Tuesday, November 12, 2013

Những vấn đề của Đảng Cộng sản Việt Nam


Nếu những chủ đề sau đây nhắc nhở bạn về Trung Quốc, hãy chừa ra một ý nghĩ về Việt Nam: một cuộc tranh luận về Hiến pháp; những nỗ lực kiềm chế những đặc quyền của doanh nghiệp Nhà nước; giận dữ về nạn tham nhũng; cưỡng chế đất đai với bồi thường rẻ mạt; những hạn chế mới nhằm vào đối lập trực tuyến; sự công nhận rằng cải cách kinh tế hơn nữa không chỉ là đáng ao ước mà là thiết yếu; và trong chính trường, bằng chứng về cuộc đấu tranh phe phái khốc liệt giữa các lãnh đạo cao cấp.

Trung Quốc và Việt Nam có hai trong số ít các Đảng Cộng Sản vẫn còn nắm quyền lực, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ đối mặt với những vấn đề tương tự. Tuy nhiên, điều có thể báo động họ nhất đó là sự thiếu hụt các giải pháp giải quyết vấn đề. Ban chấp hành trung ương của cả hai đảng tổ chức họp vào mùa thu này. Và cả hai cuộc họp được nhìn nhận là rất quan trọng trong tiến trình cải cách quốc gia. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị trung ương vào tháng tới trong khi hội nghị trung ương của Việt Nam đã diễn qua mà chỉ tạo ra vài dấu hiệu về tư duy mới. Đảng Cộng sản Việt Nam dường như rơi sâu vào một tình trạng hỗn loạn.

Chương trình nghị sự quan trọng của những người Cộng sản Việt Nam là thay đổi hiến pháp của đất nước. Bản Hiến pháp hiện tại, được thông qua vào năm 1992 và chỉnh sửa cuối cùng vào năm 2001, không còn phản ảnh nền kinh tế mở và xã hội Việt Nam hiện nay. Dự thảo sửa đổi đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến của công chúng từ đầu năm nay. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: hơn 26 triệu ý kiến đã nhận được, trong đó có nhiều ý kiến mà Đảng Cộng Sản không muốn nghe.

Ba điều khoản đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận. Những người yêu tự do hy vọng hiến pháp mới có thể đảm bảo một ngành tư pháp độc lập. Hiện nay nó hứa hẹn rằng nhà nước “sẽ không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Một số người cũng đã hy vọng cho một sự thay đổi quy định tại Điều 4n, trong đó coi trọng vai trò của Đảng Cộng Sản là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” trong một hệ thống độc đảng. Và thứ ba, nhiều người tranh cãi về Điều 19, trong đó tuyên bố rằng “khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia”, là vừa lỗi thời lại vừa có hại. Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ mà một phần gây ra bởi các doanh nghiệp nhà nước. Tăng trưởng kinh tế khoảng 5% một năm là quá chậm để đảm bảo công ăn việc làm cho những công dân trẻ, và nền kinh tế ấy xem ra khó có thể được cải thiện trong năm tới.

Cải cách khu vực kinh tế nhà nước, thông qua tư nhân hóa các công ty có lợi nhuận (ví dụ như bia rượu) và giải thể các đơn vị thua lỗ (hầu hết số còn lại), là một điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng cao hơn. Điều đó cũng có thể là cần thiết nếu như Việt Nam thành công trong việc tham gia một thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ đứng đầu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng tháo dỡ “khu vực kinh tế nhà nước” là việc làm đáng sợ đối với nhiều người. Không chỉ là những cán bộ tham nhũng hưởng lợi từ những quan hệ kinh tế. Hệ thống này cũng giúp đảng giữ vai trò độc tài.

Sau Hội nghị trung ương, các ủy ban sẽ tiếp tục mày mò với từ ngữ của Hiến pháp. Nhưng nó rõ ràng là nhiều thứ sẽ bị né tránh. Việt Nam vẫn ở một giai đoạn rất khó khăn để nhận ra sự thay đổi trong quá trình đổi mới vào năm 1986, đừng nói đến những đột biến.

