Tuesday, November 12, 2013
Nga muốn vị thế hạt nhân ở Việt Nam
Về Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, theo các chuyên gia đánh giá, Nga đang tìm cách tăng ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Đó là nhận định của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) đưa ra hôm 10/11 nhân chuyến thăm Việt Nam vào ngày 12/11 này của Tổng thống Putin.
Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Putin dự kiến ký nhiều thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực năng lượng với Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) để triển khai các dự án khai thác ở ngoài khơi thuộc vùng biển của cả Việt Nam và Nga.
Theo đó, Rosneft cũng sẽ cung cấp dầu thô cho đối tác PetroVietnam. Nhưng nếu về lâu dài thì đáng kể nhất là việc tập đoàn năng lượng Rosatom xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam - Ninh Thuận 1.
Chuyến thăm của ông Putin sẽ giúp Nga củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu trong cuộc đua giành các hợp đồng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Không những thế, Nga còn tích cực tham gia tiến trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam bằng việc cung cấp tàu ngầm lớp Kilo.
Hồi tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam thông qua dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.
Dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sẽ gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào năm 2014, và bắt đầu phát điện năm 2020.
Nhà máy Ninh Thuận I sẽ do Nga xây dựng. Để đảm bảo nhà máy đi vào vận hành đúng tiến độ, Việt Nam và Nga đã nhiều buổi gặp gỡ bàn bạc về vấn đề trên. Phía Việt Nam khẳng định quyết tâm sẽ làm điện hạt nhân, còn đại diện Nga đưa ra lời cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
'Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Nga. Lò phản ứng của Việt Nam khó có khả năng xảy ra sự cố như ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản', ông Petr G. Shchedrovitsky, cố vấn Tổng giám đốc tập đoàn Roatom khẳng định vào tháng 2/2012.
Một đại diện khác của công ty Rosatom là Sergey A. Boyarkin, Phó tổng giám đốc Rosatom, từng khẳng định, điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đảm bảo an toàn nếu sử dụng công nghệ của Nga.
Về những lo lắng khi xảy ra động đất sóng thần, vị đại diện trên cho biết, theo khảo sát ban đầu, tại Ninh Thuận có thể xảy ra động đất lên đến 7,5 độ Richter, trong khi bản thiết kế, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể chịu được động đất cấp 9.
Hồi tháng 3/2013 vừa qua, 50 chuyên gia Việt Nam đầu tiên đã đến Nga thực tập tại các lò phản ứng hạt nhân thứ ba và thứ tư của nước này. Sau khi được đào tạo, họ sẽ trở về Việt Nam tham gia xây dựng nhà điện hạt nhân.
Cũng trong tháng 3, Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân làm chủ tịch, đã dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thực tế địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II tại huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment