Tuesday, December 31, 2013

Đọc Báo Vẹm số 353 ngày 26 tháng 12 năm 2013

Phải chăng đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền? Và ngoại giao Câu Tiễn?


Xin thưa với các tiến sĩ, giáo sư của báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân. Đây chỉ là câu hỏi giả thiết. Quý vị đừng nhảy cẫng lên chụp mũ chống Đảng, chống băng nhóm gì cả. Câu chuyện có nguyên nhân của nó.

Chả là chúng tôi, những người biểu tình phản đối quân Trung Quốc xâm lược. Khi bị bắt vào trại Lộc Hà, bị cơ quan an ninh xét hỏi. Trong quá trình bị xét hỏi kèm với việc giải thích, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền. Các cán bộ an ninh đưa ra một lý lẽ rằng: ''Giờ chúng ta muốn bảo vệ đất nước, phải giữ ổn định chính trị. Vì sao, vì giữ ổn định chính trị mới phát triển được kinh tế. Có kinh tế mạnh thì chúng ta mới có vũ khí, có phương tiện để bảo vệ chủ quyền...''

Cá nhân tôi đồng ý với lý lẽ của cán bộ an ninh, mặc dù tôi biết lịch sử khi thành lập nhà nước này, kinh tế gần như con số không. Nhưng nhờ ngoại giao được với các cường quốc cộng sản anh em, Việt Nam có được pháo 105 ly, xe tăng, tên lửa... để chiến đấu. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam lúc đó đến cái xe đạp cũng không sản xuất được ra hồn.

Cuộc biểu tình đầu tiên chống quân Trung Quốc xâm lược nổ ra năm 2007, đến năm 2009 tôi bị bắt vì tội in áo Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam... rồi đến năm 2011, năm 2012 cuộc biểu tình như thế lại nổ ra. Tôi lại bị bắt vì tội biểu tình Hoàng Sa - Trường Sa. Phải nói một điều đôi khi trước lúc bắt người biểu tình, chính quyền đã dùng loa trên xe ô tô công an để thuyết phục rằng hành động biểu tình của chúng tôi là gây rối trật tự công cộng, có đánh giá tinh thần yêu nước, nhưng chuyện bảo vệ chủ quyền nhà nước có đường lối bảo vệ.

Trong ngần ấy năm bức xúc vì chuyện chủ quyền tôi vẫn nghe lập luận quen thuộc và rất có lý của cơ quan an ninh.

- Kinh tế phải mạnh mới bảo vệ chủ quyền, giờ phải khéo léo giữ hòa bình để tranh thủ phát triển kinh tế mạnh lên, có tiền mua tàu, tên lửa, khí tài, nuôi quân đội... giờ Đảng và Nhà Nước đang phải lo lắng như thế, các anh đừng nóng vội làm mất trật tự xã hội, khiến cho tình hình bất ổn hơn.

Giờ nhìn lại đã mấy năm trôi qua, nền kinh tế của Việt Nam phát triển hay là lụi bại?

Nếu nền kinh tế của chúng ta không phát triển, thậm chí lụi bại, đời sống cán bộ, nhân dân, chiến sĩ khó khăn hơn. Mọi thứ tăng giá nhiều hơn, thu phí nhiều hơn thì rõ ràng nền kinh tế không phát triển mạnh mà đang vào chỗ suy yếu. Phải suy yếu thì nợ công mới đầm đìa, mới phải tái cơ cấu, mới phải bán cổ phần của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Mới phải tìm cách huy động vàng trong dân để làm vốn nhà nước. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, giải thể...

Và nói gì thì nói, thực tế một điều là nền kinh tế chúng ta đi xuống.

Nếu vậy, phải chăng chiến lược phát triển kinh tế để đảm bảo chủ quyền đã thất bại? Rõ ràng theo lập luận các anh đưa ra, phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền. Thì mệnh đề phát triển kinh tế đã không thành, vậy mệnh đề bảo vệ chủ quyền suy ra cũng thất bại theo?

Ngoài một điểm sáng là phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh mới đây tại hội nghị quân chính toàn quân, ông Thanh khẳng định kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo. Và tàu ngầm Kilo về tới Việt Nam. Tàu ngầm là một chương trình có từ lâu, còn mục tiêu quân đội của ông Thanh lẽ ra phải nhắc thêm trong trách của quân đội rất nặng nề nữa là bảo vệ Đảng, bảo vệ CNXH, sẵn sàng dập tắt biểu tình, bạo động... Những điểm này sáng nhưng chưa tỏ, vì chẳng mới mẻ gì và cũng chẳng hơn gì so với trước. Và nó cũng chẳng đủ để chứng minh luận thuyết kinh tế phát triển mạnh để bảo vê chủ quyền.

Giá như khi tàu ngầm Kilo về tới Việt Nam, giá cả viễn thông, xăng dầu... không tăng vọt. Giá như cả chính phủ phải nhảy cẫng lên mừng như bắt được vàng vì ngân sách thu hoàn thành kế hoạch. Giá như người công nhân không phải nhận gạch, nước mắm thay tiền thưởng Tết...

Có lẽ Đảng đã thành công trong việc phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền.

Nền ngoại giao Câu Tiễn

Ngoại giao khéo léo là một trong những biện pháp mà ĐCSVN ca ngợi trong việc bảo vệ chủ quyền. Đó là tăng cường hiểu biết hai nước, tăng cường quan hệ toàn diện từ văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị...

Một ông đại sứ ở Trung Quốc hàm tương đương thứ trưởng mà phải nói: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Chúng ta không có hai lòng. Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc cũng góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới”.

Xưa nay chuyện ăn ở một hay hai lòng, chỉ dành cho kẻ đầy tớ, bầy tôi. Lẽ nào ở cấp hàm tương đương thứ trưởng ngoại giao, một ông đại sứ không biết về câu cú, chữ nghĩa lại đi sử dụng từ "hai lòng" trong một mối quan hệ tưởng là phải bình đẳng giữa hai nước? Người ta nói một lòng thờ bố, một lòng thờ chủ, một lòng thờ vua... có ai nói một lòng thờ bạn đâu. Với bạn bè chỉ cần chí tình, chí nghĩa là đủ. Trong quan hệ vợ chồng có sử dụng từ một lòng, hai lòng. Nhưng đó dành cho người vợ, vì vai trò người đàn ông trong lịch sử như vai trò của một ông chủ. Người ta khen vợ ăn ở một lòng, không hai lòng hai mặt với chồng là vậy.

Ở quan hệ ngoại giao hai nước có lịch sử văn hóa truyền thống phong kiến, đều biết rõ về sự một lòng, hai lòng là chỉ quan hệ cấp bậc phân chia thế nào. Vậy ông đại sứ Thơ địa diện cho VN nói câu vậy, thì ông định xếp vai vế Việt Nam với Trung Quốc là gì?
Một ông Vũ Xuân Hồng, chức danh là Chủ tịch các hội liên hiệp hữu nghĩ Việt Trung trả lời báo Tuần Vietnamnet rất chi tiết về ơn nghĩa, công lao của Trung Quốc đối với Việt Nam, ông Hồng kể rõ tên từng địa danh, công trình mà Trung Quốc giúp Việt Nam từ đời nảo đời nào: "Chúng ta vẫn còn đó bao công trình lớn của Trung Quốc xây dựng trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa: nhà máy thép Thái Nguyên, sợi Nam Định, phân đạm Hà Bắc.. các công ty Trung Quốc vào Việt Nam làm ăn. Biên giới mở cửa để hai nước giao thương buôn bán, hòa bình hữu nghị. Đó là nền tảng lâu dài cho nhân dân cả hai bên. Dứt khoát không nên dấy lên điều gì có thể dẫn đến xung đột."

Thế nhưng chủ quyền của đất nước ông đấy, đang có vấn đề gì, ở đâu, quân Trung Quốc đóng chỗ nào, khoanh vùng chỗ nào, bắn ngư dân Việt lúc nào, thời điểm nào. Ông Vũ Xuân Hồng không nhớ, trái lại ông lại mập mờ nói: "Biển Đông là một trong những câu chuyện nhạy cảm, phức tạp; nhưng đừng để ảnh hưởng đến đại cục. Chúng ta còn có bao nhiêu lĩnh vực cần cùng nhau phát triển: kinh tế, xã hội, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển..."

Chủ quyền rõ ràng, sao lại là câu chuyện nhạy cảm, phức tạp. Cách mà ông Hồng nói khiến người ta cảm giác câu chuyện chủ quyền là một câu chuyện có lỗi, vấn đề chủ quyền là vấn đề không hay, không nên nhắc đến làm gì. Tại sao ông không kể rõ chi tiết địa danh, thời điểm của vấn đề biển đảo rành rọt như ông kể tên các công trình Trung Quốc giúp Việt Nam?

Lịch sử có nền ngoại giao nín nhịn của Câu Tiễn của nước Việt. Nhưng Câu Tiễn nằm gai, nếm mật, Hàng đêm ngửa cổ nhắc với trời đất mối thù bị mất đất.

Câu Tiễn không nhịn nhục để sắm biệt thự, để mua nhà cho bồ nhí, để mua những món ngon vật lạ trong thiên hạ. Câu Tiễn cũng chẳng vun vén cho con cái nắm những vị trí hái ra tiền. Toàn quân, toàn dân nước Việt của Câu Tiễn ngày đêm cày cấy, tăng gia phát triển kinh tế để nước giàu, quân mạnh. Vua quan nước Việt của Câu Tiễn cùng mặc áo vải gai, cùng dệt vải, cày cấy với dân. Câu Tiễn cũng không gửi con sang Hoa Kỳ với số vốn chuyển theo đề lo chỗ mới làm ăn.

