"Đặc sản cướp" của thành phố mang tên thổ phỉ Hồ Chí Minh !!!
Văn Quang, Saigon
Cứ đến những ngày cuối năm, địa phương nào cũng có những món đặc sản mang ra bày bán kiếm tiền tiêu Tết. Từ Bắc chí Nam đủ thứ đặc sản, từ măng vùng núi, hải sản vùng biển, nem ché miền Trung, cốm làng Vòng, bưởi Lai Vung... không thể nào kể hết.
Nhưng những năm gần đây, nhất là năm con Rồng này, có nhiều thứ đặc sản đang được người bán hàng “thay họ đổi tên” một cách “khoa học”. Chỉ kể riêng những loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) đang bị các bà nội trợ tẩy chay vì đụng vào thứ nào cũng có chất độc. Bởi những món hàng đó mang từ bên Tàu sang, qua nhiều ngả, nhiều ngày, phải tẩm một thứ gì đó vào để giữ lâu và nguy hiểm hơn là làm cho những trái cây đó có màu sắc tươi tắn bắt mắt hơn, nên họ không từ nan tẩm vào mọi chất “hóa học”, dù biết nó sẽ nguy hại cho sức khỏe con người. Biết đâu, đó lại là sự cố ý của mấy anh bạn láng giềng vốn nổi tiếng là thâm hiểm. Hàng TC bị tẩy chay thì còn buôn làm giả thành hàng Việt Nam hoặc hàng Mỹ hàng Nhật. Ngay cả nước giải khát cũng bị làm giả từ nước lạnh pha tí màu xanh đỏ, sữa cũng giả, còn rượu thì hầu hết là giả. Một chai rượu Tây thật, pha chừng vài lít nước lạnh thành năm bảy lít.
Cho nên đặc sản ngày nay trở thành hàng giả rất nhiều. Chưa nói đến kỹ thuật biến cá chết, thịt heo thịt gà chết thành thịt sống, tôm khô cũng được nhuộm màu, cua đồng cũng bắt bằng thuốc trừ sâu… Cái gì cũng có độc dù là hàng chính cống từ nhà quê mang ra.
Đấy là sơ qua về thức ăn đồ uống, tôi không thể dài dòng về vấn đề này, tôi tin rằng bạn đọc dù ở nước ngoài cũng đã biết quá rõ. Cho nên, tôi có một số bà con và vài ông bạn tôi từ nước ngoài về VN không biết ăn thứ gì không có độc. Ông bà nào thường cũng chuẩn bị một lô thuốc mang theo chống tiêu chảy, chống đau bụng, chống nhức đầu, chống cảm sốt vì thời tiết, chống dị ứng… Mọi sự đề phòng là không thừa, bởi thuốc VN cũng chưa chắc đã có công hiệu.
Nhưng có một thứ mà các ông bà không đề phòng và dù có đề phòng cũng chẳng được. Đó là nạn cướp giật kinh hoàng tại thành phố (TP) lớn nhất nước này.
Đặc sản cướp Sàigòn cuối năm con Rồng
Nạn trộm cắp ở VN nhiều năm nay đã trở thành một vấn nạn lớn cho mọi người dân từ thành thị tới thôn quê. Cướp tiệm vàng giữa ban ngày, giết người cướp của ban đêm, cướp vào nhà lầu, cướp ở xóm nhà lá, cướp ngay tại đường phố, cướp từ sợi dây chuyền vài chỉ đến cái xe gắn máy… Người làm trộm cắp của chủ, bảo vệ trộm đồ của công ty, cháu giết bà vì vài trăm ngàn. Đời sống thiếu an ninh, cho dù cơ quan chức năng có ra sức dẹp cũng chẳng nơi nào yên tĩnh. Nhiều người đã cho rằng “còn lọan hơn thời loạn”.
Nhất là vào dịp cuối năm, ông bà ta đã gọi là “tháng củ mật” phải đề phòng trộm cướp. Nhưng nạn trộm cướp mỗi ngày một lộng hành thêm. Nhất là năm nay, vừa vào dịp cuối năm, nạn cướp giật ở Sàigòn đã hoành hành dữ dội. Cứ hở ra là bị cướp. Có rất nhiều kiểu ăn cướp “hiện đại”, bạn không ngờ tới.
