Friday, October 18, 2013

người lính quân đội nhân dân Việt Nam

                                                Phạm Bá Hoa
 
Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc!  Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi  quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
 
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
 
Nội dung thư này tôi giúp Các Anh nhận ra một góc của “chân dung” Thủ Tướng Các Anh trong chuyến thăm Pháp 24-26/9/2013.
 
Thứ nhất. Thủ Tướng cộng sản Việt Nam tại Paris. 
 
Bản tin ngày 24/9/2013 của đài Á Châu Tự Do cho biết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hướng dẫn phái đoàn thăm nước Pháp trong các ngày 24-26/9/2013. Theo chương trình, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm với Thủ Tướng Pháp Jean-Marc Ayrauld, diện kiến Tổng thống Francois Hollande, và dự đối thoại với các doanh nghiệp Pháp. Sau đó, ngày 26-28/9/2013, Thủ Tướng cộng sản Việt Nam sẽ có mặt tại New York tham dự đại hội đồng Liên  Hiệp Quốc khóa 68. Trong thời gian ở Hoa Kỳ, ông Dũng sẽ có các cuộc gặp với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo các tổ chức như UNICEF, UNDP, và dự Diễn đàn đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.   
 
Ngày 24/9/2013, phái đoàn Việt Nam rầm rộ đến phi trường thủ đô Pháp quốc, Thủ Tướng cộng sản Việt Nam được đón tiếp bởi một viên chức đại diện của tỉnh Val de Marne, và khoảng 10 người Việt Nam với 2 hay 3 lá cờ máu đã nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo lệnh của Quốc Tế Cộng Sản. Không có bất cứ một phóng viên hay một máy thu hình nào của truyền thông Pháp quốc có mặt. Nói chung là âm thầmlặng lẽ.
 
Theo bản tin đài Á Châu Tự Do ngày 25/09/2013, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, đã hội đàm với Thủ Tướng Pháp Jean-Marc Ayarault tại Phủ Thủ Tướng. Cuối buổi hội đàm, hai ông Thủ Tướng đã ký bản Tuyên bố Chung, nhấn mạnh đến bang giao chiến lược đánh dấu 40 năm thiết lập bang giao. Thủ Tướng Dũng hoan nghênh lập trường của Pháp trên hồ sơ Biển Đông, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
 
Ngoài Tuyên Bố Chung, hai Thủ Tướng đã chứng kiến các thành viên của hai phái đoàn Việt – Pháp ký: (1) Hiệp Định giữa tập đoàn khí đốt Pháp GDF Suez với tập đoàn Petro Vietnam Gas về dự án khai thác khí hóa lỏng Sơn Mỹ. (2) Hiệp Định hợp tác giũa Ubifrance với ViệtTrade, tăng cường khả năng hoạt động của chi nhánh Ubirance tại Việt Nam. (3) Hiệp Định giữa công ty Pháp Vinci Concessions với Bộ Giao Thông Việt Nam, phát triển hệ thống đường bộ với tốc độ nhanh của Việt Nam. (4) Thống Đốc Ngân Hàng Việt Nam Nguyễn Văn Bình, đã trao cho chủ tịch tập đoàn ngân hàng Pháp BNP Parisbas Beaudoin Prot giấy phép thành lập một chi nhánh của ngân hàng này ở Hà Nội. (5) Hiệp Định tài chính của Bộ Trưởng Ngoại Thương Pháp Nicole Bricq, tài trợ 13,5 triệu euro năm 2013 cho một dự án bệnh viện ở Việt Nam......
 

