Thursday, March 19, 2015

Những bài thơ với tinh thần phản tỉnh

Nguyễn Trọng Bình
 
Trước hết, tôi muốn nói một điều (có thể sẽ chạm tự ái các “ông bà thi sĩ” đương thời) là khoảng vài năm trở lại đây trên thi đàn Việt Nam tuy đang bị “lạm phát thơ”, “lạm phát nhà thơ” nhưng nếu ai đó có đốt đuốc đi từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến mũi Cà Mau cũng khó mà tìm ra bài thơ nào mà hồn thơ lại “chạm” đến nỗi niềm và “thân phận dân tộc” tầm cỡ như những bài dưới đây của Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, Trần Tiến,…. Những bài thơ mà theo tôi, nếu như ai đó còn mang nặng trong đầu những “hạt mầm định kiến” về chuyện“văn học phải phục vụ chính trị” một cách máy móc và mê muội sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng nếu họ biết gạt bỏ những hạt mầm định kiến ấy ra chắc chắn họ sẽ tin và sẽ yêu văn chương nghệ thuật hơn bởi nó chính là cứu cánh cho tâm hồn con người trong cái hành trình vươn tới cái đẹp của cuộc sống. Từ đó sẽ biết quan tâm và trân trọng người nghệ sĩ hơn (dĩ nhiên là những người nghệ sĩ đích thực chứ không phải nghệ sĩ giả danh).
Đồng cảm với cách gọi của nhà nghiên cứu Chu văn Sơn khi cho rằng “Nhìn từ xa… Tổ quốc” là một “trường ca ngắn” từ đây tôi cũng mạo muội tiếp lời, với “Tạ lỗi Trường Sơn”của Đỗ Trung Quân và “Trần trụi” của Trần Tiến tổng cộng chúng ta có 3 “trường ca ngắn”.
1. Đỗ Trung Quân và Tạ lỗi Trường Sơn năm 1982
Không biết bạn đọc nghĩ gì sau khi đọc xong bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân nhưng với riêng tôi, đây là một bài thơ không những rất hay mà còn rất cần thiết cho mỗi người trong chúng ta hôm nay tự nhận thức, tự hoàn thiện bản thân mình. Đồng thời biết chân thành lắng nghe những sự thật từ cuộc sống và sự thật trong tâm hồn mình với tinh cầu thị, sửa sai để đưa đất nước và con người Việt Nam ngày một văn minh, tiến bộ. “Tương truyền”, bài thơ này nhà thơ Đỗ Trung Quân viết xong năm 1982 nhưng do không khí xã hội lúc ấy, ông không thể công bố. Dưới đây là nguyên văn bài thơ:
1.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục,ăn chơi
“Hiện sinh-buồn nôn-phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các,cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!
2.
Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
Có anh thợ điện ra đi không về
Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ
Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa
Đi từ tuổi hai mươi
Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc
Có ai hỏi những hàng dương xanh
Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước
Tội nghiệp những đêm Sài Gòn đốt đuốc
Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không
Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
Những vị giáo sư trên bục giảng đường
Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc
Sài Gòn của tôi-của chúng ta.
Có tiếng cười
và tiếng khóc
3
Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người
giã từ ghế đá công viên
để sống đời lương thiện
Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát .hy sinh…
4
Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân danh Hà Nội
Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời
Chửi hả hê
Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình
Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
Những bà mẹ làm ra hạt lúa
Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch
Bây giờ
Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
đã bờm xờm râu tóc,cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực áo,cũng xỏ dép sa bô
Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi,casette, radio…
Bia ôm và gái
Các anh ngông nghênh tuyên ngôn “khôn & dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ
Sài Gòn 1982 lẽ nào…
Lại bắt đầu ghẻ lở?
5
Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật
6
Xin ngả nón chào các ngài
“Quan toà trong sạch”
Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
Bình thản đổi thay lốt cũ
Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
Hồn nhiên xanh muôn thuở
để yên cho xương rồng,gai góc
Chân thật nở hoa
Này đây!
Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
Nơi một góc (chỉ một góc thôi)
Sài Gòn bầy hầy ,ghẻ lở
Bây giờ…
Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào “thượng đế”
Khi sống hả hê giữa một “thiên đường”
Ai bây giờ
Sẽ
Tạ lỗi
Với Trường Sơn?
2. Nguyễn Duy và Nhìn từ xa… Tổ quốc năm 1988
Thỉnh thoảng đọc lại bài thơ này mới biết Nguyễn Duy là một nhà thơ “cự phách”. Càng đọc càng thấm thía. Ví như những câu này:
“Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”
Hay:
“Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói
Vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn”
Và nhiều câu, nhiều đoạn  khác nữa. Nhiều khi tôi tự hỏi sao mà Nguyễn Duy “cả gan” thế nhỉ? Theo tôi, sự “cả gan” này là biểu hiện của lòng quả cảm của một nhà thơ chân chính. Nguyễn Duy đích thực là “thi bá” trong làng thơ Việt hiện nay. Dưới đây là nguyên văn bài thơ… [Văn Việt đã đăng ngày 1/3/2015]
3. Trần Tiến và “Trần trụi” năm 1987
Nhạc sĩ Trần Tiến thì quá nổi tiếng rồi. Ông vốn được mệnh danh là “kẻ du ca” của Việt Nam với những bài hát nghe là “đã” như: “Mặt trời bé con”, “Vết chân tròn trên cát”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Tùy hứng Lý qua cầu”, ‘Chị tôi”, “Sắc màu”… Tuy vậy, để có được những thành tựu mà nhiều người biết đến ấy, Trần Tiến cũng đã bao phen “lên bờ xuống ruộng”. Đặc biệt nhất là vào năm 1987 của thế kỷ trước ông từng bị cấm biểu diễn vì sáng tác những ca khúc với tinh thần “đổi mới”, “tự vấn” và “nhìn lại” rất thẳng thắn và đầy trách nhiệm như: “Ý nghĩ trong phòng hải quan”, “Đồng hồ” và đặc biệt là ca khúc “Trần trụi”… Ca khúc này nếu tách vỏ âm nhạc ra thì với riêng tôi đây là một bài thơ mà tinh thần của nó cũng không thua gì “Tạ lỗi Trường Sơn” của Đỗ Trung Quân và “Nhìn từ xa… Tổ quốc” của Nguyễn Duy ở trên. “Hãy quay lại nhìn lại chính mình, nhìn rõ chính mình” là tinh thần chung của bài thơ – một sự phản tỉnh vô cùng cần thiết cho những ai mãi mê đắm chìm trong những lời tụng ca đầy giả trá về sự giàu đẹp và kiêu hãnh của quê hương nhưng lại không thấy hoặc cố tình không chịu nhìn để thấy những lạc hậu, trì trệ, nghèo khó của dân tộc. Dưới đây là nguyên văn bài thơ:
 
Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga,
Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ
Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương
Cũng chính vì…
Anh có đau không ?
Tôi đã thấy người mẹ năm xưa chào đón quân đi.
Mẹ mang mo cơm nuôi từng chiến sĩ
Bà mẹ nào giờ đây lang thang xin ăn bên những toa tàu
Anh có đau không anh,
Chị có đau lòng không?
Đừng hát, xin đừng mãi ngợi ca,
Những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh,
Mà quên đi áo cơm và hoa hồng!
Không, những người lính nằm xuống, không hề mong nhìn thấy quê hương hôm nay,
Đôi tay ăn xin cào xé tim ta
Không, xin đừng nói giả trá.
Đâu rồi những bàn tay năm xưa gian lao,
Nay ta bên nhau xây lại đời sống, vì tự do áo cơm và hoa hồng?
Tôi đã thấy bạn tôi lao công trên đường phố Nga,
Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ
Người Việt tài năng lang thang nơi đâu
Xa dấu quê nhà …..
Anh có đau không?
Tôi đã thấy người Việt năm xưa con Rồng cháu Tiên
Thật thà yêu thương nhau xây dựng nước
Người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư
Khôn quá hoá hèn
Anh có đau không anh.
Chị có đau lòng không?
Đừng hát, xin đừng mãi ngợi ca,
Những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh
mà quên đi áo cơm và hoa hồng
Không, những người lính nằm xuống không hề mong nhìn thấy quê hương hôm nay, đôi tay ăn xin cào xé tim ta
Không, xin đừng nói giả trá!
Đâu rồi những bàn tay năm xưa gian lao, nay ta bên nhau xây lại đời sống vì tự do, áo cơm và hoa hồng
Không những người lính nằm xuống, vẫn chờ mong nhìn thấy Quê hương hôm nay, sau bao gian lao, no ấm yên lành!
Hãy quay lại nhìn lại chính mình …
Hãy quay lại nhìn rõ chính mình …
Hãy quay lại nhìn về quê hương hôm nay
Anh có đau không?”
4. Vĩ thanh
Thời gian gần đây, có nhiều cuộc tranh luận về vị trí của thơ trong đời sống của con người thời kỹ thuật số, những tranh luận về những “hiện tượng thơ” mới nổi trên thi đàn, những tranh luận về những cuộc “cách mạng” nhằm đổi mới thi nền thi ca của dân tộc trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Dù rất trân trọng trước những ưu tư, trăn trở cũng như ý thức sáng tạo trong lao động nghệ thuật của các nhà thơ đương đại, tuy nhiên, tôi cũng mạo muội góp bàn một ý thế này: những ai muốn cách tân đổi mới nền thi ca nước nhà, theo tôi trước hết, cần phải chuẩn bị “tâm thế” bao gồm: vốn tri thức, vốn văn hóa, lòng quả cảm đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa nghệ thuật và cuộc đời (ở đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân trước vận mệnh của cả dân tộc và đất nước) như các vị tiền bối Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, Trần Tiến qua ba “trường ca ngắn” ở trên. Nếu chưa chuẩn bị cái tâm thế này thì theo tôi, các thi sĩ hãy cứ thoải mái… thử nghiệm chứ không nên vội vàng tuyên bố này nọ. Thơ cũng chính là cuộc đời mà đời thì “việc gì đến sẽ đến”, không nên quá nôn nóng!

Cần Thơ, 2014
Tháng 2/2015

NTB

Yểm Trợ Liên Lạc
Freespeech4vietnam
2127 Cliff Road, Suite H
Eagan, Minnesota. 55122
email: freespeech4vietnam@gmail.com
612-986-4914 cell
612-567-1719 voice mail
408-634-9703 cell

No comments:

Post a Comment