ngô Tất Tố, Vụ trưởng vụ Trung Quốc biết là trong cuộc gặp ông ta ngày 6. 6, anh Lê Đức Anh đã nói khá cụ thể về "giải pháp Đỏ": Sihanouk sẽ chỉ đóng vai trò tượng trưng, danh dự, còn lực lượng chủ chốt của hai bên Campuchia là lực lượng Heng Somrin và lực lượng Polpot, Trung Quốc và Việt Nam mỗi bên sẽ bàn với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để hai bên gặp nhau giải quyết vấn đề. Địa điểm gặp nhau có thể ở Việt Nam, có thể ở Trung Quốc, nhưng ở Trung Quốc là tốt hơn cả. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại giao vẫn như thường... Ngày xưa Polpot là bạn chiến đấu của tôi...”
Thứ ba, cũng vẫn là hồi ký của sứ Tầu Trương Đức Duy tại Việt Nam. Nhưng lần này chính Lê Đức Anh cũng đã xác định tư tưởng bán nước của mình và Linh với Trương Đức Duy. Hãy chú ý lắng nghe đoạn sau:” Sau đó tôi nhắc đến lời nhắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã được ghi lại gửi cho tôi, tôi cảm thấy hết sức quan trọng, cho nên mong được gặp riêng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để trực tiếp lắng nghe ý kiến của Tổng bí thư, đồng thời tôi cũng có một vài điều nữa cần nói với Tổng bí thư.
Tôi nói, hiện giờ mà thông qua con đường khác sẽ có khó khăn, cho nên xin phiền đồng chí Đại tướng giúp cho. Lê Đức Anh nói rất thoải mái:
“Đây quả thực là việc hết sức quan trọng, hôm nay tôi sẽ báo cáo lại yêu cầu của Đại sứ với Tổng bí thư”.
Tiếp đó, Lê Đức Anh cũng nói về hai quan điểm, đại ý là:
Thứ nhất, nhấn mạnh Nguyễn Văn Linh rất có tình cảm với Trung Quốc, luôn chủ trương thân thiện với Trung Quốc, từ sau khi nhậm chức Tổng bí thư vào năm 1986 đã làm rất nhiều việc để khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước hai Đảng. Trước tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, việc thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước lại càng trở thành niềm mong muốn ấp ủ của ông ấy”
Về diễn tiến cuộc gặp đại sứ Trương Đức Duy với Nguyễn Văn Linh và đồng bọn thì Trương Đức Duy đã thuật lại như sau: “Chiều hôm đó, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh hẹn gặp gấp Tùy viên quân sự Triệu, nói rằng: Theo chỉ thị của Đại tướng Lê Đức Anh, xin chuyển lời tới Đại sứ Trương. Vào 19 giờ 30 phút ngày 22, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ gặp riêng Đại sứ Trương tại phòng khách Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Cả hai bên đều không đem theo phiên dịch và thư ký. Đề nghị Đại sứ Trương đổi sang một chiếc xe nhỏ, không cắm quốc kỳ, đi vào từ cửa bên Bộ quốc phòng...
Mọi sự được tiến hành thuận lợi hơn dự kiến. Tối đó, tôi theo hẹn đúng giờ đến Bộ quốc phòng. Trong cuộc gặp hơn 40 phút, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với tôi hết sức thân mật và thẳng thắn, ông đã chứng thực cho lời nhắn mà Hoàng Nhật Tân đã ghi lại.
Nguyễn Văn Linh còn nói đến cả chuyện khi lên làm Tổng bí thư vào năm 1986, ông liền quyết tâm khắc phục mọi trở lực, từng bước chỉnh sửa những sai lầm trong quá khứ, khôi phục lại tình thân thiện với Trung Quốc như sửa đổi lời đầu trong Hiến pháp, đồng thời sửa đổi những chính sách sai lầm đối với người Hoa và Hoa kiều. Sau đó, lại làm công tác từ các phương diện, để rồi cuối cùng đã ra được quyết định rút quân khỏi Campuchia.
Nguyễn Văn Linh còn nói một cách sâu sắc rằng:
Cả Mao Chủ tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai đều không còn nữa, khi nào cùng với các đồng chí Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ, ông mong sẽ được gặp đồng chí Đặng Tiểu Bình, được đích thân lắng nghe mọi ý kiến và kinh nghiệm từ đồng chí ấy.
Tôi nghe hết sức chăm chú từng chi tiết buổi nói chuyện của Nguyễn Văn Linh, đồng thời ghi lại những nội dung quan trọng mà ông đã nói. Cuối cùng tôi đã bày tỏ rằng vô cùng cảm động khi được nghe buổi nói chuyện hết sức thân mật của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi nhất định sẽ báo cáo ngay lại với Trung ương chúng tôi về những ý kiến và yêu cầu của đồng chí Tổng bí thư”
Về chuyến đi Thành Đô của Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng họ Trương viết:“Chiều này 28 tháng 8, sứ quán chúng tôi nhận được điện trả lời từ trong nước về việc đồng ý mời các vị lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9.