Trong lúc ký bản Tuyên Bố Chung, Thủ Tướng Các Anh nhìn vào trang giấy toàn chữ Pháp mà không biết ký tên vào chỗ nào, thấy lúng túng mãi nên Thủ Tướng Pháp dùng ngón giữa của bàn tay phải chỉ vào trang giấy cho ông ấy ký. Nhìn trên tấm hình hoặc màn ảnh TV, lúc ấy ngón cái và ngón trỏ chập vào nhau như đang cầm vật gì, nên ông dùng ngón giữa để chỉ cho Thủ Tướng Việt Nam. Với cử chỉ này làm tôi nhớ lại thời Pháp cai trị Việt Nam, cử chỉ đó là thể hiện một ý nghĩa không đúng đắn, nhất là trong bang giao quốc tế. Vậy, có phải ông Thủ Tướng Pháp vì quá bực mình nên có ý xỏ Thủ Tướng Việt Nam chăng? Nếu phải, thì tại sao Thủ Tướng Pháp bực mình? Các Anh hãy đọc tiếp đoạn dưới đây sẽ hiểu.    
 
Thứ hai. Thủ Tướng Dũng trên đài TV Canal Plus tại Paris.
 
“Theo yêu cầu của một số bằng hữu, tôi ghi lại và chuyển ngữ đoạn video dưới đây, ghi lại cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa Thủ Tướng cộng sản Việt Nam  Nguyễn Tấn Dũng và Thủ Tướng Cộng Hòa Pháp Jean Marc Ayrault, trong cuộc họp báo tại Phủ Thủ Tướng Matignon, thủ  đô Paris ngày 25/9/2013”. Đó là đoạn văn mở đầu của ông Vọng Trấn Quốc từ Paris. Ông viết tiếp:
 
“Người dân Pháp không hề biết chuyến công du của Thủ Tướng cộng sản Việt Nam vì giới truyền thông Pháp không loan tải bất cứ tin tức nào liên quan, nhưng nhờ có chương trình truyền hình PHIẾM LUẬN (La Nouvelle Edition) trình chiếu đoạn video chế nhạo Thủ Tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng họ mới biết, biết để mà cười với nụ cười nhạo báng. “La Nouvelle Edition” là chương trình truyền hình hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu, từ lúc 12 giờ 20 trưa của đài TV Canal Plus. Mục đích của chương trình là phân tích, mổ xẻ, và phiếm luận thời sự nước Pháp nói riêng, và trên thế giới nói chung. Được điều khiển bởi Ali Baddou, với trợ giúp của hai nhân vật thiên tả dầy kinh nghiệm là ông Nicolas Domenach,  bà Anne-Elisabeth Lemoine”. (Trong đoạn này, tôi có thay đổi vài chữ để giúp người lính cộng sản dễ hiểu. Phạm Bá Hoa)
 
Dưới đây là đoạn video dài 3 phút 50 giây trên đài TV Canal Plus, nguyên bản Pháp ngữ và bản dịch Việt ngữ của ông Vọng Trấn Quốc:
 
Ông Nicolas Domenach: Jean-Marc Ayrault tient des conférences de presse. Vous allez le voir avec le Premier Ministre vietnamien. Vous allez regarder ça et vous allez même peut être avoir quelques compassions pour lui, même vous, Anne-Elisabeth. Oui, oui, vous allez voir parce que ça commence mal. Ça commence mal avec des questions de lumière et puis ça ne finit pas très très très bien. Mais regardez d’abord le début.
Jean-Marc Ayrault họp báo. Quý vị sẽ thấy ông với Thủ Tướng Việt Nam. Quý vị sẽ xem cái này và có thể sẽ có chút từ bi tội nghiệp cho ông ta, thậm chí là bà, bà Anne-Elisabeth ạ. Vâng, các vị sẽ thấy, bởi vì mọi việc khởi đầu tồi tệ, với vấn đề ánh sáng và kết cuộc thì rất rất rất là tồi tệ. Nhưng trước hết mời quý vị xem phần đầu"
 
Bắt đầu buổi họp báo, Nguyễn Tấn Dũng có vẻ không được bình thản, nhìn láu liên, chung quanh và đằng sau cửa sổ. Thủ Tướng Pháp cười, tỏ ý không hiểu Dũng muốn nói gì, có lẽ Dũng muốn nói hôm nay là một ngày đẹp trời chăng?
 
