Phạm Trần Anh
Người dân, người lính quý mến kính trọng “Người anh cả của quân đội nhân dân”, “người hùng của chiến thắng Điện Biên”, “Danh Tướng của thời đại qua” qua tấm lòng yêu nước của họ, nhất là được tuyên truyền nhồi nhét về nào là giải phóng dân tộc, nào là chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. Làm sao mà không xem “Đại Tướng” là anh hùng, là danh tướng của thời đại khi có tới 120 quyển sách của các học giả, giáo sư, tướng lãnh người ngoại quốc hết lời ca ngợi?
Người ta quên một điều căn bản là hầu hết những người viết sách đó là những đảng viên CS hoặc có cảm tình với phong trào CS, với các nước nhược tiểu thuộc thế giới thứ ba và quan trọng hơn nữa là chủ trương của bộ máy tuyên truyền của quốc tế CS cung cấp tài liệu, mua chuộc tình cảm, tiền bạc để viết một quyển sách tuyên truyền cho các nước thế giới thứ ba chống lại “Đế quốc Mỹ xâm lược”. Người viết từ một kẻ tầm thường trở nên nổi tiếng nhờ cái loa tuyên truyền của CS rồi lại có cả chục ngàn, cả trăm ngàn dollars khiến viết sách về các “nhân vật nổi tiếng” trở thành cái mốt thời thượng ai mà không thích.
Bài học thực tế cho chúng ta thấy rằng, sau thất bại thảm hại vào dịp tết Mậu Thân, đệ tam quốc tế thấy rằng chỉ có thể thắng Hoa Kỳ được ngay tại chính quốc hội Mỹ, trong lòng người dân nước Mỹ. Thế là nhân việc đảng Dân chủ lấy chiêu bài phản chiến để chống đảng Cộng Hòa để giành chiếc ghế TT Hoa Kỳ, bộ máy tuyên truyền của quốc tế CS đã huy động 500 ngàn đảng viên CS trên khắp thế giới vận động giới trí thức khuynh tả xuống đường biểu tình rầm rộ chống chiến tranh hàng tháng trời, biểu tình trên khắp thế giới. Liên Sô đã chi ra 2 tỷ dollars 1 năm cho công tác tuyên truyền này và cuối cùng người Mỹ phải bỏ cuộc vì họ thua ở ngay trong lòng nước Mỹ bởi chính quốc hội Mỹ. Cô diễn viên tài tử Jane Fonda, người từng đội mũ bộ đội CS. Leo lên nòng khẩu cao sạ tại Việt Nam để tuyên bố chống lại tổ quốc Hoa Kỳ của cô, bây giờ đã sáng mắt ra để xin lỗi cựu chiến binh Mỹ, xin lỗi nước Mỹ vì “Tất cả chúng ta đã bị lừa…” thì không còn kịp nữa…
Đằng sau cái gọi là “Danh Tướng” là con người thật Võ Nguyên Giáp với những tầm thường đến độ khinh bỉ. Thật vậy, làm sao mà những người lính dưới quyền có thể tin yêu một cấp chỉ huy tầm thường hèn nhát đến độ không bao giờ có mặt tại chiến trường mà luôn luôn nằm trong hầm chỉ huy, núp dưới giao thông hào bộ tư lệnh cách chiến trường hàng chục cây số. Vị tướng anh hùng ấy cũng chưa từng một lần đi B nghĩa là vào chiến trường miền Nam. Chúng ta hãy ghe cựu Đại Tá Quân Đội Nhân dân Bùi Tín nói về “Danh Tướng” họ Võ: “Ông Giáp thường không có thói quen ra thị sát Mặt trận. Ở trận chiến Điện Biên Phủ, người ta chỉ thấy vài bức hình chụp ông với Hồ Chí Minh, tại Bộ Chỉ huy chiến dịch - bao giờ cũng trải vài tấm bản đồ, tay thì chỉ chõ - đóng kịch - như thể đánh nhau chỉ cần chỉ chõ bằng bản đồ - và ông trú ẩn an toàn tại Bộ chỉ huy ĐBP tại hang Thẩm Púa, thuộc Mường Phăng. Hang Thẩm Púa cách Điện Biên Phủ bao nhiêu cây số, thưa đại tướng? Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đi thị sát mặt trận, quần áo chỉnh tề, chân đi giầy ủng cao đến đầu gối!”. Như vậy là quá đủ để nói về một vị tướng “tài” như ông Giáp thời chống Pháp...
