Tôm VN bị 'thu vét ồ ạt' sang TQ
Cập nhật: 08:17 GMT - thứ tư, 18 tháng 9, 2013
Thương lái thu mua ồ ạt tôm nguyên liệu tại Việt Nam đưa sang Trung Quốc, gây hại cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 18/9, bà Nguyễn Thái Phương, đại diện Phòng xúc tiến thương mại của Vasep, nói hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với hậu quả từ dịch bệnh khiến tôm chết sớm hồi năm 2012, cũng như nhu cầu trong nước ngày càng tăng cao.
Việc thu gom mua tôm nguyên liệu với số lượng lớn để chuyển sang Trung Quốc, theo bà Phương, đang gây khó khăn cho Việt Nam về nhiều mặt:
"Họ mua tôm bất kể chất lượng, kể cả tạp chất cũng thu mua, làm mình rất khó quản lý chất lượng," bà nói.
"Thứ hai là họ mua tôm nguyên liệu, vơ vét hết nguyên liệu nhà máy của mình."
"Thứ ba là họ mua cả tôm chưa đến lứa thu hoạch. Người dân thấy lợi ích trước mắt là bán được tôm, nhưng điều này lại ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng về sau."
Mua với "bất kỳ giá nào"
"Người dân thấy lợi ích trước mắt là bán được tôm, nhưng điều này lại ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng về sau"
Bà Nguyễn Thái Phương, đại diện Phòng xúc tiến Thương mại Vasep
Trong hai ngày 26/8 và 11/9, Vasep đã gửiBấmhai công văn liên quan đến tình trạng thương lái thu gom tôm đưa sang Trung Quốc lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương.
Trong hai công văn của mình, Vasep cho biết đặc điểm chung của những lần thu mua như thế này bao gồm:
- Ngoài tôm sú và tôm chấn trắng cỡ lớn, thương lái mua cả tôm chân trắng cỡ nhỏ.
- Mua trực tiếp từ ao hoặc đại lý.
- Mua giá cao hơn 15-20% so với giá các doanh nghiệp trong nước. Nhưng giá không cố định, mà chỉ mua với "bất kỳ giá nào miễn là cao hơn giá của các doanh nghiệp Việt Nam".
- Mua với khối lượng lớn, khoảng 100 tấn / tỉnh / ngày.
- Thương lái thu mua không kiểm sát kháng sinh trong tôm nguyên liệu mà còn bơm chích tạp chất.
- Thương nhân thường là người Việt Nam, chủ hàng không xuất hiện
Vasep cũng cảnh báo các thương lái còn đang cạnh tranh lẫn nhau, gây phá giá, làm "rối loạn thị trường tôm nguyên liệu" của Việt Nam.
Vasep nhận định "người dân ham giá cao sẽ ... đầu tư ồ ạt cho lợi ích trước mắt không theo quy hoạch hoặc các vấn đề quan trọng khác như kháng sinh, chất lượng, tạp chất."
Công văn với chữ ký của ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Vasep, cũng thúc giục "sự hỗ trợ kịp thời" của các Bộ liên quan để "giải quyết khó khăn này".
Trao đổi với BBC ngày 18/9, ông Hòe cũng cho biết hiện Vasep đang "tiếp tục tìm hiểu, khảo sát thêm với các doanh nghiệp" trong nước để theo sát tình hình.
Xuất khẩu tăng mạnh
Đài Truyền hình Việt Nam trong tin đăng ngày 17/9 dẫn số liệu từ Vasep cho biết chỉ tính riêng trong tháng Tám, xuất khẩu tôm tại Việt Nam đã đạt 38% so với năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng tăng mạnh tại Trung Quốc, cụ thể là tăng 37% trong tháng Tám.
Trong cùng thời gian, thị trường này tăng trưởng 43% tại Hoa Kỳ, tăng 36% tại Canada, trong khi chỉ tăng 5,3% tại Châu Âu.
Ngày 10/9 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 2/2011 đến 2/2012.
Theo đó, lần đầu tiên kể từ 2004, các thành viên của Vasep sẽ được hưởng mức thuế 0% đối với mặt hàng tôm tại thị trường Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment