Trao Tuyên bố 258 cho sứ quán Thụy Điển
Blogger Lê Thiện Nhân nói buổi gặp mặt tại đại sứ quán Thụy Điển diễn ra một cách "thân thiện và cởi mở"
Nhóm blogger tới đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội để trao Tuyên bố chung của mạng lưới blogger Việt Nam trong đó phản đối điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Trả lời phỏng vấn BBC vào chiều cùng ngày, ông Lê Thiện Nhân, một trong các blogger có mặt tại đây, nói họ đã gặp một số trở ngại nhất định trên đường đến tòa đại sứ.
"Sáng nay khi chúng tôi đến trước cửa đại sứ quán thì lực lượng công an rất đông," ông nói.
"Có bốn người của đại sứ quán ra đón, sau đó chúng tôi vào trót lọt."
Tuy nhiên ông Nhân cho biết thêm chỉ có năm trên tổng số sáu blogger có mặt theo dự kiến, riêng blogger Nguyễn Vũ Hiệp không thể tới nơi vì bị công an giữ tại nhà.
Blogger này cho biết cuộc nói chuyện diễn ra khoảng hai tiếng, với sự có mặt của Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Elenore Kanter (trang web của đại sứ quán Thụy Điển ghi chức danh của bà Kanter là Bí thư Thứ nhất Phụ trách Chính trị và Kinh tế).
"Thân thiện, cởi mở"
Ông Nhân cũng cho biết không khí trao đổi giữa hai bên là "thân thiện" và "cởi mở".
"Chúng tôi trao đổi trong không khí rất cởi mở những vấn đề về tự do báo chí, về dân oan bị mất đất, vấn đề về hệ thống pháp luật cũng như chống tham nhũng ..."
"Họ có nói là những thông tin các bạn đưa, chúng tôi sẽ chuyển lên Bộ Ngoại giao Việt Nam và chuyển lên EU để người ta nắm được tình hình và sẽ có tiếng nói, có sự can thiệp."
Trả lời trước câu hỏi tại sao các blogger lại chọn gửi Tuyên bố 258 đến đại sứ quán Thụy Điển, ông Nhân cho biết cả "Đại sứ quán Mỹ và Thụy Điển là hai đại sứ quán tỏ ra quan tâm đặc biệt và tỏ ra rất nhiệt tình," đồng thời tiết lộ trong thời gian tới sẽ tiếp tục gửi bản tuyên bố này đến các đại sứ quán khác.
Cũng theo blogger này, đại diện của đại sứ quán Thụy Điển đã nhắc đến những hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các công trình nhà máy, bệnh viện và ngoài ra còn có cố vấn về tư pháp trong việc chống tham nhũng ở Việt Nam.
"Chúng tôi cũng giải thích rõ rằng ở Việt Nam, càng chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng tăng, không hề giảm," blogger này nói.
"Khi mà luật pháp Viêt Nam nếu mà không đứng độc lập được, vẫn phụ thuộc vào Đảng thì không thể có một hệ thống pháp luật minh bạch.
'Bất chấp khó khăn'
Các blogger Việt Nam cũng đã có mặt tại Bangkok để trao Tuyên bố 258 đến các tổ chức quốc tế
Trong một diễn biến liên quan, blogger Nguyễn Lân Thắng chiều 7/8 cũng vừa thông báo trên tài khoản mạng xã hội đã trao Tuyên bố 258 cho đại diện của Google tại Bangkok.
Trước đó, ông Thắng cùng một vài blogger khác cũng đã trao bản tuyên bố này cho hàng loạt các tổ chức, cơ quan theo dõi nhân quyền và tự do báo chí quốc tế tại đây.
Một vài người trong nhóm này đã bị an ninh sân bay tạm giữ và bị khám xét hành lý, sau đó được thả ra.
Blogger Nhân nói với BBC rằng các cá nhân đại diện đi trao bản tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam đã "xác định trước sẽ bị gây khó khăn".
"Trước khi triển khai công việc để chuyển tuyên bố này, chúng tôi đã phải làm việc một cách bí mật. Để đến được trước cửa đại sứ quán thì cũng đã có rất nhiều sự ngăn cản của chính quyền, thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm," ông nói.
Dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng sẽ tìm cách chuyển những thông điệp của những blogger trong nước đến với công luận quốc tế và hy vọng tiếng nói của quốc tế có thể can thiệp một phần nào đó vào tình hình nhân quyền tại Việt Nam."
No comments:
Post a Comment