Sau chiến thắng lớn như trên, các nhà bình luận quân sự phương Tây thường chỉ ra phía kháng chiến đã chịu những tổn thất khủng khiếp, gấp 3 hay 4 lần đối phương. Cái giá phải trả cho chiến thắng là quá lớn, lớn đến khủng khiếp, toàn là trai tráng thanh niên tuấn tú, có lý tưởng, chất lượng cao của dân tộc. Đây là sự thật. Hồi tháng 4-1996, trong cuộc hội thảo ở trụ sở Quốc Hội Hoa kỳ, tướng Westmoreland nói với tôi rằng: «Tôi công nhận tài năng của tướng Giáp, phải có tài mới ở lâu đến hơn 30 năm chiến tranh trên cương vị tư lệnh quân sự cao nhất; nhưng phải nói thật là nếu như tướng Giáp là một viên tướng Hoa kỳ thì ông đã bị mất chức từ lâu rồi, vì Quốc hội chúng tôi, xã hội chúng tôi không thể chấp nhận những tổn thất sinh mạng của quân đội mình cao đến vậy».
Tôi nghĩ nền độc lập của đất nước, quyền sống tự do của nhân dân là vô giá, dù cho phải trả giá cao, nhưng lãnh đạo đảng Cộng sản đã không quan tâm thật sự đến tự do của nhân dân, chỉ quan tâm trước hết đến quyền lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của đảng, do đó mà vô vàn hy sinh của các liệt sỹ cuối cùng đã trở nên phũ phàng, mỉa mai, không được đáp đền một cách xứng đáng. Đây là điểm tiêu cực nhất của tướng Giáp, là tỳ vết sâu đậm nhất của một danh tướng, từng được coi là Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân. Ông mang danh là một viên tướng «Sát Quân», sát quân một cách lạnh lùng. Tôi đã gửi 2 lá thư cho ông (năm 1992 và 1996), nhắc ông rằng quân hàm đại tướng 4 sao của ông được mạ bằng xương máu của hàng vạn vạn chiến binh, rằng “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, mong ông hãy tham gia, ủng hộ phong trào đổi mới theo hướng dân chủ hóa thật sự đất nước; rằng ông chỉ cần ghé thăm anh Hoàng Minh Chính đang bị chính quyền đối xử rất tồi tệ, hoặc nhắn anh Đại tá Phạm Quế Dương mới ra khỏi nhà giam đến hỏi chuyện, cả 2 đều là sỹ quan từng dưới quyền trực tiếp của ông, ông vẫn làm ngơ, không động lòng. Đây là điểm yếu về ý chí, công tâm, nhân cách.
Nhiều người nhắc đến lá thư tháng 1-2004 của tướng Giáp gửi lãnh đạo đảng CS yêu cầu giải quyết «vụ án siêu nghiêm trọng» liên quan đến Tổng cục II, làm rõ vụ Năm Châu, Sáu Sứ và vụ T4, và sau này là 3 lá thư của ông hồi 2008-2009 về yêu cầu đình chỉ việc khai thác bauxite trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đây là những việc làm có ý nghĩa tích cực, nhưng lá thư thứ nhất quá chậm trễ, vì các vụ Năm Châu, Sáu Sứ và vụ T4 đều xảy ra từ hồi 1991 - 1993 cũng như vụ dựng lên Tổng cục II từ Cục 2 Quân báo đến lúc đó cũng đã được mười năm. Ông Giáp phải chờ đến năm 2004 - năm kỷ niệm nửa thế kỷ Chiến thắng Điện Biên Phủ - mới dám lên tiếng. Mà nội dung lên tiếng xem kỹ ra là nặng về thanh minh cho riêng cá nhân mình, như ông bị Năm Châu, Sáu Sứ dựng lên tài liệu để vu cáo là ông có âm mưu đảo chính, hay vụ T4 là do Tổng cục II bịa ra tài liệu vu cáo ông và nhiều nhân vật khác có quan hệ với CIA của Hoa kỳ. Nói tóm lại ông chỉ trước hết nhằm bảo vệ thanh danh của cá nhân mình, cố chăm nom cho cái bộ mã của người hùng Điện Biên không bị hoen ố, cho đến khi hơn trăm tuổi. Thái độ của ông đối với vụ khai thác bauxite cũng có phần yếu ớt, buông xuôi, so với những lá thư mạnh mẽ, lặp đi lặp lại của các tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh và một số sỹ quan cấp cao khác.