Và đương nhiên chấp nhận nền ngoại giao nhịn nhục để phục quốc, Câu Tiễn ngày ăn cơm rau dưa không quá hai món, sẽ không béo múp ngón tay như Vũ Xuân Hồng...
Câu Tiễn mặc áo gai, làm sao bóng bảy, tóc tai mượt mà, mày râu nhẵn nhụi như đại sứ Nguyễn Văn Thơ.

Vậy thì nền ngoại giao khéo léo của Việt Nam với Trung Quốc là gì? Tất nhiên với những gì chúng ta thấy, nó chẳng phải là nền ngoại giao nhịn nhục để mưu đồ quật khởi như Câu Tiễn.

Một nền ngoại giao sáng tạo.

Đơn giản tên gọi của nó là thế thôi.

Tái bút: Đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, phiến diện, chủ quan và thiếu dẫn chứng. Bài viết mang cảm tính hơn là biện chứng khoa học. Bởi người viết trình độ hạn hẹp, chỉ nói vấn đề theo góc nhìn hạn chế của mình. Không phải là quan điểm của những nhà đấu tranh dân chủ, đấu tranh cho tiến bộ xã hội, đất nước. Những nhà đấu tranh đó ở một tầm cỡ lớn hơn nhiều người viết bài này. Vài lưu ý cho bạn đọc khỏi đánh giá lẫn lộn vàng thau.


Nghĩ về đôi nạng của Việt Dũng


 
Chiều thứ Sáu, ngày 27/12/2013. Mở email thoáng thấy tựa đề: Tiểu bang North Carolina sẽ làm lễ tưởng niệm Nhạc Sĩ & MC Việt Dũng, vì không mở email xem chi tiết, nên không nghĩ ngợi gì hết, cho đến 10 giờ đêm thứ Bảy 28/12, tôi check mail lại, mới hay tổ chức lúc 2 giờ chiều, Chủ Nhật ngày 29/12!

Tôi ngồi tư lự và nhẩm tính: Lượt đi, lượt về 8 tiếng, dự lễ 2 tiếng, vị chi 10 tiếng, những công việc dự tính, những cái hẹn với anh em làm sao? Giữa lúc khoắc khoải, tự dưng hai chiếc nạng của Việt Dũng, xuất hiện trong trí. Với đôi nạng và ý chí tranh đấu, Việt Dũng đi khắp nơi, lẽ nào mình lành lặn, lại bó gối? Tôi lấy phone gọi suốt lượt bạn bè, số thì không bắt, có lẽ đang ngủ, số khác vì quá đường đột, nên không thể... xây lại phía sau, tôi hỏi má sắp nhỏ: Em đi được không? Được, em đi được, vợ tôi đáp không mấy dứt khoát, tôi nhấn mạnh, đường xa cả đi lẫn về 8 tiếng đó em, để an lòng, vợ tôi nói lớn: Được, sỡ dĩ có chút băn khoăn, vì vợ tôi bị giải phẫu hai tháng trước, và đang hóa trị.

Sáng Chủ Nhật, chúng tôi lên đường, trước hết chạy về hướng Nam, đến chợ Farmers Dekalb, ở đây bán hoa rất đẹp, tuyển cho Việt Dũng một lọn huệ trắng, nhưng không có, đành mua cúc trắng, ngoài hoa cúc, tôi còn mang theo lá cờ VNCH, nhỏ rất đẹp, để trưng bày bàn thờ Việt Dũng. Lá cờ này vì anh C điên tôi mới có, anh này gặp tôi thường công kích, bài bác, lắm lúc bực mình, nhưng một hôm tự nhiên anh C điên nói: Bút à mai này anh chết, em đừng đem trái cây hay nhang đèn cúng làm gì, rồi anh chùng giọng: Anh chỉ cần em đem đến cho anh lá cờ VNCH, nhỏ thôi để trên bàn thờ, như vậy anh mãn nguyện lắm, dứt lời đôi mắt anh buồn nhìn xa xăm, tôi nghĩ hướng nhìn của anh là tổ quốc Việt Nam, theo câu nói đó, tôi chọn lá cờ thật đẹp để dành, không cần biết ngày xưa anh làm gì, nay anh có ước mơ, tôi âm thầm thực hiện, anh C điên đang còn khỏe, anh thích lá cờ, chắc Việt Dũng cũng thích, nghĩ như vậy tôi đem theo cho Việt Dũng. Sau khi rời chợ Farmers, xe đổ về đường 85 North, chỉ dừng lại một lần đổ xăng, nhưng vẫn bị trễ.

Lễ tưởng niệm, do hai Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia South & North Carolina, tổ chức. Ở đây đồng hương Việt Nam ít và thưa. Người đến địa điểm này gần nhất 10 miles, trung bình ba bốn chục miles, cũng có đoàn xa cách trên hai giờ, như ông bà Duy Anh phải "xé" làm hai, ông chạy một vòng, đón đồng hương cánh đàn ông, còn bà chạy xe khác, đón quý bà, lòng vòng trong "nội đô" Charlotte, nhưng cũng phải mất gần vài tiếng đồng hồ, ông bà Duy Anh mới gặp nhau! Đoàn anh Xê, từ miền Nam, xa hơn rất nhiều. Tất cả quy tụ khoảng 300 đồng hương, từ các nơi đổ về, để bày tỏ lòng mến mộ và yêu quý Việt Dũng.

Chương trình:

Chào quốc kỳ, mặc niệm.
Ông Trần Kim Khôi đọc bài thơ, thay phần điếu văn.
Tiếc thương anh
Nghe được tin Anh vội vã ra đi
Khiến mọi người đều bàng hoàng sửng sốt!
Đâu ai nghĩ Anh ra đi đột ngột
Khi tuổi đời đang độ giữa hàng năm?

Còn biết bao nhiêu việc đợi Anh làm
Khi dân Việt còn chịu nhiều oan khuất
Vắng bóng Anh thì lấy ai gánh vác
Những việc cần người nhiệt huyết như Anh?

Cuộc đời Anh là một chuỗi đấu tranh
Phải đương đầu với bao nhiêu bất hạnh
Từ bé đã chẳng đầu hàng nghịch cảnh
Thách thức số phận, Hùng Dũng tiến lên!

Với ý chí sắt đá, với niềm tin
Anh tự thắng để thành người hữu dụng!
Nhờ đó tài năng có cơ tỏa rạng
Và dấn thân lo gánh vác việc chung.

Với từ tâm, Anh dấn bước quên mình
Để cứu giúp những người đang khốn khó
Không ngại gian lao, không màng danh lợi
Nơi nào cần là nơi đó có anh!

Rồi trước cảnh đổi đời nước mất nhà tan
Anh đau xót thấy đồng bào khốn khổ
Lòng yêu nước bừng lên trong tim trẻ
Anh quyết lao mình vào cuộc đấu tranh

Thề chiến đấu chống lũ cộng gian manh
Cùng bạn bè lập phong trào “Hưng quốc”
Những buổi nhạc đấu tranh chứa chan tình dân tộc
Từng đem lời ca tiếng nhạc vực dậy lòng người!

Dấu chân Anh in khắp bốn phương trời
Thoắt Đông thoắt Tây, nay Nam mai Bắc
Hết đài phát thanh lại đêm “canh thức”
Không nơi nào không có bóng dáng Anh!....

Quả không ngoa khi lắm người ví von
Anh là trái tim của phong trào chống Cộng
Và chính Anh cũng là ngôi sao sáng
Nêu cao gương cho tuổi trẻ dấn thân.

Công của Anh được thế hệ vinh danh!
Chí của Anh được mọi người quí trọng!
Lòng của Anh không ai không ngưỡng vọng!
Tên của Anh được hậu thế khắc ghi!

Nay dù Anh đã đột ngột ra đi
Nhưng Anh vẫn sống mãi trong lòng Dân Tộc!
Nguyện cầu Mẹ Việt Nam đón hồn Anh hội nhập
Vào Khí Thiêng Sông Núi mãi Trường Tồn…

Vĩnh biệt anh!

Lần lượt Linh Mục Đinh Xuân Long, tới các đại diện phát biểu lời tiếc thương Việt Dũng, gồm các hội đoàn sau:

Ông Phạm Bá Hân, đại diện South Carolina.

Ông Đặng Nhâm đại diện Cựu Quân Nhân QLVNCH - North Carolina.

Ông Tạ Ngọc Trân, đại diện hội Cao Niên Charlotte.

Đại diện giới trẻ, sinh viên tiểu bang North Carolina.

Vùng này không có báo chí, chỉ có hai phóng viên đài SBTN, đến từ South & North Carolina.

Hầu hết đều chung một cảm tưởng: Tiếc thương Việt Dũng, một người có tài và có tâm trí cống hiến cho đại cuộc, nhưng tiếc thay định mệnh nghiệt ngã, khiến anh từ giã cõi đời quá sớm, khi đường tranh đấu còn dang dở phía trước. Lời tiếc thương rất nhiều, xin lược trích từ hai giới, Cao Niên và Thanh Niên:

Cô Thuỷ Tiên, đại diện Thanh Niên Sinh Viên North Carolina:

Kính thưa quý trưởng thượng và quý đồng hương hiện diện. 

Hôm nay giới trẻ chúng cháu được mời tham dự Buổi tưởng niệm cố nhạc sĩ Việt Dzũng, thật trang trọng và cảm động. Xin cám ơn Ban Tổ Chức, nhất là đã cho chúng cháu cơ hội này để tỏ lòng tiếc thương tới Nhạc Sĩ.