Theo báo cáo TP Sàigòn, trong 9 tháng đầu năm 2012, trên toàn TP Sàigòn đã xảy ra gần 850 vụ cướp giật. Mỗi ngày tại TP xảy ra ít nhất là 3 vụ cướp giật. Đây chỉ là con số thống kê được từ những vụ cướp giật cơ quan chức năng đã khám phá và số vụ cướp do nạn nhân trình báo. Còn rất nhiều vụ do nạn nhân bị giật nhưng không trình báo hoặc chưa điều tra ra, hoặc không bao giờ điều tra ra được. Con số ấy chắc chắn là nhiều hơn con số biết nói 850 vụ.
Bọn cướp ngày nay rất dữ tợn, sẵn sàng “xả dao”, liều chết khi nạn nhân chống cự, bởi vậy, những vụ cướp táo tợn này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người dân mà còn bị nguy hiểm về tính mạng. Bọn chúng còn bày đủ nhiều chiêu trò để đến gần, đe dọa “con mồi”, đánh lừa những người xung quanh. Đây là một thí dụ:
Cướp kiểu “danh chính ngôn thuận”
Ngay giữa đường phố đông người, một ông ăn diện rất bảnh bao, túm lấy chiếc xe SH giá năm bảy chục triệu của một bà sồn sồn, tát bà ta một cái và kêu ầm lên:
- Con này, mày lấy xe của tao đi từ sáng tời giờ, mày chở trai, tao thấy, bây giờ mới bắt được mày. Đưa xe cho tao đi làm rồi về tao tính sổ với mày sau”.
Thế là người bị tát ngã xuống, anh “chồng” leo lên xe bỏ đi. Người đàn bà lồm cồm bò dậy, mặt mũi còn tái xanh, chưa kịp hoàn hồn, lắp bắp phân bua với mọi người “Tôi có biết thằng đó là ai đâu”. Lúc đó mọi người mới té ngửa ra đó là một màn cướp.
Tên cướp Nguyễn Ngọc Tuấn bị bắt giữ giữa dòng người và xe cộ đông đúc
Đó là cảnh cướp xe giữa chỗ đông người rất “danh chính ngôn thuận”. Cảnh sát cũng chịu thua. Kẻ cướp chạy về một tỉnh nào đó làm giấy tờ giả, bán chác hay cầm cố rồi, thì đến mười năm sau cũng chưa chắc đã kiếm ra.
Đấy chỉ là một trong số những màn kịch thiên biến vạn hóa mà bọn trộm cướp ở Sàigòn “sáng tác” ra. Hơn hẳn những “mô típ” cũ rích trong những cuốn phim Nam Hàn đang chiếu hà rầm trên các đài truyền hình tại VN. Nếu là chủ hãng phim Nam Hàn, tôi về VN kiếm mấy thằng ăn cướp này sáng tác kịch bản, còn ngoạn mục hơn nhiều.
Cướp Sàigòn “mê” Việt kiều
Lại xin nhắc các bạn một điều là bọn cướp giật rất “mê” các ông bà từ nước ngoài về VN, ở đây thường gọi chung là “Việt kiều”. Gặp được “con mồi” từ nước ngoài về, chúng coi như vớ được “món bở”. Chúng rất tinh ranh, bạn có “hóa trang” thành người ở VN chính hiệu, ăn mặc như người Sàigòn, nhưng chỉ nhìn vẻ mặt, làn da và bất cứ một thứ trang sức hoặc đồ dùng nào lộ ra như giày dép, mũ, đồng hồ… là chúng có thể xác định được bạn là người từ nước ngoài về. Chúng chỉ theo dõi bạn một đoạn đường là có thể ra tay.
Tang vật thu giữ trong người và cốp xe của Tuấn
Hoặc một thí dụ khác, bất thình lình bạn bị một cô gái, ăn diện rất thời trang, túm áo la toáng lên: “Anh bỏ mẹ con tôi, anh đi với gái, anh phải về, anh đưa bóp tôi xem anh lấy tiền của tôi, còn không”.
Cuộc dằng co diễn ra chớp nhoáng, bạn bị một hai tên con trai ra cái điều “anh hùng cứu mỹ nhân”, xúm vào hành hung; trong khi cô gái vẫn đóng vai giả là vợ hoặc bồ của bạn khóc lóc om xòm. Bạn chưa kịp trấn tĩnh, phân trần thì đã bị lột sạch điện thoại, đồng hồ và cả cái bóp trong túi nữa. Khi chúng đã “thanh toán” xong, leo lên xe bỏ đi, bạn chưa kịp trấn tĩnh, phân trần với người đi phố hoặc đi báo CA thì chúng đã cao chạy xa bay mất tiêu rồi. Nếu mang chuyện này về Mỹ, Úc, Canada kể lại với mọi người, chắc khó ai tin. Bà xã bạn có thể còn đặt ra năm mười cái dấu hỏi: “Nếu anh không có gì với nó, làm sao nó dám túm áo anh được?” Bạn cãi thế nào?! Mệt thật đấy.