Dũng khí là đức tính hàng đầu của một danh tướng, nên vào năm 1984, khi ông Lê Duẩn đến nói chuyện rất hẹp với cán bộ lãnh đạo báo Nhân Dân, ông kể rằng hồi 1968, bộ trưởng quốc phòng “nhát như thỏ đế”, tránh mặt ra nước ngoài. Sự thật kế hoạch quân sự Mậu Thân 1968 là do các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đề xuất, khởi thảo và chỉ đạo thực hiện. Khi chiến sự bùng nổ Tết Mậu Thân, ông Giáp đang dưỡng bệnh 2 tháng ở Hungary sau khi mổ cắt túi mật ở đó. Thật ra ông không tán thành tham vọng tổng tiến công và nổi dậy, ông chỉ có ý thực hiện tập kích chiến lược, đánh rồi rút bảo toàn lực lượng, đánh lâu dài. Ý ông đúng, nhưng không cản nổi.
Ở Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu, các sỹ quan đều biết rằng suốt trong 30 năm, tướng Giáp rất ít khi ra mặt trận. Ngay ở Điện Biên Phủ ông gần như chỉ ở trong hang đá Mường Phăng, ngoài tầm pháo địch, suốt hơn 4 tháng trời, không ra gần hay sát nơi chiến trận. Sau khi chiến dịch toàn thắng ông mới ra duyệt binh tại chiến trường đã im tiếng súng và tìm hiểu những di tích của các trận đánh. Trước đó, các chiến dịch lớn Trung Du, Hòa Bình, Thượng Lào … ông cũng ở trên Việt Bắc, chỉ huy từ rất xa. Từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc chiến tranh ở miền Nam (1959 - 1975), ông không hề đặt chân lên chiến trường miền Nam (trừ 2 ngày tháp tùng ông Fidel Castro trên một đoạn ngắn thăm đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Cam Lộ - Quảng Trị, khi sắp kết thúc chíến tranh.). Trong khi đó các tướng Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Hoàng Cầm, Lê Ngọc Hiền, Chu Huy Mân, Đoàn Khuê … đều ở chiến trường miền Nam vài năm.
Một nhược điểm của tướng Giáp là văn phong, khẩu khí của ông, nếu không thể nói là yếu kém thì có thể nói là không có gì nổi bật. Ông mất đi, để lại hàng chục đầu sách, hàng trăm luận văn, bản báo cáo, hàng chục hồi ký (phần lớn do nhà văn quân đội Hữu Mai ghi lại), rất nhiều bài trả lời phỏng vấn trong nước và nước ngoài. Có cuốn sách nào hay, những ý tưởng quân sự nào đặc sắc của cá nhân ông, để lại cho hậu thế hay không? Điều này rất khó nói. Tôi từng dự nhiều buổi nói chuyện của ông tại Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, tại Học viện Quân sự cấp cao, ở trường Sỹ quan Lục quân, ở nhiều Quân khu, có thể nói ông không có năng khiếu truyền đạt, thông tin một cách bổ ích, hấp dẫn, rất thiếu những hình ảnh, dẫn chứng đặc sắc thú vị. Ông không có tài hùng biện, lôi cuốn của tướng Nguyễn Chí Thanh, không có tài kể chuyện thú vị của tướng Trần Độ, không có sự sống động dày dạn của lão tướng Lê Trọng Tấn, không có sự táo tợn bộc trực của tướng Phùng Thế Tài, cũng không có cái giọng bình dân lính tráng bỗ bã của tướng Đinh Đức Thiện.