Hình mẫu Trung Quốc không thể giúp ích nhiều ở đây, mặc dù họ cũng đang tranh luận về Hiến pháp. Sự khác biệt quan trọng là, ở bên Trung Quốc, các nhà phê bình chỉ đơn giản là yêu cầu Đảng tôn trọng hiến pháp hiện nay. Hiến pháp hiện nay của Trung Quốc hứa hẹn sự bình đẳng, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo, và một nền tư pháp độc lập, nhưng đảng cầm quyền lờ đi tất cả. Ngay cả vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản chỉ được nhắc đến trong lời mở đầu chứ không phải là trong phần chính của các tài liệu. Vì vậy, những tháng gần đây đã thấy báo chí chính thống của Trung Quốc đã mạt sát “Chủ nghĩa hợp hiến” – một đòi hỏi yêu cầu hiến pháp cần phải được tôn trọng- coi đó là âm mưu của phương Tây nhằm phá hoại đất nước bằng cách tiêm nhiễm những tư tưởng tự do nguy hiểm.

Điều 4 sẽ không còn là một vấn đề ở Việt Nam nếu Đảng Cộng sản không bị mất uy tín nghiêm trọng như hiện nay. Điều này một phần là hậu quả của sự quản lý kinh tế yếu kém trong những năm gần đây. Một phần nó phản ánh sự bức xúc xã hội đối với tham nhũng tràn lan, đặc biệt là ở cấp cao nhất trong chính phủ. Đây là một lý do tại sao, trong một cuộc bỏ phiếu vào mùa xuân ở Quốc hội, một động thái mới mẻ hơn so với quốc hội tương tự của Trung Quốc, gần một phần ba đại biểu quốc hội bày tỏ sự tín nhiệm thấp đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự tức giận về một chính phủ tham nhũng cũng là lý do để giải thích tại sao Đoàn Văn Vươn, một nông dân nuôi cá miền bắc bị bỏ tù 5 năm vào tháng 4, trở thành một anh hùng dân gian. Tội của anh là bảo vệ mảnh đất của mình, với khẩu súng tự chế và chất nổ, khi các quan chức đến tịch thu đất. Thu hồi đất đai cũng là một nguyên nhân phổ biến của nhiều cuộc biểu tình tại Trung Quốc, và cải cách quyền sở hữu đất đai có thể là một trong những quyết định lớn đã được công bố tại hội nghị trung ương đảng. Chế độ sở hữu đất đai toàn dân hiện nay là mảnh đất béo bở để quan chức lạm dụng.

Hãy đưa tôi đến gặp lãnh đạo của bạn

Ở Trung Quốc cũng vậy, những người đứng lên tranh đấu thường được đề cao thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, đàn áp tiếng nói bất đồng chính kiến trực tuyến đã diễn ra trong năm nay, với hàng chục người bị bắt và những hạn chế mới đối với việc thảo luận trực tuyến. Tại Việt Nam chỉ có “thông tin cá nhân”, và không phải là tin tức báo chí, có thể được trao đổi trực tuyến. Điều này dường như là một nỗ lực đen tối nhằm lấy lại sự độc quyền trên các nguồn thông tin đại chúng mà Đảng được thụ hưởng trước khi Internet đến. Ngay cả khi cuộc đàn áp đã được thi hành, nó sẽ là quá muộn để dập tắt những bất đồng về đảng và chính phủ đang ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc.

Sự bất mãn của dân chúng gia tăng khi họ thấy lãnh đạo đảng không quan tâm đến lợi ích quốc gia mà chỉ bảo vệ quyền lực của mình chống lại những đối thủ của họ. Ở Trung Quốc, sự sụp đổ của Bạc Hy Lai, một lãnh đạo địa phương đầy tham vọng, không thu hút nhiều sự chú ý của công chúng về cuộc chiến ở tầng lớp lãnh đạo cao cấp. Ở Việt Nam, Thủ tướng Dũng, được xem như là mục tiêu của một chiến dịch tiến hành bởi các nhà lãnh đạo bảo thủ của đảng, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự khác biệt là ở chỗ, ở Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người chiến thắng trong các cuộc chiến phe nhóm. Một trong những vấn đề của Việt Nam là không có một cá nhân nào có thể được coi là người thực sự đứng đầu.

No comments:

Post a Comment