Sự ra đi của Anh là một bất ngờ, bàng hoàng và là một mất mát lớn lao đối mọi người Việt trong và ngoài nước đang đấu tranh cho Một Việt Nam Tự Do Dân Chủ. Còn trẻ nhưng chúng cháu hiểu được người nhạc sĩ và MC tài danh này, đã đóng góp rất nhiều công sức cho công cuộc đấu tranh chống Cộng hiện nay. Chúng cháu sẽ ghi nhớ và học hỏi nơi anh, lòng yêu quê hương thiết tha, không gì lay chuyển nổi.

Ngày hôm nay, đại diện các bạn trẻ tại charlotte, em xin được gởi đến lời tiễn biệt sau cuối đến người nhạc sĩ tài hoa này. Vĩnh biệt anh!

Chào Quý vị.

Lời đại diện South Carolina:

Kính thưa quý vị.

Mấy ngày qua, chúng tôi nhận thấy chưa có cái chết nào nào gây bàng hoàng, sững sờ, đau buồn và tiếc thương chân thành cho người Việt khắp nơi, như sự ra đi của anh Việt Dzũng. Bây giờ, ngay trong giờ phút anh chị em North và South Carolina chúng ta đang tưởng niệm và cầu nguyện cho anh tại TP Charlotte này, thì rất nhiều nơi trên thế giới cũng đang tưởng niệm anh. Đặc biệt ở một nơi cách xa 2,500 miles, hàng ngàn người đang lần lượt vào nhà quàn Peek Family funeral Home tại TP Westminster, California để bùi ngùi thăm viếng anh, nhìn thấy anh một lần cuối cùng, trước khi thân xác anh vĩnh viễn đi vào lòng đất; nhưng theo đức tin tôn giáo của anh và của chúng tôi, Việt Dzũng sẽ không tan biến thành tro bụi mà sẽ như một hạt giống tốt lành được Thiên Chúa chọn lựa và gieo xuống đất, để nẩy sinh nhiều Việt Dzũng khác, nãy sinh tinh thần Việt Dzũng phát triển khắp nơi, tiếp nối con đường anh đi là dùng tài năng tuyệt vời của mình tận hiến cho cộng đồng, cho đất nước, cho những người không thể lên tiếng, cho quê hương chúng ta sớm được tự do dân chủ và công lý. Trong suy niệm đó về anh, tôi xin đại diện Cộng Đồng Người Việt quốc Gia Greenville/SC và SBTN South Carolina xin chân thành chia buồn cùng gia đình anh và đại gia đình SBTN. Xin cùng cầu nguyện cho Linh Hồn Gioan Kim.

Xin cám ơn quý vị.

Tuổi trẻ và công cuộc.


Ngày 30/4/2005, nhân tưởng niệm 30 năm ngày mất miền Nam, Việt Nam, anh em ở Atlanta tổ chức trưng bày tội ác của Cộng Sản, theo đó những danh mục trưng bày được ghi chép cẩn thận, gồm: Tội ác Huế Mậu Thân, Trại tù cải tạo Gia Trung, Kinh Tế Mới, Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Quân Cán Chính VNCH vv phòng trừng bày rộng lớn, bằng nửa sân bóng rổ, công trình dự trù 1 tháng sẽ xong, thời gian triển lãm 2 tuần lễ. Anh em nào làm hãng xưởng ca 1, sẽ đến sung công làm sau 2 giờ chiều, ca hai làm từ 8 giờ sáng, cứ đối chiếu trên sổ sách mà làm, làm xong thu dọn dụng cụ: Cưa, đục,... đinh, bù long, ốc vít, ván gỗ, rồi ra về, ngày đêm miệt mài, giống như một công xưởng!

Một lần, tôi đang cưa, đục các thanh chắn cửa tù, một bạn trẻ sinh viên Georgia State, hỏi:

Chú Bút: Chú đấu tranh hoài, mà được cái chi không?

Tôi hỏi lại: Bạn thấy tôi làm đúng hay sai?

Bạn trẻ trợn mắt: Dĩ nhiên, chú làm thì đúng quá rồi.

À thế, thấy đúng phải làm, "được chi không" tôi trông mong ở thế hệ trẻ. Còn mấy ngày nữa sang năm mới 2014 - 2005, đã chín mùa xuân trôi qua, thời lượng đã thừa cho hai đại chiến thế giới chấm dứt, đủ cho cuộc kháng chiến chống Pháp hoàn thành, (1945 - 1954) gần bằng một phần hai thời gian nội chiến Quốc Cộng. Tuy mùa xuân chưa về trên quê hương, song tuổi trẻ ngày nay đã "tỏ tường", họ đứng lên gánh vác trọng trách tranh đấu với chế độ độc tài Cộng Sản, thế nào rồi ánh bình minh tự do, dân chủ cũng ló dạng trên quê hương, và người dân không còn sợ chế đạo bạo tàn Cộng Sản. Chín năm dưới sự cai trị của Cộng Sản, được như thế cũng đáng mừng. Hơn nữa sự sụp đổ của một chế độ bạo ngược, không thể tính bằng năm tháng, có khi chỉ một khắc đủ làm chúng nó sụp đổ.

Việt Dũng đã đi rồi, không có sức mạnh nào níu kéo lại được, cho dù ngàn vạn lần nuối tiếc, sự nghiệp mấy chục năm tranh đấu, anh để lại cho chúng ta thật nhiều, trong đó có đôi nạng, những lúc yếu đuối, nghĩ tới nó, chúng ta sẽ mạnh lên. Những ích kỷ, đố kỵ sẽ nhường bước cho đôi nạng Việt Dũng đi tới...

Việt Dũng đi rồi, tết Nguyên Đán sắp về, tôi chạnh lòng nhớ nhà tù Thái Lan, nơi đang giam giữ Đặng Chí Hùng, người trai hùng xứ Việt, tết đến chắc anh buồn và nhớ nhà lắm, muốn có một món quà nho nhỏ an ủi anh, đem ưu tư thổ lộ, được nhiều bạn đồng tình. Người năm ba chục, có người một trăm, chưa tới nửa tiếng đồng hồ, số tiền được năm trăm, nhưng tôi chỉ ghi tên, và lòng ủng hộ, còn tiền chưa nhận của ai một xu, đợi đi "kiếm" thêm tới khi kha khá, tôi gom lại nhờ Linh Mục Đinh Xuân Long, chuyển đến tay Đặng Chí Hùng, kèm theo lời chúc sức khỏe dồi dào, sớm được ngày định cư trên xứ sở tự do, để cùng nhau chung hướng tinh thần Việt Dũng.

Tin tổng hợp 28-12-2013


1. Gia đình blogger Điếu Cày gồm Dương Thị Tân, Nguyễn Trí Dũng đã đến thăm anh tại trại giam số 6-Thanh Chương, Nghệ An, đi cùng đoàn có blogger Bùi Thị Minh Hằng, fber Bin Bun, bà Nguyễn Thị Hóa (mẹ tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương). Tại đây đoàn được đón tiếp bởi lực lượng an ninh, côn an, dân phòng hùng hậu khoảng 30 người với thái độ rất khó chịu. Tại trại K2, trại số 6, sau khi làm thủ tục côn an thông báo là anh Hải Điếu Cày đã chuyển sang trại mới. Gia đình đến thăm và gởi cho anh Hải Điếu Cày những tờ báo mới và sách luật, tuy nhiên côn an đã từ chối tiếp nhận và không giải thích gì thêm. Sau đó mọi người tiễn chị Dương Thị Tân và Nguyễn Trí Dũng ra về trước sự đeo bám rất sát của lực lượng an ninh thường phục.