Những vụ cướp của người nước ngoài mới xảy ra
Trên Thời báo kinh tế Sàigòn, Tổng Giám Đốc một công ty lữ hành quốc tế (đề nghị giấu tên), cho biết, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 15/9 đến 30/9/2011), khách du lịch của công ty ông đã bị cướp giật đến 9 lần. Những vụ cướp giật này xảy ra tại những nơi thăm viếng chính làm doanh nghiệp và cả khách du lịch hết sức lo lắng.
- Gần đây nhất là vụ cướp dây chuyền “ngàn đô” của một bà từ nước ngoài về VN vào trưa 26-11 tại đường An Dương Vương, quận 5, Sàigòn. Thủ phạm là tên Diệp Xương Đạt (SN 1989, ở quận 10, TP. Sàigòn).
Lúc đó, Đạt một mình đi xe gắn máy trên đường An Dương Vương, để “săn mồi”. Sau đó, hắn rú ga, ép sát lề, rồi giật phăng sợi dây chuyền trị giá 1.300 USD của bà Nguyễn Thanh Loan (SN 1969, Người Úc gốc Việt) khi bà này đang ngồi sau xe gắn máy do chồng lái.
Tên cướp Diệp Xương Đạt và sợi dây chuyền vừa cướp giật nhưng không thoát
- Tối 25/11 vừa qua, tại đường Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, anh Han Youn (30 tuổi, quốc tịch Nam Hàn) đang đi bộ trên vỉa hè cũng bị tên Nguyễn Tuấn Em (21 tuổi) giật điện thoại di động (trị giá 16 triệu đồng) rồi lên xe đồng bọn là Phạm Bá Vinh (19 tuổi) tẩu thoát.
Vụ cướp dã man mới nhất làm dân Sàigòn run sợ
Vào tối 24-11 vừa qua, vụ cướp táo tợn chặt đứt khuỷu tay nạn nhân xảy ra ở chân cầu Phú Mỹ (Quận 2, TP Sàigòn) đã thực sự đẩy nỗi sợ hãi về tình trạng bị cướp giật tài sản của người dân ở thành phố này lên cực độ. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (28 tuổi, ở tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2).
Được biết, chị Thúy bị 2 tên đi xe máy chạy ép sát, sau đó, tên ngồi sau mặc áo đen vung dao chặt thẳng vào khuỷu tay phải chị.
Hậu quả là nạn nhân bị ngã xuống đường, tay phải gần như đứt lìa. Sau khi hạ gục được nạn nhân, 2 tên cướp đã cố cướp xe SH của chị Thúy. Không chỉ có thế, 2 tên khác còn giật luôn túi xách chị mang trên người (đựng 5 triệu đồng) rồi bỏ chạy.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, nạn nhân của vụ chặt tay, cướp xe SH đang nằm trong bệnh viện.
Bốn ngày sau, người phụ nữ bị nạn mới có thể diễn tả lại cảnh kinh hoàng ấy. Tại phòng hậu phẫu, gương mặt vẫn xanh xao, người phụ nữ 28 tuổi đã có đủ sức khỏe có thể trò chuyện cùng những người đến thăm hỏi. Nhúc nhích các ngón của bàn tay bị cướp chém, chị cho hay đã có thể cử động từng ngón theo yêu cầu của bác sĩ.
Nhớ lại câu chuyện xảy ra đêm 24-11, chị Thúy cho biết hôm ấy khoảng 8 giờ tối, chị dự xong tiệc cưới trên đường từ quận 7 về nhà ở quận 2 thì nhóm cướp xuất hiện. Chị kể: “Đoạn đường không quá vắng, xe của chúng chạy song song xe tôi. Tôi cũng không chú ý mà chỉ lo chạy, đến khi chúng vung dao chém tôi mới biết mình bị cướp”. Chị Thúy cho biết thêm, tên cướp chém nhát thứ nhất thì bàn tay chưa đứt rời, đến nhát chém thứ hai thì bàn tay chỉ còn dính lại cánh tay bởi một mảng da.