Vốn là giáo sư sử học trường tư thục Thăng Long, tướng Giáp say mê nghiên cứu lịch sử, hiểu rõ thiên tài quân sự của Napoléon. Ông thông minh, đôi mắt sáng, có trí nhớ tốt. Nhưng cách trình bày, khoa sư phạm của ông thường lại sáo mòn, đầy những quy luật, nguyên tắc nhạt nhẽo, khô cứng, lặp đi lặp lại đến phát chán cho người nghe. Bao giờ cũng là do sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, có đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn; có Quân đội Nhân dân, quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân bao bọc, che chở, nuôi dưỡng, gồm 3 thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, phối hợp chặt chẽ 3 vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng; vùng tự do, vùng tranh chấp và vùng tạm chiếm; luôn giữ quyền chủ động cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu, kết hợp chặt chẽ tiền tuyến với hậu phương… quanh quẩn chỉ có thế. “Bi kịch lớn nhất của tướng Giáp khá nhiều người nhận thấy đúng là: một danh tướng, có kiến thức, thông minh nhưng lại không đủ thông minh và dũng khí để sớm nhận ra và từ bỏ một lý thuyết sai lầm tệ hại, chỉ đem lại tàn phá và tổn thất cho nhân dân, đến nay vẫn chưa có tự do và hạnh phúc khi ông nhắm mắt”.
Thế nhưng, vị tướng anh hùng ấy là một con người đầy tham vọng, nham hiểm gian ác mà lại hèn nhát vô cùng. Những tướng thuộc cấp cùng có mặt trên chiến trường điện Biên năm nào bị đảng thanh toán không thương tiếc mà người anh cả ngậm miệng đã không dám lên tiếng bênh vực mà còn không dám thở dài nên chính vì kính mến quá mức cũng đã phải thốt lên là “Anh Văn (bí danh của Giáp) quá hèn!!!”. Sau chiến thắng Điện Biên, gần 200 ngàn người bị đem ra đấu tố đến chết trong đó có không ít những “Anh hùng Điện Biên” bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông nhưng Giáp không những nín thinh mà còn đứng xin lỗi toàn dân để chạy tội cho Bác và Đảng. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã dám phê bình chính sách cải cách ruộng đất của Bác và Đảng nên bị trù dập đày đọa rồi năm 1955, vụ Nhân Văn Giai Phẩm rất nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân như Trần Dần, Phùng Quán, Quang Dũng, Hoàng Cầm bị đấu tố tù đầy thì Giáp vẫn im lặng. Vụ án xét lại chống Đảng do Lê Duẫn, Lê Đức Thọ chủ mưu dàn dựng để thanh toán các tướng tá đàn em của Giáp như Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Nguyễn văn Vịnh, Lê Minh Nghĩa, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn bị hãm hại thì Giáp vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Khi các tướng Lê Trọng Tấn, Hoàng văn Thái thong gia của Giáp bị thanh toán thì họ Võ vẫn cúi đầu im lặng khiến đa số tướng ta uất ức gọi anh cả quân đội nhân dân là “Hèn Tướng”. Vấn đề đặt ra là tại sai “Danh Tướng” lại quá hèn để trở thành “Hèn Tướng”? Phải chăng vì danh vọng nên quá sợ chết nên “thủ khẩu như bình” hay vì đảng nắm được cái tẩy lý lịch “Con nuôi của trùm mật thám Pháp” đành phải cúi đầu tuân phục đi cầm quần chị em nên dân gian mỉa mai cay đắng “Ngày xưa đại tướng cầm quân, ngày nay đại tướng cầm quần chị em” thì còn gì là một con người có danh dự, có liêm sỉ tối thiểu để sống trên đời.
Nhân cách của Võ Nguyên Giáp còn thể hiện trong việc tự nhận mình là người sáng tạo ra hình thái chiến tranh nhân dân một cách vô liêm sỉ. “Danh Tướng” họ Võ đậu cử nhân luật, là trí thức của xã hội chủ nghĩa thế mà không có liêm sỉ của một trí thức chân chính. Thật vậy, sau chiến tranh, Võ Nguyên Giáp đã viết sách về “chiến tranh nhân dân”, “quân đội nhân dân” được dịch ra tiếng Pháp “Guerre du peuple, l'Armée du peuple ) “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” (The Chinese support for the North Vietnam during the Vietnam War; The Decisive Edge by Bob Seals), họ Võ đã lờ đi, không nhắc nhở gì tới sự đóng góp của các cố vấn Trung Quốc và Hồng quân TQ. Mặt khác, họ Võ đã tự cho rằng mình và đảng Cộng Sản Việt Nam là nguồn gốc của quan niệm chiến lược, chiến thuật này. Đây là một điều không thể chấp nhận được. Sự thật hình thái chiến tranh nhân dân là một chiến lược chiến thuật của quân dân Việt đã áp dụng để chống lại quân của đế quốc Tần ngay từ thế kỷ thứ 3 TDL. Thế mà, họ Võ đã tự cho là của mình và của đảng CSVN sáng tạo ra không phải vì không biết lịch sử mà do thái độ “Bất cố liêm sỉ”, một trí thức không biết hổ thẹn nhục nhã khi nhận những tri thức của người khác là của mình. Họ Võ biết điều đó nhưng vẫn tự nhận là người sáng tạo ra hình thái chiến tranh nhân dân để tự đánh bóng mình, tự tô vẽ nên “Huyền Thoại” không có thật về “Người hùng Điện Biên”. Cũng chính vì thực dân Pháp cố bám vào thuộc địa VN trong khi các nước khác đã trao trả độc lập cho các quốc gia nhược tiểu nên thế giới nhìn cái gọi là chiến thắng Điện Biên cũng như hình thái chiến tranh nhân dân như một chiến thắng chế độ thực dân của dân tộc nhược tiểu và Việt Nam trở thành một biểu tượng của các nước nhược tiểu. Chính những yếu tố này đã thêu dệt tô điểm cho họ Võ như một danh tướng thời đại.
