Thursday, July 18, 2013

Tìm hiểu một tu viện bị chiếm đoạt ở Đà Lạt

Manna Khanh – Tìm hiểu một tu viện bị chiếm đoạt ở Đà Lạt

Posted on 15/07/2013by 
 
VRNs (16.07.2013) – Lâm Đồng – Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, nơi đào tạo các linh mục, tu sĩ đã bị nhà cầm quyền chiếm giữ. Đến bao giờ nhà nước sẽ trả lại cho phù hợp với chính sách tự do tôn giáo?
 
Vào những ngày đầu tháng 7 năm 2013, chúng tôi may mắn được tham dự một lớp huấn luyện kỹ năng viết tin phóng sự. Địa điểm học là Tùng Lâm, thành phố Đà Lạt mộng mơ. Nhân dịp này, chúng tôi được cha Antôn Lê Ngọc Thanh DCCT, người hướng dẫn chúng tôi trong những ngày luyện tập kỹ năng này, đã đưa chúng tôi đến thăm lại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, mà nay đã bị nhà cầm quyền chiếm đoạt để biến thành một địa điểm du lịch và bán tạp hóa cùng cây cảnh.
 
Con đường từ nhà thờ Tùng Lâm lên Học viện chừng 500 – 600 mét với những đồi thông thẳng đứng chạy dọc hai bên. Con đường này đã đi vào ký ước của những người sống ở đây vào những thập niên 50 – 70. Khi chiều dần xuống là lúc những tu sĩ DCCT mặc tu phục đem tay cầm tràng hạt đi lại trên con đường này để cầu kinh lẫn chuỗi Mai khôi.
 
Chúng tôi đang hồ hởi tiến về Học Viện như đang đi về chính nhà mình vậy. Có cái gì thân thương đến lạ! Cha Antôn chỉ vào một tòa nhà to và đẹp, nói với chúng tôi “Đây là Viện sinh học mới được nhà nước xây dựng trái phép trên diện tích đất Nhà Dòng”. Có người trong đoàn chúng tôi tiếp lời “chính quyền này là chính quyền ăn cướp mà. Họ đã vào nhà đuổi chủ ra và sở hữu luôn, vì đây là rừng thông nên họ dùng luật rừng luôn ấy mà”.
 
Vừa đến cổng Học viện, một anh bảo vệ nói chúng tôi phải mua vé vào thăm quan. Cha Antôn nói: “chúng tôi vào nhà của chúng tôi sao lại phải mua vé” và anh ta không cho vô. Cha liền lấy máy điện thoại gọi cho cha xứ Tùng Lâm. Cha nói với cha xứ Tùng Lâm “Cha ơi! Con vào nhà mình mà anh bảo vệ này không cho vô” rồi anh ta nói phải có quyết định của bà giám đốc mới được vào. Sau một hồi anh ta suy nghĩ và nói thôi các anh cứ đi đi thế là chúng tôi tiếp tục đi.
 
Mặt chính tu viện DCCT Đà Lạt – Ảnh: Manna Khanh
 
Tôi được biết mọi thứ hầu như vẫn còn nguyên vẹn không bị thay đổi, những cột tường bằng đá, những hàng cây xếp thẳng đứng và nghiêm trang ở nơi này đã 40 – 50 năm qua. Khi tiến vào tới gần hơn, chúng tôi bị ngạc nhiên trước một tòa nhà to, cao, đứng sừng sững, hiên ngang trên ngọn đồi, bốn phía là những hàng thông đang du dương trong gió như những cánh tay vẫy gọi chúng tôi bước nhanh hơn, gần hơn về nhà mình.
 
Qua lời hướng dẫn của cha Antôn, chúng tôi đi một vòng trước toà nhà để quan sát mặt tiền của ngôi nhà. Rồi chúng tôi tiến lại gần cửa chính của ngôi nhà. Một bảng bằng đá được khắc bằng chữ Latinh ghi ngày khánh thành của ngôi nhà. Cửa chính của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, ổ khóa vẫn dùng “La partout – mọi nơi”, một loại ổ khóa được dùng cho DCCT toàn thế giới.
 
Học viện được khởi công xây dựng vào năm 1949 và được hoàn thành vào năm 1952. Đây là công trình được thiết kế theo lối kiến trúc mới, với kiểu cách bố trí ấm cúng và trang nghiêm theo cấu trúc của các tu viện Châu Âu. Nằm cao trên ngọn đồi thông phía Bắc của TP. Đà Lạt. Tòa nhà được xây dựng bằng đá có nhiều cửa sổ, đứng vững vàng trong không gian tĩnh lặng. Bước vào bên trong, ngay chính giữa tòa nhà là một cây Thánh giá với hai dòng chữ bằng tiếng la tinh, khẩu hiệu (slogan) của Dòng Chúa Cứu Thế “Copiosa Apud Eum Redemptio”, có nghĩa là “Ơn cứu độ chứa chan nơi Người”. Từ phía sau tu viện, chúng tôi có thể nhìn bao quát TP. Đà lạt. Đây là công trình bằng đá kiên cố thứ hai tại Việt Nam, sau nhà thờ đá Phát Diệm.
 