Thursday, December 26, 2013

Việt Dzũng và tôi

dxt-VietDzung-DanHuynh-2011-305.jpg

Đúng hẹn, tôi có mặt tại Radio Bolsa. Lúc đó anh Khúc Minh cũng vừa từ phòng thu âm bước ra, đi đàng sau là chị Minh Phượng. “Dzũng hôm nay bịnh không đi làm”, chị Minh Phượng bảo, “cũng không thấy nó gọi nên em không biết sức khỏe thế nào rồi. Hôm nay anh Khanh phải làm việc một mình”. Chị vừa nói xong, anh Khúc Minh bảo thêm “tôi thấy Dzũng nó bị bịnh nhiều lắm ông Khanh à” đi kèm với câu “sức khỏe không tốt, nó cứ phải nghỉ hoài à”.
Chuyện Việt Dzũng thỉnh thoảng phải nghỉ bệnh không thể đi làm là điều tôi được nghe chính anh nói hồi tháng trước, khi hai anh em đứng hút điếu thuốc lá trước khi chia tay nhau. “Sức khỏe của em lúc này yếu lắm anh”, Dzũng vừa nói vừa nhìn tôi. “Việc làm thì quá nhiều, việc muốn làm thì chưa đi được bao xa”. Anh hít vội một hơi thuốc, đưa tay búng tàn ra bãi đậu xe, bảo tiếp “anh em mình còn quá nhiều việc phải làm, em không biết mình có làm được hết hay không”.
Tôi gặp Việt Dzũng lần đầu tiên hồi năm 1981 ở Washington D.C., lúc anh lên tham gia cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và thế giới mở rộng vòng tay đón thuyền nhân Việt Nam. Lúc đó anh đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bản nhạc mà người Việt trong và ngoài nước ai nấy đều thuộc lòng, còn tôi chỉ là một anh sinh viên sửa soạn ra trường với ước mở trở lại nghề dậy học. Phải thú thật cả 2 anh em không ai chú ý đến ai, chỉ bắt tay chào hỏi cho có lệ, và chính sau này cả Dzũng lẫn tôi đều nhiều lần bảo với nhau “không ngờ anh em mình lại làm việc chung với nhau được 30 năm”.
Điều giúp anh em chúng tôi gắn bó với nhau ngay từ lúc đầu là chuyện Dzũng học Đại Học Nebraska, “trường nay tôi cũng nộp đơn xin học nhưng họ không cho học bổng, bắt đóng tiền nặng quá nên tôi đầu hàng”. Tôi còn nhớ Dzũng hỏi “tại sao anh lại chọn Nebraska”, tôi trả lời lúc vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ, “nghe nói trường nổi tiếng là trường phải có hội football lớn, và Nebraska nằm trong tiêu chuẩn quan trọng đó”. Dzũng hỏi lại “thế anh có biết football không?”. “Biết chứ nhưng không nhiều, chỉ biết sơ sơ thôi”. Nói xong cả hai anh em cùng phá lên cười.
Tối hôm đó ở nhà anh Nguyễn Lương Sơn, tôi may mắn được nghe Dzũng và chị Nguyệt Ánh cùng cất tiếng hát những bản nhạc viết về thuyền nhân cho đến những bài ca tranh đấu mang nội dung nhắc nhở những người may mắn đến được bến bờ tự do đừng quên những người không may còn ở lại, nhắn nhủ những người đã đi định cư đừng quên số phận của những người đang trên đường vượt biển hay đã đến được trại tỵ nạn. Không ai nói với nhau một lời, cả nhóm đều hiểu mỗi bài hát anh và chị Nguyệt Ánh cất lên là mỗi bài hát đánh thức lương tâm của con người, anh em chừng chục người chỉ biết lặng im ngồi nghe, hết người này đến người khác đưa tay vội vàng chùi nước mắt trong căn phòng ngập khói thuốc lá. Cũng tối hôm đó, may mắn được ngồi cạnh chị Nguyệt Ánh và anh nên tôi được nghe hai người bàn chuyện cùng nhau đi một vòng nước Mỹ và các châu lục khác. Kể từ hôm đó, người Việt tỵ nạn bắt đầu nhìn thấy chị Nguyệt Ánh và Việt Dzũng trên sân khấu.
Phải hơn một chục năm sau ngày gặp nhau, anh em chúng tôi mới có dịp thật sự làm việc chung với nhau. Khởi đầu là ở Little Saigon Radio, khi anh Nguyễn Hữu Công gọi điện thoại nhờ tôi làm thông tín viên tại thủ đô, “người làm việc chung với cậu là Việt Dzũng”, anh Công cho tôi biết. Thật tình lúc đó tôi ngần ngại vì dù đã biết nhau nhưng ở quá xa, làm sao có thể ăn khớp với nhau được, và lại tôi ngại làm việc với những người nổi tiếng lắm. Tôi nêu chuyện này với anh Công, anh trả lời “cậu cứ yên trí đi, Dzũng nó khéo lắm, biết đủ chuyện để có thể tán với cậu trên đài”.
Lời nói với giọng đầy tự tin của anh Công giúp tôi thêm can đảm để nhận lời, bắt nhịp cầu truyền thanh nối liền miền Đông và miền Tây của nước Mỹ. Cũng phải nói luôn chính cái “khéo” của Dũng giúp tôi trình bày vấn đề lưu loát hơn, và cũng nhờ Dzũng đưa ý kiến “anh em mình làm thêm chương trình thể thao hàng tuần chuyên bàn cá độ cà na” giúp tôi thật sự trở thành người miền Đông được thính giả miền Tây biết đến. Có lần tôi bảo với Dzũng “anh em mình làm việc với nhau mỗi ngày nhưng chương trình football là chương trình được thính giả biết đến nhiều nhất”. Dzũng cười, bảo “không phải như vậy đâu anh. Chương trình nào thính giả cũng thích cả, chính trị hay thể thao thính giả đều thích như nhau, miễn là mình làm việc tận tâm, giúp họ nghe một bản tin quan trọng nhưng đừng quá căng thẳng”.
Làm việc với nhau ở Little Saigon Radio được vài năm thì Dzũng cùng với một số bạn bè quyết định lập đài riêng mang tên Radio Bolsa, tôi được rủ sang làm việc chung. Ngày phát thanh đầu tiên của Đài không có tôi, gần một tuần lễ sau tôi mới góp tiếng. Tôi còn nhớ sau bản tin ghi từ D.C. về California, Dzũng gọi cho tôi để nói lời cám ơn, kèm theo đó là lời nhắn nhủ “anh đừng bỏ tụi em nghe”. Câu nói chân tình đó của Dzũng là một trong những động lực thúc đẩy tôi liên tục làm việc mỗi ngày với anh và với những anh em khác của Đài.
Giữa tháng 11 tôi có việc phải sang California. Lần nào cũng như lần nào, đã sang tới nơi thì bắt buộc phải ghé đài làm bản tin tại chỗ với Việt Dzũng. Cũng như thường lệ, chương trình tin tức vừa xong an hem chúng tôi cùng nhau ra bãi đậu xe hút thuốc lá. Hôm đó Dzũng bảo “năm nay là năm kỷ niệm 30 năm ngày anh em mình chính thức làm việc với nhau, đồng thời cũng là kỷ niệm 20 năm ngày anh em mình làm radio chung với nhau”. Tôi chưa kịp trả lời thì Dzũng bảo luôn “lần tới anh sang đây, em sẽ đưa anh đi nhậu. Anh thích nhà hàng nào cứ cho em biết, gọi tất cả anh em, bạn bè đi nhậu chung cho vui”. Thời điểm hai anh em đồng ý với nhau: khoảng một tuần trước Lễ Giáng Sinh cho tới Tết Tây 2014, đồng ý hôm đó sẽ làm bản tin tổng kết cuối năm 2013 và sau đó “đi nhậu”.
Đúng hẹn với Dzũng, tôi xuống Orange County vào ngày thứ Năm, sáng hôm sau (thứ Sáu 20 tháng Mười Hai), tôi ghé Đài không thấy Dzũng. Ngồi làm bản tin lúc 9 giờ 40 với chị Minh Phượng vừa xong thì thấy Cô Nhung -mẹ Dzũng- bước vào, tay xách theo 2 túi quà “bác mua tặng cho mấy đứa”. Tôi nghe rõ Cô Nhung hỏi mọi người “thế thằng Dzũng đâu” vì chính Cô cũng không biết Dzũng ốm nằm ở nhà. Đưa quà xong, đứng lại nói chuyện chừng vài phút thì Cô ra về, bảo với tôi “Cô về ghé nhà thăm em nó”, bảo thêm “lúc này nó hay mệt lắm anh ạ, hệ thống miễn nhiễm yếu lắm. Thế nào Cô cũng bảo với em nó là có gặp anh Khanh”.
Rời Radio Bolsa, tôi ghé qua thăm một số bạn bè quen cũ nói dăm ba câu chuyện rồi lại lên xe định ghé một tiệm ăn nào đó kiếm khúc bánh mì gặm cho đỡ đói. Đi chưa tới nơi thì điện thoại reo, chị Minh Phương khóc òa báo tin “Dzũng chết rồi anh Khanh ơi, anh chạy ngay vào nhà thương đi”.
Tôi sững sờ khi nghe tin mình không bao giờ muốn nghe. Không tin chuyện đó lại xảy ra vì chỉ 2 ngày trước đó anh em chúng tôi còn làm bản tin ngày thứ Tư, cũng không ngờ chỉ trong chớp nhoáng mà mình mất đi một người bạn, một người em, một đồng nghiệp đã gắn bó với nhau trong suốt mấy chục năm trời. Tôi bỗng dưng nhớ lại có lần bảo với Dzũng “ai cũng nói gặp nhau 1 lần đã là may, làm việc với nhau một ngày đã là quý, ít người có cơ hội làm việc với nhau mấy chục năm như anh em mình”. Nghe vậy Dzũng cười trả lời “tại anh em mình có duyên với nhau”, kể thêm “rất nhiều người hỏi em là anh em mình có soạn bài trước hay không mà tung hứng ăn khớp quá. Em trả lời không thì họ không tin, nên cuối cùng em bảo là có duyên nên anh với em mới tung bắt nhịp nhàng được như thế”.
Vừa lái xe vào nhà thương, tôi vừa nghĩ đến những câu chuyện Dzũng và tôi trao đổi với nhau trong suốt 30 năm qua, nhớ lại ngày đầu tiên khi gặp nhau ở Virginia và lần cuối cùng đứng nói chuyện với nhau ở California. Nhớ như in ngày đầu thấy Dzũng chống cặp nạng hút thuốc lá Kool, bây giờ cặp nạng vẫn còn, dáng người mập hơn, thuốc lá thì đã đổi sang thành Salem Light hoặc những loại thuốc lá bạc hà khác, nhớ có lần vừa hút thuốc vừa ho, Dzũng than “em hút thuốc nhiều quá nên cứ ho hoài”. Thương người bạn mình, tôi nói đùa “tôi có biết mấy cô cả đời không bao giờ hút thuốc nhưng chỉ vì lỡ dại hôn đứa hút thuốc nên mấy cô đó cũng thúng thắng ho đấy”. Nghe tôi nói xong, Dzũng cười vang ầm cả phòng, bảo “ông anh này thiệt tình…”, và tiếp tục… hút thuốc.
Tôi cũng nghĩ đến những gì Dzũng đã tận tụy làm cho mọi người -trong đó có tôi-, và những bản nhạc anh viết chạy thật nhanh trong đầu tôi, trong đó có những bản tôi may mắn được ngồi nghe anh vừa đàn vừa hát. Đó là những bài hát Dzũng đã viết cho chúng ta và tất cả chúng ta đều đã từng hát với nhau hay hát cho nhau nghe những bản nhạc đó. Tôi cũng nhớ đến bản nhạc rất quen thuộc của anh mà tôi và mọi người đều quen thuộc lẫn yêu thích nhất là bản “Một Chút Quà Cho Quê Hương”. Mãi đến khi anh mất rồi, tôi mới chợt hiều chính anh là “món quà” quý báu nhất của quê hương.
Tôi cũng tin rằng tất cả chúng ta đều đã có “duyên” được nghe anh hát, được hát nhạc của anh, được nhìn thấy anh đứng trên sân khấu làm MC, được nghe anh nói chuyện. Từ “duyên” sang “nợ”, tôi tin tất cả chúng ta đều nợ Dzũng một lời cám ơn, cám ơn anh đã dành hết những gì anh có cho chúng tôi. Đáng lẽ lời cám ơn đó chúng ta phải gửi đến anh từ lâu, nhưng bây giờ vẫn chưa muộn.
Với cá nhân tôi, có còn điều gì để nói về Dzũng hay không? Còn nhiều lắm. Tôi không bao giờ quên cứ mỗi lần không hài lòng về tôi, Dzũng chỉ bảo “anh chơi như vậy thì anh chơi với ai?”. Dzũng à, Dzũng bảo anh Khanh “đừng bỏ tụi em”, bây giờ Dzũng bỏ anh em mà không nói cả lời chia tay. Đã thế, Dzũng còn hẹn anh Khanh xuống đây làm một chầu nhậu đánh dấu 30 năm làm việc chung, chầu nhậu đó sẽ không bao giờ có chỉ vì không còn Dzũng.
“Dzũng chơi như vậy thì Dzũng chơi với ai?”.

