Friday, August 23, 2013

Quyền Biện Hộ : Quyền Dân Chủ:

Quyền Biện Hộ : Quyền Dân Chủ:
 Luật sư Jacques Vergès, Đỉnh Cao Của Quyền Biện Hộ.
 Phan Văn Song
Luật sư Jacques Verges.
Luật sư Jacques Verges.

Sáng ngày 16 tháng 8, tôi nhận được tin ông Jacques Vergès mấtJacques Vergès là một luật sư nỗi tiếng trong giới luật gia tại Pháp. Ông lại càng nỗi tiếng hơn trong nhóm các luật gia Việt Nam, đặc biệt là đối với cá nhơn tôi, (tôi không dám nói dùm các người bạn đồng nghiệp đồng hương). Mẹ của Mét  - Me Vergès là  người Việt Nam, ông nói được và hiểu tiếng Việt. Tôi có dịp được một đồng nghiệp người Pháp tạo cơ hội được gặp ông. Ông rất dễ thương với đàn em, không cao ngạo như thiên hạ thường tả ông. Nhưng ông là một kịch sĩ đại tài, ông nói với hai anh em tụi tui : « Chúng nó thường ví tao là một Chinois, tao tạo cho chúng nó hình ảnh un chinois mystérieux - một thằng tàu bí mật. Vì dù mầy có đính chánh mầy không phải chinois, tụi nó vẫn cho mầy là chinois " ( chúng nó đây là nhà báo). Ông hồi nhỏ hoạt động với Đảng Công sản Pháp, trong Kháng chiến chống Đức Nazi, trong thời sanh viên, ông ở trong thành phần chống thực dân của các Phong trào sanh viên các xứ thuộc địa. « Tao sanh đẻ ở xứ thuộc địa, mẹ tao là dân bị thuộc địa bị hà hiếp, làm sao tụi nó bảo tao đứng phía tư bản được ? ». Khi tôi hỏi, ông từng ở Nga, ở Đông âu, ở Liban…sao ông không hoạt động ở đấy ? « Các em phải trân trọng nước Pháp và chế độ dân chủ, ngành Luật nước Pháp rất đặc biệt, chỉ có nước Pháp chúng ta mới cho mình phổ biến cái quyền biện hộ lên đến cao độ như vậy. Có quốc gia nào dám đưa quyền biện hộ lên cao độ như vậy không ? Tòa án Nuremberg là bước đầu khai sanh ra quyền xử án  các tôi ác nhơn loại ? quyền xử án là có quyền biện hộ. Cách biện hộ của tôi, có nhiều người không thích vì tôi kiện ngược tố ngược Nhà nước. Nhưng Nhà nước không bao giờ phạt nặng tôi cả ! chỉ có một lần, nhưng lúc ấy là Tòa án quân sự ! ». Từ đó, đã trên 20 năm nay, tôi rất phục và ngưởng mộ ông Jacques Vergès. 

Luật sư Jacques Vergès tháng 12 năm 2012.
Luật sư Jacques Vergès :

