Wednesday, August 24, 2016

Trao Đổi Thư Tín - Hòa Ái RFA

Thông tin nổi bật nhất trong tuần qua liên quan đến vụ nổ súng ở Yên Bái mà
hậu quả là hai lãnh đạo cao cấp của tỉnh bị thiệt mạng.

*Vụ án Yên Bái và thái độ người dân*

Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận vì theo tin truyền thông Nhà nước Việt
Nam loan đi cả nạn nhân và thủ phạm gây án đều tử vong. Câu hỏi của những
người quan tâm và cũng là thắc mắc của nhiều khán thính giả cùng độc giả
Đài RFA đặt ra vì sao các đảng viên là những cán bộ lãnh đạo lại “thanh
trừng” nhau như vậy? Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái trích dẫn những
giả thuyết mà quý thính giả gửi về đài, cho rằng đó là động cơ giết chết
các đồng chí bằng những phát đạn của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, ông
Đỗ Cường Minh đối với Bí Thư tỉnh và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh ở Yên
Bái:

*“Nói tới Chi cục Kiểm lâm thì chắc là tham nhũng, ăn chia không đồng đều.
Đây là kết cuộc của địa phương quyền.”*

 *“Một việc không thể chối cãi, đó là vấn nạn buôn quan bán chức trong nội
bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đã mua chức thì phải kiếm lời. Và khi phải
thuyên chuyển nhân sự trong những nghành nghề béo bở bị ảnh hưởng đến quyền
lợi thì việc ‘tử hình’ hai đồng chí là một việc có thể hiểu được.”*

Nguyên nhân chính là các cán bộ, quan chức trong hệ thống đảng lãnh đạo nắm
quyền hành trong tay, chia chác quyền lực và lợi ích không đều nên thù hằn,
tiêu diệt nhau.
- Thính giả

 *“Nguyên nhân chính là các cán bộ, quan chức trong hệ thống đảng lãnh đạo
nắm quyền hành trong tay, chia chác quyền lực và lợi ích không đều nên thù
hằn, tiêu diệt nhau.”*

 *“Bè phái nhóm lợi ích sẵn sàng ra tay thảm sát nhau vì mâu thuẫn quyền
lực.”*

 *“Tôi là người Việt Nam rất yêu quý đất nước mình, không tham gia đảng phái
nào, không cổ xuý hay ca ngợi cái xấu, nhưng sự việc này có suy nghĩ thật
đáng sợ như hồi chuông bấy lâu nay chưa hề xảy ra. Vụ việc này như tia lửa
của que diêm nhỏ dẫn đến cháy cả một cái chợ khổng lồ là nội bộ của đảng
lãnh đạo hiện nay.”*

 *“Vụ giết nhau bằng súng ở Yên Bái là một gương sáng cho những ai đương
nhiệm, đương chức. Họ nên soi lại bản thân có phải là người tử tế không hay
là thành phần cơ hội ngồi mát ăn bát vàng, ăn trên ngồi trước trong khi còn
đó rất nhiều người dân nghèo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà dột cột
xiêu…Những quan tham như thế có đáng sống hay không?”*

 *“Ai chết dân Việt Nam còn đau buồn thương tiếc, chứ bọn lãnh đạo tranh
giành chức vụ, tham nhũng có chết thì cũng không ai đau buồn và thương tiếc
đâu.”*

 *“Những quan tham hại dân hại nước chết bớt chừng nào thì dân mừng chừng
đó. Cần phải soi lại chính mình đi, sao dân tình lại ghét như vậy?”*

Lãnh đạo không được lòng dân và sự bảo vệ của dân thì sớm muộn cũng bị diệt
dù có ra luật bảo vệ lãnh tụ cũng chẳng có ích gì. Tấm gương các nước ở
Liên xô vẫn còn đó, ráng soi cho kỹ.
- Thính giả

Hòa Ái nhận được chia sẻ của một thính giả qua Facebook, viết rằng “Điều
nhức nhối của xã hội Việt Nam là khi quan chức bị sát hại dù chưa biết rõ
nguyên nhân mà gần như dân chúng hả hê nhiều hơn so với niềm thương tiếc và
lo lắng, thậm chí tìm đỏ con mắt trên các trang mạng xã hội cũng khó thấy
một lời chia buồn cùng 3 gia đình trong vụ nổ súng ở Yên Bái. Không rõ
Chính phủ Việt Nam có nhận ra điều này không? Nhưng tôi bây giờ hiểu rõ
được vì sao Dự thảo Luật Cảnh vệ của Việt Nam phải có các quy định dành cho
nhân viên có chức vụ cao cấp trong Đảng Cộng sản lãnh đạo được bảo vệ đặc
biệt”. Về thông tin Dự thảo Luật Cảnh vệ được trình bày trước phiên họp thứ
hai của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vào hôm 15 tháng 8, Hòa Ái ghi nhận một
vài ý kiến của quý thính giả như sau:

*“Tham nhũng khủng khiếp, bè phái, đua nhau bóc lột người dân bằng
bao nhiêu loại thuế mà còn ra Chỉ thị 15 để bảo vệ tuyệt đối cho quan
chức mà không ai làm gì được...Ôi, những ‘đầy tớ nhân dân’ siêu
phàm của chế độ xã hội chủ nghĩa!”*

*“Điều này cho thấy Đảng bắt đầu lo sợ khi người dân ngày càng chán ghét hệ
thống tham nhũng từ trên xuống dưới của đảng lãnh đạo nên phải tăng cường
bảo vệ.”*

