Wednesday, July 31, 2013

Việt Nam: lòng tin và ưu tiên chiến lược

Quan hệ Mỹ -Việt hiện nặng về quân sự hơn là chia sẻ các giá trị chung
Việt Nam đã và đang thiết lập nhiều mối quan hệ chiến lược với nhiều nước trên thế giới nhằm hội nhập vào cộng đồng quốc tế nhưng những mối quan hệ này rất khó bền vững vì thiếu nền tảng cơ bản: lòng tin.
Nếu Việt Nam muốn các nước khác nghiêm túc xem xét đòi hỏi của mình thì trước tiên cần phải cân nhắc lại và đề ra những ưu tiên đối với các vấn đề quốc nội cũng như quốc tế.
Suốt những năm cuối thập niên 1990, và đặc biệt là đầu thế kỷ 21, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, và nhanh chóng trở thành một điển hình cho sự giàu có ở Đông Nam Á với nền kinh tế tăng trưởng mạnh dù cuối cùng sụp đổ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2007 vì sự quản lý yếu kém của chính phủ.
Với mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, rõ ràng Việt Nam hay Trung Quốc ngày nay không phải là những đất nước cộng sản mà Hồ Chí Minh hoặc Mao Trạch Đông đã vẽ ra, và chắc hẳn cũng không phải những gì Karl Marx đã tưởng tượng.
Đặc biệt, với những tòa nhà cao chọc trời và tầng lớp trên là thiểu số nhưng nắm phần lớn tài sản của toàn bộ quốc gia, thì rõ ràng Việt Nam không phải là thiên đường xã hội chủ nghĩa như nhiều ngưởi tưởng tượng.
Thay vào đó, độc quyền nhà nước của một đảng tại Việt Nam đã tạo ra tình trạng lạm dụng quyền lực; thậm chí hiến pháp và pháp luật do một đảng tự ý sửa đổi và áp dụng tùy tiện.
Nhà nước độc quyền của một đảng chính trị hiển nhiên không phải nhà nước dân chủ.
Việc khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không qua sự đồng thuận của nhân dân là nguyên nhân dẫn đến sự không chính danh của bản hiến pháp và chế độ hiện hành.
Tính chính danh của một nhà nước chỉ được thể hiện khi được nhân dân trao quyền thông qua bản hiến pháp dân chủ và các cuộc bầu cử tự do, công bằng.
Do đó, mặc dù các nhà lãnh đạo hiện tại có khẳng định rằng “Việt Nam là một người bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” thì nhiều người cũng không khỏi lo ngại và tỏ vẻ thận trọng về tính chính danh của chế độ hiện hành.

Đối tác khác bạn bè

Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 178 nước trên thế giới, đồng thời là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược với khoảng hơn một chục nước, bao gồm cả Anh Quốc, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ; và những ngày tới thì Hà Nội muốn thêm cả Singapore, Pháp và Hoa Kỳ vào danh sách này.
"Việt Nam đã liên tục quay sang cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm đối tác để đối trọng lại với Trung Quốc"
Về khía cạnh nào đó thì những mối quan hệ này có ý nghĩa nhưng chúng thiếu vắng “sự cam kết” cần thiết trong mối quan hệ an ninh song phương giữa các bên. Và chắc chắn các mối quan hệ này rất khó để nâng cấp lên thành mối quan hệ đồng minh đầy tin cậy.
Trong trận chiến Việt–Trung vào năm 1979, Liên Xô – đồng minh thân cận của Việt Nam, đã quyết định đứng bên ngoài.
Việc này cho thấy các mối quan hệ đối tác chiến lược không kèm theo các hiệp ước phòng thủ chung, vì vậy, khác rất nhiều so với mối quan hệ đồng minh.
Mối quan hệ chiến lược chỉ đơn thuần dựa trên những lợi ích chung và có tính toán giữa hai nước. Nhưng về lâu về dài thì những lợi ích này có thể sẽ thay đổi, và vì vậy, các mối quan hệ chiến lược buộc phải chuyển hướng cho phù hợp.
Cho nên, dù rằng Việt Nam có rất nhiều các đối tác chiến lược thì cũng không nên xem đây là thước đo về số lượng bạn bè hay đồng minh mà Việt Nam có được trên trường quốc tế. Bạn bè và đối tác là hai thứ khác nhau rất xa.
Ví dụ, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2008, nhưng trên thực tế việc này không mang nhiều ý nghĩa khi xét tới các vụ xung đột ở Biển Đông trong thời gian qua.
Giữa lúc các lợi ích của hai nước thay đổi và chính sách đối phó trong khu vực cũng ngày càng khác biệt thì thử hỏi mối quan hệ đối tác của hai nước này liệu có mang lại hiệu quả?
Dù rằng hai nước có chung đường biên giới, cùng thể chế chính trị, nhưng họ chỉ có vậy mà thôi!
Việt Nam đã liên tục quay sang cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm đối tác để đối trọng lại với Trung Quốc, và hy vọng đưa những chính sách ngang ngược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ra trước ánh sáng.
Những việc trên chưa kể đến những trận đụng độ trên biển giữa hai nước và kết quả đã mang lại không ít thương vong.
Thành quả lớn nhất mà hai nước này đạt được dựa trên tinh thần quan hệ chiến lược, là thiết lập và cải thiện các kênh liên lạc thông tin giữa các cấp nhà nước. Nhưng đó chỉ về mặt hình thức, và trong thực tế thì hai nước tuy gần nhưng lại rất xa.