Khi người ta hỏi thăm sức khỏe ông, ông thường trả lời :  « Ngoài bịnh bất trị ra, tôi vẫn khỏe  je vais incurablement bien ». Nhưng cuối cùng bịnh bất trị thắng trận, và Jacques Vergès đổi ý kiến, ông vừa từ giả cỏi đời ngày thứ năm 15 tháng 8, đang đi vào tuồi thứ 89. Với tất cả những oai phong, lãng mạn như đời sống của ông. Ông mất ngay trong căn phòng ngủ nơi đại văn hào Pháp Voltaire mất ngày 30 tháng 5 năm 1778.
« Lúc sau ngày ông gầy hẳn đi, và đi đứng rất khó khăn, theo lời thuật của Cựu Thủ lãnh Luật Sư Đoàn Paris Christian Charrièr – Bournazel,ông phát âm có khó khăn nhưng đầu óc vẫn minh mẫn ». Tuần trước, ông bị cảm nặng, và bị khó thở, một bà bạn thân mời ông đến dưởng sức ở căn nhà bà để bà dễ trông nom săn sóc. Căn nhà ở quai Voltaire, trước Viện Bảo tàng Louvres, nơi nhà đại văn hào Voltaire từng trú ngụ. Jacques Vergès, bầt tỉnh trước buổi cơm chiều và ra đi tối thứ năm, mang theo tất cả những bí ẩn và huyền thoại của đời ông. 
Một Luật sư đại tài, lắm người ngán tài ông, nhưng cũng lắm người ganh ghét. Mét Vergès tự dựng mình thành một nhơn vật nửa vô liêm sĩ nửa đầy thách thức (mi-cynique mi-provocateur). Ông thích chọc cho người ta ghét ông. Lúc nào cũng phì phèo điếu xi gà, và giữa hai làn khói thuốc ông thú thiệt : « Tôi thích tôn sùng tôi ». Con người đầy bí mật, ông sửa và biến tiểu sử mình thành một huyền thoại.
Người bạn của Pol Pot.
Jacques Vergès, theo tiểu sử chánh thức sanh năm 1925, ngày 5 tháng 3 tại Oubone , Thái Lan, con của Raymond, Lãnh sự Pháp tại Thái Lan và Nguyễn thị Khang, người việt nam :. “Cha tôi là một anh chàng lãng tử, giang hồ, khi thì kỹ sư canh nông ở Trung Hoa, lúc thì giáo sư ở Shang hai, và cuối cùng là Lãnh sự và y sĩ ở Thái lan”- theo lời kể của ông trong cuốn sách tự thuật Thằng Mất Dạy Sáng Giá – Le Salaud Lumineux ( Nhà Sách Michel Lafon, Paris). Raymond và Thị Khang có hai trai, Paul và Jacques, và Raymond đã khai gian sanh hai con cùng một ngày. Sự thật là hai anh em cách nhau một năm. Theo sự khám phá của nhà viết tiểu sử của ông, Bernard Violet, Jacques Vergès sanh năm 1924, ngày 20 tháng 4 ? . “Tôi cóc cần – Je m’en fous royalement !” Jacques Vergès trả lời với báo Libération khi được hỏi về ngày sanh của ông.
Cậu bé Jacques Vergès lớn lên ở Đảo Réunion ( thuộc Pháp) nơi quê hương của ông bố, Jacques Vergès là đồng môn cùng trường, cùng lớp với cựu Thủ tướng Pháp ( và Giáo sư kinh tế, năm 1961 -1962 tại Đại học Luật Assas của người viết chúng tôi) là ông Raymond Barre. Ngày 28, tháng 11, năm 1942, khi chiến hạm Léopard, theo kháng chiến De Gaulle và Nước Pháp Tự Do quay súng nả đạn vào hài càng Saint Denis của Đảo Réunion, Jacques và Paul hai anh em  cùng 17 tuổi, đã có mặt trên nóc của mái trường để hạ  lá cờ Pháp của Pétain với cây búa francisque xuống. Và liền sau đó, hai anh em vượt trốn qua đảo Madagascar và qua Luân đôn, nơi Tướng De Gaulle lập quân kháng chiến.