*“Thì ra đã hết cái thời ‘nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh
đạo’ rồi sao? Các vị lãnh đạo bây giờ không phải do dân bầu ra sao nên sợ
đến đổi phải bày ra ‘chế độ bảo vệ’ phải không? Xây tường, xây rào làm chi
khi nội bộ thanh toán lẫn nhau, kể cả bằng súng như ở Yên Bái, bảo vệ chặt
chẽ đến đâu chăng nữa cũng chưa chắc an toàn.”*

*“Lãnh đạo không được lòng dân và sự bảo vệ của dân thì sớm muộn cũng bị
diệt dù có ra luật bảo vệ lãnh tụ cũng chẳng có ích gì. Tấm gương các nước
ở Liên xô vẫn còn đó, ráng soi cho kỹ.”*

*“Cái gì cần cho đảng, cho chế độ thì nhanh lắm, còn cái gì cho dân như
Luật biểu tình thì cứ trì hoãn mãi.”*

  Nói đến Luật Biểu tình vẫn chưa được Quốc Hội Việt Nam thông qua, Hòa Ái
ghi nhận trong 2 tuần liên tiếp giáo dân ở giáo phận Vinh tổ chức các sinh
hoạt kêu gọi bảo vệ môi trường trong sạch. Hưởng ứng lời kêu gọi “Một ngày
vì môi trường” của Ủy ban Công lý và Hòa Bình giáo phận Vinh, vào ngày Chủ
Nhật, mùng 7 tháng 8, hàng ngàn giáo dân tuần hành với các biểu ngữ yêu cầu
nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh phải đóng cửa. Vào ngày 15 tháng 8, số người
tham gia lên đến hàng chục ngàn cũng chung tiếng nói buộc Formosa không
được tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam vì gây ra thảm họa ô nhiễm
môi trường.

Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do bày tỏ sự ủng hộ tinh thần kiên quyết của
tín đồ giáo phận Vinh. Thính giả Nguyễn Việt Thắng viết những dòng tâm tình
trên Facebook RFA “*Người dân toàn quốc cần phải sẵn sàng phối hợp với đồng
bào miền Trung bảo vệ công lý, lẽ phải để bảo vệ môi trường sống cho đất
nước.”*

Khi người dân nổi giận và dân chúng ở các tỉnh thành đều biểu tình, tỉnh
nào cũng năm ba ngàn người thì chắc chắn quân đội và công an không đủ lực
lượng để ngăn cản luồn sóng ào ạt của người dân.
- Thính giả Hùng Nguyễn

Trong khi đó, nhiều thính giả đề nghị Chính phủ Hà Nội cần phải tỉnh táo
đứng về phía người dân để nghe ý nguyện của họ là đóng cửa Formosa hầu
tránh các di hại cho các thế hệ con cháu của dân tộc Việt. Thính giả Bạch
Trinh lên tiếng rằng

*“Fomosa cần phải vĩnh viễn đóng cửa tại Việt Nam vì chúng gây thảm hoạ môi
trường khắp nơi. Mới vài năm hoạt động ở Hà Tĩnh mà biển đã trở thành vùng
chết, kéo dài 70 năm thì dân ta nước ta có còn không? Chúng ta đã khổ rồi,
thế hệ con cháu ta sống ra sao, có còn hình hài con người như cha ông nữa
không? Càng nghĩ tôi càng xót xa! Rồi vài năm nữa, lớp người có chức quyền
này chết đi, ai sẽ là người gánh trách nhiệm đây? Cần phải đóng cửa Fomosa
vì sự sống của chúng ta”.*

Thính giả Phú Xê chia sẻ *“Biết nói gì hơn trước thảm trạng quốc gia đây?
Dân cần biển sạch, cá sạch. Nhưng Đảng lãnh đạo cần sắt thép, cần đô la và
cần những nhà đầu tư như Formosa. Biết bao giờ Chính phủ Việt Nam nhận lỗi
và sửa sai với người dân về thảm họa Formosa như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
lên tiếng xin lỗi đã để đoàn xe sang trọng bóng loáng chạy vào phố cổ Hội
An”.*

Và thính giả Hùng Nguyễn kêu gọi:

*“Sẵn dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết điều còn xin lỗi thì hy vọng đảng
lãnh đạo thay đổi thể chế theo đúng đường lối quốc tế là ‘tự do-dân
chủ-nhân quyền’ cho toàn dân. Bây giờ có 30 ngàn đến 50 chục ngàn giáo dân
biểu tình để bày tỏ thái độ không chấp nhận Formosa hoạt động ở Việt Nam.
Khi người dân nổi giận và dân chúng ở các tỉnh thành đều biểu tình, tỉnh
nào cũng năm ba ngàn người thì chắc chắn quân đội và công an không đủ lực
lượng để ngăn cản luồn sóng ào ạt của người dân.”*

Hòa Ái xin được kết thúc chương trình hôm nay với nội dung ngắn gọn của một
thính giả gửi qua email đến Đài RFA rằng “Người dân Việt Nam chết lần mòn
vì mất đất mất nhà, chết vì môi trường ô nhiễm, thức ăn độc hại... Còn quan
chức Việt Nam thanh toán lẫn nhau vì quyền lực và lợi ích. Đất nước Việt
Nam đúng là hạnh phúc với những linh hồn vất vưỡng nơi thiên đàng mang tên
Xã hội Chủ nghĩa.”
  
Quý thính giả ở Hoa Kỳ có thể nghe các chương trình phát thanh của đài qua
số điện thoại 641-552-5011.

Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài
cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên
lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp
thư thoại tại số 202-530-7775.

Hòa Ái - RFA

No comments:

Post a Comment