Do Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận sưu tầm

7 NGÀY Ở TRIỀU TIÊN





Tôi quyết định viết một cái gì đó tương tự như thế này sau khi từ Bình Nhưỡng trở về Bắc Kinh hồi cuối tháng tư. Có lẽ lý do chính là một tuần ở Bắc Triều Tiên để lại nhiều ấn tượng nặng nề quá làm tôi cảm thấy phải rút ra được một kết luận nào đó, phải tìm ra một lời giải thích dù chỉ đơn giản. Chuyến đi này cho tôi một cơ hội mà có ít người Việt Nam mình có được, là một lần nữa sống lại thời những năm đầu 1980 ở Việt Nam. Giống như là nghe lại những bài hát trẻ con tìm ra được những điều mới mẻ, ở Bình Nhưỡng một tuần làm tôi ngẫm ra được nhiều điều ở chính trong đầu mình, kết quả của việc lớn lên trong một thời kỳ gian khổ ở một đất nước khi đó mệt mỏi và nghèo đói, mà lúc trẻ con tôi không nghĩ được ra.
Từ Bắc Kinh đi lên Dandong là thành phố biên giới sát Bắc Triều Tiên thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc mất khoảng 15 tiếng bằng tầu hỏa. Tầu rời ga Bắc Kinh lúc 5h10 chiều và đến nơi khoảng 7h30 sáng ngày hôm sau, giá vé khoảng 70 đô la Mỹ. Từ BK đến Dandong tôi ở một mình một toa bốn giường, các toa bên cạnh phần nhiều là cán bộ Bắc Hàn đi công tác về. Tàu liên vận nhưng chỉ có hai toa ghép liền vào tàu thường tốc hành của Trung Quốc, đến Dandong thì tách ra. Khi đến Dandong bắt đầu có thêm nhiều người lên tàu, toa của tôi chỉ một lúc đã đầy chật hàng hóa và một gia đình 4 người lớn một trẻ con, cả nhà nói với nhau bằng cả tiếng Triều và tiếng Hoa. Hàng hóa thì đủ loại, quần áo, chai lọ lỉnh kỉnh, mà không chỉ có toa tôi, các toa khác đều như thế. Cán bộ hải quan và công an cửa khẩu của Trung Quốc lên tàu làm thủ tục rất nhanh gọn và thân mật, một hai người thấy hộ chiếu Việt Nam còn bắt tay tôi rất chặt rồi hỏi chuyện vui vẻ lắm. Khoảng chín giờ, hai toa tầu đã được nối vào một đầu máy chạy điện của Trung Quốc, chúng tôi dần dần được đẩy sang phía đất Triều Tiên.
Tàu ra khỏi ga chỉ khoảng một phút là lên cầu vượt sông Áp Lục, con sông nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu giữa quân giải phóng Triều Tiên, chí nguyện quân Trung Quốc và liên quân Mỹ-Nam Hàn. Sông không rộng, có thể còn hẹp hơn cả sông Hồng đoạn chạy qua Gia Lâm. Chỉ mấy phút tầu đã vượt qua cầu đi thẳng vào ga của Triều Tiên.
Rất khó kể lại được ấn tượng đầu tiên của tôi khi bắt đầu sang đến đất Triều Tiên như thế nào. Trước chuyến đi này, do nhiều lý do khác nhau tôi đã tìm đọc, nghe kể và cả viết về Bắc Triều Tiên nên hiểu biết chung về đất nước này là có mặc dù chỉ trên sách vở và kinh nghiệm của người khác. Thực ra mà nói, chuyến đi Triều Tiên là kết quả của một dự định, có thể là một mơ ước nữa, dù có lúc không nghiêm túc lắm, của tôi nhen nhóm trong khoảng thời gian gần 12 năm. Đặc biệt vài năm lại đây, kể từ khi Triều Tiên trải qua nạn đói khốc liệt hổi 1995-1997, khi mà có có tin đồn về việc trẻ em bị bắt trộm để làm thịt, rồi đến những thỏa thuận về chương trình đổi dầu và năng lượng lấy việc ngừng sản xuất vũ khí nguyên tử giữa Triều Tiên và liên minh Hàn-Nhật-Mỹ-châu Âu rồi gần đây nhất là những tin tức lạc quan về khả năng hai miền bán đảo này thống nhất, tôi lại càng mong muốn được đến thăm trước khi Triều Tiên thay đổi. Sự trông đợi của tôi là sẽ thấy một đất nước khổ sở và kém phát triển, nơi người dân đói ăn và nói chung là bị động trong mọi quyết định của riêng hay của chung.
Thế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của Triều Tiên. Trong ga mặc dù chỉ là ga biên giới mọi thứ đều có vẻ đàng hoàng, đẹp đẽ và sạch sẽ. Những người Triều Tiên đầu tiên tôi nhìn thấy, những cán bộ nhà ga và biên phòng, không có vẻ gì đói ăn hay mệt mỏi, ngược lại, ở họ có cả những dấu hiệu của sự đầy đủ nếu không nói là dư thừa. Công nhận là đến 90% mọi người đều mặc một loại đồng phục nào đó, màu sắc khác nhau và cái khác nữa so với bên kia biên giới là sự xuất hiện bất ngờ của nhiều loại vũ khí sát thương nặng nhẹ do nhiều người mang vác. Một vài người Triều Tiên đầu tiên lên tàu, nếu chỉ xét từ cách ăn mặc, chải đầu, đeo kính thì có thể nhầm là diễn viên từ một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nào đó. Nhiều người trong số họ nói tiếng Anh, mặc dù cách phát âm còn lẫn nhiều giọng Hàn, nhưng sự nhạy cảm trong cách dùng từ, tốc độ phản ứng đều chỉ ra là kết quả của một quá trình học hỏi nghiêm túc và có kết quả tốt.
Đầu tiên là biên phòng lên tầu, sau đó là các cán bộ hải quan. Trên tàu bắt đầu nhộn nhịp, mọi người lấy giấy tờ ra khai nhập cảnh, mang hàng hóa ra để chờ kiểm tra, lúc đấy mới thấy hàng hóa nhiều và đa dạng thế nào và mới bắt đầu hiểu tại sao lại có sự sung túc đầy đủ thế. Cứ mỗi toa được kiểm tra xong lại có một lượng hàng hóa xuống tầu, lúc két bia, khi một mớ quần áo, tất cả đều được chất gọn thành một đống dưới sân ga đằng sau dẫy các chú lính đang cầm súng đứng gác. Thỉnh thoảng lại có cây thuốc Marlboro hay thùng táo được đặt thêm lên trên. Trong toa của tôi, khi hải quan khám gần xong hàng của gia đình nhà kia thì tự nhiên có tiếng như chuột kêu ở dưới gầm giường, hải quan lập tức lôi ra được một thùng 5 con chó Nhật bé xíu. Chủ hàng, hai vợ chồng nhà nọ, nhớn nhác nhìn nhau rồi một lúc sau khi anh hải quan đã xuống ga hút thuốc, anh chồng lôi một mớ đến 12 cái váy áo phụ nữ, bánh kẹo thuốc lá một túi lùng tùng kèm theo một con chó con giấu trong túi áo vét xuống theo, lúc sau trở lên mặt mày vui vẻ. Khi khám đền đồ của tôi, chỉ có quần áo nhưng một bác hải quan lại hỏi là tôi có mang táo theo không. Một lúc tôi mới hiểu ra và phì cười vì nghĩ là hỏi gì hỏi quái lạ, ai mang theo táo đi cho nặng người. Lý do vì sao mọi người đọc thêm về sau sẽ biết. Khi đứng ở hành lang toa tầu, tôi thoáng nhìn vào toa bên cạnh của các cán bộ Triều Tiên thấy có một bác mặc quần áo dạ cổ Mao đang ngồi khám túi và đã lục ra một số các giấy tờ kiểu tờ rơi quảng cáo nhà cửa, căn hộ nhiều nhà màu sắc bên Trung Quốc không chỗ nào không có. Lục xong rồi, bác áo dạ đứng dậy cầm cả mớ giấy xé đôi, đút vào túi rồi cắp đít đi luôn. Ngay lập tức một đồng chí cán bộ lục đồ ra lấy mấy bao thuốc hai quả táo, cho vào một túi nylon rồi chạy ngay theo.
Đến tận 12h trưa các thủ tục mới xong, tôi đi xuống sân ga tìm nhà vệ sinh. Một chú lính trơn trông mặt khoảng 20 tuổi nhưng người chắc chỉ khoảng 15 vui vẻ chỉ cho tôi vào cửa một dẫy nhà 3 tầng kiểu Pháp, rất rộng rãi trần cao, kiểu nhà ga thành phố lớn. Đi lên gác hai có một phòng rộng cỡ 100m2 không một bóng người, toilet nằm ở góc cùng phía Tây trông ra quảng trường trước cửa nhà ga. Đưa mọi người vào toilet cùng tôi là để kể tôi đã nhìn thấy gì phía ngoài sân ga. Lúc nhìn qua cửa sổ trông thẳng ra một quảng trường nhỏ kiểu của các thành phố châu Âu là một khoảng sân rộng có nhà cửa bao quanh và có hai đường vào từ hai phía đối diện tôi mới thấy được những hình ảnh thật của một nước Triều Tiên lam lũ. Trên quảng trường có một đám đông dân chúng đang đứng chờ nhà ga mở cửa để vào lên tầu, quần áo của họ chỉ độc vài mâu nâu và xám tối, phần lớn mọi người đều đi bộ, chỉ có lèo tèo vài chiếc xe đạp dựng xung quanh còn xe máy và ô tô thì không thấy. Trên sân quảng trường đổ bê tông là những hình tròn kẻ bằng vôi rất lớn trong có đánh số, không có vẻ gì là mọi người phải chờ trong những lằn vôi đấy. Phụ nữ và trẻ em nhiều nhưng nhiều nhất là những người mặc quân phục, từng người một vẻ lam lũ vất vả đều hiện rõ trên mặt.