Chàng thanh niên Jacques đầu quân, có  mặt trên khắp chiến trường chống Nazi Đức ở Âu châu, đổ bộ lên An giê ri, đổ bộ lên Ma rốc, giải phóng nước Pháp, và tiếp tục theo đoàn quân  xâm nhập, và cai quản nước Đức bại trận. Theo lời ông kể, đó là những năm đầy những kỷ niệm quý báu nhứt. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1945, và cũng theo lời kể của ông, trong vòng năm năm « tôi là một thằng cán bộ tuyên truyền xác động – agit-prop chống thực dân của Khu La tinh Paris ». Thủ lãnh của Hội Liên hiệp Sanh viên gốc Đảo Réunion, ông có những người bạn cùng chí hướng như Mahamed Masmoudi, Bộ trưởng tương lai của Tồng thống tương lai Tunisie Bourguiba, hay Pol Pot, tay sát nhơn tương lai của dân Khmer.
Từ năm 1951 đến 1954, ông được  Đảng Cộng sản nuôi dưởng,  đào tạo. Ủy viên trung ương, rồi Tông thư ký của Liên Minh Quốc tế Sanh Viên Cộng sản, ông sống ở Pra ha, Tiệp Khắc, làm bạn với Erich Honecker, lãnh tụ tương lai của Đông Đức Cộng sản hay Alexandre Chelepine, xếp sòng tương lai của KGB, cơ quan mật vụ Liên sô. Nhưng bất thình lình, một hôm, Jacques Vergès vứt bỏ cả, ông từ chối mọi chức vụ, mọi danh dự, trở về Đảo Réunion, trở lại Trường Luật lại và thi vào Luật sư Đoàn Paris. .
Tháng 4 năm 1957, thay đổi lớn trong đời của Vergès. Luật sư, Mét Vergès với kinh nghiệm vào nghề vừa non 18 tháng, đã được kháng chiến An giê ri thuê làm trạng sư biện hộ cho cô kháng chiến FLN ( Mặt Trận Quốc gia Giải Phóng An giê ri) Djamila Bouhired. « Từ đó, giữa người An giê ri và tôi là một cú sét ái tình !»  Vergès thú nhận. Nhưng thực sự, tiếng sét ái tình đến đúng hơn giữa nàng kháng chiến gan dạ trẻ đẹp Djamila và chàng Luật sư bướng bỉnh vừa ra trường, hai người kết hôn một thời gian sau đó. Nàng kháng chiến - bị tội khủng bố - thủ phạm những vụ đánh bom, đặt chất nổ phá hoại nước Pháp - bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó được Tổng Thống De Gaulle tha chết. Để biện hộ thân chủ, Trạng sư, Me (Maître), Mét Vergès đã sáng tạo ra « cách biện hộ bằng phá đề - la défense de rupture ». Biết rằng mình không thể mong chờ gì những biện luận như thông cảm, hay những đấu lý đấu luận với các công tố, với các luật sư của nhà nước thuộc địa. Bản án đối với một một can phạm được gọi là tay khủng bố, kẻ đặt bom chỉ có thua - từ chết đến bị thương thôi !. Vì vậy cách tranh luận hay nhứt là tấn công, ông đánh nhau hẳn với chế độ, ông tố cáo chế độ, ông đánh vào chế độ, luật lệ chế độ, công lý của chế độ, ông biến thành công tố và tố cáo công tố của Tòa án Nhà nước. Kết quả, ông bị phạt treo áo một năm. Năm 1961, ông biến thành người anh hùng của kháng chiến An giê ri, họ đặt tên ông là Mansour - kẻ chiến thắng – le Victorieux.
FLN gởi ông đi Maroc, ông lãnh chức vụ cố vấn cho Thứ trưởng Ngoại giao, đặc trách Phi châu, khi An giế ri dành được độc lập. Ông vào đạo Hồi và công dân danh dự  xứ  An giê ri độc lập. Nhưng cậu Jacques say máu ngà, lánh xa Mạc tư Khoa và đi chơi với Bắc Kinh, chàng rời xa Alger, qua lại thăm viếng Mao Xù Xì. Thỉnh thoảng người ta còn gặp ông ở Beyrouth bên cạnh Tổ Chức Giải Phóng Palestine (OLP) của Arafat, rồi một hôm,ông biến mất.
Trong vòng 8 năm trời. Số báo ngày 26 tháng 5 năm 1970 của nhựt báo Le Monde đăng tin : « Luật sư Vergès, mà gia đình đã loan tin đã bặt tin từ hôm 17 tháng 3, đã nhắn qua nhà xuất bản sách của ông, Ông Jérôme Lindon, rằng ông vẫn bình yên ở ngoại quốc ». Mét Vergès đã tạo lên một huyền thoại từ dạo ấy. Già thuyết lúc ấy là ông ở Cao Mên với ông bạn Pol Pot ?

