Bửu Long
Lấy mê tín và lấy sự vô pháp làm kim chỉ nam phát triển đất nước, đó là thứ chủ trương lạ lùng và quái dị nhất trong lịch sử mà đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện suốt mấy chục năm nay, có lúc bùng nổ, có lúc âm ỉ. Nhưng dù bùng nổ hay âm ỉ, nó đều cho thấy quyết tâm mê tín hóa và vô pháp hóa đất nước nhằm củng cố địa vị thống trị lâu dài của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Một mặt đẩy nhân dân đến chỗ tôn thờ Hồ Chí Minh như một biểu tượng tâm linh, mặt khác, bằng cách đưa cả ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp vào tay trung ương đảng nhằm thao túng và lũng đoạn đất nước. Nhưng có vẻ như càng làm, nhà nước Cộng sản Việt Nam càng mau chạm thất bại.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng vào năm 1973 đến năm 1975, nó đã ngốn hết số tiền khổng lồ của đất nước trong lúc dân tình nghèo khổ, đói rách, đất nước vẫn còn đang trong chiến tranh với phương Bắc và ngân sách nhà nước đang trống rỗng. Nhưng vì mục đích biến Hồ Chí Minh thành thần tượng, thành đối tượng chiêm bái của cả dân tộc Việt Nam nên nhà nước Cộng sản Việt Nam đã không từ bỏ bất cứ chi tiết nào cho dù nó tốn kém đến đâu để xây dựng lăng lãnh tụ của họ. Cũng trong lúc đó, luận điệu bài trừ mê tín dị đoan được Lê Duẩn – tổng bí thư lúc bấy giờ - đẩy lên tầm mức báo động đỏ. Nghĩa là Lê Duẩn cho rằng đất nước này u tối, dốt nát chỉ vì mê tín mà ra. Và những gì làm cho con người trở nên mê tín? Lê Duẩn và bộ sậu trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra lý do là chính các đền đài, miếu mộ, chùa chiền đã làm cho con người trở nên mê tín.
Hậu quả của thứ luận điệu quái gở này là hàng triệu đền đài, miếu mộ, chùa chiền bị đập phá tan hoang. Một đất nước mà đi từ Nam chí Bắc, tịnh không một ngôi chùa nào dám mở cửa cho Phật tử đến chiêm bái, cúng kính, các đền đài, miếu mộ luôn nằm trong tầm ngắm của công an xã, công an huyện. Chỉ riêng năm 1980, có gần ba triệu ngôi miếu bị đập phá. Thật ra, chủ trương và mục đích của Lê Duẩn cùng bộ sậu trung ương đảng Cộng sản không giống như luận điệu của nó đưa ra là nhằm làm cho đất nước tiến bộ, bài trừ mê tín. Mà trên thực tế, đằng sau luận điệu đó là âm mưu thao túng, qui về một mối và đẩy niềm tin tôn giáo hoặc ý hướng tâm linh của con người đến chỗ mê tín Hồ Chí Minh. Với Việt Nam, chỉ cần mê tín Hồ Chí Minh, chiêm bái Hồ Chí Minh là đủ, không cần ông bà, cha mẹ hay tổ tiên gì, đó là mục tiêu lớn nhất của cái gọi là “chủ trương của đảng”.
Và, càng làm như thế, Cộng sản Việt Nam càng mau chạm thất bại. Thất bại đầu tiên về mặt xây dựng đất nước mê tín. Hầu như không những không đạt được mục đích mà vô hình trung, kiểu quản lý đất nước nửa người nửa ngợm của nhà nước Cộng sản đã đẩy nhân dân đến chỗ một bộ phận không nhỏ đã thật sự mê tín. Nhưng không phải mê tín vào Hồ Chí Minh trong lăng ở Hà Nội mà mê tín vào các điện ông đồng bà cốt. Càng cấm đoán, càng đập phá, các điện ông đồng bà cốt càng hoạt động táo bạo. Điều này có nguyên nhân và lý do của nó. Mà lý do chính lại nằm ở chỗ kinh tế và văn hóa.
Thay vì xây dựng chiến lược kinh tế để phát triển đất nước, trong suốt thập niên 1980, nhà nước Cộng sản Việt Nam chỉ cố gắng xây dựng nền tảng mê tín, giáo điều của thứ chủ nghĩa mà họ đang thủ đắc. Hậu quả của việc này là đất nước kiệt quệ kéo theo nền kinh tế tập trung bao cấp vốn không còn hợp với lịch sử nữa, nhân dân đói khổ vĩ đại và những ai còn tin tưởng vào nhà nước trở nên hoài nghi, rồi thất vọng vì nó.