Chị nhắm mắt nhớ lại, giọng còn run: “Thấy bàn tay phải lủng lẳng, tôi lấy tay trái vừa cầm bàn tay phải vừa kêu cứu, nhát chém rất ngọt nên khi ấy không hề thấy đau đớn”.
Cô gái còn ôm cánh tay giằng co với tên cướp đang dựng chiếc xe SH của cô lên nổ máy định tẩu thoát.
Nhưng xe SH của chị Thúy không nổ máy, một người đi đường giúp cô đuổi bọn cướp. Nhóm cướp bỏ chạy, còn nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện. May mắn, chị Thúy có hy vọng bình phục trong vài tuần sắp tới. Băng cướp tàn bạo này sau đó đã bị bắt.
Chị Thúy không phải là nạn nhân đầu tiên
Bọn cướp gồm 4 tên cùng “làm ăn” chung và khai nhận trong 4 tháng, bọn chúng đã thực hiện 15 vụ dùng mã tấu chém người để cướp tài sản. Trước khi đi cướp, bọn chúng đều sử dụng chất ma túy tổng hợp. Công an quận 2 đã bắt thêm Hùng Bảo Anh (SN 1988), Cao Văn Hưng (SN 1983) và Đậu Văn Võ (SN 1990) là những tên tiêu thụ hàng cướp được của băng cướp trên. Trong các tên cướp này, Nguyễn Hoàng Phương đang bị Công an tỉnh Ninh Thuận truy nã về tội “Cướp giật tài sản” và Hùng Bảo Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bốn tên cướp trong vụ chém đứt tay nạn nhân để cướp xe SH xảy ra tối 24-11 và vũ khí gây án.
Theo điều tra, chị Thúy không phải là nạn nhân đầu tiên bị băng nhóm chuyên “chém trước, cướp sau”. Luông thú nhận vào đêm 4-11, thấy anh Trường (35 tuổi) đi xe SH trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) đã đuổi theo tìm cơ hội ra tay. Đến đoạn vắng gần cầu Cống Dinh, 2 tên trong nhóm phóng lên áp sát và rút mã tấu chém liên tiếp vào hông, lưng và bả vai khiến anh Trường ngã xuống đường. Nạn nhân nhanh trí rút chìa khóa bỏ chạy, tri hô nên nhóm cướp phải rút lui.
Cũng trong đêm đó, khi phát hiện đôi nam nữ đi xe máy song song đến gần cầu Cống Dinh, băng cướp lại bám theo. Chúng ép xe, chém vào vai người thanh niên và một nhát vào hông cô gái để cướp chiếc Air Blade và một điện thoại.
Còn rất nhiều vụ cướp táo tợn xảy ra trong thời gian này
Xin tạm kể vài vụ điển hình:
- Lao vào đám cưới cướp dây chuyền cô dâu
Vụ này vừa xảy ra ngày 25/11 ở Bình Chánh, TP Sàigòn. Cô dâu đang cười tươi bỗng thét lên sợ hãi vì bất ngờ bị giật sợi dây chuyền, khi đang cùng một người bạn gái tạo dáng chụp hình trước rạp đám cưới. Giữa chốn đông người mà tên cướp không hề sợ hãi, vẫn phóng xe lướt qua, thẳng tay giật dây chuyền trên cổ cô dâu. Vì quá bất ngờ, cô dâu với tay theo nhưng không nắm kịp sợi dây chuyền, đành vô vọng nhìn theo. Hai họ choáng váng, không ai ngờ những tên cướp bây giờ lại liều mạng đến thế.
Tên cướp lao vào đám cưới giật sợi dây chuyền của cô dâu trước hai họ.
- Sáng 23-11, chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đi bộ trên lề đường Trần Hưng Đạo (quận 5), đeo túi trên vai. Bất ngờ từ phía sau, tên cướp đi xe tay ga lao đến cướp chiếc túi. Cú giật mạnh, bất ngờ làm chị bị kéo theo một đoạn rồi ngã sõng soài trên lề đường.
- Đúng một tháng trước, Cao Trung Lập (28 tuổi, ngụ Quãng Ngãi) đã đâm chết một nam sinh sau khi giật ba lô đựng laptop của anh này. Một cảnh sát xông vào truy bắt Lập cũng bị hắn đâm trọng thương.
Vào lúc 11g ngày 17-9, một nam sinh và bạn gái đi xe tay ga trên đường Cộng Hòa, hướng từ công viên Hoàng Văn Thụ về Trường Chinh. Khi tới đoạn gần đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) vài chục mét, họ bị Lập từ phía sau áp sát, giật túi đựng laptop.