Khoảng 12h40 cổng ga mở cho dân vào, theo sau là một vài chiếc ô tô 12 chỗ của Nhật, vẫn còn nguyên tay lái nghịch đi vào chở theo một số người ăn mặc giản dị nhưng chỉnh tề; các xe đều chở theo hàng hóa. Hàng hóa và người đều nhanh gọn được đưa lên tầu. Dân chúng thì vẫn ùa vào rất đông, rất vội vàng, nhưng không ai được đi vào gần hai toa tàu quốc tế cả, hàng lính đứng cách tàu khoảng 1.5 m làm nhiệm vụ nhắc nhở. Tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người Triều Tiên bình thường đều rất thấp, phụ nữ đặc biệt thấp kể cả những người trưởng thành. Đến khoảng 1h chiều tầu bắt đầu đi Bình Nhưỡng.
Tự nhiên trong đầu tôi nảy ra so sánh là nhà ga Triều Tiên, dù là ga nhỏ biên giới cũng đàng hoàng và khang trang hơn ga ở Hà Nội, tầu Triều Tiên, mặc dù chạy chậm hơn tầu Trung quốc, nhưng vẫn nhanh và sạch sẽ hơn tầu Việt nam. Đồng ý là hải quan và biên phòng Triều Tiên cũng tay trong tay ngoài nhưng người dân nói chung có vẻ kỷ cương và tôn trọng luật lệ, cũng dễ hiểu vì luật lệ ở đây được đảm bảo bằng súng đạn….
Từ biên giới đi Bình Nhưỡng chỉ khoảng 300km nhưng tầu chạy mất 6 tiếng. Suốt cả quãng đường dài này hai bên cảnh vật chỉ là cánh đồng không trồng cấy gì, thỉnh thoảng mới thấy một vạt cỏ hay rau xanh còn lại toàn một mầu đất bụi nâu. Núi đá có nhiều nhưng đều không có cây cỏ gì mọc, ngoài đồng cũng không có nhiều người làm việc, đi lâu mới nhìn thấy mấy người dân đang đào bới gì đó, hình thức phân công lao động cũng rất lạ, lúc thì có 2,3 người đào còn lại hơn 10 người đứng chơi không hoặc cả 10 người cùng đào trên một khoảnh đất chỉ to hơn manh chiếu. Phần lớn thời gian tầu chạy men theo đường quốc lộ, trên đường chẳng mấy khi có xe cộ gì nhưng thỉnh thoảng có người đi bộ. Có lúc tôi nghĩ là không hiểu mấy người này đi bộ đi đâu vì nhìn xung quanh ra phía xa chẳng thấy làng mạc phố xá gì cả. Sau khi đã nhìn thấy rất nhiều người đi bộ như thế mới hiểu là ở Triều Tiên phương tiện giao thông công cộng chạy bằng xăng không có nhiều, xe đạp thì rất đắt tiền nên mọi người thường đi bộ nếu khỏang cách không đủ dài để đáng nhận vé tầu phân phối. Mỗi khi tầu đến một ga lại có rất nhiều người lên xuống chủ yếu là phụ nữ, trông có vẻ người buôn bán nhỏ. Loại đồ đựng nhiều nhất là túi vải thô đeo sau lưng, hình dáng giống balô lộn ngược ở ta thời trước nhưng quai đeo thô sơ hơn, trong đựng gạo hay một loại ngũ cốc nào đó. Nhìn những đồng chí phụ nữ ăn mặc đồ lính cũ, tuổi cũng trung niên chỉ cao khoảng 1.4m mà đeo balô nặng đến cả 40kg đi nhanh chúi người về phía trước trông rất thương. Mà không chỉ phụ nữ, trẻ con cũng đeo những cái túi lương thực kiểu này cũng to cũng nặng quá khổ. Cả đám đông trông đều như kiến, mang vác nặng nề trên lưng đến nỗi thân trên gần như vuông góc với thân dưới đi lại vội vàng. Có điều đàn ông không mang vác gì hộ cho phụ nữ. Có nhiều đôi vợ chồng và con trai đi với nhau, chồng mặc quân phục đeo túi sache nhỏ bên sườn, vợ và con thì è cổ ra đeo gạo chạy theo bên cạnh. Trên tàu mấy người đi buôn, là Hoa Kiều ở Bình Nhưỡng, lôi cơm với thức ăn ngon lành ra mời tôi ăn chung. Thấy ăn không hết đồ ăn, gà rán và hai loại cá khác nhau, họ bắt phải ăn cố nếu không họ sẽ phải vứt đi. Rõ ràng ở Triều Tiên, mặc dù mọi người đều nghèo như nhau nhưng đã manh nha sự mất công bằng trong phân phối và thu nhập cho dân chúng.
Khoảng 6h30 tối thì Bình Nhưỡng bất ngờ hiện ra. Bất ngỡ là vì vừa đang đồng không mông quạnh bỗng thành phố xá xe cộ nhà cửa. Tàu vào ga lúc 7h, tôi vác đồ đi ra thấy phải có đến cả chục nghìn người rồng rắn xếp hàng chờ chui ra một cái cửa ga bé tí. Người bạn đi đón tôi dẫn tôi qua một cửa dành cho người nước ngoài chỉ một chút đã chui ra ngoài.
Đường phố ở Bình Nhưỡng rất to, rất rộng và sạch sẽ mỗi tội không có điện đường. Hôm tôi sang đang là ngày kỷ niệm thành lập quân đội nên một vài phố chính có căng đèn kết hoa, kiểu đèn hàng ngàn con đom đóm chăng quanh thân cây. Xe cộ cũng không có nhiều, chủ yếu là tầu điện và xe buýt. Trước đó vài tháng Trung Quốc có tặng cho Triều Tiên hơn trăm cái xe buýt hai tầng, kiểu và màu sắc rất đẹp nhưng trông như những con công đi vào giữa bầy gà đen.
Sau khi được nghe dặn dò kỹ lưỡng về những gì được và không được làm: không được tự ý nói chuyện với người Triều Tiên, không được chụp ảnh người địa phương hay những tòa nhà công cộng mà không rõ là nhà gì, tôn trọng không nhìn chằm chằm hay sờ vào huy hiệu lãnh tụ mà ai ai cũng đeo, vv tôi được các bạn đưa đến câu lạc bộ quốc tế của Bình Nhưỡng nơi người nước ngoài có thể đến ăn uống giải trí. Trên gác hai là các phòng hát, quầy bar, và phòng chơi bi-a rất lớn. Sàn trải thảm và đồ trang bị thì đều là của Nhật, giá cả thì tính bằng đôla Mỹ, rẻ một cách ngớ ngẩn, ví dụ một đĩa thịt gà rán US$0.7, một đĩa thịt bò US$0.95. Phòng ăn thì ở dưới tầng một là một phòng hình chữ nhật ở giữa kiểu như sàn nhảy, các bàn ăn đặt trong hõm tường ghế kê hình móng ngựa. Chỉ có chúng tôi và phía đối diện là một số người của sứ quán Nga, chắc vì thế nên nhạc là nhạc Nga. Đồ ăn rất ngon, các đồng chí phục vụ ăn mặc đẹp, chị em không thấy ai phải đeo huy hiệu chắc là vì làm đối ngoại. Nhân lúc ăn tôi có hỏi về thu nhập của mọi người. Các bạn trả lời là bên này nhà nước bao cấp đủ thứ mỗi tội là đồ có ít quá nên chia đều ra cũng chẳng ai được bao nhiêu. Mỗi người được thêm 150 won một tháng. Tôi hỏi thế là bao nhiêu, trả lời là mua được 1.5kg táo ngoài chợ đen. Hóa ra người Triều Tiên quý táo, cái gì cũng quy được ra táo, vì thế hải quan cũng hỏi tôi là có mang táo vào không.
Có ba loại tiền tiêu được ở Bình Nhưỡng, tiền đô la Mỹ kể cả tiền xu, tiền won dân tiêu và won cho người nước ngoài. Người nước ngoài bình thường thì bắt buộc tiêu đô la Mỹ, lưu học sinh nước ngoài thì có thể đổi đôla tiêu tiền won để hàng tuần đến mua hàng ở cửa hàng hữu nghị. Tỷ giá nhà nước quy định là US1/W2 nhưng nếu đổi cho Hoa Kiều thì có thể được đến 1/8. Như thế có nghĩa khi ăn uống cái gì đó giá USD1 mà trả bằng tiền won thì thực chỉ mất có 25cent. Hoa Kiều ở Bình Nhưỡng buôn bán đủ thứ, môi giới chính trị và lập nhà chứa trá hình.
Có khoảng 700 người nước ngoài ở Bình Nhưỡng, tức là ở cả Triều Tiên, 500 người trong 25 đoàn ngoại giao khác còn lại cán bộ các cơ quan phát triển hay viện trợ của LHQ. Ngoại giao thì không biết thế nào nhưng cán bộ LHQ cứ làm việc 6 tuần thì bị bắt nghỉ đi ra khỏi Triều Tiên một tuần do điều kiện làm việc căng thẳng quá. Tất cả các cơ quan nước ngoài đều nằm trong một khu riêng khá đẹp và nhiều cây cối, có cảnh vệ đứng gác ở ngoài cách nhau 30 m lại có một vọng gác. Trong khu này có cả một siêu thị nhỏ cung cấp lương thực và vật dụng gia đình cho người nước ngoài, đồ cũng phong phú.