Song hành với thứ chủ trương mê tín quái gở này là chủ trương thống lĩnh công lý, đây có thể nói là một thứ chủ trương vừa phi khoa học lại vừa mang dấu hiệu bệnh hoạn mà nhà nước Cộng sản Việt Nam kiên trì theo đuổi mấy mươi năm nay, để rồi kết cục của nó là một đất nước như đang thấy, hoàn toàn vô pháp, vô luân và nhân dân chẳng còn mảy may niềm tin nào vào nền công lý quốc gia, thậm chí nhân dân xem những tòa án là những cái lò mổ mà ở đó, các quan tòa đóng vai trò thợ mổ, sẵn sàng cắt tiết bất kỳ nạn nhân nào bước vào nếu như việc này có lợi cho họ, chí ít là kiếm được tiền hoặc là kiếm được vị thế, quyền lực trong tập đoàn Cộng sản.
Ngay từ những năm sau 1975, cái đuôi này đã thò ra khá rõ. Đầu tiên có thể nhắc đến hàng trăm trại tù “cải tạo” đẩy hàng chục ngàn quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vào chỗ chết với luận điệu “khoan hồng, giáo cục cải tạo” nhưng trên thực tế, đó là một kiểu trả thù có thủ đoạn và có tính toán kỹ lưỡng. Sự trả thù này vừa một mặt giúp cho các cán bộ Cộng sản mới nhận các chức vụ quản lý ở miền Nam loại bỏ được đối thủ về mặt năng lực. Vì một khi các cán bộ, quân nhân chế độ cũ bị đẩy vào tù, bị ám hại, chắc chắn gây ra sợ hãi trong nhân dân và chẳng ai dám nhắc đến họ cho dù có nể phục hay gì chăng nữa. Trong khi đó, với kiến thức chưa kịp xóa mù chữ, không biết gì về quản lý, từ nhỏ đã được đào tạo giết người, đánh nhau, tiến vào miền Nam để lấy chiến lợi phẩm… Chắc chắn một điều là các cán bộ miền Bắc sẽ chẳng khác nào thằng hề ngồi ghế cơ quan. Và điều này cũng đã được lịch sử chứng minh, không cần bàn thêm. Vấn đề muốn bàn ở đây chính là để loại bỏ đối trọng quản lý, họ đã đẩy những đối phương vào chỗ chết. Nhưng họ hoàn toàn không biết rằng đây là việc làm vô luân, vô pháp cho dù xét trên khía cạnh quốc gia hay là xét rộng ra trên khía cạnh công ước quốc tế.
Và cũng trong giai đoạn này, chắc không ít người vẫn còn nhớ đến những kinh nghiệm đáng sợ, chỉ cần một ai đó nói ra tính cách không tốt hoặc một lỗi nhỏ nào đó của các đảng viên Cộng sản, lập tức họ bị hành hạ đủ hướng, có thể là bị ép công điểm trong sản xuất nông nghiệp, cũng có thể là bị cắt tem phiếu lương thực, nhưng đáng sợ nhất là có thể bị còng tay dắt lên ủy ban xã để nghe các cán bộ giáo huấn cho một trận, sau đó về nhà với mặt mày sưng vếu, răng mất vài chiếc, xương gãy vài chỗ, sưng phổi, dập lá lách… Dường như chuyện này xảy ra như cơm bữa ở Việt Nam trong giai đoạn này.
Mãi cho đến bây giờ, qua nhiều hình thức chuyển đổi, thay hình đổi dạng nhưng thực chất vẫn cố hữu độc tài, chuyên quyền và độc đoán, dường nhưng bản chất của nhà nước Cộng sản càng ngày càng hiện rõ hơn mặc dù có tinh vi hơn. Nếu như trước đây, người dân sợ hãi và im lặng không hề mảy may phản kháng thì trong vài năm trở lại đây, toàn dân bắt đầu ý thức được thế nào là ý nghĩa đích thực của quyền làm người và thế nào là lựa chọn một hệ thống giáo dục khoa học, tiến bộ cũng như hệ thống quản lý nhà nước kèm theo. Những yêu cầu về nhân quyền, dân chủ ngày càng bức thiết và cấp bách. Và những phiên tòa trá hình hay càng nhiều hơn.