Hiện trường nơi Lập đâm chết nam sinh, đâm gục cảnh sát.
Đôi nam nữ tri hô “cướp cướp” rồi phóng xe truy đuổi. Tới ngã tư, người thanh niên tông vào xe tên cướp khiến hắn ngã xuống đường. Cuộc vật lộn giữa tên cướp và nạn nhân diễn ra quyết liệt trước sự chứng kiến của rất đông người đi đường. Trong lúc giằng co, Lập rút dao đâm nhiều nhát vào cậu thanh niên. Dù máu ra đẫm áo, cậu nam sinh vẫn cố gắng ôm chặt tên cướp. Lúc này, một công an lao vào hỗ trợ nạn nhân đã bị Lập đâm gục.
Sau khi viên cảnh sát không thể truy đuổi, người dân hai bên đường Hoàng Hoa Tham đồng loạt lao ra đuổi bắt Lập, giao cho công an. Lúc này, do vết thương quá nặng, nam sinh đã chết trước khi đến bệnh viện.
Đó chỉ là sơ lược những vụ cướp bóc giữa đường phố gần đây. Còn hàng trăm, hàng ngàn vụ trộm cắp khác nữa đã và đang tiếp tục diễn ra vào những ngày cuối năm này.
Đi tìm nguyên nhân: do kinh tế khó khăn và sự phân hóa xã hội
Chưa bao giờ, người dân cảm thấy bất an như lúc này. Kẻ cướp ngày càng táo tợn, liều lĩnh hơn. Vì sao lại có tình trạng này?
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch Thường trực UBND TP Sàigòn, nhận định: “Nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến thất nghiệp, mất việc làm và đặc biệt đối với TP Sàigòn là dòng thác nhập cư quá nhiều.
Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, chỗ ở nên đây là cơ hội phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó là sự phân hóa xã hội, như phân hóa giàu - nghèo, phân hóa giữa các vùng miền và những tồn tại này không được giải quyết nên bộc phát những vấn đề xã hội”.
Sự cách biệt giữa người quá giàu, kẻ quá nghèo khổ đã tạo nên tâm trạng “chỉ có đi ăn cướp của anh giàu, anh có của, mới sống nổi”.
Ông Trương Lâm Danh (Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Sàigòn) nhân định:
“…Do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ có dấu hiệu giải thể, ngưng sản xuất, sa thải khá nhiều công nhân. Tình hình thiên tai bão lũ ở một số địa phương dẫn đến việc di dân ồ ạt vào TP. Dân TP đã đói, càng đói.
Một vấn đề quan trọng nữa là việc giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình, nhà trường, xã hội, việc chọn lọc, định hướng cho các em khi xem các sản phẩm game online, phim ảnh. Cứ mở ti vi ra thì thấy phim đều có nhiều cảnh bạo lực, chém giết, yêu dở dang, thù hận. Còn các em mới lớn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường, học hành không đến nơi đến chốn, thiếu suy nghĩ. Buồn chán không có việc làm, không chịu làm nghề bốc vác, bưng bê nên dễ sa ngã.
Các phạm nhân hầu hết đều còn rất trẻ, muốn có tiền ăn chơi nên tạo thành các băng nhóm trộm cắp, cướp giật. Vụ chém cô gái cướp xe máy SH trên đường dẫn cầu Phú Mỹ (quận 2), tên cướp mới chỉ sinh năm 1993 cầm đầu một nhóm có tiền án tiền sự gây án…
Một nguyên nhân khác là thành phần trộm cướp, ma túy ở các trại giam được trở lại hòa đồng cùng xã hội, vẫn “ngựa quen đường cũ”, làm nguy hại cho xã hội hơn. Mặt khác, sự trừng phạt của luật pháp chưa nghiêm, chưa đủ làm bọn trộm cướp chùn tay. Một vài năm tù đối với chúng chẳng còn có nghĩa gì nữa. Cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn.
Công An tăng cường tuần tra
Trước tình trạng tội phạm cướp giật tăng cao dịp cuối năm, Công an TP Sàigòn đã chỉ thị cho cảnh sát (CS) hình sự, CS cơ động, CS giao thông và cả lực lượng địa phương đều phải tập trung tăng cường tuần tra kiểm soát, chốt chặn những khu vực “nóng”.
