Tao biết mày cắn, mày xé, mày xài vũ khí. Nhưng tao thì không, tao nắm d… móc… Biết đâm, biết chém vì tiền và vì con bồ nhí...
Đó là lời của bài hát Đánh nó đi của rapper Wowy. Thật không tưởng tượng nổi!
Toàn bộ "bài hát" (tạm gọi vậy dù nó không thể đủ đẳng cấp để được gọi như thế) sặc mùi kích động bạo lực với những câu chữ: Đế giày in vào mặt ép máu mày phun ra… Đánh nó để nó nhớ mặt tao… Phải đánh cho nó chừa đi, bỏ thói bố láo. Đánh nó đi, đừng cho nó quay lại, đừng chọc vào tao...
Người hát gào lên và kích động cả đám đông đồng thanh hô nhiều lần: "Đánh nó đi".
Chưa hết, tác giả này còn một "bài hát" nữa - Đêm tàn - cũng gây sốc không kém với những ca từ: Tao hỏi "hàng em đâu?". Em ấy nói đây nè. Đưa đây để cho anh tựa đầu... Các em gái cởi bớt đồ nhanh, các em không phải che hết. Không thích thì đi, thích thì đến... Quậy thật đã sống đời hoang dã…
Rapper Wowy trình diễn trong chương trình Art work is work – “Lễ hội” Âm nhạc ASEAN - Hà Nội - Việt Nam.
(Ảnh cắt từ clip trên YouTube)
Đây không phải là nhạc "chế", nhạc "nhảm" mà người ta thường nghe hát ở bến xe, góc chợ qua những băng đĩa lậu, cũng không phải tác giả tự làm video clip đưa lên YouTube để quảng cáo chính mình. Nó lại xuất hiện đường đường chính chính trong chương trình Art work is work - Lễ hội Âm nhạc ASEAN - Hà Nội - Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5-2013, giữa đám đông có rất nhiều người trẻ hưởng ứng, cổ vũ nồng nhiệt.
Trong chương trình này còn có những ca khúc trên cả... "thảm họa". Điển hình là Đi bụi, với những lời lẽ tục tĩu, sặc mùi giang hồ: Chạy theo em này, em kia, em nào đẹp nhất. Thằng nào bố láo giành giật với tao, tao cũng chơi tất, xơi tất… Vô đây uống với tao trăm phần trăm nha thằng chó...
Không biết chương trình nêu trên quy mô ra sao, có được cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật của Hà Nội cấp phép, kiểm duyệt hay không mà lại có những thứ "rác rưởi" này ngang nhiên làm mưa làm gió giữa nơi công cộng?
Báo chí liên tục lên tiếng báo động về lối sống thác loạn của một bộ phận giới trẻ, về tình trạng bạo lực trong xã hội, vậy những "ca khúc" bệnh hoạn này được phép trình diễn công khai như thế vì mục đích gì?
Tôi cũng thật sự tiếc cho Wowy! Một lần, tôi đã được xem rapper này nói chuyện về nhạc underground trên HTV. Trong chương trình này, Wowy đã cho thấy anh là một nhạc sĩ underground có tìm tòi và cá tính, không hiểu vì lý do gì bỗng nhiên lại "chuyển hướng"?
Âm nhạc cũng như bất kỳ loại nghệ thuật nào cũng có 5 chức năng cơ bản: Giáo dục tình cảm xã hội, nhận thức, thẩm mỹ, thông tin giao tiếp, cuối cùng mới là chức năng giải trí. Với những loại âm nhạc như trên thì nó mang được những chức năng gì?
Tuy rằng âm nhạc là sự biểu hiện cá nhân, tự do nhưng lại mang tính xã hội rất rộng lớn vì nó có tính động viên, cổ vũ, lây lan. Với những thứ âm nhạc độc hại mạo danh nghệ thuật như vậy mà cơ quan quản lý nhà nước không có biện pháp xử lý thì sự lây lan của nó sẽ làm cho giới trẻ ngày nay lệch lạc về nhận thức lối sống, méo mó nhân cách.
LỆ MINH
No comments:
Post a Comment