Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-10-24
2013-10-24
Ông Philip Robertson, phó giám đốc Phân Bang Châu Á của Human Rights Watch
AFP
Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch, tổ chức quốc tế bảo vệ quyền con người, vừa gởi một văn thư yêu cầu Quốc Hội Việt Nam nên bảo đảm rằng bản hiến pháp sửa đổi phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Thanh Trúc trình bày chi tiết hơn về văn thư của Giám Sát Nhân Quyền vào khi Quốc Hội Việt Nam đang xem xét tiến tới việc bỏ phiếu liên quan đến nội dung sửa đổi hiến pháp trong phiên họp từ 21 tháng Mười đến 30 tháng Mười Một năm 2013:
Văn thư của Giám Sát Nhân Quyền gởi Quốc Hội VN
Quốc Hội Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử, bất kể mệnh lệnh của đảng cộng sản đương quyền, hãy tận dụng thời cơ này để mang lại sự thay đổi ý nghĩa cho hiến pháp cũng như cho một cơ chế pháp lý vốn luôn chối bỏ những quyền căn bản của người dân một cách có hệ thống. Hiến Pháp Việt Nam 1992 đã từng được tu chính hồi năm 2001.
Đó là mở đầu của văn thư do Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền gởi tới Quốc Hội Việt Nam nhân khi các đại biểu cơ quan lập pháp Việt Nam nhóm phiên họp nhằm xem xét và bỏ phiếu về các nội dung sửa đổi hiến pháp từ ngày 23 tháng này đến ngày 30 tháng 11 tới.
Cải tổ một hệ thống nặng tính áp chế, đón nhận những tiêu chuẩn quốc tế, là những ý tưởng chính trong văn thư của giám sát Nhân Quyền gởi đến Quốc Hội Việt Nam.
Theo ông Brad Adams, giám đốc Ban Châu Á trong Giám Sát Nhân Quyền văn phòng ở London, Anh Quốc, đây là cơ hội duy nhất cho cả một thế hệ để có được một bản hiến pháp bảo vệ những quyền căn bản của người dân như quyền kêu gọi dân chủ, quyền thành lập công đoàn độc lập hay các tổ chức chính trị độc lập, rằng Quốc Hội Nhân Dân Việt Nam đừng sửa cho lấy có những điểm nhỏ trong cả một hệ thống công quyền nặng tính đàn áp mà hãy đáp ứng nguyện vọng của người dân bằng cách thay đổi hiến pháp một cách cơ bản.
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam hôm 21/10/2013. AFP
Người ta có thể thấy rồi ra quyền dân sự và quyền chính trị của người dân sẽ một lần nữa bị khước từ bởi qui định một đảng duy nhất cầm quyền sẽ không thay đổi. Như vậy, đảng cầm quyền sẽ mặc sức can thiệp vào những phong trào dân chủ và nhân quyền của các tổ chức dân sự và tổ chức chính trị như đã làm trước nayPhilip Robertson
Khẳng định lập trường của Human Rights Watch, ông Philip Robertson, phó giám đốc Phân Bang Châu Á của tổ chức từ văn phòng Bangkok, Thái Lan, nhận định rằng Quốc Hội Việt Nam nên nắm lấy cơ may được nhà nước yêu cầu xem xét và biểu quyết những nội dung sửa đổi hiến pháp vì:
Quốc hội nên tận dụng cơ hội này để bảo đảm chắc chắn rằng diện mạo mới của bản hiến pháp được cải tổ phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Vấn đề ở đây là từ lâu Việt Nam đã ký kết Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền song trên thực tế điều đó không biến luật pháp Việt Nam thành một hệ thống pháp lý bảo vệ quyền con người theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế, và hiến pháp Việt Nam cũng đi theo con đường đó.
Căn cứ vào Điều 4 Hiến Pháp chẳng hạn, khẳng định vị trí và vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, và bây giờ đảng cầm quyền này đang muốn quốc hội bỏ phiếu về những thay đổi hiến pháp, thì người ta có thể thấy rồi ra quyền dân sự và quyền chính trị của người dân sẽ một lần nữa bị khước từ bởi qui định một đảng duy nhất cầm quyền sẽ không thay đổi. Như vậy, đảng cầm quyền sẽ mặc sức can thiệp vào những phong trào dân chủ và nhân quyền của các tổ chức dân sự và tổ chức chính trị như đã làm trước nay.
Theo Giám Sát Nhân Quyền, dự thảo sửa đổi gây nhiều tranh cãi liên quan đến Điều IV Hiến Pháp, chừng như đã nới rộng điều kiện cho đảng cộng sản tuyên bố quyền lãnh đạo đất nước, rằng đảng luôn là đội ngũ tiên phong không riêng với giai cấp công nhân như Hiến Pháp 1992 qui định, mà còn là đội ngũ tiên phong của cả dân tộc Việt Nam, khiến những yêu cầu về đa nguyên và bầu cử tự do trở thành những điều bất khả và không tưởng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dù như là quốc gia độc đảng và đảng cộng sản đang kiểm soát quá trình nghị sự trong quốc hội, thế nhưng theo luật thì tu chính hay sửa đổi hiến pháp là thẩm quyền của cơ quan lập pháp, văn thư của Giám Sát Nhân Quyền nhấn mạnh.