Chỉ trong 4 ngày ra quân trấn áp tội phạm, Công an đã khám phá được 45 vụ án và bắt 50 người có liên quan. Riêng số tội phạm về xâm hại tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp) chiếm 40 vụ và bắt 47 tên. Theo đại diện của công an TP, dịp gần tết chính là thời điểm tội phạm tăng cao.
Người dân chỉ còn biết khuyên nhau tự bảo vệ mình
Bên cạnh thái độ hoang mang sợ hãi xen lẫn căm phẫn trước hành vi tàn bạo của những tên cướp, người dân Sàigòn chỉ còn biết khuyên nhủ, dặn dò nhau: Bây giờ, ra đường phải tuân thủ các quy tắc: Không đi xe xịn, không ăn vận đẹp, không đeo nữ trang, không dùng điện thoại đắt tiền ngoài đường… để thu hút kẻ cướp.
Ngoài ra, người đi đường không nên mang ví, túi xách treo lủng lẳng, không mang tiền mặt quá nhiều trong người, nếu có phải đi giao dịch với số tiền lớn thì nên đi taxi mới mong an toàn khi ra đường. Hở ra là mang họa ngay.
Đúng là một thứ “đặc sản” cho người dân Sàigòn vào cuối năm con Rồng này. Đành phải sống chung với cướp vậy.
Văn Quang, Saigon
--------------------
Nghề bán cá, lao động vất vả nhưng thu nhập thấp
Nghề bán cá, lao động vất vả nhưng thu nhập thấp
Hồng Hạc
HÌNH (LĐV) 8.30 tối, vẫn còn rất nhiều cá, nếu không bán hết, chị Huyền sẽ phải mang về nhà làm mắm bán gỡ vốn
Trong thời đại công nghệ, mọi thứ đều được kỹ nghề hóa, nghề bán cá, ngồi cắt từng lát cá, vọc từng cái mang cá, ủ muối giữ cá khỏi ươn, ngồi suốt ngày, vừa lo cá hỏng vừa trông có người đến mua cá… nhưng thu nhập thì lại bấp bênh, bữa được bữa mất. Nghề bán cá trở thành cái nghề cùng khổ của thời bây giờ.
Bà Thu, ngồi bán cá ở chợ Bao Vinh, Huế đã được hai mươi năm nay, cho biết: “Cô bán cá ở đây từ lúc thằng con đầu mới sinh, giờ nó đã hai mươi tuổi, trước đây kinh tế khó khăn, nhưng nghề buôn cá dễ kiếm lãi hơn bây giờ. Bây giờ, cá ngon người ta cho xuất khẩu, bán cho Trung Quốc hết rồi, dân mình chỉ ăn ba loại cá lẻ, cá dở… Trước đây, mỗi ngày cô kiếm được đủ đi chợ nuôi cả nhà, bây giờ, mỗi ngày kiếm chưa tới năm chục ngàn đồng, đóng thuế chợ hết ba ngàn đồng, còn lại bốn chục, bốn mấy ngàn đồng, chẳng biết làm chi! Sáng cô thức dậy lúc ba giờ sáng, ra bến cá mua cá, sau đó chở đi gần mười cây số, lên đây ngồi bán. Ở đây có tất cả mười một người bán cá, chưa có ai mua nổi xe máy”.
Cùng làm nghề buôn cá nhiều năm như bà Thu, bà Nguyệt, ngồi bán cá ở chợ Quảng Huế, Đại Lộc, Quảng Nam cho biết: “Người dân ở khu vực này nghèo, có nhiều người đi chợ một ngày không quá hai mươi ngàn đồng, trong đó vừa mua rau, dầu, cá, thịt. Có người phải mua nợ năm ngàn đồng cá, mình đã khó mà thấy họ vậy cũng phải bán chịu, khổ lắm! Mỗi ngày cô kiếm được từ hai chục đến bảy chục ngàn đồng tiền lãi, bữa nào trúng mánh thì kiếm được từ bốn chục đến bảy chục ngàn đồng, ế thì kiếm được hai chục đến ba chục ngàn đồng. Phải dậy sớm lúc 5 giờ sáng để mua cá giá sỉ, sau đó ngồi bán thẳng tới chiều, nếu chiều không bán xong thì ngồi tới 9 giờ tối. Nếu vẫn bán không hết thì tối đó phải về thức mà muối thành mắm, nếu không làm vậy sẽ lỗ vốn. Ở đây có chừng hai chục người mua bán cá, trong đó nghỉ hết ba người vì sức khỏe, không thể thức khuya dậy sớm, còn lại chừng mười người mua bán không thường xuyên, chỉ có cô và mấy người ngồi đây là ngày mưa cũng như ngày nắng, vì nếu nghỉ một bữa sẽ mất bạn hàng, nghỉ vài bữa sẽ sợ mệt, chỉ cần lười một chút, sáng dậy sẽ thấy mỏi nhừ và bỏ nghề, nghề này cực lắm, mệt chừng nào cũng phải ráng!”.