Làm sao trực tiếp nói với riêng Nguyễn Văn Linh về quyết định quan trọng này của Trung ương bây giờ? Lúc này thời gian đã rất gấp, chỉ còn cách ngày lên đường đi Trung Quốc của đoàn Nguyễn Văn Linh có 5 ngày.
Thế là tôi liền quyết định vẫn thông qua kênh Bộ quốc phòng Việt Nam, như thế là nhanh chóng và ổn thỏa nhất. Không cho phép được chậm trễ một giây, tôi bảo ngay Tùy viên quân sự Triệu lập tức hẹn gặp Cục trưởng Cục đối ngoại Vũ Xuân Vinh.
Thật là không may, Vũ Xuân Vinh đi Hải Phòng mất rồi, ngày hôm sau mới về Hà Nội. Tùy viên quân sự Triệu nhanh chóng quyết định lập tức đổi sang hẹn với trung tá Vũ Tần Vụ trưởng của Cục đối ngoại. Sau đó anh ta báo lại với tôi, tôi nói anh làm rất đúng, phải hết sức tranh thủ thời gian.
Vào 9 giờ tối hôm đó, Tùy viên quân sự Triệu vừa gặp mặt trung tá Vũ Tần đã nói thẳng vào vấn đề luôn rằng Đại sứ Trương có việc hết sức gấp và quan trọng, mong được gặp ngay Đại tướng Lê Đức Anh, xin đồng chí trung tá giúp bố trí cho.
Vũ Tần bảo Đại tướng tối nay tham dự Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương khóa 9 đảng cộng sản Việt Nam, không biết lúc nào tan. Tôi sẽ đến ngay nhà ông ta xem sao. Khi Đại tướng định giờ gặp một cái là tôi sẽ gọi ngay điện thoại báo cho anh biết. Tùy viên quân sự Triệu vừa về tới sứ quán chưa được bao lâu đã nhận ngay được trả lời điện thoại của Vũ Tần: “Đúng 8 giờ sáng mai Đại tướng sẽ gặp Đại sứ Trương, địa điểm vẫn ở chỗ cũ”.
Sáng ngày 29, tôi đến phòng khách Bộ trưởng Bộ quốc phòng đúng giờ.
Khi gặp mặt, Đại tướng Lê Đức Anh nói một cách dí dỏm: “Trông bộ dạng Đại sứ Trương vui thế kia, chắc là đem tin tốt lành đến cho chúng tôi rồi”. Tôi nói: “Chiều tối qua, tôi nhận được chỉ thị quan trọng của Trung ương. Cho nên, hôm nay vừa mới sáng ra đã lại tới làm phiền anh rồi”.
Tiếp đó, tôi thông báo lại với Đại tướng Lê Đức Anh việc Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ, xin Lê Đức Anh chuyển lời mời đồng thời bố trí cho tôi được gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh một lần nữa, để trả lời trực tiếp với đồng chí ấy.
Lê Đức Anh bày tỏ: Đây quả thực là một tin tốt lành, tôi nghe mà cảm thấy rất phấn khởi. Xin đồng chí Đại sứ cứ yên tâm, tôi sẽ báo cáo ngay với Tổng bí thư. Chuyến đi thăm lần này hết sức quan trọng, chúng tôi phải có những nỗ lực lớn nhất để chuyến đi thăm được thành công
Sau khi cáo từ Lê Đức Anh về sứ quán được khoảng hơn 1 tiếng, Trung tá Vũ Tần ở Bộ quốc phòng Việt Nam đã hẹn với Tùy viên quân sự Triệu rằng: Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ cùng với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười gặp Đại sứ Trương vào 4 giờ chiều nay. Đại sứ có thể chính thức đề xuất yêu cầu được gặp mặt với Ban đối ngoại Trung ương cộng sản Việt Nam.
Tôi lập tức hẹn gặp luôn với Phó Ban đối ngoại đảng cộng sản Việt Nam Trịnh Ngọc Thái, nói rằng có chuyện gấp yêu cầu được tới thăm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười, hi vọng anh ta sẽ báo cáo ngay. Một lúc sau, Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung ương đảng cộng sản Việt Nam liền thông báo cho sứ quán tôi: Theo yêu cầu của Đại sứ Trương Đức Duy, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười sẽ gặp Đại sứ Trương Đức Duy vào 4 giờ chiều tại nhà khách Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Vào 3 giờ 55 phút chiều, tôi ngồi trên chiếc xe có cắm quốc kỳ tới cổng tòa nhà Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung ương đảng cộng sản Việt Nam Phạm Quang Anh dẫn tôi vào nhà khách, lúc này Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã có mặt, họ đều lần lượt bắt tay và ôm tôi rất thịnh tình.
Theo đề nghị từ phía Việt Nam, lần này vẫn không bố trí phiên dịch, thư ký và người đi cùng. Trước hết tôi cảm ơn hai vị đã dành thời gian đón tiếp tôi trong muôn vàn bận rộn.
Nguyễn Văn Linh nói: Theo báo cáo từ Ban đối ngoại Trung ương, đồng chí Đại sứ có việc gấp cần trao đổi với chúng tôi, chúng tôi rất vui được gặp anh.
Tôi nói: Chiều tối qua, tôi có nhận được chỉ thị từ trong nước, yêu cầu tôi nhanh chóng chính thức chuyển ý kiến của Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời các đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9. Để tiện cho việc bảo mật, sẽ bố trí địa điểm ở Thành Đô.
Sau đó, tôi lấy văn bản từ trong cặp ra đọc rành rọt từng chữ tờ đính kèm đánh máy bằng tiếng Việt rõ ràng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh còn đòi tôi đưa cho tờ đính kèm ấy, đọc xong rồi chuyển cho đồng chí Đỗ Mười xem.
Hai vị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười bàn bạc ngay tại chỗ xong, Nguyễn Văn Linh bày tỏ: Tôi và Chủ tịch Đỗ Mười rất phấn khởi, rất hoan nghênh, rất cảm ơn lời mời của Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng. Chúng tôi hết sức vui mừng khi nhận được lời mời, đồng ý với sự bố trí thời gian, địa điểm và những việc có liên quan do phía Trung Quốc đề xuất. Chúng tôi sẽ báo cáo ngay lên Bộ chính trị, nhanh chóng xác định danh sách đoàn đại biểu và bắt tay vào công tác chuẩn bị, thậm chí ngay cả đồng chí Phạm Văn Đồng, nếu như tình trạng sức khỏe cho phép, cũng nhất định sẽ tiếp nhận chuyến đi thăm theo lời mời này
Cuộc gặp mặt được diễn ra hơn nửa giờ trong bầu không khí thân mật, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh còn đề xuất một lần nữa nguyện vọng được gặp đồng chí Đặng Tiểu Bình, được đích thân lắng nghe những ý kiến và kinh nghiệm quý báu từ đồng chí ấy”.
Ngày 9-1990 tại Thành Đô, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước, sau hội đàm đã cùng chụp ảnh lưu niệm, nhưng thực chất là bán nước.
Hình ảnh tại hội nghị bán nước 1990
Thứ tư, Lý Bằng – cựu thủ tướng Trung Cộng có tập Nhật ký đối ngoại (Lý Bằng ngoại sự nhật ký) có ghi chép diễn tiến của Hội nghị bán nước của Nguyễn Văn Linh và đồng bọn. Xin trích một đoạn như sau: “Ngày 6/6/1990- Thứ tư. Trời quang tạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hội kiến với Đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nguyễn hy vọng thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, hai Đảng.
Ngày 26/8- Chủ nhật. Trời mưa u ám.
Về chuyến đi của TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh và những người cùng đi đến Trung Quốc viếng thăm nội bộ, tôi đã hội báo với đồng chí Đặng Tiểu Bình. Xét vì Á vận hội sắp khai mạc ở Bắc Kinh, mà lần gặp này liên quan đến việc bình thường hóa quan hệ hai nước Việt Trung là sự việc trọng đại, để tiện cho việc bảo mật, địa điểm hội đàm quyết định bố trí ở Thành Đô.
Ngày 30/8-Thứ năm. Trời quang tạnh.
Về việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đi Thành Đô hội đàm nội bộ với TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch HĐBT VN Đỗ Mười, đã gửi lời mời đến phía Việt Nam. Hiện còn phải chờ xem phúc đáp của phía Việt Nam thế nào?
Ngày 2/9 -Chủ nhật. Trời quang tạnh.
Buổi chiều, 3 giờ 30 tôi lên chuyên cơ khởi hành từ sân bay ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Khoảng gần 6 giờ đến sân bay Thành Đô. Tôi đi ô tô mất khoảng 20 phút đến Khách sạn Kim Ngưu. Bí thư Tỉnh ủy Dương Nhữ Đại chờ đón tôi tại đó. Đồng chí Giang Trạch Dân đi một chuyên cơ khác, đến Thành Đô muộn hơn tôi 30 phút. Buổi tối từ 8 g30 đến 11g tôi và đồng chí Giang Trạch Dân trao đổi ý kiến về phương châm hội đàm với phía Việt Nam ngày mai.
Ngày 3/9 Thứ hai. Thành Đô trời tạnh sáng.
