Saturday, October 5, 2013

Chống đối chính trị hay ...Đương Đầu với Chế độ Toàn Trị

Chống đối chính trị hay ...Đương Đầu với Chế độ Toàn Trị

Trong những trường hợp quần chúng cảm thấy bất lực và sợ hãi thì điều quan trọng là những công tác khởi đầu của quần chúng phải ít hiểm nguy và là những hành động xây dựng niềm tin. Những loại hành động này - chẳng hạn như mặc quần áo không như bình thường - có thể xem là một biểu lộ công khai sự bất đồng chính kiến và tạo cơ hội cho quần chúng tham gia một cách tích cực vào các hành động đối kháng. Trong những trường hợp khác, một vấn đề phi chính trị tương đối tiểu tiết (ở bề ngoài), chẳng hạn như bảo trì một nguồn cung cấp nước, có thể trở thành tâm điểm cho hành động nhóm. Các chiến lược gia phải chọn một vấn đề được công nhận là có giá trị một cách rộng rãi và không dễ bài bác. Thành công trong những chiến dịch cục bộ như vậy không những điều chỉnh những bất mãn đích thực mà còn thuyết phục quần chúng để quần chúng thấy tiềm năng của họ.

Phần nhiều các chiến lược của những chiến dịch đấu tranh dài hạn không nên nhằm vào mục đích đánh đổ tức khắc chế độ độc tài, mà thay vào đó là việc chiếm được những mục tiêu giới hạn. Không phải tất cả các chiến dịch đều đòi hỏi sự tham gia của tất cả thành phần xã hội.

Trong khi xét định một loạt những chiến dịch đặc thù để thực hiện chiến lược toàn bộ, các chiến lược gia đối kháng cần xem xét những chiến dịch khác nhau như thế nào từ lúc khởi đầu, đến giai đoạn giữa và lúc kết thúc của cuộc đấu tranh dài hạn.

Đối kháng có lựa chọn

Vào giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, những chiến dịch riêng biệt nhằm những mục tiêu cụ thể khác nhau rất cần thiết. Những chiến dịch chọn lọc như vậy được nối tiếp với những chiến dịch khác. Đôi khi, hai hoặc ba chiến dịch có thể trùng lập với nhau ở một thời điểm.

Khi lập kế hoạch chiến lược nhằm thực hiện «đối kháng chọn lọc», chúng ta cần nhận diện những vấn đề nhỏ cụ thể hoặc những bất mãn biểu trưng tính đàn áp toàn bộ của chế độ độc tài. Những vấn đề như vậy có thể là những tiêu điểm thích hợp để phát động chiến dịch nhằm chiếm những mục tiêu chiến lược trung gian trong khuôn khổ của chiến lược toàn bộ.

Cần phải đạt được những mục tiêu chiến lược trung gian bằng năng lực sẵn có hoặc dự đoán của lực lượng dân chủ. Điều này giúp bảo toàn một loạt những thắng lợi, làm vững tinh thần và cũng đóng góp vào việc chuyển hóa càng ngày càng thuận lợi về tương quan quyền lực cho cuộc đấu tranh dài hạn.

Chiến lược đối kháng chọn lọc phải tập trung trước tiên vào những vấn đề xã hội, kinh tế hoặc chính trị. Chúng có thể được lựa chọn với mục đích tách rời một phần hệ thống xã hội và chính trị ra khỏi tầm kiểm soát của kẻ độc tài, chiếm lại một phần đương bị kẻ độc tài chiếm giữ hoặc ngăn chặn không cho kẻ độc tài thực hiện một mục tiêu cá biệt nào đó. Nếu có thể, chiến dịch đối kháng chọn lọc cũng nên đánh vào một hoặc nhiều nhược điểm của chế độ độc tài, như đã thảo luận trước đây. Do đó, chiến sĩ dân chủ có thể với năng lực sẵn có của mình tạo được một tác động lớn mạnh nhất.

Ngay từ ban đầu, các chiến lược gia phải hoạch định ít nhất một chiến lược cho chiến dịch đầu tiên. Những mục tiêu của chiến lược giới hạn ấy là gì ? Chúng có giúp thực hiện chiến lược toàn bộ đã chọn lựa không ? Nếu có thể, chúng ta nên khôn ngoan hoạch định ít nhất những nét đại cương của chiến lược cho các chiến dịch thứ hai và có thể thứ ba. Tất cả những chiến lược như vậy cần phải phù hợp vói chiến lược toàn bộ và thực hiện trong khuôn khổ những định hướng chính.

Thách thức có tính biểu trưng

Lúc khởi sự một chiến dịch mới để xoi mòn chế độ độc tài, những hành động đầu tiên mang nhiều tính chính trị có thể bị giới hạn trong phạm vi này. Chúng được phát động một phần để thăm dò và gây ảnh hưởng đến tâm trạng của quần chúng và chuẩn bị họ trong cuộc đấu tranh bất hợp tác và chống đối chính trị.

Hành động khởi đầu bắt buộc phải có hình thức đối kháng biểu trưng hoặc là một hành động bất hợp tác giới hạn hoặc nhất thời có tính biểu trưng. Nếu số người tham dự ít, hành động khởi đầu có thể, ví dụ như, đặt hoa tại một nơi quan trọng có tính cách biểu trưng. Mặt khác, nếu số người tham dự rất đông đảo, thì có thể là năm phút ngừng nghỉ mọi hoạt động hoặc giữ im lặng trong vòng nhiều phút. Trong những trường hợp khác, một vài cá nhân có thể đứng ra tuyệt thực, làm một đêm không ngủ tại một nơi quan trọng có tính biểu trưng, học sinh bãi khoá ngắn hạn trong lớp học hoặc chiếm đóng tạm thời một trụ sở quan trọng. Dưới chế độ độc tài, những hành động công phá mạnh mẽ hơn này chắc chắn sẽ bị đàn áp mãnh liệt.

Một vài hành động biểu trưng, chẳng hạn như chiếm đóng trước cửa dinh thự của kẻ độc tài hoặc trước tổng hành dinh của công an cảnh sát có thể gây nhiều nguy hại và vì vậy không nên dùng để khởi đầu một chiến dịch.

Các hành động phản kháng biểu trưng ban đầu đôi lúc gây chú ý trong nước và trên trường quốc tế - chẳng hạn như đám đông xuống đường tại Miến-điện năm 1998 hoặc sinh viên chiếm đóng và tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc-kinh năm 1989. Số lượng tử vong cao của người tham dự biểu tình trong cả hai trường hợp này lưu ý các chiến lược gia phải cẩn thận hoạch định chiến dịch. Mặc dù những hành động này có tác động to lớn về mặt tinh thần và tâm lý, nhưng tự nó không đủ sức đánh đổ chế độ độc tài, vì chúng có tính cách biểu tượng lớn và không làm chuyển hướng vị thế quyền lực của chế độ độc tài.

Thường khó cắt đứt nguồn cung cấp quyền lực của kẻ độc tài một cách toàn diện và nhanh chóng vào lúc khởi đầu của cuộc đấu tranh. Điều này gần như đòi hỏi toàn bộ quần chúng và tất cả những định chế của xã hội - đa số trước đây vẫn tùng phục - hoàn toàn phủ nhận chế độ và thình lình thách thức nó bằng hình thức bất hợp tác ào ạt và mãnh liệt. Điều này chưa từng xảy ra và rất khó thục hiện. Vì vậy trong đa số các trường hợp, một chiến dịch cấp thời bất hợp tác toàn diện và chống đối là một chiến lược không thực tiễn để khởi động một chiến dịch chống lại chế độ độc tài.

No comments:

Post a Comment