THỨ HAI 16 THÁNG CHÍN 2013
Bờ biển Việt Nam bị xói lở trầm trọng
Bãi biển Mũi Né của Việt Nam.
Bờ biển Việt Nam bị xói lở trầm trọng, gây ra những tổn hại trên thiên nhiên, thất thoát về vật chất và đem lại những khó khăn cho cuộc sống của con người. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, mức độ xói lở bờ biển Việt Nam ngày càng gia tăng từ phạm vi đến cường độ, đặc biệt trên những đoạn bờ thấp,cấu tạo bởi chất trầm tích bở rời như cát, đất bùn, bột nhuyễn sạn sỏi.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sydney, tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Cửu Long Đồng Nai Úc Châu, cho biết những nguyên nhân khiến bờ biển Việt Nam bị sạt lở trầm trọng như vậy, và trình bày những giải pháp có thể giúp ngăn chận hiện tượng này:
RFI: Xin kính chào tiến sĩ Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là hiện nay, bờ biển của Việt Nam đã bị xói lở đến mức độ nào?
TS Huỳnh Long Vân: Tình trạng xói lở của bờ biển Việt Nam rất khác nhau tùy theo địa hình của từng khu vực và được nhận thấy ở cả 3 vùng: Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình), Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và Nam (từ Vũng Tàu đến Kiên Giang).
Trước hết là vùng ven biển miền Bắc. Từ Mông Cái đến Nam Định có 6 đọan bị sạt lở; Cát Hải (Hải Phòng) và Hải Hậu (Nam Định) là 2 nơi bị sạt lở trầm trọng nhứt. Kể từ năm 1955 khi đập thủy điện được xây trên một nhánh sông Hồng và sau đó năm 1987 đập thủy điện Hoà Bình được đưa vào sử dụng thì bờ biển Hải Hậu bị xói lở dữ dội hơn, mỗi năm biển lấn trên 20m.
Về khu vực ven biển miền Trung, bờ biển miền Trung Thanh Hoá đến Nha Trang cứ mỗi 6 km có một đoạn bị sạt lở , tất cả có286 đoạn bị sạt lở, diện tích tổng cộng gần 9.000ha; trong đó 268 đoạn hay 94% là những bờ cát.
Ở những nơi có địa hình gồ ghề, ở các vịnh, nơi có vách đá thì tình trạng sạt lở xảy ra tương đối chậm và ít hơn. Những đoạn bờ cát và nhô ra biển, trực diện với hướng gió và sóng biển bị sạt lở rất trầm trọng.
* Bờ biển Thừa Thiên, Huế từ 1950 đến 2000 có 33 đoạn bi sạt lở và trong 10 năm kế tiếp có thêm 27 đoạn.
* Bờ biển Quảng Ngãi có 40 đoạn bị sạt lở. Riêng bờ biển xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức vào năm 1999 thụt lùi 250m và bờ biển xã Mỹ Đức huyện Phú Mỹ thụt lùi 150m. Sa Huỳnh mỗi năm biển lấn sâu vào nội điạ khoảng 28m làm sụp đường xá, rừng và các cơ sở.
* Bờ biển Phú Yên , khu vực thị trấn Sông Cầu và Sông La Hai, An Ninh Đông bị sạt lở trầm trọng và bờ biển Nhơn Phúc riêng năm 2000 bị lấn sâu 108m.
* Bờ biển Bình Thuận, vùng bờ Cà Ná, mũi La Gàn, mũi Hòn Rơm, Mũi Né, Đồi Dương đều bị xói lở trầm trọng.
Còn về bờ biển phía Nam, trước năm 1940 bờ biển từ Vũng Tàu đến Hà Tiên hoàn toàn không bị sạt lở. Từ 1940-1950 các cửa sông tuy bi sạt lở nhưng ở mức độ rất chậm; nhưng từ 1960 đến nay 38 đoạn của bờ biển phía Nam bi sạt lở và cường độ thay đổi theo từng vùng.
*Bờ biển Cần Giờ bị xói lở mạnh hơn kể từ khi có đập thủy điện Trị An. Khu vực mũi Đông Hòa, mũi Cần Giờ Đông bị xói lở mạnh khoảng 10-20m/ năm.
* Bờ biển huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nơi giữa hai cửa sông Soài Rạp và cửa Tiểu bị xói lở mỗi năm 10-30m, lớp rừng phòng hộ nằm trước đê biển bị thu hẹp dần và đến năm 2000 có đến 3 km rừng phòng hộ khu vực Tân Thành biến mất và biển xâm thực đến tận chân đê.
* Bờ biển các huyện Bình Đại và Ba Tri, tỉnh Bến Tre, giữa cửa Đại và cửa sông Cống Bé bị xói lở mạnh khoảng 20m/năm.