Buổi sáng tôi đến chỗ đồng chí Giang Trạch Dân cùng đồng chí ấy tiếp tục nghiên cứu phương châm sẽ hội đàm với phía Việt Nam vào buổi chiều.
Khoảng gần 2g chiều, TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Cố vấn BCHTƯ ĐCSVN Phạm Văn Đồng đến khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô. Đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đón tiếp họ ở sảnh tầng 1. Nguyễn Văn Linh mặc Âu phục màu cà phê, phần nào có phong độ như một học giả. Đỗ Mười thân thể tráng kiện, đầu tóc bạc trắng, vận âu phục xanh lam. Cả hai người đều vào khoảng 73-74 tuổi. Còn Phạm Văn Đồng cả hai mắt bị lòng trắng che, thị lực rất kém, mặc áo kiểu đại cán xanh lam, giống như một lão cán bộ Trung Quốc.
Buổi chiều, hội đàm bắt đầu. Nguyễn Văn Linh nói trước một thôi dài. Tuy nói nguyện vọng muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề Campuchia, đồng thời nói việc thành lập Hội đồng Tối cao Campuchia là việc cấp thiết trước mắt, không nên loại bỏ bất cứ một bên nào, nhưng lại tỏ ý không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Xem ra, vấn đề Campuchia Nguyễn Văn Linh chỉ muốn tỏ một thái độ về nguyên tắc mà đặt trọng điểm vào việc bình thường hóa quan hệ Trung Việt.
Hội đàm diễn tiến đến tận 8g tối. 8g30 mới chiêu đãi cơm tối. Trên bàn ăn tôi và đồng chí Giang Trạch Dân lại từng người làm việc với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh.
Ngày 4/9. Thứ ba. Trời âm u.
Buổi sáng chúng tôi tiếp tục họp với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Đến lúc đó những vấn đề hội nghị đề xuất có thể nói là đã đạt được nhận thức chung một cách đầy đủ, quyết định khởi thảo một bản Kỷ yếu của Hội nghị.
Buổi chiều, 2g30 tại sảnh tầng 1 khách sạn Kim Ngưu hai bên Trung Việt cử hành nghi thức ký kết chính thức. Hai bên riêng biệt do Tổng Bí thư và Thủ tướng ký. Đây là bước ngoặt mang tính lịch sử của quan hệ hai nước Trung Việt. Đồng chí Giang Trạch Dân đương diện tặng các đồng chí Việt Nam một câu thơ:
Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu”.
Qua đây chúng ta có thể thấy rõ âm mưu bán nước hơn nữa của Nguyễn Văn Linh và bè đảng cộng sản.
Bè lũ bán nước là đây
Thứ năm, Trong cuốn sách “Mao chủ tịch của tôi” của tác giả Hà Cẩn – Viện văn học Trung Quốc đã được giới thiệu trong “Những sự thật không thể chối bỏ” có đoạn viết: ” Việt Nam cuối cùng cũng đã xích lại gần hơn nữa với Trung Quốc. Những gì thuộc về quan hệ tốt đẹp của hai đảng từ thời Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch đã được tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh cụ thể hơn sau chiến tranh biên giới năm 1979. Không có gì có lợi hơn cho cả Việt Nam và Trung Quốc khi đứng cạnh nhau vv…” (trích “Mao chủ tịch của tôi” – Trang 198)
Qua đoạn trích chúng ta thấy gì? Đó là Nguyễn Văn Linh đã thực hiện đúng mong muốn của Hồ và Mao: Biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung cộng mà chúng ta thấy đang ngày một hiện ra rõ hơn.
Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương Đức Duy (5-6-1990)
III. Kết Luận:
Nguyễn Văn Linh và đồng đảng là một lũ bán nước tồi tệ. Những sử liệu của Trung cộng và cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều đó. Cộng sản tất cả đều giống nhau là ngụy biện và bán nước. Những ai thật sự lương thiện đã không theo cộng sản hoặc biết cộng sản tồi tệ thì đã ly khai khỏi đảng. Cái cách mà Nguyễn Văn Linh mỵ dân bằng “cởi trói” chính là cách ngụy biện cho đường lối độc tài của cộng sản: Xây nhà tù rồi khoét một lỗ nhỏ để đi từ nhà tù nọ sang nhà tù kia rồi gọi đó là “đột phá” và “đổi mới”. Chúng ta ngày nay không còn bị lừa dối bởi những điều đó. Vậy thì không có gì quý hơn là mỗi chúng ta hãy đem những sự thật này đến với nhân dân Việt Nam. Vì đó là con đường ngắn nhất để cứu nước trước thảm hỏa đang đến rất gần. Đừng mong đấu tranh cho dân chủ khi mà chưa có độc lập. Những mơ tưởng về đấu tranh dân chủ mà không lật đổ cộng sản đều là những mơ tưởng hão huyền mà thôi !
18/10/2013
No comments:
Post a Comment