Wednesday, August 24, 2016

Đảng & Ác Bá - Cánh Cò

Năm 2012 trên Cánh cò có bài “Cường hào ác bá đỏ”, lúc ấy tập trung vào vụ
án khu cống Rộc của anh em Đoàn Văn Vươn với các chi tiết:

*“7 giờ 30 phút ngày 5-1, hơn 100 cán bộ công an, quân đội và đại diện các
ban ngành chức năng tiến hành cưỡng chế hơn 50 ha đầm nuôi trồng thủy sản,
trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi của Đoàn Văn Vươn tại khu cống Rộc, xã
Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Khi các cơ quan tiến hành cưỡng chế đã bị gia
đình ông này quyết liệt chống trả lại bằng vũ khí trong đó có chất nổ và
súng hoa cải gây thương tích nặng cho một số công an trong đó có một thượng
tá chỉ huy vụ cưỡng chế này.”*

Đó là cường hào lớn, cường hào có môn bài có cương lĩnh và có cả Quốc hội
phía sau. Còn cường hào nhỏ như “cái đêm hôm ấy đêm gì” hay “mùa sưu thuế ở
Thanh Hóa” thì cả nước làm sao đếm xuể.

Vậy cường hào là ai và ác bá là kẻ nào.

Theo nhiều tự điển lẫn các tác phẩm văn học viết về hai nhóm này thì cường
hào là chính quyền cấp thấp xuất hiện từ thời Pháp thuộc, có nhiệm vụ thay
chính phủ bảo hộ lo việc thu thuế, quản lý nhân khẩu và các thủ tục hành
chánh khác. Những chức vụ như chánh tổng, hay có nơi gọi là cai tổng, lý
trưởng, hương quản . . .là kẻ thù của dân chúng bởi sự hống hách lạm quyền
và nhất là dẫm lên luật pháp muốn bắt giữ, tra khảo hay tống giam ai cũng
được để từ đó khi nghe tới hai chữ cường hào là người dân phát khiếp, run
rẩy như thấy cọp về làng.

Về ác bá thì miền Bắc có danh từ địa chủ còn trong Nam thì có bá hộ hay
điền chủ, những kẻ có tiền bỏ ra mua đất cho người nông dân thuê lại để làm
ruộng. Tài sản và sự giàu có của họ phải nương vào cường hào để trấn áp
người dân nào không nộp tô đúng quy định, sự hợp tác này hình thành cụm từ
“cường hào ác bá” như một cặp song sinh, cộng sinh với nhau trên xương máu
người dân.

Khi bản tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Hà Nội vào năm
1945 người dân ở các thôn xã xa xôi của miền Bắc hớn hở tin rằng nạn cường
hào sẽ không còn đất sống. Người dân không thể ngờ rằng trong nỗ lực tiêu
diệt Việt gian, cường hào, địa chủ. . . Đảng Lao động Việt Nam, sau này đổi
tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, đã phát động chương trình Cải cách ruộng đất
và cuộc cải cách này tiêu diệt cường hào địa chủ thì ít mà tận diệt người
dân thường thì nhiều.

Tưởng đâu nạn cường hào ác bá chấm dứt nhưng cũng từ năm ấy chính người
Cộng sản lại tự cấy hạt giống cường hào vào chính tâm hồn họ một cách âm
thầm nhưng khốc liệt để tới ngày nay người dân mới nhận ra được cái lõi của
con người cộng sản với tấm căn cước mới: cường hào đỏ.

Các vụ lớn như Quỳnh Lưu, Tiên Lãng không hề làm cho chế độ lo sợ bởi người
cộng sản đã trang bị tận răng tâm lý chết sống một lòng của người đảng viên
đối với quyền lợi và miếng cơm manh áo của họ. Hình ảnh cai tổng thời Pháp
thuộc được thay vào đó là Huyện ủy, Tỉnh ủy hay Ủy viên trung ương. Lý
trưởng, hương quản là chỉ huy các lực lượng công an, an ninh sẵn sàng bóp
họng người dân nào không tuân lệnh đảng.

Cường hào không làm ra tiền được, chúng chỉ ăn cắp hay ăn cướp của dân. Mà
muốn cướp thì phải có của để mà cướp, người dân chỉ còn có đất thì nhà nước
cướp một lần thật gọn: đó là chính sách quản lý đất đai không cho người dân
nào có quyền sở hữu dù một mảnh vườn một mẩu đất con con.

Từ đó, cường hào lớn nhất đối với bần nông chính là Đảng cộng sản Việt Nam
khi chính đảng chủ trương sở hữu đất đai toàn diện.

Do không có quyền gì trên mảnh đất đang canh tác nên khi ác bá xuất hiện
thì hoạt cảnh cường hào tiếp tay với ác bá lại diễn ra như thời Pháp thuộc.

Nếu ác bá thời xưa là địa chủ, hay điền chủ, bá hộ thì ngày nay ác bá chính
là các công ty kinh doanh lớn nhỏ, cấu kết với bọn cường hào là chính quyền
các cấp tước đoạt đất đai tài sản của người dân.

Dương Nội với ác bá Geleximco, Văn Giang với Ecopark và hàng trăm vụ khác
diễn ra trên khắp đất nước này.

Kết hợp với ác bá người Việt chưa đủ, đám cường hào đỏ còn táo tợn cấu kết
với bọn ác bá nước ngoài để tận thu tài nguyên quốc gia. Từ Bauxite tới
Vũng Áng những ác bá hiện đại nguy hiểm gấp ngàn lần thời thực dân, chúng
tiêu diệt tới cùng từng sự sống nhỏ bé nhất. Guồng máy cường hào không ai
kiểm soát ấy cứ vận hành ngày đêm thách đố lương tâm người Việt qua hơn 70
năm và còn tiếp tục gậm nhấm dài lâu tiến trình phát triển trên lưng người
dân cùng khổ.

Cường hào và ác bá chỉ sợ duy nhất một nền pháp luật công minh, vì lẽ đó
Đảng Cộng sản hết lòng khuyến khích một nền pháp lý què quặt và trình diễn.
Cường hào lớn cách nào cũng không vào tù, ác bá độc ác cách mấy cũng có thể
mua chuộc pháp luật. Formosa, tên ác bá mới và lớn nhất vừa mua chuộc pháp
luật Việt Nam với cái giá 500 triệu đô la.

Hàng trăm ngàn dân oan cả nước kêu thấu trời xanh nhưng chưa có một nhân
vật nào dù nhỏ nhất phải vào tù vì cướp đất. Tiếng kêu khản họng của dân
oan như vọng vào sa mạc, họ sống mà như đã chết, uất hận tận cùng rồi cũng
chỉ trông mong vào luật nhân quả, mà hỡi ơi, nhân quả hình như không có
thật ở cõi đời này.

Với ác bá Formosa tuy mạnh nhưng đụng vào lịch sử: Quỳnh Lưu, nơi đang có
các cuộc đấu tranh trực diện với cường hào xứ Nghệ. Và phản ứng của người
dân tại các tỉnh miền Trung khác với phản ứng cam chịu của người dân oan
mất đất, họ tập trung lại biểu tình, đỏi bồi thường và nhất là đỏi đuổi cổ
tên ác bá Formosa ra khỏi đất đai của họ.

Lịch sử xoay vần, tạo nên rồi lại diệt.

Cánh Cò - RFA

No comments:

Post a Comment