Không cùng giá trị

Rất khó để thiết lập các đối tác chiến lược mang ý nghĩa sâu đậm khi không cùng chung các giá trị tư tưởng và niềm tin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi xây dựng 'lòng tin chiến lược' giữa Việt Nam và các nước lớn
Liệu Việt Nam tìm kiếm điều gì ở Pháp hay Hoa Kỳ nếu không cùng ý chí thượng tôn pháp luật và tôn trọng các ý kiến khác biệt của người dân?
Nếu Việt Nam chỉ đơn thuần sử dụng Pháp hay Hoa Kỳ để thực hiện các kế hoạch khác mà không quan tâm đến việc các nước này tin tưởng vào điều gì, thì có lý do gì để họ trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam?
Tại sao Hoa Kỳ phải trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam khi mà Việt Nam thiếu thiện chí với những lo ngại của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền, tù nhân chính trị và thượng tôn pháp luật?
Chế độ cộng sản đã làm Việt Nam suy yếu và cô độc trên trường quốc tế. Đây nên là một mối lo lớn đối với các lãnh đạo tại Hà Nội. Cần phải nhận ra rằng lặp đi lặp lại cùng một chính sách không thể mang lại những kết quả khác nhau.
Việt Nam cần thay đổi, và sự thay đổi này không phải tới từ ‘lòng tin chiến lược’ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu mà phải tới từ những hành động cụ thể.
Muốn trở thành một người bạn và đối tác đáng tin cậy của tất cả các nước trên thế giới thì Việt Nam cần thực sự tạo dựng lòng tin. Quan trọng hơn hết, hội nhập và “xây dựng lòng tin chiến lược” trước hết đòi hỏi các lãnh đạo Việt Nam phải thật tâm tạo dựng lòng tin đối với nhân dân trong nước và có khả năng hội nhập với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Không có nhiều cách để thực hiện điều này ngoài việc cần phải làm đầu tiên là cải cách hệ thống chính trị bị lạm dụng để tạo lập xã hội bình đẳng cũng như xây dựng một nhà nước chính danh.
Cần phát huy dân chủ bao gồm việc tháo gỡ hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng để xây dựng nhà nước thượng tôn pháp luật, đa nguyên, bắt đầu từ bản hiến pháp dân chủ của toàn dân.
Nhà nước pháp quyền của dân hay nhà nước thượng tôn pháp luật là nền móng nhất thiết không chỉ quan trọng cho việc xây dựng lòng tin mà còn là nhu cầu của mọi xã hội trong mọi thời đại.
Đó là nhu cầu không thể thiếu bên cạnh một nền báo chí khai phóng, trung thực, chế độ tòa án độc lập, và hệ thống bầu cử tự do, dân chủ.
Tác giả Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế. Ông Võ Tấn Huân là bác sỹ dược khoa tại Hoa Kỳ.
 

No comments:

Post a Comment