Nếu như trước đây, chiến thuật của nhà độc tài là đánh đập, răn đe, hoặc ám toán, thì bây giờ, họ chọn tòa án để hợp thức hóa chính sách áp đặt của họ. Những phiên tòa trái với lương tri, không có pháp luật ngày càng nhiều, từ phiên tòa xử blogger Điếu Cày cho đến Lê Thăng Long, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Thị Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… Và gần đây nhất là phiên tòa xử luật sư Lê Quốc Quân với tội danh “trốn thuế”.
Thử xâu chuỗi lại tất cả những phiên tòa xử người yêu nước đều có chung hai luận điệu, hoặc là “xuyên tạc, chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa”, hoặc là “trốn thuế”. Trong những trường hợp người yêu nước nói rõ về chính kiến của mình và đã có những hoạt động cụ thể như biểu tình, rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc, chống độc tài thì đều bị xếp vào tội “chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa”, trường hợp nhà yêu nước hoạt động tinh vi hơn, trong một hệ thống ngầm và một hệ kín nào đó đã không cho an ninh cộng sản tìm được bằng chứng để ghép tội, thì bằng mọi giá, họ phải bắt giữ và ghép tội “trốn thuế”.
Thật ra, cả hai tội này đều rất mơ hồ và có thể là hoàn toàn vô lý, nhưng nó cho phép nhà nước Cộng sản khống chế một cách “hợp pháp” các nhà hoạt động yêu nước. Vì nếu như trước đây, khi nhà nước Cộng sản Việt Nam chưa tham gia các tổ chức quốc tế, chỉ là nhà nước khép kín với mô hình kinh tế tập trung bao cấp, việc bắt bớ, đánh đập và đàn áp của họ dễ qua mặt quốc tế, không có bên ngoài kiểm soát (và đó là mục tiêu lớn mà nhà nước này không đạt được). Nhưng về sau, vì đảm bảo tồn tại, nhà nước Cộng sản buộc phải bắt kịp hoặc chí ít cũng chạy theo đuôi các quốc gia tiến bộ (nếu không như thế, nguy cơ nội loạn và nạn đói có thể xảy ra bất kỳ giờ nào), nhà nước Cộng sản Việt Nam buộc phải tuân thủ một số qui định trong các công ước quốc tế. Một khi chấp nhận các công ước này, yếu tố quyền con người cũng được đi kèm và buộc họ phải tuân thủ. Đến nước này, chuyện bắt bớ vô tội vạ không còn dễ dàng xảy ra nữa. Những thủ đoạn mới được thực hiện.
Nhằm qua mắt những nhà quan sát quốc tế, Cộng sản Việt Nam đã biến tòa án thành cái lò mổ mà trong đó, lòng yêu nước bị biến thành súc vật của chế độ để tùng xẻo, những quan tòa nắm chức năng giết mổ, bằng mọi giá, họ phải thông đồng với viện kiểm sát để áp đặt tội danh lên người yêu nước. Làm vậy họ được gì? Thực ra, mục đích cuối cùng của các phiên tòa lò mổ này không phải là răn đe nhân dân, kiểu này đã quá cũ xưa rồi, nó chỉ làm cho nhân dân mau “sáng mắt sáng lòng” mà nhận ra sự phi lý của nhà cầm quyền, điều này chỉ cho hiệu ứng ngược. Nhưng họ buộc phải làm thế để đạt mục đích duy nhất là khống chế, giam giữ những nhà hoạt động yêu nước.
Vì trong không khí hiện nay, nhân dân chẳng còn mê tín Hồ Chí Minh, yêu cầu nhân quyền, dân chủ đã đạt đỉnh điểm, nếu để các nhà hoạt động yêu nước đi lại tự do, nguy cơ sụp đổ chế độ sẽ diễn ra trong gang tấc. Nhưng giam giữ các nhà yêu nước có kéo dài được chế độ hay không? E rằng quá khó, vì nhà tù Việt Nam không thể chứa đến 20 triệu người. Trong khi đó, dân số Việt Nam đã chiếm ngưỡng 90 triệu. Chuyện xóa bỏ độc tài là chuyện của ngày rất gần. Mọi cố gắng của nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng giống như một cơ thể ung thư giai đoạn cuối đang cố gắng dùng thuốc giảm đau.
No comments:
Post a Comment