Thursday, October 24, 2013

VIỆT NAM MỘT XÃ HỘI ĐÃ BỊ LƯU MANH HÓA

Lê Diễn Đức

Cách đây hơn một năm, trong tháng 2/2009, các báo “An Ninh Thủ Đô”, “Công an Nhân dân”… đăng tải lệnh truy nã Trần Xuân Ánh và Trần Đức Trang (anh trai Ánh), cùng 5 đối tượng khác. Cả 7 đối tượng đều liên quan đến vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Cuối phần thông báo còn được viết thêm: “Trong số 7 nghi can có Trần Xuân Ánh (tức Ánh “trọc”, 27 tuổi) – từng là vận động viên wushu xuất sắc của đội tuyển nước ta, đoạt chức vô địch wushu châu Á năm 2000. Tháng 3/2007, Ánh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù vì tội hiếp dâm trẻ em, vừa được đặc xá”. [1]

Ngõ Thông Phong ở Đống Đa Hà Nội là địa chỉ lắm người biết và sợ không dám tới, có lẽ vì tập trung nhiều “anh hùng hảo hán”. Trong tháng 5 năm 2009, Cơ quan cảnh sát điều tra quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, từng khởi tố vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc, trong đó có Nguyễn Ngọc Thắng, 24 tuổi, cũng trú ở ngõ Thông Phong. Những đối tượng của vụ án này nằm trong đường dây cá độ bóng đá quốc tế, mà Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng đã nổi tiếng vì đốt vài triệu đô la (vụ PMU 18).
Không biết quá trình điều tra, kết luận được công an tiến hành đến đâu và có phù phép gì, nhưng Ánh Trọc hiện nay vẫn sống khỏe và nhởn nhang ở Thủ đô Hà Nội.
Một anh bạn tôi, về Việt Nam qua kể chuyện, do có tình huống đặc biệt, anh đã có cơ hội gặp và uống bia với Ánh Trọc cùng cả đám đàn em tại một nhà hàng ở Hà Nội. Dịp Tết vừa qua, Ánh Trọc cho chở cả một xe tải bánh chưng tiếp tế cho những chiến hữu còn nằm trong các trại cải tạo.
Anh bạn cho hay, đám đàn em của Ánh Trọc là những tên lính chém thuê có tiếng ở Hà Thành, lúc nào trong mình cũng có dao găm, mã tấu. Chỉ cần thủ lĩnh ra lệnh “xin tí huyết” của ai đó thì có người bỏ mạng. Ánh Trọc thừa nhận với anh bạn tôi là bản thân hắn đã “hóa kiếp” ba người.
Tôi hỏi, chúng nó không sợ đi tù à? Sợ gì anh, mạng người ở Việt Nam rẻ mạt, nếu có tiền là “chạy” được. Có tội, ráng đi tù chút cho yên dư luận, rồi tính. Trong thời gian ở tù đã có đàn anh ở ngoài bảo bọc, đảm bảo cuộc sống trong tù yên ổn và sẽ chung tiền rút ngắn thời gian cải tạo qua các đợt ân xá, đặc xá. Mọi thứ đều có giá sẵn – Anh bạn tôi nói chắc nịch. Tuy nhiên, anh bạn giải thích thêm rằng, về tội hình sự thì tội gì cũng có thể “chạy” được, miễn có đủ tiền, trừ buôn lậu lớn ma túy, vì rất có thể tội này nằm trong lĩnh vực chống tội phạm quốc tế mà Việt Nam đã ký kết văn kiện nên nhà cầm quyền không dám vung tay quá.
Anh bạn còn cho hay, người ta đồn rằng, giới đệ nhất giang hồ Hà Nội có đường giây chạy án, giảm hình phạt rất hữu hiệu, thậm chí thông qua cầu quan hệ với giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, đệ tử của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, một trong vài người đang mon men giành chiếc ghế Tổng bí thư Đảng CSVN trong Đại hội 11 năm sau.
Thực ra cũng không hoàn toàn là tin đồn. Vào tháng 4/2009, một người ký tên Nguyễn Tiến, tự giới thiệu “hiện đang công tác tại Công an Hà Nội, với gần 30 chục năm thâm niên công tác, trải qua nhiều đời giám đốc” đã viết đơn công khai gửi lãnh đạo ngành công an Việt Nam tố cáo giám đốc Nguyễn Đức Nhanh. Bức thư đã được phát tán trên mạng làm sôi động dư luận, có đoạn viết [2]:
“… Từ khi ông Nguyễn Đức Nhanh lên làm giám đốc thì việc chạy chức, chạy quyền đã trở thành phổ biến, đương nhiên, với bất kỳ ai muốn lên giữ vị trí lãnh đạo, dù nhỏ nhất là phó công an phường. Việc bổ nhiệm, luân chuyển đều do ông Nhanh quyết định hết. Các đồng chí Phó giám đốc đều không có vai trò gì….”
“…Ông Hải, Trưởng phòng cảnh sát giao thông đang làm thủ tục nghỉ hưu, thấy có nhiều người muốn vào vị trí lãnh đạo này, ông Nguyễn Đức Nhanh thông qua một số đệ tử bắn tin ra giá, ai muốn lên trưởng phòng cảnh sát giao thông thì phải nộp 1 triệu đô la. Đã có người nộp 1 triệu đô và đã được ông Nhanh chấm chọn làm trưởng phòng cảnh sát giao thông…”
Đám cưới con trai ông Nguyễn Đức Nhanh cũng là đám cưới kỳ cục, sặc mùi xã hội đen nhất từ trước đến nay. Ngoài việc tổ chức linh đình diễn ra 03 ngày liền vói lượng khách lên đến mấy nghìn người, ông Nhanh còn sai mấy đệ tử là những tên trùm xã hội đen (chơi với ông Nhanh từ khi ông ta còn là trưởng phòng cảnh sát điều tra) cầm thiệp mời đến gặp những tên có máu mặt trong giới xã hội đen, trùm buôn lậu, đòi nợ thuê, bảo kê, nói là ông Nhanh mời nhưng yêu cầu không được đến dự đám cưới. Mời cưới mà không cho đến dự đám cưới thì chỉ có là yêu cầu nộp tiền, gọi là “mừng vọng cháu”. Trung bình mỗi phong bì “mừng vọng cháu” này không dưới 3000 USD. Nhiều tiền nên con trai ông Nhanh (Nguyễn Đức Quang) đã trở thành tay chơi khét tiếng Hà Nội (chỉ cần lên mạng Internet gõ Nguyễn Đức Quang thì sẽ có nhiều bài, ảnh phản ánh việc ăn chơi của Nguyễn Đức Quang)”. [2]