HÌNH (LĐV) Hú hồn, giờ mới bán xong, về làm một giấc cho đỡ mỏi!
Chợ đầu mối
Chúng tôi theo theo chân những người bán cá đi đến khu chợ đầu mối, gần bến cá Thuận An, Huế, lúc này, chỉ mới 3g sáng, đã có rất nhiều người đàn bà vừa ngáp ngủ vừa hút thuốc lá ngồi đợi tàu về. 3g20, tàu cá về, họ bắt đầu uể oải rời chỗ ngồi, ra đứng sát mép nước chờ. Tàu lừ lừ vào bờ, những người trên tàu khiêng những giỏ đựng cá lên bờ. Những giỏ cá lớn được xếp riêng sang một góc. Những giỏ cá lộn xộn được các bà hàng cá xúm vào lựa lấy lựa để. Đến 4g30, các bà hàng cá thanh toán tiền, vội vã chở cá đi…
Sau một ngày ngồi với cái gió, cái lạnh, đến 8g tối, vẫn còn nhiều người ngồi chờ khách hàng ghé qua để mời mọc. Những chiếc mẹt đựng cá vẫn còn lưng nửa. Như vậy cũng có nghĩa là hôm đó những người phải về nhà thức cả đêm để muối cá làm mắm.
Ngồi buồn thiu trước một mớ cá lưng mẹt, bà Hạ, bán cá ở chợ Thuận An đã ba mươi năm nay, buồn rầu: “Kiểu này thì tối nay phải nhờ đứa con gái nó thức làm mắm với mình để mai mốt bán, chứ mình già rồi, làm một mình không xuể. Cũng tội cho con bé, nó ban ngày vất vả đi làm công nhân, tối về lại phụ với mẹ. Mà không biết tối nay nó có làm ca đêm không nữa đây?. Ngày hôm nay bán từ sáng tới tối, kiếm được có ba chục ngàn đồng, ước gì mình bớt nghèo khỏi phải lo buôn bán thức khuya dậy sớm, ngủ một giấc cho thật đã, thôi kệ, nghèo thì đành chịu vậy!”.
Cuộc đời của những người bán cá luôn gắn với bến sông, chợ khuya, thu nhập bấp bênh, đời sống nghèo khổ, tương lai bất định, u ám…
Ghi Chú: Lao Động Việt là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước, gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam
Hồng Hạc - Thành viên Lao Động Việt
--------------------
Thủ tướng Y tá Ba Dũng ơi! Xin đừng để chúng nó phải cởi truồng...
Thủ tướng Y tá Ba Dũng ơi! Xin đừng để chúng nó phải cởi truồng...
Mai Thanh Hải
Nói tụi lít nhít học sinh vùng cao biên giới (mà mình cứ quen mồm gọi là chúng nó) đói cơm, nhiều cán bộ cả Trung ương lẫn địa phương sẽ giãy nảy lên, bảo "nói bậy", bởi tụi đi học, từ bé đến lớn đều được chế độ của Nhà nước.
Cái sự thiếu tý cơm hay cơm ăn với muối, với nước, với măng... có chăng là do "cơ chế chính sách", "việc triển khai thực hiện", khiến tiền về chậm, các cháu biết thịt thà - mì chính qua buổi "truy lĩnh" cuối năm mà thôi.
Và như thế, đừng trách Nhà nước!.
Ừ! Mà mình có trách đâu. Chính phủ mình đã lo hết thảy mọi thứ, từ các cháu cho đến người nghèo, cũng cứ danh sách - đầu người mà rót tiền, ấy chứ..
Nói chuyện ăn rồi, phải nói chuyện chuyện mặc, bởi cụm từ "ăn mặc" luôn đi cùng với nhau.
Đi miền núi mãi rồi, cũng quen với cách rách rưới - phong phanh của bọn trẻ. Nhưng cứ mùa đông, lên miền núi, nhìn chúng vẫn vậy chịu rét, mới giật mình lẩn thẩn: "Hình như, cũng chưa có 1 quy định nào về việc hỗ trợ cái mặc cho trẻ con, nhất là học sinh!".