Một góc gian trưng bày – Ảnh: Manna Khanh
 
Cha Antôn đưa chúng tôi đi thăm từng lầu một, các phòng ốc ở đây gần như còn nguyên vẹn và không bị thay đổi nhiều, ngoại trừ một số phòng lớn được dùng làm phòng trưng bày các con thú và có cả thú nhồi bông. Tới hành lang của lầu 2 chúng tôi thấy một bảng thông tin bằng gỗ, là bảng để ghi lịch dâng lễ và dạy học của các cha và các giáo sư. Các phòng ở đây đều đóng kín, không sử dụng. Đây là phòng ở của các cha các thầy ngày xưa.
 
Vào nhưng năm 1949 và năm 1950, cha Alphonse Tremblay, Bề trên Giám phụ tỉnh, đã di chuyển Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam vào Ðà Lạt, tiếp tục đường lối đào tạo đã được thực hiện tại Học viện Thái Hà Ấp, đào tạo các linh mục, tu sĩ cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và cho Giáo hội Việt Nam. Các sinh viên Học Viện đã trực tiếp góp tay xây dựng toà nhà đồ sộ và khang trang này.
 
Tại Học viện Thái Hà ấp, các Đức cố hồng y Phạm Đình Tụng và Đức giám mục Nguyễn Minh Nhật đã được đào tạo để trở thành linh mục.
 
Trước khi bị chiếm đất, Học Viện Ðà Lạt đã trải qua hơn một thập niên bình an, ổn định với nhiều hoạt động mạnh mẽ.  Điểm đặc biệt nổi bật trong lịch sử Học Viện Ðà Lạt trước Công Ðồng Vatican II là việc trao các trách nhiệm quan trọng trong việc lãnh đạo đào tạo tại Học Viện cho các linh mục người Việt Nam đảm trách. Cha Stêphanô Nguyễn Tín (cha Chân Tín) là linh mục người Việt Nam đầu tiên lãnh trách nhiệm Giám Ðốc Học Viện (năm 1956). Ngài cũng là tín sĩ thần học tín lý, giáo sư trực tiếp tại Học Viện. Ban giáo sư người Việt gồm Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, cử nhân Thánh Kinh, cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm, tiến sĩ triết học, cha Henry Bạch Văn Lộc, tiến sĩ Giáo luật, cha Phaolô Nguyễn Ngọc Lan, tiến sĩ triết …
 
Từ năm 1963 đến năm 1965, biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội trong thế kỷ 20 là diễn ra Công Ðồng Vatican II. Biến cố này ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến nội dung, phương pháp và tiến trình đào tạo tại  Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Ðà Lạt.
 
Tại Học Viện này, các linh mục và tu sĩ DCCT có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu cũng dịch thuật Thánh Kinh và các bản văn phụng vụ của Giáo hội. Bộ Kinh Thánh Cựu – Tân Ứớc đã được cha Gérard Gagnon (tên việt Nam là cha Nhân) dịch ra tiếng Việt và phổ biến rộng rãi cho các tín hữu. Có thể nói, cha Nhân là một trong những người đầu tiên hoàn tất công việc chuyển ngữ trọn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt, tuy chưa phải là bản chuyển ngữ từ nguyên ngữ gốc.
 
Năm 1965, cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn đã cho ra đời bộ kinh Thánh Tân Ước do ngài dịch và giới thiệu. Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn là người đầu tiên tại Việt Nam dịch Kinh Thánh từ nguyên ngữ Hipri và Hy Lạp ra Việt ngữ, đồng thời cũng là một trong những người đầu tiên áp dụng khám phá mới của khoa chú giải hiện đại vào việc giải thích Kinh Thánh. Phần “giới thiệu” đầu bộ Tân Ước không chỉ là giới thiệu nội dung quyển sách, mà thật ra là một tác phẩm thần học Thánh Kinh, dẫn người đọc vào Tân Ước nhờ khám phá kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong Cựu Ước và trong các nền văn hóa đồng thời với Cựu Ước.
 
Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
 
Năm 1975, cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn bị cộng sản sát hại trong rừng Di Linh, Lâm Đồng. Sau đó, các giáo sư và các học trò của ngài đã thu thập tất cả các bản dịch Cựu Ước của ngài lại, và dịch bổ sung một vài sách thuộc đệ nhị Quy điển, mà cha Thuấn chưa dịch, rồi xuất bản với số lượng 30.000 bản.
 
Bộ Kinh Thánh Tân-Cựu Ước do cha Giuse Nguễn Thế Thuấn dịch đã được mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam đón nhận. Ngày nay, sau 38 năm xuất bản, mặc dầu đã xuất hiện nhiều bản dịch mới, nhưng bản dịch Kinh Thánh của cha Thuấn vẫn được yêu mến và đánh giá cao trong Giáo Hội Việt Nam, nhất là đối với những người nghiên cứu Thánh Kinh.
 
Cũng tại nơi đây nhóm nhạc Alleluia thuộc Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế ra đời trong khoảng giữa thập niên 1960.
 