Điều IV Hiến Pháp, chừng như đã nới rộng điều kiện cho đảng CS tuyên bố quyền lãnh đạo đất nước, rằng đảng luôn là đội ngũ tiên phong không riêng với giai cấp công nhân như HP 1992 qui định, mà còn...của cả dân tộc VN, khiến những yêu cầu về đa nguyên và bầu cử tự do trở thành những điều bất khả và không tưởngTheo Giám Sát Nhân Quyền
Đối với Giám Sát Nhân Quyền, một số nội dung sửa đổi hiến pháp được chính thức đề xuất hầu đã phản ảnh những tiến bộ về mặt nhân quyền. Cụ thể, nhân quyền chỉ được đề cập một lần duy nhất và rất hình thức trong bản hiến pháp 1992, rồi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bản dự thảo lần này mà cách thể hiện cho thấy nhân quyền là điều thuộc về tất cả mọi người ở Việt Nam, kể cả những người không được coi là công dân Việt. Ngoài ra, vẫn theo Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền, những bước tiến bộ khác nữa trong dự thảo tu chính hiến pháp lần này bao gồm các điều khoản về quyền không bị phân biệt đối xử, quyền tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý, quyền được xét xử công bằng, quyền chống cưỡng chế lao động và trên hết là quyền yêu cầu một Hội Đồng Hiến Pháp.
HRW không có ý xách động hay tạo một biến cố
Văn thư của Giám Sát Nhân Quyền không có ý xách động hay tạo một biến cố gì khác, phó giám đốc Phân bang Châu Á của Giám Sát Nhân Quyền ở Thái Lan, ông Phil Robertson, nhắc lại:
Những gì Human Rights Watch muốn bày tỏ chỉ là nội dung hiến pháp được cải tổ sẽ không có những điều khoản tạo thuận lợi cho một phe nhóm độc quyền lạm dụng nhằm củng cố quyền lực của họ vì điều đó đi ngược lại với những tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Đây là những điều Quốc Hội Việt Nam nên nghĩ tới khi quyết định bỏ phiếu để biểu quyết về thay đổi hiến pháp.
Và quả là một hài kịch, văn thư của Human Rights Watch kết luận, khi mời gọi nhân dân góp ý sửa đổi hiến pháp rồi lại bỏ tù chính những người dám nói lên quan điểm riêng của mình
Vì đã là thành viên của những công ước hay những hiệp ước quốc tế về nhân quyền, và để thực hiện được một chương trình cải tổ thực sự, Giám Sát Nhân Quyền nói tiếp, Việt Nam cần bảo đảm hiến pháp được tu chính phải hội đủ trách vụ pháp lý quốc tế cũng như bảo đảm khả năng thực thi pháp lý của những điều khoản thay đổi đó trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Giám đốc Châu Á trong Human Rights Watch ở Anh quốc, ông Brad Adams, viết trong văn thư rằng người dân Việt Nam đang chất vấn một cách chính đáng rằng liệu bản hiến pháp thay đổi có tạo điều gì mới lạ và khác hơn cho cuộc sống của họ hay tựu chung chỉ là những mỹ từ trên giấy. Cũng vậy, rất công bằng để chất vấn là quá nhiều ngoại lệ và kẽ hở thì liệu việc thay đổi hiến pháp lần này phải chăng chỉ đơn thuần là một bài tính về quan hệ công hay không? Và nếu có ý định nghiêm túc về cải tổ hiến pháp, ông Brad Adams một lần nữa nhấn mạnh, đảng cộng sản Việt Nam sẽ để cho quốc hội chứng minh rằng những kẻ hoài nghi đã nghĩ sai.
Trong văn thư gởi cho Quốc Hội Việt Nam để khuyến khích cơ quan lập pháp của một nước thể hiện thẩm quyền của mình khi quyết định nội dung sửa đổi hiến pháp trong phiên họp từ ngày 23 tháng này đến ngày 30 tháng tới, Giám Sát Nhân Quyền ghi nhận động thái tích cực chưa từng có của nhà nước Việt Nam khi mời gọi người dân đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Bản Hiếp Pháp 1992 từ tháng Giêng 2013 mà hàng chục ngàn người dân đã viết thư góp ý.
Đáng tiếc, vẫn theo Giám Sát Nhân Quyền, những người mạnh dạn bày tỏ ý muốn thay đổi hiến pháp đã trở thành mục tiêu của chiến dịch ngăn chận những tư tưởng bị cho là đi ngược lại với chủ trương đường lối của nhà nước. Đây là lý do, ông Brad Adams quả quyết, khiến luật sư Lê Quốc Quân, người thường cổ vũ tự do dân chủ, bị bắt và bị xét xử với tội danh ngụy tạo là trốn thuế, trong lúc những người lên tiếng phê bình chính phủ một cách ôn hòa như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, blogger Nguyễn Hữu Vinh và nhà hoạt động Lê Công Cầu và nhiều người khác nữa lần lượt trở thành nạn nhân của chiến dịch tiêu diệt những tiếng nói đối lập.
Chính vì thế, đối với Human Rights Watch, giới lãnh đạo hiện thời ở Việt Nam chưa chứng tỏ được họ sẽ nghiêng về giải pháp bớt khống chế bớt đàn áp khi nói về những quyền căn bản của người dân.
Và quả là một hài kịch, văn thư của Human Rights Watch kết luận, khi mời gọi nhân dân góp ý sửa đổi hiến pháp rồi lại bỏ tù chính những người dám nói lên quan điểm riêng của mình.
No comments:
Post a Comment