* Bờ biển Bắc Mỹ Lòng, huyện Cầu Ngang và đoạn từ cửa Cung Hầu đến ấp Dân Thành huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thường bị biển xâm thực và từ 1965-1989 biển đã lấn vào đất liền hơn 200m.
* Bờ biển tỉnh Sóc Trăng từ Cù Lao Dung đến thị trấn Vĩnh Châu, xói bồi xen kẽ nhau, nhưng từ Vĩnh Châu đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu bi xói lở khoảng 10m/năm, và đường bờ biển bị lấn vào khoảng 250m.
* Bờ biển Bạc Liêu, đoạn giáp ranh Sóc Trăng và khu vực cửa sông Gành Hào bị xói lở.
* Bờ biển tỉnh Cà Mau chia làm 2 đoạn:
- đoạn giáp biển Đông từ Gành Hào đến Mũi Cà Mau thường bị xói lở, từ cửa sông Đầm Dơi đến cửa Rạch Gốc bờ bị biển lấn khoảng 35m mỗi năm và từ 30 năm nay biển lấn vào khoảng 1,4km. Mũi Cà Mau cũng đang mất đất.
- phía Tây giáp ranh Kiên Giang bị biển lấn 180m tình từ năm 2001 đến 2009.
* Bờ biển Kiên Giang chịu ảnh hường của chế độ thủy hải văn biển Tây, có ít cửa sông so với bờ biển ở phía Đông, nên ven biển Kiên Giang khá ổn định và được bồi lấp; tuy nhiên trong những năm gần đây hai khu vực mũi Rảnh thuộc bờ Nam sông Cái Lớn biển lấn vào khoảng 200m và khu vực Vàm Rầy huyện Hòn Đất biển tiến vào đất liền khoảng hơn 200m.
RFI: Vậy thì theo tiến sĩ, những nguyên nhân nào khiến bờ biển Việt Nam bị sạt lở trầm trọng như vậy? Đây chỉ là những tác động của thiên nhiên hay cũng có tác động của con người?
TS Huỳnh Long Vân: Trước hết ở vùng bờ biển miền Bắc, điển hình với bờ biển Hải Hậu thuộc châu thổ sông Hồng, nằm theo hướng Đông Bắc, cấu tạo bởi cát mịn nên bị sạt lở trầm trọng từ hơn 70 năm qua. Một số chuyên gia cho đây là do tác động của sóng biển và thủy triều có biên độ lớn khoảng 2-4m.
Hải Hậu mỗi năm gặp 5 đến 6 trận bão lớn; giông bảo xảy ra cùng lúc với triều cường tạo ra các đợt sóng biển cao đến 6-7m. Gia tăng tần suất giông bão trong khu vực, và vị trí thẳng góc của bờ biển với gió mùa Đông Bắc là những tác nhân làm gia tăng tác động của sóng, phá vỡ cấu trúc, biến đổi địa hình của bờ.
Ở vùng bờ biển miền Trung, sông ở miền Trung ngắn nhưng có độ dốc cao; nước sông lại ít phù sa, làm năng lượng của sóng gia tăng. Thêm vào đó miền Trung hằng năm gặp nhiều giông bão; và con số thiên tai tiếp tục gia tăng trong khoảng thời gian gần đây: từ 1901-1930 có 117 trận bão lụt; từ 1931-1960 con số tăng lên 134 và từ 1961-1990 có 171 trận bão đổ bộ lên miền Trung. Cuồng phong khiến mực nước biển dâng cao gây ra sóng lớn cao đến 4-5m.
Sóng và gió là hai động lực chánh trực tiếp gây ra sạt lở bờ biển miền Trung mà 93% bờ biển cấu tạo bờ sỏi, cát, bùn sét, cát bùn.
Ngoài ra vị trí của đường bờ so với hướng sóng và chiều gió mùa là một tác nhân quan trọng khác gây ra xói lở bờ biển miền Trung.
* Bờ biển Thừa Thiên Huế, Quảng Ngải nằm theo hướng Tây Bắc –Đông Nam trực diện với hướng gió và sóng biển.
* Bờ biển Phú Yên, nằm theo hướng Nam Bắc, thẳng góc với hướng gió chướng Đông Bắc và sóng biển.
* Bờ biển Bình Thuận nằm theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, chịu tác động mạnh của sóng và gió của cả hai đợt gió mùa Đông Bắc và Tây Nam.
Ở miền Nam, bờ biển từ Vũng Tàu đến Kiên Giang được cấu tạo bởi trầm tích phù sa bở rời, thời kỳ Holocene nên rất trẻ; thành phần cấu tạo chánh là bùn sét nâu, rất dễ bị phá vỡ, ngay cả bởi một năng lượng vừa phải của sóng và dễ dàng bị dòng chảy ven bờ chuyển đi nơi khác.