Cảm giác trong suốt thời gian ở Bình Nhưỡng là mình luôn là đối tượng bị để ý. Đúng là không ai đi theo nhưng nếu cần thì mình đi đâu về đâu giờ nào đều có người biết. Tôi nghĩ hình thức giám sát này không chỉ áp dụng cho người nước ngoài mà còn là hình thức tự giác đáng biểu dương trong dân chúng với nhau, từ chuyện ăn ở ngủ nghê đến chuyện đeo huy hiệu lệch nếu cần đều có thể thành to chuyện. Việc giám sát đối với người nước ngoài không thuộc diện ngoại giao, tức là đa phần cán bộ phát triển và nhân đạo, đã trở thành một vấn đề công khai nên các bác tây càng đau đầu hơn. Thử nghĩ xem nếu làm việc mà biết là từ việc hắt hơi sổ mũi đến mở cửa bằng tay trái hay tay phải hay ở trong toilet bao lâu đều được đồng chí thư ký ghi chép lại đầy đủ thì hiệu suất sẽ cao thấp thế nào, tinh thần sẽ bị thử thách ra sao? Tôi đồng ý với quan điểm của các bạn Triều Tiên là ngoài các bạn Việt Nam ra tất cả người nước ngoài còn lại đều là gián điệp sang tìm hiểu tình hình và phá hoại công tác sản xuất lương thực của Triều Tiên. Chính vì bọn gián điệp này mà năm nay quá hai tuần mà vẫn chưa có mưa để có nước cấy vụ hè. Để nâng cao tinh thần cảnh giác và ý chí, hàng tuần trên TV đều có một chương trình gọi là thiên đường và địa ngục. Màn ảnh chia làm hai nửa, một bên là những gia đình Triều Tiên hạnh phúc đi sóng đôi trong công viên, trẻ em cầm hoa đeo khăn đỏ, béo tốt hồng hào, màn ảnh bên kia là hình ảnh sụp đổ ở Đông Âu, hay cảnh người ăn xin vô gia cư ở những đường phố Âu Mỹ. Cháy nhà, bom nổ, động đất, núi lở băng tan, bắn giết là những hình ảnh hay được sử dụng. ….
Bình Nhưỡng có rất nhiều tượng đài và công trình kiến trúc công cộng, có những thứ mang tầm quốc tế như khách sạn hình kim tự tháp cao 105 tầng xây để chuẩn bị cho festival sinh viên thế giới mùa hè 1989 mà đến bây giờ vẫn chỉ mới có cái xác nhà to sừng sững một góc trời. Tượng của chủ tịch Kim Nhật Thành bằng đồng cao đến 60m cứ ba năm lại được quét một lớp vàng nấu chảy. Cung thể thao hình nửa quả bí ngô đặt úp to quá mức cần thiết. Chính phủ hay viết báo nói cho dân biết về những cái nhất của Triều Tiên, rằng sông Đại Đồng chảy qua Bình Nhưỡng là sông sạch nhất thế giới; báo New Yorker của Mỹ cách đây không lâu cũng đăng lại một bài của báo Triều Tiên trong đó chủ tịch Kim Chính Nhật được khen là người có khiếu hài hước xuất sắc nhất của thế kỷ 20 và là mặt trời chói sáng nhất của thiên niên kỷ thứ 3, những khẩu hiệu tương tự thế này ở Bình Nhưỡng chỗ nào cũng có. Người Triều Tiên bao năm nay đã được nghe những thứ này nên nói khác đi là không thể chấp nhận được. Một ví dụ là khi từ Bình Nhưỡng về Bắc Kinh, có ba bác cán bộ mò vào toa tầu tôi ngồi chơi, một bác đòi mở lon bia, bác kia hỏi hộp bánh Thái Lan tôi mua bao nhiêu rồi chỉ xin cái hộp chứ cho bánh không lấy hết. Thấy các bác có vẻ vui vui lại về đến gần Trung Quốc rồi tôi mới bạo dạn chỉ tay vào huy hiệu rồi đưa dấu hai tay nắm nhau (thân thiện, bằng hữu) nói Hồ Chí Minh-Kim Nhật Thành. Nói chưa xong cả ba bác đã đứng dậy lảng đi cả. Thế tức là người Triều Tiên đã được dạy là trong số những người vĩ đại, thì người vĩ đại của họ là vĩ đại nhất. Thật uổng hộp bánh của tôi.
Cách đây vài năm một nhà báo việt nam sang đây về bất bình quá có viết bài gọi người Triều Tiên là rôbôt, gọi chính giới ở đây là độc tài. Tôi nghĩ nhà báo này suy nghĩ có rộng mà không có sâu thật xứng đáng bị cách chức ở báo phụ nữ thành phố HCM. Người Triều Tiên coi chuyện kỷ luật quân đội quan trọng, bởi nếu không có kỷ luật thì đất nước đã bị bọn đế quốc sài lang nuốt từ lâu rồi, nên có thể gọi là trại lính chứ nhà tù và chuồng rôbốt thì thật coi thường nước và dân bạn quá lắm. Tính kỷ luật cao giúp cho người Triều Tiên làm được những việc người thường không làm nổi như người nặng 40kg vác gạo nặng 60kg, hay học để giao tiếp được bằng ngoại ngữ chỉ qua sách vở, hay trong điều kiện bị cấm vận thiếu lương thực trầm trọng mà vẫn xây dựng được những công trình kiến trúc khổng lồ sánh ngang tầm với người cổ Ai Cập xây kim tự tháp. Cách Bình Nhưỡng khoảng 20 km có một nơi mà trước đây chủ tịch Kim Chính Nhật khi còn trẻ đến tập quân sự trong vòng vài tháng cũng là nơi có mộ mẹ ông. Trên đỉnh núi cây cối um tùm có một khối đá nguyên khắc hàng nghìn chữ Triều Tiên chắc là lời căn dặn gì đó của tướng quân. Người hướng dẫn nói là khối đá này nặng 300 tấn đưa từ nơi khác về, núi cao 500 m nếu không có kỷ luật thì làm sao mà đẩy lên được? Người hướng dẫn cũng kể là khi tướng quân thi bắn đúng vào ngày giỗ mẹ ông, ông quyết định không lên núi viếng mộ mẹ và ở lại bắn với đồng đội. Trong phần thi nằm bắn từ trên núi xuống bia cách xa 300m ông bắn bốn phát thì ba phát trúng hồng tâm lại chui vào đúng một lỗ, còn phát cuối cũng chắc trong lòng ông xúc động nên chệch vào vai bia. Mọi người khen ông thì ông nói như thế chưa thể nào đáng gọi là xạ thủ bách phát bách trúng được, vẫn còn kém lắm. Tôi nghĩ là tướng quân lúc đấy chỉ khiêm tốn để làm gương thôi chứ thực ra ông là người bắn giỏi. Chỉ hơi tiếc là trong điều kiện đất nước khó khăn đạn dược thiếu, nếu chỉ bắn một phát đã tiêu diệt được kẻ thù thì việc gì phải phí thêm ba phát nữa như thế.
Trong thời gian ở Bình Nhưỡng tôi có gặp bác đại diện UNDP đồng thời phụ trách chương trình lương thực thế giới (wfp) ở Triều Tiên, một số các đồng chí mũi lõ tóc vàng nữa làm phân phối lương thực và phát triển. Trong số 24 triệu dân Triều Tiên thì trên giấy tờ có 6 triệu người phụ thuộc vào nguồn lương thực của Wfp. Tổ chức nay kêu gọi các nguồn viện trợ lương thực từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, rồi chuyển bằng tầu biển vào các cảng của Triều Tiên, lương thực thì nhiều đế quốc Nhật Bản và đế quốc Hàn Quốc chỉ dám thuê tàu 10000 tấn chở vào vì sợ ông Triều Tiên ông ấy bắt luôn tầu, nếu tàu to quá thì không có gì mà đền. Triều Tiên thì lên án hai ông kia là cố tình làm chậm quá trình chuyển lương thực vào cho dân đói. Lương thực chuyển đến cảng bốc lên xe tải, wfp trả cả tiền đi lại ăn uống cho lái xe tải và công vận chuyển, còn ông chính phủ chở đi đâu thì không biết, mà đòi kiểm tra thi ông ấy dọa ngay là đòi lại visa. Hàng triệu tấn lương thực hàng năm cứ như thế cứ như thế không biết đâu mà lần, thiên hạ cứ đổ của vào, đến bạn thân là Trung Quốc ngày xưa cũng phải dọa cắt viện trợ vì gạo ngon trung quốc cho thì ông ấy cho quân đội ăn một nửa, một nửa ông ấy bán rồi lấy tiền mua gạo mục trung quốc cho gia súc ăn về để phát cho dân. Mà ông Triều Tiên ông ấy tính cục lắm, ai nói không vừa ý là ông ấy chơi luôn, xin lỗi giải thích sau nên không ai dám nói.