Một hôm đẹp trời, ở Paris, Jacques Vergès lại xuất hiện, tái xuất giang hồ với đôi kính cận tròn vo, với đôi mắt xếch á đông trong bộ âu phục sang trọng. Phong độ như xưa, nụ cười như xưa, bí hiểm, điếu xì gà luôn luôn kẹp trên tay, ông trả lời với báo chí : « Tôi vừa bên kia kiếng trở về -( như Alice) – Đó là phần trong bóng tối của tôi – ma part d’ombre ». Và ông tiếp theo : «  Tôi trở nên lão luyện (dạn dĩ ) hơn –aguerri ! » Và ông tiếp theo, «  các  anh ghi nhớ dùm từ aguerri  nầy nhé ! vì nó đúng và yêu đời hơn ! parce qu’il est juste et optimiste ! »

Trạng sư của các  ác quỷ :
Trạng sư, ông biện hộ cho Bruno Bréguet và Magdelena Kopp, những đồng chí của tay trùm khủng bố, địch thủ số 1 của nước Pháp – ennemi numéro1 de la France, Carlos. Ông biện hộ cho cả Carlos. Sở mật vụ Đông Đức , xếp của Carlos, cho biết họ đã liên lạc với Vergès để nhờ việc ấy, Carlos cũng thú nhận rằng sở dĩ hắn lựa Trạng sư Vergès vì Vergès « nguy hiểm » hơn hắn ! Và Vergès hãnh diện với lời khen ấy. «Carlos là một người rất lễ độ. Đấy là một lời khen chơn thành. Tôi nghĩ rằng một cuộc chiến tư tưởng cũng đầy nguy hiểm như một cuộc chiến bằng bom đạn ».

Luật sư Vergès cũng biện hộ cho Georges Ibrahim Abdallah, tù chung thân và nay vẫn còn ở tù. Vergès chống chế độ bành trướng Do thái – Anti Sioniste, nhưng nhiều lúc ông có những lời nói thái quá gần như chống Do thái Giáo – antisémitisme. Cuối cùng ông đưa sự chống đối lên hàng ngoạn mục. Ông nhận biện hộ cho Claus Barbie, tay đồ tề Nazi, tay xếp sòng mật vụ Gestapo Nazi Đức của thành phố Lyon, người đã bắt và đã giết Jean Moulin, người anh hùng kháng chiến Pháp. Đây là dịp để Vergès, kháng chiến quân chống Đức, có một diễn đàn để tố cáo chế độ thực dân thuộc địa.  Và trái với dự đoán, ông có rất nhiều càm tình viên. Nhà văn Jean Genet không ngần ngại viết :  « Tôi vừa được tin anh biện hộ cho Barbie. Hơn lúc nào anh là người bạn tốt của tôi ». Cuộc đời nghề nghiệp của ông đầy ngoạn mục ! Jacques Vergès, trong vai tuồng của một Luật sư không giống ai đã biện hộ cả ngàn thân chủ, phần đông là một cách cổ điển. Nhưng thường thường, ông nỗi tiếng trong những vỡ án nỗi bậc, nhứt là những lần ông dùng kỹ thuật tuyệt vời của ông là : « biện hô phá đề - défense de rupture ». Trước vành móng ngựa, hai tay áo vung cao, điệu nghệ.. Thường thường với « défense de rupture » thân chủ của chàng thường lãnh hoặc tối đa hoặc tối thiểu có khi được trắng án. Vergès đã biện hộ thắng những vụ kiện lớn như vụ bà Louise – Yvonne Cassetta, ( với cái tên tiền định = cassette là một tủ sắt nhỏ) thủ quỷ Đảng phái hữu RPR, trong tôi biển thủ (Đảng trước của Jacques Chirac, và Nicolas Sarkozy), và đặc biệt ông biện hộ anh làm vườn người ma rốc Omar Raddah, bị tôi giết bà chủ mình ( vụ nầy ông biện hộ miễn phí và chịu tất cả những phí tổn để điều tra riêng)..Hay vụ cô Simone Weber, bị tôi đã giết và chặt người tình thành nhiều khúc. Jacques Vergès đã biểu diễn trước Tòa án bằng chặt con gà bằng cưa máy. Ý muốn nói vụ án nầy sẽ làm Tòa án bị vướng máu… ( vi xử lầm)
« Khi tôi đọc một hồ sơ, tôi như một nhà đạo diễn trước những đoạn phim vừa quay xong cần phải ráp nối tạo dựng thành câu chuyện. Đây là một nghề mỹ thuật. Anh chàng Công tố cũng như tôi, như anh ấy chỉ là một anh biết tiểu thuyết bán ở nhà ga, mua nhanh đọc gấp, xong vứt bỏ, với những câu chuyện bình thường xã hôi. Còn Tôi Tôi viết Tiểu thuyết Tân thời, hấp dẫn ».
 Phỏng theo Franck Johannès (Nhựt báo Le Monde số 16 tháng 8 2013.