*Vùng Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh nặng nề nhứt là bờ biển Cần Thạnh, Thạnh An. Thủy triều, dòng sông và dòng chảy ven bờ là những động lực chánh gây ra sạt lở bờ biển. Từ khi có đập thủy điện Trị An, lượng phù sa di chuyển ra cửa biển bị giảm sút làm gia tăng năng lượng của sóng khiến tính trạng sạt lở trầm trọng hơn.
* Bờ biển Gò Công Đông bị sạt lở một phần do tác động của sóng và dòng chảy ven bờ vào mùa gió chướng Đông Bắc; thêm vào đó là ảnh hưởng của các kế hoạch thủy lợi, đào kinh xã lũ về phía vịnh Thái Lan, phá hủy rừng ngập mặn để xây dựng những khu du lịch sinh thái, trường bắn, bãi đóng tàu của Vinashin và nuôi trồng thủy sản ở ven biển.
*Bờ biển Vùng Gành Hào bị sạt lở vì rừng ngập mặn bị phá để nuôi trồng thủy sản và ở cách xa cửa sông nên khối lượng phù sa ít vì phần lớn bị dòng triều chuyển ra khỏi bờ.
* Mũi Cà Mau bi sạt lở do:
-năng lượng của sóng biển gia tăng: lượng phù sa di chuyển đến đây bị giảm dần một phần do ảnh hưởng của các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong và phần khác do việc đào kinh thủy lợi trong vùng châu thổ
- khai thác nước ngầm không theo quy định.
*Bờ biển phía Tây Cà Mau bị sạt lở do rừng ngập mặn bị hủy hoại.
Tóm lại nguyên nhân bờ biển Việt Nam bị xói lở có thể được chia thành 2 nhóm:
- Yếu tố tự nhiên: tác động của gió, sóng, thủy triều , dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất của vùng bờ, vị trí của đường bờ.
-Tác động của con người: Phá rừng ngập mặn (vì không nhận thức được rừng ngập mặn là một hệ thống sinh học có tác dụng giảm cường độ của gió, sóng và dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi để bùn cát tích tụ, giúp bờ biển chóng xói lở nên người dân địa phương đã phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, thiết lập các khu du lịch hay xây dựng các công trường sát bờ biển; diện tích rừng ngập mặn của ĐBSCL đã giảm từ 250.000 ha năm 1950 xuống còn 46.000 ha vào năm 2001) ; kế đến là tác động của các công trình thủy điện thượng nguồn Mekong làm thay đổi dòng chảy và khối lượng phù sa được chuyên chở ra cửa biển.
RFI: Thưa tiến sĩ, trước tình trạng nghiêm trọng như vậy, chúng ta có thể áp dụng những giải pháp nào để chống xói lở và bảo vệ bờ biển Việt Nam?
TS Huỳnh Long Vân: Các giải pháp chống xói lở, bảo vệ bờ biển được chia làm hai nhóm: Nhóm giải pháp công trình (hay giải pháp cứng) và nhóm giải pháp phi công trình (hay giải pháp mềm). Giải pháp chống sạt lở bờ biển cần phải có hai chức năng là giảm năng lượng của song, gió và kiểm soát được dòng chảy ven bờ nhằm giảm thiểu sự vận chuyển bùn cát dọc theo bờ.
*Giải pháp cứng như đắp đê, công nghệ stabiplage, xây kè biển, kè biển mỏ hàn, đê ngầm phá sóng, kè mỏ hàn kết hợp với đê ngầm phá sóng, mũi đất nhân tạo.
Đối với tình trạng xói lở của bờ biển Việt Nam một số chuyên gia đề nghị chọn lựa giải pháp cứng ở những vùng có bờ biển sạt lở rất trầm trọng như Cát Hải ( Hải Phòng), Hải Hậu ( Nam Định) Hải Dương-Hòa Duân (Thừa Thiên), Mũi Né (Bình Thuận), Gò Công Đông (Tiền Giang), Gành Hào (Cà Mau).
Tuy nhiên nếu giải pháp cứng được đem ra áp dụng ở những vùng này, điều cần thiết là phải bảo đảm không làm xói lở chân công trình và hủy hoại hệ sinh thái của vùng bờ biển phía dưới công trình vì những tác động không mong muốn này đã xảy ra khi xây dựng các cấu trúc gia cố bờ biền Đồi Dương (Phan Thiết), bờ Cà Ná – Mũi La Gàn (Bình Thuận).
*Giải pháp mềm như nuôi bãi, trồng rừng ngập mặn, rừng phi lao và các đụn cát.
Giải pháp mềm ít tốn kém nhưng đòi hỏi thời gian dài; rừng phi lao và các cây họ dừa có thể trồng dọc theo bờ biển Trung phần đất cát; rừng ngập mặn với các cây bần, cây đước, cây vẹt, cây tràm v.v.. có thể trồng ở vùng ven biển châu thổ sông Hồng và châu thổ ĐBSCL.