Cha con Nguyễn Đức Nhanh, GĐ Công an Hà Nội - Ảnh: OnTheNet
Trước khi có đơn tố cáo này, ông Nguyễn Đức Nhanh đã được biết đến qua các sự kiện không kém phần ầm ĩ như vụ Bùi Tiến Dũng “cho mượn” xe Land Cruiser mang biển số phát lộc 31A 6226, vụ đâm xe ở Láng-Hòa Lạc và vụ Vàng Anh…
Anh bạn cho biết, tại các quán nhậu ở Việt Nam, nói xấu quan chức chính quyền có vẻ không ai để ý, nhưng đừng có viết lách, đừng dính vào mấy ông hoạt động chính trị. Chúng nó biết thối nát cả, nhưng không muốn bị đưa mặt chuột là ánh sáng công luận, đặc biệt là dư luận quốc tế.
Nói về xã hội mà trong đó đổi trắng, thay đen, người chân chính, biểu hiện lòng yêu nước trở thành người có tội, quan chức là những kẻ vừa ăn cướp ngày, vừa la làng, thành phần lưu manh vẫn được xung quanh nể phục nếu lắm tiền và quen biết các vị tai to mặt lớn, anh bạn tôi kể thêm về trường hợp chủ nhân nhà hàng “Hương Cảng” ở Hà Nội.
Thằng con công tử của cựu chủ nhân nhà hàng này, còn trẻ măng mà xài tiền vào loại có máu mặt trong giới ăn chơi ở Hà Thành. Đi nhậu hắn phải uống các loại rượu Cognac XO cỡ 10 triệu đồng trở lên một chai.
Nhà hàng Hương Cảng khai trương đầu thập niên 2000, tại quận Hoàn Kiếm. Tiếng tăm Hương Cảng lập tức nổi như cồn không phải chỉ vì tọa lạc ngay giữa quận kinh doanh sầm uất nhất thủ đô và các món cao lương, mỹ vị đặc biệt, mà còn là nơi có phòng hát karaoke với các mỹ nhân được chọn lọc kỹ càng, sẵng sàng phục vụ khách xộp, từ các đại doanh nhân đến các quan chức đầu ánh bạc, túi tiền lấp lánh ánh kim. Chủ nhân được dân tình gọi là Hùng Thọt, ở khoảng tuổi 50, gốc Hoa, xuất thân nghèo khó, chạy sang tị nạn ở Hong Kong, rồi lại trở về Việt Nam làm ăn.
Anh bạn tôi cho rằng, nhà ở của Hùng Thọt có thể nói là nhà tư đẹp và giá trị nhất Hà Nội hiện nay, vì nằm sát Bộ Văn hóa, từ phố Cổ nhìn ra Hồ Gươm, gần như trên một đường thẳng Tháp Rùa – Đền Ngọc Sơn – Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Công tử của Hùng Thọt từng tuyên bố với đám bạn hữu rằng, trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cao mấy tầng thì nhà tao cao chừng ấy!
Ở Việt Nam, những ai bắt cơ hội làm giàu nhanh trong thời mở cửa, bất luận làm gì, đều phải dính tới sự bất lương, chí ít cũng cúi luồn hối lộ để xúc bạc và được yên thân, cho nên trong người luôn luôn có tội. Bởi vậy, ai tưởng bở, nhảy vào lãnh vực kinh doanh nào mà không “biết người, biết ta”, lại thêm tính hoắng huýt, nổ, sớm muộn gì cũng bị đánh, không vì tội này thì tội khác. Lưới tình báo của công an và Tổng Cục II của quân đội lồng lộng với đủ mưu mô tinh xảo, khó lòng thoát. Vụ Trịnh Vĩnh Bình (Việt kiều Hà Lan), vụ Nguyễn Gia Thiều (Việt kiều Pháp) hay vụ gần đây nhất, ba Việt kiều Mỹ bị tố cáo đút lót quan chức Việt Nam để kiếm hợp đồng buôn bán vũ khí, là những ví dụ nhớ đời cho những Việt kiều thích về Việt Nam làm ăn. Sân chơi của Việt Nam có các chủ và được khoanh vùng cho từng chủ, phạm vi to nhỏ tùy theo ảnh hưởng quyền lực của các đại ca trong Bộ Chính Trị, các ông chủ lại luôn luôn nhìn ngó nhau. Hãy lượng mình trước khi liều mạng đi vào hang cọp!
