Friday, June 28, 2013

Báo Cáo Vi Phạm Nhân Quyền Nữ Giới

Báo Cáo Vi Phạm Nhân Quyền Nữ Giới



Cách đây hơn 3 tháng, tôi giới thiệu cơ hội để người dân trong nước góp ý trực tiếp với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong thể thức Kiểm Tra Định Kỳ Toàn Diện (Universal Periodic Review, viết tắt là UPR). Đến nay, khá nhiều các nhóm ở trong nước đã thực hiện điều này, tự mình hay trong sự phối hợp với một số tổ chức ở hải ngoại. Đây là một diễn tiến tích cực, giúp người dân trong nước vượt khỏi bức tường bưng bít và biết sử dụng cơ chế về nhân quyền của LHQ. Thời hạn để góp ý trong tiến trình UPR chấm dứt ngày 30 tháng 6 này. Việt Nam sẽ qua kỳ kiểm tra vào đầu sang năm.

Hôm nay tôi giới thiệu cơ hội thứ hai để người dân trong nước tiếp tục lên tiếng với LHQ. Lần này trọng tâm là những vi phạm nhân quyền đối với nữ giới.

Từ giờ đến ngày 1 tháng 8, mọi người dân ở trong nước , theo tư cách cá nhân hay tổ chức, đều có thể truyền thông với Uỷ Hội Về Tình Trạng Của Phụ Nữ (Commission on the Status of Women, viết tắt là CSW) để báo cáo về các vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ. CSW là một bộ phận của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội LHQ (UN Economic and Social Council). Khoảng tháng 3 sang năm, CSW sẽ họp lại và đưa ra những đề nghị với Hội Đồng này để đối phó với các vi phạm nhân quyền nhắm vào phụ nữ ở từng quốc gia hay trong một khu vực.

Truyền thông với CSW có thể hiểu là nộp bản khiếu nại, kháng nghị, hay thỉnh nguyện có chứa đựng thông tin về các trường hợp vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ. Các hình thức vi phạm nhân quyền có thể là bắt bớ, tống giam, đánh đập, tra tấn, hãm hiếp, xâm phạm các quyền tự do (như ngôn luận, hội họp…), bạo hành gia đình, phân biệt đối xử, xâm phạm tài sản, v.v. Trong thời gian gần đây ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều những vi phạm như vậy (như trường hợp 3 mẹ con của blogger Nguyễn Hoàng Vi, trường hợp Nguyễn Phương Uyên, trường hợp Hồ Thị Bích Khương, trường hợp cô Hồ Lê Như Quỳnh bị sỉ nhục trong vụ bắt Ts. Cù Huy Hà Vũ, trường hợp Đỗ Thị Minh Hạnh, trường hợp Tạ Phong Tần…).



Tiêu chuẩn để nộp hồ sơ là phải cung cấp thông tin cụ thể và chính xác về nạn nhân (tên tuổi, nơi cư trú, nghề nghiệp, lãnh vực hoạt động…), về vụ vi phạm nhân quyền (thời gian, địa điểm, bối cảnh…), và nên cung cấp các tài liệu hỗ trợ hay chứng cớ nếu có.

Cần lưu ý là CSW không can thiệp hay giải quyết hồ sơ cá nhân mà dùng các hồ sơ cá nhân để thẩm định tình trạng vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ nói chung ở một quốc gia.

Người gởi thông tin cần ghi rõ danh tính, thông tin liên lạc và ký tên. Các thông tin cá nhân sẽ được bảo mật,

Gởi thông tin về địa chỉ:

CSW Communications Procedure
Human Rights Section
UN Women
220 East 42nd Street, 17th floor,
New York, NY 10017
USA

Hoặc gởi qua email: cp-csw@unwomen.org

Để tìm hiểu thêm, xin đọc:http://www.un.org/womenwatch/daw/csw/communications_procedure.html#types

Cũng như trước đây đối với thể thức UPR, ngoài những thông tin hướng dẫn, chúng tôi sẽ yểm trợ bằng cách giúp phần biên soạn và phiên dịch sang Anh ngữ. Xin liên lạc: bpsos@bpsos.org.

Mong rằng đồng hương, các tổ chức người Việt và đặc biệt là các phương tiện truyền thông Việt ngữ giúp phổ biến thông tin trên đây đến rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và đến đồng bào ở quốc nội.

No comments:

Post a Comment