Chúng ta cùng đọc lại một đoạn lịch sử Việt viết về chiến thắng của quân dân Việt giết chết viên tướng Đồ Thư và đánh tan 50 vạn quân Tần năm 210 TDL như sau:“Năm 221 TDL, để củng cố quyền lực thống lĩnh Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng cử thừa tướng Lý Tư lo việc thống nhất văn tự, diệt Nho, đốt sách để tiêu hủy toàn bộ chữ viết di sản văn hoá của Việt Tộc, đồng thời triệt tiêu mọi ý thức chống đối khắp Trung Nguyên. Tần trở thành một đế quốc hùng mạnh và bắt đầu bành trướng thế lực xuống phương Nam để xâm lược thống trị các quốc gia Bách Việt còn lại. Năm 218TDL, Tần Thuỷ Hoàng sai Đồ Thư đem 50 vạn quân tiến xuống Lĩnh Nam. Năm 214TDL, quân Tần tràn xuống các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ và đánh chiếm được một phần Lĩnh Nam rồi chia làm 3 quận gồm Nam Hải (Việt Đông tức Quảng Đông bây giờ), Quế Lâm (ở phía Bắc và Đông của Việt Tây tức Quảng Tây bây giờ) và Tượng Quận (Bắc Việt Tây và Nam Quí Châu). Quân Tần tiến sâu vào đất Bách Việt lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống hy sinh, An Dương Vương tổ chức cuộc toàn dân tiêu thổ kháng chiến chống Tần. Quân dân Việt dưới sự lãnh đạo của các thủ lãnh quân sự gọi là Quân trưởng, tổ chức tiêu thổ kháng chiến rút vào rừng sâu nhưng thường bất ngờ đột kích gây hoảng loạn trong hàng ngũ quân Tần. Quân Tần không quen thổ nhưỡng phương Nam nên ngã bệnh rất nhiều. Tinh thần quân giặc hoang mang lo sợ, dân quân Việt thừa thế tổng phản công giết chết tướng giặc Đồ Thư tại trận, quân Tần tháo chạy về nước. Đây là cuộc chiến tranh du kích đầu tiên trong trường kỳ lịch sử của Việt tộc đã đập tan đạo quân bách chiến bách thắng của đế chế Tần hùng mạnh.
Theo Lưu An trong tác phẩm “Hoài Nam Tử” thì chính An Dương Vương và Trung Tín Hầu Vũ Bảo Trung, Cao Cảnh Hầu Cao Nỗ là những tướng tài có công cùng An Dương Vương và tòan quân tòan dân tiêu diệt gần nửa đại quân của giặc Tần. Sách Hòai Nam Tử của Lưu An cũng chép “Người Việt vào rừng không chịu cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau suy cử người tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm đột kích quân Tần, đốt phá lều trại và giết được Đồ Thư, máu chảy thây phơi hàng mấy chục vạn người!”. (Trích Lược Sử Việt Nam của Phạm Trần Anh)
CÔNG VÀ TỘI CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP
Nếu cho rằng Võ Nguyên Giáp có công đánh thắng quân Pháp tại chiến trường Điện Biên là một sai lầm vì như trên chúng ta đã phân tích, họ Võ Tổng chỉ huy trên danh nghĩa còn mọi tham mưu, điều động đều do cố vấn Trung Cộng. Vả chăng, một vị tướng không dám xông pha trận mạc, chỉ đứng dưới giao thông hào ở bộ chỉ huy thì làm sao tạo được chiến công. Chính những chiến binh Việt Nam yêu nước trong hàng ngũ Việt Minh mới là người chiến thắng. Biết bao chiến sĩ vô danh đã hy sinh anh dũng để mang lại chiến thắng lịch sử này, vinh quang phải thuộc về họ.
