Tại Việt Nam, một số đảng viên kỳ cựu và cao niên của đảng Cộng sản đã kêu gọi cùng nhau bỏ đảng để lập ra một đảng chính trị mới, hiện diện song hành và đối lập với đảng Cộng sản, dưới tên gọi là đảng Dân Chủ Xã Hội.
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nội dung và chủ trương kinh tế của một đảng "Dân Chủ Xã Hội" như đã thấy tại nhiều xứ khác. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích về vấn đề này.
Sự chuyển động mới
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ mấy năm nay, người ta thấy nổi lên trào lưu kêu gọi cải cách toàn diện ở Việt Nam và xuất phát từ những nhân vật xưa kia từng phục vụ, hoặc có thiện cảm với chế độ, hoặc còn là đảng viên đảng Cộng sản. Thí dụ như năm 2011 có kiến nghị rồi ý kiến công khai vào các Tháng Bảy, Tháng Chín; qua năm 2012 thì họ gửi thư ngỏ lên lãnh đạo về cùng yêu cầu đó; đầu năm nay thì có 72 nhân sĩ và trí thức đưa ra kiến nghị tương tự để cứu nguy Việt Nam trước nhiều vấn đề dồn dập về kinh tế và an ninh.
Song song, một tầng lớp trẻ của Việt Nam đã phát biểu nguyện vọng qua nhiều diễn đàn khác nhau, nhưng khác với các nhân vật tương đối cao niên kia, thành phần trẻ đã bị giam cầm rồi còn bị truy tố về tội danh như có âm mưu lật đổ chế độ. Trong bối cảnh đó thì tuần qua đã có những kêu gọi và vận động liên tục của hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận về việc đồng loạt ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam để thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội. Thưa ông Nghĩa, thuần về kinh tế thì ông nghĩ sao về sự xuất hiện của một đảng Dân Chủ Xã Hội như đang được kêu gọi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như mọi người bình thường, tôi thiển nghĩ đây là biến cố đáng chú ý vì lời kêu gọi xuất phát từ các nhân vật đã từng là đảng viên Cộng sản trong nhiều năm, dù không thuộc vào tầng lớp lãnh đạo. Dĩ nhiên là lời kêu gọi phải có sự phối hợp hay kết hợp với những vận động khá rộng rãi từ nhiều năm nay như ông vừa nhắc lại. Một cách khách quan thì đây là một sự chuyển động có ý nghĩa tốt đẹp cho Việt Nam vì không ai có thể phủ nhận là xứ này cần thay đổi để ra khỏi những bế tắc và rủi ro. Đi vào câu hỏi ông nêu về khía cạnh kinh tế của một đảng Dân Chủ Xã Hội, tôi nghĩ là tình hình còn quá mới để ta có thể biết được chủ trương kinh tế của những người đề xướng.
Một cách khách quan thì đây là một sự chuyển động có ý nghĩa tốt đẹp cho Việt Nam vì không ai có thể phủ nhận là xứ này cần thay đổi để ra khỏi những bế tắc và rủi ro.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Qua lời phát biểu của các nhân vật công khai đề xướng, dư luận chú ý đến hai chi tiết. Thứ nhất là sự hiện hữu trước đây của hai đảng Dân Chủ và Xã hội, sau này lại bị đảng Cộng sản giải thể, cho nên việc lập ra một đảng Dân Chủ Xã Hội có thể là một nối tiếp tốt đẹp hơn khi Việt Nam có chế độ đa đảng. Thứ hai là luận cứ có vẻ ôn hòa hơn của Karl Marx khi về già, cho nên sự hiện hữu của đảng Dân Chủ Xã Hội bên cạnh đảng Cộng sản có khi là một biểu hiện khác của lý tưởng cách mạng do Marx đề ra từ cuối thế kỷ 19. Ông nghĩ sao về hai chi tiết này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi vẫn cho là còn quá mới để ta hiểu ra nội dung hay tôn chỉ của đảng Dân Chủ Xã Hội, có khi là biểu hiện lý tưởng của hai yêu cần then chốt nhất là dân chủ về chính trị và xã hội về chính sách. Còn chi tiết về "Marx trẻ" hay "Marx già" thuộc lĩnh vực hàn lâm và có lẽ là mối quan tâm của giới lý luận. Họ muốn thực hiện lý tưởng công bằng xã hội mà không ôm lấy lý luận đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản của Marx, về sau được Lenin khai triển và áp dụng thành hệ thống tư tưởng Mác-Lenin, nay vẫn được Trung Quốc và Việt Nam đề cao.
Mối liên hệ chính trị - kinh tế
Tuyên truyền cho ĐCSVN trên màn hình máy tính của một nhân viên nhà nước. AFP photo
Vũ Hoàng: Chúng tôi biết rằng ông tránh bình luận về chính trị hàn lâm mà muốn tập trung vào đề tài kinh tế của tiết mục này. Nhưng thưa ông, từ nhà tư tưởng Adam Smith vào thế kỷ 18 đến Marx vào thế kỷ 19 thì kinh tế và chính trị là hai mặt khó tách rời, cho nên ngay từ đầu, khoa kinh tế mới có tên gọi là "kinh tế chính trị học". Nếu chúng ta nhìn trong một viễn cảnh dài thì sự xuất hiện của một chính đảng như đảng Dân Chủ Xã Hội có đóng góp gì cho kinh tế Việt Nam? Một cách cụ thể, nhiều nước dân chủ cũng có đảng Dân Chủ Xã Hội hoặc dưới một tên gọi khác như đảng Lao Động hay đảng Xã Hội. Ông trả lời thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được đi từ viễn cảnh dài đó để mình hiểu ra tự sự trước khi nói đến chuyện kinh tế của riêng Việt Nam.
