Monday, October 7, 2013

Mao sống lại tại Trung Quốc : Các buổi phê và tự phê thành trò cười trên internet

Mao sống lại tại Trung Quốc : Các buổi phê và tự phê thành trò cười trên internet

Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại lễ mừng Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 64, Bắc Kinh, 30/09/2013
Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại lễ mừng Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 64, Bắc Kinh, 30/09/2013
REUTERS

Tái lập những buổi họp phê và tự phê, in mới Sách Đỏ Trước Tác của Mao nhân 120 năm ngày sinh của Người cầm lái vĩ đại… Phải chăng Mao tái hiện tại Trung Quốc ? Chủ tịch nước Tập Cận Bình không thiếu việc : Trong ba ngày, ông dự bốn buổi họp phê và tự phê và hiện tượng này không lọt qua mắt của cư dân mạng.

Các buổi họp phê và tự phê, với sự tham dự của Chủ tịch nước được phát trên các kênh truyền hình Nhà nước, ngay trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Kiểu họp hành này làm người ta nhớ lại thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền và đã trở thành trò cười trên mạng internet.
Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình, ăn mặc giản dị áo veston đen, sơ mi trắng, của người tự phê bình, nhận khuyết điểm, đã tới tỉnh Hà Bắc (Hebei), gần Bắc Kinh. Nguyên thủ quốc gia rất bận rộn: Trong ba ngày, ông đã tham dự bốn buổi phê và tự phê. Các cán bộ của Đảng ngồi xung quanh bàn và trình bày các « khuyết điểm » của mình. Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình nói chuyện với các cán bộ trong bầu không khí nghiêm trang. Chủ tịch nước cảnh báo : « Tôi đến đây không phải để nghe những chuyện vô vị. Tôi muốn có những phê bình và tự phê bình thực sự ». Sau đó, người ta thấy, các quan chức trong đảng Cộng sản của tỉnh, từng người một, lên thú nhận những khuyết điểm của mình, đối mặt với ống kính máy quay hình. Ví dụ, một quan chức cấp cao của tỉnh Hà Bắc thú nhận đã chi 3,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 400 000 euro), lấy từ quỹ Đảng và của chính quyền địa phương, để tổ chức dạ tiệc mừng năm mới 2012.
Các buổi phê và tự phê này làm cho cư dân mạng vừa lo ngại vừa buồn cười. Họ lo ngại về một tập quán đã từng được áp dụng cách nay nửa thế kỷ, coi đây là sự trở lại những năm tháng Mao Trạch Đông và cách mạng văn hóa. Một nhà văn Trung Quốc bình luận : « Không thể chấp nhận được vì điều này đụng chạm đến thể xác và tinh thần ». Thế nhưng, cũng có người chế diễu và coi đây là « trò hề », những lời tự phê bình thiếu thành khẩn. Ví dụ, trên mạng xã hội lưu truyền một bức tranh vẽ một cán bộ Đảng, quần tụt, mông có cắm một kim tiêm « tự phê bình », ngụ ý nói rằng mũi tiêm không hề gây đau đớn.
Trên Vi Bác, mạng mạng xã hội được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc, còn có một bức tranh vẽ một bảng ghi « hội nghị sinh hoạt dân chủ » và một cán bộ nói : « Tôi quá bận công việc », ngụ ý là những cuộc họp phê và tự phê như vậy giúp các cán bộ khoe khoang, tự đề cao. Ngoài việc thú nhận chi tiêu cho dạ tiệc đón mừng năm mới, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Tôn Thụy Bân (Sun Ruibin) còn thừa nhận có một xe hơi thể thao cực xịn SUV « cho dù tôi biết rằng việc có một chiếc xe hơi như vậy là trái với các quy định ». Phần còn lại, thay vì tự phê bình, thì chỉ thấy những lời phê bình, người này đổ lỗi cho người kia. Chính các cuộc họp phê và tự phê dưới thời Mao đã được dùng để làm việc này.
Một số người ví đây như là trò « tỷ thí chọn chồng », một tập quán cổ xưa khi các gia đình quan lại tổ chức những cuộc đấu võ tay đôi để chọn chồng cho con gái. Theo luật đấu, cuộc tỷ thí dừng lại trước khi một trong hai võ sĩ bị thương. Một nhà báo đăng trên internet hai đường kết nối với các websites đăng những thước phim quay chậm cảnh đấu võ với lời bình luận : Họ đang giả vờ đấu với nhau ? Một vị giáo sư giảng dạy tại đại học Sư phạm Nam Kinh phản bác : Bạn khắt khe quá. Họ đang tán tỉnh nhau đấy.
Vào lúc này, Mao xuất hiện khắp nơi tại Trung Quốc. Người ta nói nhiều đến ấn bản mới de luxe Sách Đỏ Trước Tác Mao Trạch Đông, giá 240 euro, nhân 120 năm ngày sinh của Người cầm lái vĩ đại, vào tháng 12 tới. Mặt khác, người ta cũng nhận thấy là Chủ tịch nước Tập Cận Bình, người lớn lên trong môi trường thuần khiết những năm tháng Mao cầm quyền, trong một bài diễn văn gần đây, đã kêu gọi mở rộng lòng bao dung đối với các tôn giáo truyền thống. Mao hay Khổng Tử, tại Trung Quốc, tất cả đều tốt để lấp đầy khoảng trống tinh thần trong một xã hội đang bị cuốn hút bởi tốc độ tăng trưởng vùn vụt. Trên internet, nhiều trí thức cho rằng, trong mọi trường hợp, điều này nhằm giữ được sự cân bằng, không bị mất chỗ dựa và lòng tin của người dân đối với một chính đảng luôn bị ám ảnh trong việc duy trì tính chính đáng của mình.

No comments:

Post a Comment