Xin cúi đầu tưởng nhớ và ghi công những chiến sĩ vô danh, những người anh hùng đã đóng góp xương máu trong cuộc chiến tranh bi thảm mà đảng CS đã lợi dụng lòng yêu nước, hy sinh bừa bãi sinh mạng của các chiến sĩ để xâm lược bành trướng chủ nghĩa CS bất nhân hại dân bán nước Việt Nam. Việt gian CS đã lợi dụng xương máu của hơn 4 triệu người Việt Nam để nhuộm đỏ Việt Nam theo chỉ thị của CS quốc tế, thế nhưng khi được hỏi có hối hận gì về việc hy sinh bừa bãi này không thì cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã núp dưới chiêu bài Kháng chiến trâng tráo trả lời “Không, không hối tiếc gì cả…”.
Mạng sống của thanh niên Việt Nam bị họ Võ coi như cỏ rác. Họ Võ sẵn sàng thí quân trong các trận chiến. Trong trận chiến tranh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn năm 1950, để tiêu diệt cứ điểm Đồng Khê do 262 lính Pháp trấn đóng, Giáp đã dùng tới 10.000 quân (đông hơn quân trú phòng 40 lần). Sau trận đánh, hơn 500 quân Việt Minh tử trận, không kể số bị thương hàng ngàn. Trong trận đồng bằng Phủ Lý, Ninh Bình, Vĩnh Yên vào tháng giêng năm 1951, chiến thuật biển người của Giáp đã bị Tướng Pháp De Lattre de Tassigny dùng bom Napalm tiêu diệt. Quân Việt Minh, dưới sự chỉ huy của Giáp, đã bị thiệt hại nặng nề. Số tử vong của quân Việt Minh lên tới 6 ngàn người không kể số bị thương phải gấp đôi, gấp ba con số 6000.
Ngoài ra, hình ảnh những người lính miền Bắc xích chân vào khẩu trung liên trong cuộc chiến xâm lược miền Nam đã chứng tỏ rằng đảng Việt gian Cs nói chung và họ Võ nói riêng đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để đạt chiến thắng. Năm 1995, Hội Văn nghệ quân đội Nga xuất bản quyển “Mặt trái của chiến tranh” trang 15 đã tố cáo: “Các cuộc chiến đều đem lại đau thương và người ta thậm chí còn kích thích tinh thần người chiến sỹ bằng những liều thuốc. Người Đức dùng Ma túy tổng hợp, người Trung Quốc dùng thuốc tự chế tên gọi “hùng tâm” mà sau này có dùng trong chiến tranh Việt Nam cho quân đội Miền Bắc...”.
Lịch sử Việt Nam cận đại chắc chắn sẽ không quên việc Hồ Chí Minh đã cử Huỳnh Thúc Kháng làm quyền CT nước trước khi sang Pháp để tránh tiếng ác và đổ tội cho nhân sĩ họ Huỳnh, sau khi đã chỉ thị cho bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp dàn dựng “Ôn Như Hầu” để thanh toán tiêu diệt những đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Theo sử gia nổi tiếng Pháp Philippe de Villiers, tác giả quyển “Histore Contemporaine de l'Indochine ” và ông Hoàng Văn Đào, tác giả quyển “ Việt Nam Quốc Dân Đảng ” cho biết: “Khi Hồ Chí Minh qua Pháp, đã giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ được tạm quyền thay thế chủ tịch Nước. Võ Nguyên Giáp lợi dụng lúc cụ Kháng đi kinh lý tỉnh Quảng Nam - lúc đó ông Giáp tuy đang giữ Bộ Quốc Phòng - trong mưu đồ có phương tiện và cơ hội ra tay triệt hạ các chiến sĩ quốc gia chống VM cộng sản, Giáp lại đề nghị kiêm luôn chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội Vụ để tiện thực hiện mưu đồ gian ác. Ngày 13-7 Võ Nguyên Giáp lệnh cho bộ đội và công an các địa phương tấn công triệt hạ các chiến khu VNQDĐ, trừ trụ sở Trung Ương Hà Nội. Và chỉ trong vòng một tháng thì bàn tay đẫm máu của Giáp đã triệt hạ và tận diệt hết lực lượng quốc gia và chiến sĩ yêu nước liên hệ...”. Qua sự việc này, Võ Nguyên Giáp quá ác độc với chính đồng bào mình và thủ tiêu đảng phái quốc gia khác, giành độc quyền lãnh đạo để bán nước hại dân.