Thủ Tướng Pháp bắt đầu phát biểu: Monsieur le Premier Ministre. Mesdames, Messieurs. … convivial et particulièrement chaleureux.. 
“Thưa ông Thủ Tướng. Thưa quý bà, quý ông, thân ...thiện và đặc biệt nồng nhiệt...”.
 
Thủ Tướng Việt Nam ngắt lời bằng tiếng Việt: Ê, có thể khóa cái này đằng sau được không? Nắng quá!”
 
Thủ Tướng Pháp thấy Dũng múa tay, không hiểu Dũng muốn gì nên kiếm xung quanh có ai đoán được không: C’est le soleil qui vous…Ah oui, il faut tirer le rideau.
"Là ánh nắng làm ông…À vâng, phải kéo rèm cửa sổ".
 
Thủ Tướng Việt Nam: “Ờ”. (vẫn là tiếng Việt)
 
Thủ Tướng Pháp nhờ tùy viên: Voulez-vous tirer le rideau s’il vous plaît, parce que… .
"Nhờ ông vui lòng kéo rèm cửa sổ, bởi vì…” Nói xong, ông chỉnh lại áo veste, giơ cao hai tay thở dài bất lực
 
Bình luận viên Ali Baddou chế nhạo: Très très chaleureux, très très chaleureux.
“Rất rất là nồng nhiệt, rất rất là nồng nhiệt”.
 
Nicolas Domenach phụ họa thêm: Et quand ça commence mal, eh ben, ça continue mal. Regardez, les pauvres!
"Và khi mọi sự khởi đầu không tốt, thì mọi việc tiếp theo đều sẽ xấu. Quý vị nhìn xem, tội nghiệp!"
 
Thủ Tướng Pháp: Je ne sais pas comment pour la traduction on fait parce que…je… pour Monsieur le Premier Ministre. Vous avez pris… (làm dấu tay chỉ ống nghe) Nous avions envisagé un déplacement en France et il a lieu....
"Tôi không biết cho việc dịch thuật mình làm sao đây, bởi vì…tôi… ông Thủ Tướng. Ông có đã lấy... (làm dấu tay chỉ ống nghe) ? (trở lại bài diễn văn) Chúng tôi đã dự tính một chuyến công du tại Pháp và điều đó đang xảy ra..."
 
Thủ  Tướng Việt Nam ngắt lời vẫn bằng tiếng Việt: "Xin lỗi Ngài, chưa nghe được"
 
Thủ Tướng Pháp: ça ne marche pas?” “Không chạy à?”
 
Thủ Tướng Việt Nam: "Chưa nghe được, xin lỗi Ngài cho dịch trực tiếp"
 
Thủ Tướng Pháp (nghe thông dịch) Ông nói nhỏ điều gì với nhân viên, rồi giơ tay lên thở dài lần thứ hai.
 
Ông Ali Baddou: Et ce n’est pas fini. C’est ça qui est génial.
Vẫn chưa hết, thế mới tuyệt vời”.
 
Ông Nicolas Domenach: ça continue avec les oreillettes. Ecoutez.
Mọi việc tiếp tục với ống nghe, quý vị hãy lắng nghe”.
 
Thủ Tướng Việt Nam: “À, thưa Ngài Thủ Tướng. À, trước hết thay mặt đoàn đại biểu cao cấp của chính phủ Việt Nam, tôi bày tỏ vui mừng được trở lại thăm nước Pháp… ở Âu Châu và… trên thế giới”.
 
Thủ Tướng Pháp: Merci Monsieur le Premier Ministre pour les vœux que vous venez de formuler. “Cám ơn những lời chúc của ông Thủ Tướng”.
 
C’est génial “MISTER BEAN " (Tuyệt vời  MISTER BEAN!)
Quelqu’un s’est fait engueler? “Có ai bị mắng không?”
Tout le monde.  “Tất cả mọi người”.
Mais on comprend pourquoi le Premier ministre vietnamien a dit merci à.... “Nhưng chúng ta hiểu rằng, tại sao ông Thủ Tướng Việt Nam đã chuyển lời cảm ơn đến...”
 
Tiếng và hình của ông Nguyễn Tấn Dũng: “GiĂNG MẮC Ê RÔ”,  làm mọi người cười ồ!
 
Ông Nicolas Domenach: Ah oui, Jean-Marc Ayrault. On souffre pour lui. On souffre effectivement. “À là Jean-Marc Ayrault. “Mình đau đớn hộ ông ấy. Mình thực sự đau đớn”.
On souffre pour... “Mình đau đớn cho..” :
 
Nghe lại giọng nói của ông Nguyễn Tấn Dũng lần thứ hai: GiĂNG MẮC Ê RÔ
 
Ông Ali Baddou: C’est joli, ça donne un petit côté exotique. “Cũng đẹp, nó cho một khía cạnh ngoại lai.
 
Bà Anne-Elisabeth nhại giọng nghẹt mũi quê mùa của ông Dũng: "Giăng Mắc Ê Rô"
 
Ông Ali Baddou hỏi bà Anne-Elisabeth: ça va Michel Leeb? Khỏe không ông Michel Leeb?” (Giải thích thêm. Michel Leeb là một tên hề người Pháp, chuyên chọc cười bằng cách lấy hai tay kéo dài híp mắt lại, nhái giọng the thé và nghẹt mũi của người Tàu nói tiếng Pháp bồi)
 
Bà Anne-Elisabeth: On ne s’en lasse pas avec Giăng Mắc Ê Rô. Vous pouvez remettre? "Mình vẫn không chán với Giăng Mắc Ê Rô. Ông có thể cho nghe lại được không?"
 
Ông Ali Baddou: Allez remettez le encore une fois. “Ừ, nghe lại ông ta một lần nữa”.
 
Hình và giọng ông Nguyễn Tấn Dũng lần thứ ba.
 
Nicolas Domenach: Et ce n’est pas Michel Leeb. “Và đây không phải là Michel Leeb”.
 
Cuối cùng, ông Vọng tóm tắt đoạn video chưa đến 4 phút mà chương trình Canal Plus đã giúp khán giả nhận biết Thủ Tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng qua ba điểm: (1) Vô văn hóa, vì Thủ Tướng Việt Nam khều tay Thủ Tướng Pháp, và hỏi: “Ê, có thể khóa cái này đằng sau được không ? Nóng quá." (2) Vô học, vì Thủ Tướng Việt Nam phát biểu: “À, thưa ngài Thủ Tướng... Pháp.  Trước hết, thay mặt đoàn đại biểu cấp cao của chính phủ Việt Nam, tôi bày tỏ vui mừng được trở lại thăm nước Pháp ở… Châu Âu và… trên thế giới”. (3) Nhà quê, vì tên của Thủ Tướng Pháp là Jean-Marc Ayrault, phát âm là Jăng-Mạc E-Rô, nhưng với giọng nói nhừa nhựa the thé giống như người Trung Hoa, nên Thủ Tướng cộng sản Việt Nam phát âm tên Thủ Tướng Pháp thành Giăng-Mắc-Ê-Rô. Vì vậy mà đài truyền hình này chế nhạo rằng, Thủ Tướng cộng sản Việt Nam đặt tên mới cho Thủ Tướng Cộng Hòa Pháp là Giăng-Mắc-Ê-Rô.
 
Đến đây, Các Anh có cảm nhận nỗi nhục của người Việt Nam khi có người lãnh đạo như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không? Chẳng lẽ đường đường là Thủ Tướng của đảng cộng sản Việt Nam, mà bị đài truyền hình tại Paris chế nhạo mà Các Anh vẫn thản nhiên, vẫn không có gì để suy nghĩ sao? Thôi thì dù thế nào đi nữa, Các Anh hãy đọc lời bình của cô (hay bà) Bích Liên ngày 29/9/2013 dưới đây:
 
“Mấy ông Tổng Bí Thư và Thủ Tướng Việt Cộng đều dốt Anh ngữ và Pháp ngữ. Ngồi bên phải của Thủ-Tướng Pháp Jean-Marc Ayrault mà nói tiếng Việt như ông ta đang ở văn-phòng tại Hà Nội thì mất mặt anh-hùng và sỉ diện quốc gia Việt Nam. Phát âm rập khuôn Hồ Chí Minh cũng dốt ngoại-ngữ như Các Mác (Karl Marx), Ăng-ghen (Engels), Xích-ta-lin (Stalin), vì vậy mà họ Ayrault (e-rô) của Thủ Tướng Pháp bị Thủ Tướng Việt Cộng phát âm thành “ê-rô” có nghĩa là anh hùng (héros)! Còn tên đôi “Jean-Marc” (Giăng-Mạc) thì Thủ Tướng Việt Cộng phát âm thành “Giăng-Mắc” thì Bích-Liên tôi chào thua! Đây đúng là tên hề thứ hai của giới lãnh-đạo Việt Cộng.Tên hề thứ nhứt là cựu Chủ Tịch nước Nguyễn Minh-Triết cũng nói sai tiếng Anh trong lần bắt tay với cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton tại Hà Nội năm xưa. Ông ta nhìn Tổng Thống Hoa Kỳ mà nói ”Who are you?” Ngài là ai?”, thay vì “How are you?”. “Ngài có khỏe không?”. Rất có thể là Tổng Thống Bill Clinton không muốn ông Nguyễn Minh Triết mất mặt, nên trả lời I’m Hillary Clinton’s husband, Tôi là chồng của Bà Hillary Clinton”.
 
Và xin trích trong bài viết của tác giả Phan Nhân, cũng mô tả chân dung Thủ Tướng Các Anh như sau: “Tên tuổi của Thủ Tướng Dũngđã gắn liền với cái tên “Giăng Mắc Ê Rô” ngay trên một đài truyền hình của nước Pháp”
 
“Thiệt ra, Phan Nhân tui cứ tưởng rằng, một khi đã làm tới “Thủ Tướng” thì ít ra, Nguyễn Tấn Dũng phải học đôi câu tiếng Pháp, trước khi đến nước Pháp, cũng như phải học qua những cung cách lịch sự, phép xã giao tối thiểu của một người bình thường khi giao tiếp với người ngoại quốc. Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp vừa qua, người Pháp vốn rất lịch sự từ cung cách ăn nói, từng cử chỉ, phải biết tay chân của mình để ở đâu… chớ chưa nói đến những điều cần phải có của một người mang danh là Thủ Tướng của một quốc gia, cũng là nhà ngoại giao nữa. Tôi nghĩ, không riêng tại hải ngoại, mà cả người Việt Nam trong nước, cũng có rất nhiều người đã được những tràng cười tương tự như mọi khán thính giả đài truyền hình Canal Plus của Pháp, khi được mục kích những động tác quơ tay, nói nhảm bằng tiếng Việt của Nguyễn Tấn Dũng ngay bên cạnh Thủ Tướng Pháp Jean Marc AyRault....”.
 
