Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh thành đã tuân theo “chỉ đạo mật” của Bộ để giữ cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 không được cao hơn tỷ lệ các năm trước. Bí mật này mới được lộ ra trong hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 mới đây, giống như một quả bom gây sốc cho dư luận.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 20/7 vừa qua, ngành giáo dục đã làm cho dư luận một phen té ngửa. Đó là trong phần tổng kết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử.
Thêm một thông tin động trời khác nữa là một lãnh đạo Sở GDĐT đã tỏ thái độ rất bức xúc vì Sở này bị cắt thi đua do để tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 cao hơn năm trước thay vì đáng lẽ họ phải được khen theo lẽ thường.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 tại TP Hà Nội (ảnh minh họa)
|
Đọc những thông tin tường thuật về phiên tổng kết năm học của ngành giáo dục trên các báo, tôi thực sự choáng váng đến nỗi không dám tin vào mắt mình. Tại sao một chuyện phản giáo dục như vậy lại diễn ra ngay trong chính môi trường giáo dục? Tại sao lại có chuyện ngược đời: bị cắt danh hiệu thi đua vì để cho học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn năm trước?
Có nền giáo dục của nước nào được (hay bị) chỉ đạo một cách trớ trêu như nền giáo dục nước ta không? Tôi tự hỏi, bao nhiêu học sinh đã bị trượt oan, đã bị các thầy cô của họ đánh cho kỳ trượt để đảm bảo số lượng học sinh đỗ không “vượt trần” do Bộ quy định? Bao nhiêu cuộc đời có thể đã có một hướng rẽ khác, nếu như các thầy cô tôn trọng kết quả thật của bài thi các em?
Theo như báo cáo tổng kết của Bộ, thì việc “quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử”. Nghe thật nực cười, có phải Bộ đã “làm xiếc” với kết quả thi cử, kìm giữ tỷ lệ đỗ không cho vượt quá cao để chứng minh rằng ngành mình không chạy đua với căn bệnh thành tích? Nhưng đó chính là bệnh thành tích nặng đến mức vô phương cứu chữa chứ còn gì?
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là kết quả phản ánh trung thực nhất tình hình học hành của một lứa học sinh sau 12 năm đèn sách. Bởi vậy nó không thể đều chằn chặn như những viên gạch đúc cùng một khuôn, phải có năm thấp, năm cao tùy theo học lực của từng lứa học trò, vậy mà Bộ lại có một chỉ đạo thật nực cười: quyết không để cho tỷ lệ đỗ năm nay cao hơn năm trước.
Vậy là đã rõ, tất cả chỉ là trò diễn mà thôi, và học sinh vừa là diễn viên chính, diễn viên phụ kiêm luôn cascadeur đóng thế và những em bị trượt oan là “vật hy sinh” giúp cho những vị lãnh đạo ngành giáo dục muốn xã hội nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “ảo” đó để thừa nhận họ đã có một nhiệm kỳ “thành công, hiệu quả”.
Lãnh đạo Bộ GDĐT, lãnh đạo các Sở GDĐT sẽ phải trả lời ra sao đây trước những bậc phụ huynh đội mưa đội nắng thấp thỏm và lo lắng thắt lòng ngoài cổng trường thi, trước những đứa học trò gò lưng học hành ngày đêm để mong có một kết quả thi tốt nghiệp như ý? Họ sẽ trả lời sao với những người đã trót đặt niềm tin vào sự công minh và chính trực của những con điểm được viết vào bài thi, đâu có ngờ nó là vô nghĩa, khi mà tỷ lệ trần đỗ tốt nghiệp đã bị khống chế rồi, địa phương nào trót để học sinh đậu cao thì sẽ bị cắt thi đua.
Cứ nhìn vào cái cách người ta điều hành ngành giáo dục thế này, đừng hỏi tại sao mỗi năm lại càng thấy xã hội một tồi tệ đi. Học sinh học vì điểm giả, giáo viên dạy vì thành tích giả, Sở chỉ đạo tỷ lệ đỗ hay trượt, Bộ lấy yếu tố thành tích làm đầu, những nhân cách bị bóp méo, tri thức và học vấn bị đánh tráo bằng những trò mèo.
Càng ngày người dân càng mất lòng tin vào môi trường giáo dục, còn đâu nghĩa thầy trò cao đẹp khi tiêu cực núp bóng những chủ trương, chính sách len lỏi vào khắp nơi. Mới đây Sở GDĐT Hà Nội đã cho phép mô hình “giáo dục chất lượng cao” ngay trong chính trường công để cho trẻ biết thế nào là sự sung sướng mà chỉ có đồng tiền mới có thể đem lại. Rồi một trường ở Bà Rịa- Vũng Tàu lọc học sinh thông qua sổ đỏ, nhà nào chưa có sổ đỏ thì xin mời đem con về, muốn xoay sở ra sao thì xoay, chúng tôi không cần biết.
Càng nghĩ càng thấy rối bời, hoang mang và thương cho những đứa trẻ, nhân cách của chúng rồi sẽ ra sao trong một môi trường giáo dục tiềm ẩn bao nhiêu chuyện có thể khiến tâm hồn non nớt của chúng bị tổn thương. Nếu biết rằng Sở GDĐT 63 tỉnh thành đã bắt tay nhau để khống chế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT một cách vô nhân như vậy, chúng có còn lòng tin vào xã hội nữa không?
Thế mới biết có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không phải là vô căn cứ, vì cứ điểm ảo, tỷ lệ ảo, thành tích ảo nhưng tiêu cực thì năm nào cũng thật thế này, tổ chức làm gì cho hao tiền, tốn của, hại tâm tư của toàn xã hội.
Mà tốt nhất là hàng năm, thay vì tổ chức cho trò đi thi, nên tổ chức những đợt sát hạch lương tâm của những đấng bậc làm thầy, lúc ấy chắc là có khối chuyện hay ho để nói.
Theo Đất Việt
No comments:
Post a Comment