Hùng Thọt vốn nhạy bén, khôn ngoan, biết dừng đúng lúc, nên sau một thời gian tiền đã vào như nước, cách đây vài năm nay đã đóng cửa nhà hàng Hương Cảng và chuyển hướng làm ăn khác. Thiên hạ nói rằng, Hùng Thọt thường kín tiếng, hiện đang giữ cả vai trò xuất nhập nội cung Ba Đình, còn hơn cả “Thuyết buôn Vua” trong vụ PMU 18.
Đi máy bay của Vietnam Airline, trên các món quà tặng hành khách hạng Bussiness có ghi dòng chữ “Hương Cảng”, thì đấy là do Hùng Thọt cung cấp. Hùng Thọt và con trai đang làm ăn trong những dịch vụ béo bở của hãng hàng không quốc gia Việt Nam và đang quản lý một hãng kinh doanh xe hơi lớn, đưa từ Trung Quốc qua.
Nghe kể, tôi thắc mắc, tình trạng xã hội Việt Nam nhiễu nhương ghê tởm như vậy làm sao người lương thiện có thể sống được. Một anh bạn khác nói, muốn sống ở Việt Nam thì đừng suy nghĩ gì cả, chấp nhận thực tế. Thời chiến tranh bước ra khỏi nhà gặp anh hùng, còn bây giờ gặp quân lừa đảo. Hãy cảnh giác với tất cả, kể cả những người khi nghe họ nói tưởng như là bạn. Cả xã hội đã bị lưu manh hóa.
Rất dễ hiểu vì sao một số hiếm hoi những người giữ được nhân cách, dám nói lên tiếng nói phản kháng với chính quyền, không những chỉ bị bộ máy công an đàn áp, mà ngay cả người thân, bạn bè, hàng xóm cũng vô cảm, thậm chí cô lập, dè bỉu và lăng nhục.
Đồng tiền, văn hóa nô lệ và sợ hãi, cùng chủ nghĩa hưởng thụ vật chất thấp hèn đã làm hỏng gần như tất cả mọi thành phần trong xã hội Việt Nam dưới mấy chục năm cai trị của nhà nước cộng sản. Người ta than chúng làm hỏng luôn cả nhiều vị chân tu, vì bây giờ người đi Chùa cúng quả, lấy lộc toàn thuộc giới giàu có và thân nhân các quan chức lớn. Anh bạn tôi đã to tiếng một trận khi công tử của Hùng Thọt nói tỉnh bơ: “Trong trái tim tôi không có chỗ cho người nghèo!”.
Cho nên đừng ngạc nhiên khi trong các vụ dân chúng tập trung ôn hòa để phản ánh những sai trái của nhà cầm quyền như vụ của Giáo dân Thái Hà, Giáo xứ Đồng Chiêm hay các tu sĩ ở Tu viện Bát Nhã, đám lưu manh, côn đồ trà trộn quậy phá, gây mất trật tự nhằm tạo cớ cho công an dùng vũ lực trấn áp và vu khống.
Tương tự như việc sai khiến lưu manh, côn đồ ném cứt, ném đá vào nhà của các ông Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, bà Trần Khải Thanh Thủy, cho du đãng hãm hiếp các sơ, hay đóng kịch “nổi loạn” trong các vụ đấu tố những người bất đồng chính kiến, chỉ cần công an nháy mắt với giới đàn anh trong giới xã hội đen là xong. “Xin túy huyết” chúng còn nói như không, thì mấy cái vụ này chỉ là đồ bỏ.■

 




No comments:

Post a Comment