Vậy thì tại sao Triều Tiên thiếu thân thiện thế mà thế giới vẫn cứ phải đỡ ông ấy dậy. Là bởi vì ông ấy có bom nguyên tử, mà tính ông ấy là tử vì đạo bất kể là đạo gì, thế giới mà để cho ông ấy đói là ông ấy dọa nổ một quả. Cách đây hai ba năm khi chậm mang gạo cho ông ấy ăn, ông bắn hai quả tên lửa bay vọt qua Nhật Bản, thiên hạ chả sợ chết khiếp. Trung Quốc chẳng tiếc ngẩn ngơ là tại sao lại đi dạy ông kia làm bom, đúng là đưa kiếm sắc vào chỗ không có phẩm tiết.
Nếu để ý thì sẽ thấy ở đây có một vòng tròn luẩn quẩn. Không cho ông ấy ăn thì ông ấy chửi, cho ông ấy ăn thì có sức ông ấy chửi càng to. Nên là cứ phải nghe ông ấy chửi mà vừa phải bón cho ông ăn. Trước nay thì thiên hạ đứng từ xa cho ăn để khỏi bị nghe chửi điếc tai quá, nay chính sách mới, đi đầu là Sunshine (ánh nắng) của TT Hàn Quốc Kim Đại Trọng, cho rằng ông ấy chửi thế là vì ông ấy thiếu tình yêu thương nên sẽ phải xáp lại gần để giúp ông ý làm việc có ích hơn là suốt ngày ngồi mà chửi. Tôi đồng ý với chính sách này, ở nước ta và Trung Quốc có hai bác chắc cũng đồng ý là các bác Nam Cao và Lỗ Tấn.
Đối với Việt Nam, tôi nghĩ là ông Triều Tiên tuy bé những lúc nào cũng trịch thượng coi mình là nước lớn do có ông anh cả trung quốc đứng bên. Thời chiến cho ông mượn máy bay ông đếch thèm trả, rồi ông tiếp Polpot như thượng khách, chửi bới Việt nam xâm lược Campuchia, khi việt nam lập quan hệ ngoại giao với hàn quốc trong suốt 1.5 năm đại diện của nhà nước không chịu gặp đại sứ việt nam để nhận quốc thư. Mới gần đây chính phủ ta lại quyết định gửi tặng ông mấy nghìn tấn gạo. Chắc chắn là những hình ảnh mất mùa thiên tai của Việt Nam đã từng được gửi lên chương trinh thiên đường địa ngục tôi nói lúc trước…tôi thà là làm quỷ ở nước nam còn hơn làm thiên thần đất bắc (Hàn).
Triều Tiên không có dấu hiệu thả lỏng của một đất nước đang đến kỳ thay đổi mà ngược lại, sự áp đặt của thể chế có vẻ được củng cố kỹ càng hơn. Mấy năm trước đây nhà nước quyết định đưa vào sử dụng một hệ thống lịch mới tính năm thứ nhất là năm sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành, gọi lịch này là lịch chủ thể. Chủ thể là một biến dạng của chủ nghĩa Marx pha trộn đậm đà với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Triều Tiên, phát biểu những câu kiểu như là chính trị được thực thi trên nòng súng. Đáng buồn là người viết ra hệ tư tưởng mới này trước là hiệu trưởng đại học tổng hợp Kim Nhật Thành, là thầy học của chủ tịch hội đồng quốc phòng tướng quân nguyên soái Kim Chính Nhật đã bỏ nước mà đi thông qua đường đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh. Năm nay là năm 91 chủ thể, một cách gọi gợi nhớ về một quá khứ của các triều đại phong kiến, ngoài ra chủ tịch Kim Nhật Thành, dù đã chết, trên giấy tờ và văn bản vẫn được coi là chủ tịch muôn đời của Triều Tiên. Sau khi ông mất một năm, Triều Tiên vẫn gửi quốc thư cho đại sứ cầm đi ký tên ông, đến khi các nước phản đối họ mới chịu thôi.
Cách thức này gợi ý về một xu hướng phát triển ở Triều Tiên từ một chính thể cách mạng dân chủ giải phóng nhân dân chuyển sang một triều đại phong kiến với mục đích cuối cùng là biến chủ thể thành một tôn giáo với sự sùng bái vô điều kiện cho các bậc tối cao tinh thần. Nhà nước ở Triều Tiên không có được sự quan tâm thật sự đến hoàn cảnh đáng buồn của người dân như nhà nước ở Việt Nam và Trung Quốc, nên mặc dù nhận ra những sai lầm trong quản lý kinh tế và phương châm đối ngoại vẫn không đi những bước đi cải cách mở cửa và thân thiện với bạn bè quốc tế như ở ta hay ở Trung Quốc.
Thế giới đối với Triều Tiên là một thế giới lưỡng cực, Triều Tiên là chủ thể và cả thế giới đều là thù, với mức độ thù địch khác nhau. Nếu không có biến động gì đáng kể, chỉ 50 năm nữa Triều Tiên sẽ biến thành một dạng sơ khai của một tôn giáo cực đoan ví như đạo Hồi hay Do Thái giáo các dòng chính thống. Hệ thống tăng lữ sẽ ăn trên ngồi trốc và dân thì ngày càng bần cùng. Trong khi phát triển ở Trung Quốc và Việt Nam cải thiện mức sống của người dân ở các vùng nghèo, Triều Tiên đang phát triển theo bước thụt lùi mà mỗi năm thụt lùi sẽ là 10 năm cố gắng sau này. Phát triển ở Triều Tiên, bất kể là có hay không có những giao lưu với miền Nam, bắt buộc phải là một tiến trình tự giác bắt đầu từ bên trong. Chỉ có người Triều Tiên mới giúp được người Triều Tiên mà thôi.
Tôi lên tầu ở Bình Nhưỡng khoảng 9h sáng ngày 30-4 đúng ngày giải phóng miền Nam, rất mừng là có đến 7-8 người ra ga tiễn. Bẩy tiếng sau khi tầu lên cầu lần này vượt sông Áp Lục về lại Trung Quốc tôi cảm thấy như những ám ảnh và sức ép dồn nén trong đầu suốt cả tuần qua đến lúc này được thả ra hết cả. Hình ảnh đầu tiên nhìn thấy trên sân ga Trung Quốc làm tôi thấy ấm khắp người là hai cán bộ đường sắt Trung Quốc chắc tình yêu với nhau, đang ngồi trên một cái áo mưa ở góc khuất sân ga, anh chàng áo đồng phục để phanh ngực mặt mày hớn hở. Không thấy đâu có súng ống, thép gai, phụ nữ khốn khổ oằn mình dưới sức nặng của bao gạo mục , cờ hoa khẩu hiệu ảnh chú Kim cũng chẳng thấy có, tôi xuống sân ga đứng máy như lăm lăm muốn chụp gì thì chụp, bên cạnh có hai biên phòng Trung Quốc, cô gái đang gọi đùa cậu trai là đồ con lợn. Tôi nhìn lại sang bên phía xa chỉ chưa đầy hai km, cùng chung một khoảng trời, cùng hít thở một bầu không khí nhưng là nơi đau khổ, chịu đựng, và tù túng. Các đồng chí Triều Tiên ơi, hãy còn xa lắm mới đến được thiên đàng, càng xa hơn nếu các đồng chí đi lùi….
Như tôi đã nói ở trên, chuyến đi Bắc Triều Tiên làm cho tôi nhớ lại và hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống ở Việt Nam thời trước mở cửa mà trước đây do còn trẻ con tôi chỉ biết chấp nhận như một thực tế cuộc sống. Nhiều năm đã qua, nhờ có đọc và học, tôi đã may mắn có được những công cụ và kỹ năng phân tích để bây giờ không chỉ chấp nhận thực tế mà còn có thể đặt câu hỏi; trong một số trường hợp cụ thể nếu may mắn còn có thể có được câu trả lời.
Đặt câu hỏi, dù có trả lời được hay không, cũng là một hoạt động có ích của con người. Nói không ngoa thì mọi tiến bộ trong cuộc sống loài người đều là kết quả của việc một ai đó đă đặt ra một câu hỏi về một hiện tượng quan sát thấy. Với mong muốn cải thiện điều kiện sống là động cơ chủ đạo, đặt câu hỏi và tìm câu trả lời là những bước đầu tiên một cá nhân, một tập thể, một quốc gia hay cả thế giới phải làm để có một bản đồ dẫn tới những cái mới hơn và tốt hơn.
Để nhận được những câu trả lời có ích trước hết hết phải biết cần phải hỏi những câu hỏi nào, điều này này phụ thuộc vào việc có đủ thông tin về đối tượng mình quan tâm hay không. Với cách nhìn này, triết học chẳng qua cũng chỉ là môn lý thuyết về phát triển chung của loài người khi mà ba câu hỏi trọng tâm của nó là:
a) Chúng ta từ đâu đến;
b) Chúng ta làm gì ở đây; và
c) Chúng ta sẽ đi đâu tiếp từ đây.

Câu hỏi thứ nhất nhằm tìm kiếm thông tin về quá khứ, về khả năng và tiềm năng; câu hỏi thứ nhì để có thông tin về ý nghĩa cuộc sống xem cái gì đối với chúng ta là quan trọng; trả lời được tốt hai câu hỏi trên, việc trả lời được câu hỏi cuối cùng về tương lai dù khó cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Vũ Thư Hiên


Do Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận sưu tầm