Bài Học  thay lời kết :

Chúng tôi xin phỏng dịch lại bài sơ lược cuộc đời của Jacques Vergès, là để cùng chia sẻ với quý độc giả lòng biết ơn và sự ái mộ của chúng tôi đối với những quốc gia tiến tiến, nơi người Việt chúng ta cư ngụ. Nhiều khi sống ở ngoài nầy quá quen rồi, chúng ta thường chê, thường giận, cho rằng chế độ luật lệ của nơi chúng ta ngụ bt công, hà hiếp dân lành...Tổng Thống Hollande của Pháp xà bát, Tổng Thống Obama, Mỹ là Obamê, Thủ Tướng Camerone, bên Anh  chỉ biết lo nhà giàu không lo nhà nghèo, nhà giàu lúc nào cũng thắng luật, thấp cổ bé miệng bị ăn hiếp, vân vân …

Chuyện của Luật sư Jacques Vergès là một điển hình của một thể chế dân chủ. Ông bị mặc cảm là bị đô hộ. Ông tâm sự riêng với chúng tôi, ( vì ông nghĩ rằng vì chúng tôi là người Việt Nam, thông cảm chuia sẻ dễ dàng với ông hơn là anh bạn người Pháp của tôi ), ông chống thuộc địa vì “thương mẹ”. Khi ông sanh ra, ông chủ, cha ông không khai sanh ông, vì ông là đứa « con rơi » của cô ở, cô giúp việc ( giúp đủ mọi việc – bonne à tout faire), mẹ ông chỉ là một “congaï” của một ông chủ Tây. Phải đợi đến năm sau, khi mẹ ông sanh thêm người em, Paul, ông cha ông mới khám phá rằng ông thật sự thương bà mẹ mấy đứa, và ông khai sanh hai đứa con một lần, và cưới mẹ ông làm vợ. Jacques Vergès, tuy quý cha, nhưng vẫn không tha cha về cái tội « khinh nhà nghèo ! ”. Suốt đời nghề nghiệp ông luôn luôn bảo vể những người không ai bảo vệ được, dù đó là  những ác quỷ, những độc tài ..” Thằng ăn trộm Barrabas bị đóng đinh cạnh Chúa, vẫn có thể theo Chúa vào Nước Chúa”. “Satan ra Tòa cũng phải có quyền biện hộ”.

Phải quyền biện hộ, quyền phản biện, quyền bào chữa. Một Nhơn quyền lớn nhứt ! Và Jacques Vergès luôn luôn đứng về phía bị cáo.

Jacques Vergès bào chữa cho Barbie, tên sát nhơn Nazi !. Jacques Vergès cũng là trạng sư của Saddham Hussein, của Milocesvich, tuyên bố sẽ là của của Khadafi, của Khieu Samphan … Tại sao những tay ấy không được bào chữa ? Thế giới tự do dân chủ mất mặt vì đề dân Romania giết vợ chồng Ceaucescu, thế giới đã mất mặt để dân Ai Cập  giết Khadafi, … Và Bin Laden ?
Người viết hãnh diện và trân trọng nước Pháp đã chấp nhận cho một nhơn vật như Jacques Vergès có cơ hội và có sở hoạt động… Mặc dù bao nhiêu lần, ông đã, với cách « biện hộ phá đề » đã tố cáo, chưởi nhà nước Pháp. Thí dụ câu « Năm xưa, nước Pháp đã xử Dreyfus, vì Dreyfus là người Do Thái, ngày nay nước Pháp đã bỏ tù Omar vì Omar là người á rập » sau vụ án Omar Raddah
Phải, chính những chế độ dân chủ như chế độ Pháp (hay Mỹ hay Anh hay Úc ..) mới có những nhơn vật như Jacques Vergès. Và các quốc gia tiên tiến như vậy là một thiểu số.