Tất cả những bài ca vào đời đều do các thầy Học Viện lúc đó sáng tác với nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh, Thánh vịnh và cảm hứng từ một số bản nhạc vào đời của nhóm Alléluia Dòng Chúa Cứu Thế Canada. Trong số đó phải kể những gương mặt sáng còn lại trong Dòng và hiện đang là các linh mục Phêrô Nguyễn Thành Tâm, Giuse Trần Sĩ Tín, Phêrô Nguyễn Đức Mầu (biệt hiệu Hoàng Đức), Matthêu Vũ Khởi Phụng, Giuse Tiến Lộc, …v.v…
 
Nhóm Alléluia đã giới thiệu một khuôn mặt mới của Giáo hội với dân Chúa, nhất là với giới trẻ. Lần đầu tiên dân Chúa ở vùng Đà Lạt chứng kiến các linh mục ôm đàn guitar hát, đánh trống, thổi kèn biểu diễn cho họ xem. Các tu sĩ trở thành người phục vụ cho dân. Nhóm đã gây được ảnh hưởng rất lớn trong thời kỳ đó. Tuy thành công nhiều, nhưng cũng chịu nhiều thành kiến. Thành ngữ “cấp tiến” được gán cho DCCT bắt đầu từ thời kỳ này. Những bản Vào Đời của nhóm Alléluia đến nay vẫn được yêu mến: Vào Đời, Xuất Hành, Trên Đường Emmaus, Alléluia Hát Lên Người Ơi!, Quê Hương Thượng Đế …
 
Tầng mái, áp sát mái ngói, nơi Nhóm nhạc Alleluia luyện tập – Ảnh: Manna Khanh
 
Ðầu năm 1971, thời cha Henri Bạch Văn Lộc làm Bề trên giám tỉnh, Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được dời về Thủ Ðức, gần trung tâm văn hóa, để dễ tìm các giáo sư, dễ tiếp xúc, và giao lưu tốt hơn.
 
Sau biến cố 1975, Học Viện DCCT bị nhà cầm quyến chiếm giữ. Đến ngày 05.09.1978, tu viện biến thành Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Đà Lạt (nay là Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên).
 
Theo website của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (www.vast.ac.vn) thì thành tích nổi bật của Viện sinh học Tây Nguyên này là hàng năm có trên 50.000 du khách đến tham quan, nếu chia ra cho 365 ngày và 8 giờ trong một ngày thì mỗi giờ nơi đây chỉ đón tiếp 17 người khác, trong khi đó, cán bộ nhân viên của Viện bảo tang là 28 người. Số du khách mỗi giờ ít hơn số người làm ở đây. Còn các công trình khoa học thì cũng chỉ là “hàng năm thực hiện từ 8 đến 10 đề tài nghiên cứu các cấp, sản xuất và cung cấp cây giống cho địa phương trên 20.000 cây giống rau, hoa các loại” với 6 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 13 cử nhân và 13 người khác. Hoạt động du lịch không hiệu quả, mà nghiên cứu cũng chẳng đến đâu.
 
Sau nhiều năm bị sử dụng sai mục đích và không trùng tu đúng tiêu chuẩn xây dựng, Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt phần nào đã bị hư hại. Một phần của tu viện được dùng để làm nhà ở và nấu ăn của các nhân viên bán hàng lưu niệm và cây cảnh tại đây.
 
Chúng tôi có thể thấy tổng thể công trình chưa hề bị thay đổi gì. Cũng phải kể đến phần đóng góp lớn của vị giám đốc đầu tiên của Viện Sinh Học là tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ – Hà Sĩ Phu. Sau 1978, với tinh thần tôn trọng tôn giáo, tôn trọng niềm tin, tôn trọng công trình của niềm tin, tôn trọng khoa học lịch sử, tôn trọng sự thật, vị giám đốc đầu tiên và người thân của ông đã phải chịu rất nhiều khốn khó, tù đầy.
 
Trong số những người bị giáo điều điều khiển và bị mê hoặc vẫn có những người họ luôn làm theo lương tâm, theo đạo đức họ. Người ta nhìn về họ như những ngôi sao của ý thức hệ, luôn nghĩ về quê hương đất nước về niềm tin tôn giáo.
 
Tu viện gọi là bảo tàng, nhưng buôn bán như tiệm tạp hóa vậy – Ảnh: Manna Khanh
 
Không biết khi nào nơi trưng bày thú nhồi bông và bán đủ thứ tạp hóa này được trả lại cho không gian linh thánh như nó đã được hình thành và sử dụng ngay từ ban đầu?
 
Để kết lại câu chuyện về chuyến viếng thăm Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, chúng tôi muôn gửi tới nhà cầm quyền cộng sản Việt nam: hãy trả lại cho DCCT những gì thuộc về tài sản của Dòng để tu viện được sử dụng đúng mục đích. Lý do nào khiến quý vị cướp chỗ đào tạo nên những con người có ích cho dân tộc và cho tổ quốc như vậy? Phải chăng là chính sách tiêu diệt tôn giáo đến mãi hôm nay vẫn còn?

No comments:

Post a Comment