Trên đây là tài liệu từ Paris, còn những bản tin thời sự trong trang <chinhphu.vn> tuyệt nhiên không có bản tin nào đụng đến cuộc họp giữa Thủ Tướng cộng sản Việt Nam với Thủ Tướng Cộng Hòa Pháp, mà là những bài đề cao Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về “lòng tin chiến  lược” trong đối thoại Sangri-La tại Singapore ngày 31/5/2013, nay ông Dũng rao giảng tại Pháp và Châu Âu, như thể bản chất vừa gian vừa dối lồng trong cái gọi là lòng tin chiến lược đó, đang là “cái phao cho hòa bình và phát triển” mà nhóm “đỉnh cao gian trá” Bộ Chính Trị cộng sản Việt Nam rao giảng cho toàn thế giới vậy. “Đỉnh cao hoang tưởng” đến mức ấy là hết nói rồi.
Kết luân.
Cho tôi hỏi Các Anh một câu nhé! “Với những cử chí cộng với lời ăn tiếng nói của Thủ Tướng Các Anh tại Paris, bị đài truyền hình Pháp ví như một người hề tên Michel Leeb, thì liệu có phải 15 đảng viên còn lại trong Bộ  Chính Trị đều là hề như “đồng chí X của ông Sang”, hay tệ hơn nữa?” Tôi hỏi vậy thôi, chớ thật ra cho dù có khá hơn hay tệ hơn một tên hề thì nỗi nhục vẫn là 90 triệu đồng bào chớ không phải các ông ấy, vì khi đảng viên cộng sản “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc” lên đến hàng lãnh đạo thì đâu còn liêm sỉ mà biết nhục. Nhìn theo cách khác, “khi liêm sỉ đi xuống thì lòng tham đi lên, vì vậy mà tự điển xã hội ch3 nghĩa Việt Nam thời nay có nhóm chữ “nhóm lợi ích”, để chỉ những phe những nhóm lãnh đạo cùng nhau chia chác từng lãnh vực mà thâu tóm quyền lợi. Tôi nhớ trong trang “quanlambao” có bài viết của một tác giả nào đó nói rằng: “Lãnh đạo các cấp trong đảng cộng sản Việt Nam, đã trở thành những phe nhóm như những tổ chức băng đảng xã hội đen từ sau khi cộng sản quốc tế sụp đổ tháng 12/1991, từ đó chỉ biết đến quyền lực và quyền lợi thôi”. Tôi cho rằng, thực tế vấn đề quản trị và điều hành xã hội Việt Nam hiện nay, không có gì khác với nhận định đó.                   
Các Anh là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ, có Anh 5 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm hay 25  năm cầm súng, có bao giờ Các Anh suy ngẫm điều gì về quảng đời quân ngũ với súng đạn, là tại sao có Anh đã thương tật tàn phế, có bạn đã gục ngã trên chiến trường? Và Các Anh đang còn súng đạn trong tay đang nghĩ gì? Tôi thông cảm với Các Anh, những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà hơn hết là toàn bộ các phương tiện trong hệ thống truyền thông chỉ là tiếng nói của lãnh đạo đảng mà Các Anh theo dõi hằng ngày. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng từ lúc nào không ai biết. 
Tôi xin nhắc để Các Anh hãy nhớ rằng: “Trên thế giới, chưa bao giờ người dân của các quốc gia Dân Chủ Tự Do ào ạt chạy sang các nước do cộng sản cầm quyền để xin tị nạn chính trị, chỉ có người dân trong các quốc gia bị cộng sản cai trị ào ạt chạy sang các quốc gia Dân Chủ Tự Do xin tị nạn chính trị. Riêng Việt Nam từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1995, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc phổ biến năm 2000, đã có 839.200 người thoát khỏi Việt Nam đến tị nạn tại 91 quốc gia, cũng trong thời gian đó Liên Hiệp Quốc ước lượng có từ400.000 đến 500.000 người chết mất xác trên biển và trong rừng sâu, trên đường vượt biên vượt biển tìm tự do!” Với sự kiện đó, với những con số đó, có gợi cho Các Anh hai chữ “tại sao” không?  Tôi không tin Các Anh là những người vô cảm, bởi Người Lính thường xuyên trên lằn ranh giữa sống với sự chết, chính vì vậy mà trong những giờ phút riêng tư đã biến họ trở nên tình cảm hơn.     
Đến đây, tôi nghĩ là trong một mức độ nào đó, Các Anh hiểu được tại sao tôi viết loạt thư này gởi đến Các Anh. Thật sự là tôi muốn giúp Các Anh có được nét nhìn của người tự do như chúng tôi, để Các Anh nhận ra con đường cộng sản mà Các Anh đã và đang đi là tự mình nhốt mình trong nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Các Anh hãy suy nghĩ mà chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Tôi vững tin là bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người  Cựu Lính Chúng Tôi- sẽ hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào để làm nên lịch sử.  
Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
                                                        Texas, tháng 10 năm 2013

No comments:

Post a Comment