Rừng ngập mặn giúp bảo vệ bờ biển tránh sạt lở giúp hệ thống đê biển kiên cố hơn; tuy nhiên trồng rừng ngập mặn cũng gặp nhiều khó khăn vì tùy thuộc vào các điều kiện khí hậu của từng vùng, chế độ thủy văn và lý hoá tính của đất đai.
Dự án GIZ do hai chánh phủ Đức và Úc tài trợ trồng rừng ngập mặn ở khu vực Vàm Rầy, Kiên Giang đạt được kết quả khích lệ, tuy nhiên thất bại khi đem áp dụng ở huyện Long Phú Sóc Trăng, huyện Gò Công Tiền Giang; điều này cho thấy giải pháp mềm cũng không thiếu những trở ngại.
Vì thế một số chuyên gia cho rằng giải pháp tối ưu để bảo vệ bờ biển Việt Nam là cùng lúc kết hợp hai giải pháp cứng và mềm. Ngược lại có một số không đồng ý với đề nghị này và cho rằng vì đặc tính khác biệt của bờ biển Việt Nam, thay đổi tùy nơi, nên cần phải nghiên cứu nhiều giải pháp khác nhau ngay cả cho một khu vực và bất cứ một hay nhiều giải pháp cùng lúc đem ra ứng dụng, muốn được hữu hiệu, phải đạt được những yêu cầu thiết yếu:
-làm giảm năng lượng của sóng, cản gió
-tạo ra điều kiện tương tự với mô hình tự nhiên của sự thành lập và phát triển các đường bờ
-bảo đảm hiện tượng sạt lở không bị di dời đến nơi kế cận
RFI: Thưa tiến sĩ, về phía chính phủ Việt Nam cho tới nay có đã đề ra những kế hoạch gì thật sự hiệu quả để chống hiện tượng xói lở bờ biển ?
TS Huỳnh Long Vân: Bờ biển Việt Nam dài khoảng 3260 km, về phía Đông trung bình mỗi 20 km có một cửa sông và tình trạng xói lở là hiện tượng gây ra bởi những yếu tố nội sinh của thiên nhiên và ngoại sinh do ảnh hưởng của con người: tác động tương tác giữa đất liền và biển cả: chế độ thủy hải văn của các dòng sông, sóng biển, và thủy triều; ảnh hưởng của gió mùa, cuồng phong và những sinh hoạt khai thác ven biển.
Vì thế khi tiến hành xác định nguyên nhân xói lở bờ biển, ngay cả cho từng địa phận, ảnh hưởng của những tác nhân nêu trên phải được nghiên cứu để từ đó đề ra những biện pháp ứng phó hữu hiệu bảo vệ bờ biển.
Thực tế cho thấy tình trạng xói lở bờ biển Việt Nam trở nên trầm trọng hơn, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, vào tháng 07.2013 trong buổi hội thảo tham vấn báo cáo quốc gia về “Đánh giá xói lở bờ biển Việt Nam” giới chức Tổng Cục Biển và Hải Đảo Việt Nam cho biết hiện nay Viêt Nam vẫn chưa có một kế hoạch đồng bộ và toàn diện về mặt kỹ thuật lẫn pháp luật như: chiến lược phòng chống xói lở bờ biển, cửa sông; giải pháp và phương án ứng phó thích hợp cho từng khu vực, luật đê diều, luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật tài nguyên nước v.v... để ứng phó với tình trạng bờ biển bị sạt lở trầm trọng.
Vì thế, tổ chức quốc tế điều phối Biển vùng Đông Nam Á (COBSEA), đã thúc giục chánh phủ Việt Nam phải khẩn cấp thiết lập những kế hoạch cụ thể và mạng lưới theo dõi để bảo vệ bờ biển và trong khi COBSEA cũng cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng nguồn năng lực để có đủ khả năng phục hồi, quản lý tốt đẹp nguồn tài nguyên ven biển hiện đang bị đe dọa. Đây là tiếng chuông báo động về thực trạng của bờ biển Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam nhận được sự trợ giúp về tài chánh lẫn khoa học- kỹ thuật từ một số quốc gia như Hoà Lan, Na Uy, Đức, Úc châu và COBSEA nhưng thiết nghĩ việc bảo vệ bờ biển Việt Nam là trách nhiệm của giới hữu trách Việt Nam, vì thế giới hữu trách CHXHCNVN không thể trông đợi nước ngoài gánh vác mọi việc, ngay cả việc thiết lập chiến lược phòng chống xói lở bảo vệ bờ biển của xứ sở mình.
RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Huỳnh Long Vân.
No comments:
Post a Comment