Một nước như Việt Nam Cộng sản chủ nghĩa, đến nay đã vào sâu trong thế kỷ thứ 21 rồi, mà người dân vẫn chưa có quyền biện hộ.
Thử chỉ nói đến những năm gần đây thôi và hãy bỏ đi những thởi kỳ tăm tối, ta tự hỏi xem có bao nhiêu Luật sư đi tù ? Quyền biện hộ bị bịt miệng thì làm sao gọi là Công Hòa Dân Chủ được ? Lúc xưa lúc thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, làm gì có nghề Luật sư ? Thuở Đấu tố cải cách Ruộng Đất, thuở đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm ? có lúc nào các bị cáo có quyền biện hộ ? Và ngày nay, cô bé Phượng Uyên được thắng bản án, là do chính sức ép của dư luận của những sự đấu tranh và cũng do cô bé Phượng Uyên tự trả lời, hai luật sư không làm gì hết. Một đất nước mà đã dám bỏ tù Luật sư thì quốc gia ấy không  thể góp mặt với cộng đồng quốc tế được.
Những ngày vừa qua, hết ông Lê Hiếu Đằng đến ông Hồ Ngọc Nhuận lên tiếng kêu gọi hãy thay Đảng Cộng sản bằng Đảng Dân Chủ. Hai ông cùng kêu gọi các người cựu Cộng sản, đã bỏ Đảng, sắp bỏ Đảng, sẽ bỏ Đảng hay đang bỏ Đảng (Cộng sản), hãy cùng nhau lập đảng Dân chủ. Được lắm ! nhưng tại sao hai ông cứ cả tin vào các đồng chí cựu đồng chí của các ông thôi ? Các người ngoài Đảng Công sản không vào được Đảng Dân chủ sao ?  Mà tại sao phải làm Đảng Dân Chủ. Hiện nay đã có sẳn một Phong trào, Nhóm 8406, Nhóm ấy làm Đảng 8406 được không ? Còn Đảng Thăng Tiến ? …

Tại sao hai ông không kêu gọi một cái gì đó, đa nguyên, đa đảng, với những gốc gác đấu tranh , những lịch sử đấu tranh, những con đường đấu tranh khác nhau ?

Hai ông đãv từng hoạt động thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông Hồ Ngọc Nhuận cũng từng là dân biểu Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dù ông là người ăn cháo đá bát, ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, chắc ôngchắc cũng không quên cái nhìn dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa ? Có đối lập, có lắm đảng, kể cả những đảng thân với giặc. Nhưng vì tin vào tinh thần lập hiến, tin vào cái thể chế dân chủ nên quý ông dân nbiểu đối lập nằm vùng vẫn có chổ đứng : Nào Hồ Ngọc Nhuận, nào Lý Quý Chung, nào bà Ngô Bá Thành …. các anh chị đều hai mặt, không thật lòng với người dân miền Nam. Ngày nay các anh thức tỉnh, vì gần đất xa trời ? sanh lòn,g hối hận ? kêu gọi lật đổ Đảng Cộng sản để cứu đất nước khỏi nạn Hán hóa. Nhưng than ôi ! ai mà đi tin mấy ông nữa. Vả lại mấy anh kêu gọi nửa chừng xuân. Các anh chỉ tin vào các anh như vậy nếu có lập Đảng Dân chủ đi nữa Đảng Dân chủ có phải là Đảng Cộng Sản thứ hai không ? . Lúc ấy quyền phản biện, quyền biện hộ, tự do Dân chủ biết có hay không ? Hay trở lại cái Bịt Miệng nữa ?
Hổi là trả lời vậy ./
Hồi Nhơn Sơn , 21 tháng 8 2013.
Phan Văn Song  

No comments:

Post a Comment