Hỏi cán bộ địa phương và giáo viên, ai cũng cười: "Cái bụng còn chưa no, lo gì cái da!", khiến mình lại buồn nẫu...
Nẫu nhất khi nhìn bọn lít nhít Mầm non cởi truồng lồng lộng, chim cò cứ phơi phới tung tăng. Nhiều người liệt ra cả đống nguyên nhân, như: Đồng bào quen vậy rồi; để thế cho... nó mát; chống tè dầm...
Nhưng với mình, nói thật là họa có điên, giời lạnh đến vài độ C mà vẫn để con phong phanh không quần không áo, để nhìn chúng tím tái - run rẩy?.. Chỉ có thể là thiếu thốn, đến mức không có tiền để mua đồ ấm cho con, không xin đâu được đồ cũ cho con, mới đành để thế...
Dẫu biết, con trẻ vùng cao quen chịu khổ và cũng có sức đề kháng cao, nhưng rút cục chúng vẫn là đứa trẻ, là con người chứ chả phải siêu nhân - chiến binh chịu rét, nhịn đói làm tỷ điều siêu phàm vượt bậc...
Cứ qua quýt, lấp liếm theo cái kiểu "Ối Giời! Chúng nó quen rồi", "Sức đề kháng tốt lắm. Đứa nào không chịu được, bị loại ngay từ khi mới sinh. Đứa nào sống, chấp mọi điều kiện"... nhưng thật ra, phải cắn răng lại mà chịu đựng đấy.
Chính thế, lên mấy Đồn Biên phòng vùng cao, mang quần áo cũ trẻ em lên, anh em Đội Vận động quần chúng quý lắm.
Chả là mỗi chuyến đi công tác xuống địa bàn, đồng bào rét quá, toàn bế con chặn bộ đội giữa đường, xin cái mũ cái áo của anh em. Không cho thì không đành mà cho thì rét lắm, suốt quãng đường vài ngày lăn lóc bản này bản khác, rừng này rừng khác...
Nếu có ít quần áo trẻ em trong ba lô, lúc ấy giở ra, thì còn gì bằng?..
Đại tá Phùng Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cứ đau đáu cảnh: Xe Uoat chở ông lên triển khai công tác đầu năm trên đơn vị, tụi trẻ con thấy xe ôtô cứ níu lấy, chìa tay xin áo; Lên Đồn, lại chứng kiến cảnh bà con run rẩy kéo đến cổng Đồn Biên phòng, kêu ời ời: "Đồn ơi! Rét lắm!"... và chính vì thế, bây giờ cứ sắp đến mùa rét, Đại tá Phùng Tuấn lại ký điện gửi có đơn vị, yêu cầu vận động chiến sĩ hết nghĩa vụ nhường lại, cán bộ mới phát quân trang thu gom, tất cả quần áo - chăn đệm - tất giầy.. tặng đồng bào, trước mùa rét...
Nhưng vẫn không đủ.
Cái Chương trình "Áo ấm biên cương" be bé của tụi mình, mỗi lần triển khai ở địa bàn nào đấy, ngoài số quần áo - khăn ủng đúng theo số lượng học sinh (mà nhà trường, Biên phòng, chính quyền thống nhất, báo về), lúc nào cũng lủng lẳng 1 bao hàng gọi là dự trữ, cũng toàn quần áo, để quàng thêm cho những đứa trẻ rách áo, cởi truồng đứng bơ vơ bên đường hoặc không có trong danh sách, đứng ngoài thèm khát nhìn các bạn được nhận quần áo mới...
Nhìn chúng nó cởi truồng giữa mùa đông, xót xa lắm. Có cảm giác như vùng đất ấy, con người ấy trở lại thời hồng hoang, chỉ vỏ cây - áo lá che thân.
Và quan trọng hơn, cảm giác như nòi giống cứ bị lụi bại đi bởi chim cò tím tái, thông thống giữa gió lạnh, từ bên kia biên giới kèn kẹt thổi sang...
Lo được cái ăn rồi, nhưng căn cơ gì mà không lo thêm cái mặc, cho chính tương lai của đất liền, của vùng biên ải...
Không biết Thủ tướng của mình, đã bao giờ được chứng kiến những cảnh này chưa?..
***
Hình ảnh ghi lại từ những chuyến đi của Thành viên Chương trình "Áo ấm biên cương" và trên một số trang xã hội của đồng nghiệp: xomnhiepanh.com; otofun.net; phuot.net...
***
Mai Thanh Hải
No comments:
Post a Comment