H. Berrier đánh giá về hành động ám sát khủng bố những người quốc gia không cộng sản với những chứng cứ Võ Nguyên Giáp là “một tên đồ tể”. “Vào năm 1944, những ngày đầu tiên khi còn hoạt động bên cạnh Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Tướng Bình đã cùng với Võ Nguyên Giáp ám sát, khủng bố những thành phần quốc gia chống Pháp mà trước đây Bình từng là đồng chí với họ thời năm 1930. Bình và tướng Giáp đả mở những cuộc thanh trừng và sát hại rất nhiều thành phần được coi là Việt Gian. Khi giết những đồng chí Quốc Dân Đảng, phải chăng Nguyễn Bình muốn trả cái thù bị đâm chột mắt khi còn bị giam ở Côn Đảo? Rõ ràng cái gợi hứng ám sát và thủ tiêu những thành phần thù địch, Nguyễn Bình bước đầu cùng đi một con đường với tướng Giáp” (Tóm lược Hillaire du Berrier, Background to Betrayal, trang 66-67 của Nguyên Hùng). Chính Võ Nguyên Giáp đã nói với Nguyễn Bình: “Anh hãy nghe đây, Anh là một người quốc gia thông minh. Anh phải đứng chung trong hàng ngũ của chúng tôi nếu không chúng tôi sẽ thủ tiêu những người bạn trẻ của anh. Chúng tôi phải làm như vậy bởi vì họ sau này có thể là những kẻ phản bội. Anh đã biết nếu những người này trở thành những người anh hùng? Bây giờ thì có thể họ chưa là gì, nhưng sau này thì họ sẽ đi vào lịch sử. Bởi vì họ đã làm được một số công trạng trong những năm vừa qua (ý nói vụ nổi dậy của Việt Nam QDĐ và 13 Liệt sĩ lên đoạn đầu đài), họ ham muốn quyền lực. Nhưng họ lại không xứng đáng được. Và để đạt được quyền lực đó, họ chỉ có một con đường mà họ có thể làm được. Là họ sẽ cộng tác bắt tay với bọn Quốc Dân Đảng hoặc với Pháp. Họ phải bỏ đi thôi.” (Tóm lược Hillaire du Berrier, Background to Betrayal , trang 66-67 của Nguyên Hùng).
Robert J O’ Neill đã nhận xét về việc làm của họ Võ, đây chính là cáo trạng tội ác của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và đồng bọn trước lịch sử: “Tướng Võ Nguyên Giáp chịu tất cả mọi trách nhiệm trong khi Hồ Chí Minh vắng mặt về việc sát hại hằng trăm các nhà chính trị dám chống lại Việt Minh, phá hại tất cả các tổ chức nào xem ra có thể cạnh tranh với Việt Minh cũng như cấm đoán mọi tờ báo nào xuất bản mà không có sự kiểm soát của Việt Minh…”(Trích “Robert J O’ Neill, General Giap: Politician & Strategis t, trang 44”).
Trong tác phẩn “ Losers are Pirates” by James Banerian 1984, Tr.69), James Banerian đã nhận định: “Năm 1946, Hồ Chí Minh ký hòa ước với Pháp để quân Pháp trở lại Việt Nam. Các lãnh tụ Công Sản, trong đó có Giáp, đã thẳng tay tiêu diệt các người quốc gia Năm 1946, khi cuộc chiến tranh Việt - Pháp sắp xảy ra, Giáp là Bộ Trưởng Quốc phòng trong Chánh phủ liên hiệp. Tại Hà Nội, trong khi quân Pháp và Tự Vệ Thành đang gầm ghè nhau, Giáp và đồng bọn hứa hẹn là quân chánh qui của họ tức các đơn vị Vệ Quốc Đoàn tinh nhuệ đã kéo về đóng chung quanh Hà Nội, sẵn sàng làm cỏ quân Pháp. Ngày 19 tháng 12, chiến tranh bùng nổ tại Hà Nội. Nhóm lãnh đạo Cộng Sản đã rút về Hà Đông từ mấy ngày trước. Vệ Quốc Đoàn đâu chẳng thấy, chỉ thấy các Tự Vệ Thành đánh vùi với quân Pháp trong các đường phố Hà Nội. Họ đã cầm cự với quân Pháp trong gần 2 tháng, thời gian đủ để dân chúng rời thành phố lánh nạn, đủ để đám Cộng Sản rút vào các an toàn khu Việt Bắc. Giáp và đồng bọn muốn mượn tay quân Pháp để giết chết các thanh niên Hà Nội mà hầu hết là những thanh niên yêu nước thuộc thành phần tiểu tư sản không theo CS, là thành phần mà CS chủ trương phải tiêu diệt…
Trước những tội ác ngập đầu kể trên, hàng chục triệu người Việt Nam nghĩ rằng cuộc đời “Thất sủng” hẩm hiu của viên tướng họ Võ, cũng như cuối cuộc đời nằm thoi thóp trên giường bệnh cả 4 năm trời, chính là để trả cái nghiệp bất nhân gian ác, giết chết biết bao nhiêu người vì tham vọng cá nhân, vì chủ trương của đảng. Biết bao người dân Việt Nam chép miệng thở dài, ngao ngán vì họ đã thấy “Quả báo nhãn tiền, đa thọ đa nhục”, càng sống lâu càng nhục nhã của họ Võ.
Để kết thúc bài viết về con người thật của “Đại Tướng” họ Võ, xin mượn lời của nhà báo Hoa Kỳ Tim Karr nói Tướng Giáp “Đáng ra có thể làm nhiều hơn để Việt Nam phát triển...”. Nhất là Tướng Peter Mac Donald của Quân đội Hoàng gia Anh, một nhà quân sự già dặn từng ở trong quân đội Anh 32 năm, chủ biên quyển “Lịch Sử Thế Giới” đã sang Việt Nam gặp tướng Giáp hồi 1987 để viết cuốn «GIAP - hai cuộc chiến tranh Đông Dương» (GIAP - les deux guerres d’ Indochine) do nhà xuất bản Perrin - Paris phát hành năm 1992, trong đó ông nhận xét: “Những tư tưởng của tướng Giáp được ghi lại trên giấy thường là chán ngán đến chết người”. Để Kết luận P. Mac Donald viết: “Từ khi còn trẻ, tướng Giáp đã thấm nhuần lý thuyết Cộng sản. Thật đáng tiếc là trải qua mấy chục năm dài, lẽ ra trí thông minh của ông đã có thể mách bảo ông rằng cái chế độ mà ông tham gia xây dựng là sai lầm tệ hại, để từ đó tìm ra con đường khác bảo đảm hạnh phúc cho đồng bào của ông. Như một người theo Công giáo thời Trung cổ sợ hãi bị trừng phạt khủng khiếp khi bỏ đạo, ông đã mù quáng phục vụ đường lối Marx – Lénine theo như Hồ Chí Minh dẫn giải”.
Trên đây là những nhận xét khách quan của những người ngoại quốc mà còn suy nghĩ như vậy, huống chi những cựu chiến binh, những người mến mộ ông ta chắc chắn là sẽ thở dài, tiếc nuối mà chép miệng “Giá mà, “Đại Tướng của ta” có cái dũng khí thực sự của một ông tướng đúng nghĩa là dám nói dám làm thì có lẽ số phận ông ta không hẩm hiu như vậy. Một sống một mái, sống thì vinh quang, mà có chết thì cũng vinh quang… dù là vinh quang kiểu “xã hội chủ nghĩa”. Thật tiếc là “Đại Tướng” Võ Nguyên Giáp của họ đã không được như vậy!
Cuối cùng, một mai khi khi đất nước thay đổi thì nhân dân Việt Nam sẽ phán xét tối hậu về công và tội của cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp trước lịch sử một cách công minh chính đáng nhất.
No comments:
Post a Comment