Thứ nhất, ta cần thấy một thực tế là tầm hiểu biết có giới hạn của mọi người trước nhiều biến cố lớn của nhân loại. Thí dụ như cuộc cách mạng chính trị tại Pháp vào cuối thế kỷ 18 cũng có khía cạnh tôn giáo, hay cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh sau đó cũng có khía cạnh xã hội. Hai biến cố ấy gây ra phản ứng dội ngược về cả chính trị, tôn giáo lẫn kinh tế và xã hội khi tiến trình sản xuất bị đảo lộn. Trong nhất thời, sự đảo lộn đó dẫn tới sự hình thành của tư tưởng cách mạng và lý luận xã hội chủ nghĩa, với hàm ý là phải quan tâm đến công bằng xã hội và số phận của thành phần lao động bị xáo trộn và thiệt thòi nhất, là lực lượng thợ thuyền.
Từ đó Âu Châu mới xuất hiện trào lưu gọi xã hội, theo hướng ôn hoà hay cực đoan, cải lương hay cách mạng, kết tinh vào các phong trào gọi là đệ nhất, đệ nhị hay đệ tam quốc tế.... Giữa những biến động này, ta không quên phần đóng góp quan trọng của dân tộc Đức về triết học, hay của dân tộc Nga về vai trò của bạo lực và ách độc tài. Hai đóng góp này kết tinh vào chủ nghĩa Mác-Lenin và tổ chức "Đệ tam Quốc tế" do Lenin dựng ra năm 1919 sau cuộc Cách mạng Nga.
Chế độ dân chủ không thể là mục tiêu hay lý tưởng có khả năng giải quyết mọi vấn đề. Nó chỉ là chế độ ít tệ hại nhất vì tạo điều kiện cho sự cải sửa kinh tế và thăng tiến xã hội.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nói vắn tắt lại, tư tưởng xã hội hay lý luận về xã hội chủ nghĩa xuất phát trước tiên từ Âu Châu vào thế kỷ 19 và lan qua các châu lục khác trong thế kỷ 20. Nhưng đáng tiếc là phương pháp bao động tinh vi của Lenin đã cưỡng đoạt lý tưởng ban đầu, khiến các tư tưởng xã hội kia đều bị diệt. Nôm na là khi phe "đệ tam" cầm quyền thì "đệ nhị" hay "đệ tứ" đều bị thủ tiêu hoặc vào tù. Việt Nam cũng không ra khỏi thảm kịch đó từ khi lý tưởng xã hội và độc lập của các nhà cách mạng tiền bối thời chống Pháp bị xu hướng "Đệ tam Quốc tế" sang đoạt và làm tha hóa với sự xuất hiện của các đảng Cộng sản, như tại Pháp năm 1920, tại Trung Quốc năm 1921 hay tại Việt Nam vào năm 1930. Cũng vì vậy và do lý luận về chuyên chính vô sản, xã hội chủ nghĩa mối bị đồng hóa với cộng sản, và biến chất thành một ách chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản.
Vũ Hoàng: Phải chăng vì vậy mà ngày nay cứ nói đến "xã hội chủ nghĩa", dư luận lại rùng mình nghĩ đến tai họa của ý thức hệ cộng sản? Vả lại, hai đảng Cộng sản của Trung Quốc và Việt Nam đều chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm nhiều người bị dị ứng với chữ "xã hội chủ nghĩa"?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng vậy và tôi trộm nghĩ rằng những người muốn lập ra đảng Dân Chủ Xã Hội cho Việt Nam đang nhấn mạnh đến khía cạnh Dân Chủ, tức là chấm dứt ách độc đảng của lý luận chuyên chính vô sản và nguyên tắc độc tài ngụy danh là "dân chủ tập trung" để nhờ đó thực hiện một chế độ kinh tế công bằng hơn cho xã hội.
Vũ Hoàng: Ông bắt đầu nhắc đến một chế độ kinh tế khác có nội dung công bằng hơn. Phải chăng, đấy là chủ trương kinh tế của những người muốn lập ra một đảng Dân Chủ Xã Hội?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi trộm nghĩ vậy vì mặc dù mới chỉ tập trung vào ưu tiên chính trị là xây dựng một sân chơi dân chủ, thì người ta vẫn sẽ phải tìm ra giải đáp cho câu hỏi là "dân chủ để làm gì?" Chế độ dân chủ không thể là mục tiêu hay lý tưởng có khả năng giải quyết mọi vấn đề. Nó chỉ là chế độ ít tệ hại nhất vì tạo điều kiện cho sự cải sửa kinh tế và thăng tiến xã hội.
Thuần về kinh tế và xã hội, Việt Nam hiện có nền kinh tế bất ổn và xã hội bất công với một thiểu số có quá nhiều đặc lợi nhờ đặc quyền tập trung vào trong tay các đảng viên và thân tộc trong khi đại đa số chưa có tiềm năng phát triển cho sự giàu mạnh của cả quốc gia. Đáng lẽ, cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" hiện nay phải tập trung vào việc nâng cao mức sống và tầm nhìn cho đại đa số bần cùng ở dưới. Khoảng trống này về lý luận và tôn chỉ có thể là một ưu tiên cho đảng Dân Chủ Xã Hội. Những người chủ trương phát triển kinh tế bằng quy luật thị trường và quyền tự do kinh doanh lẫn quyền tư hữu, tức là thuộc về một xu hướng bảo thủ hay tự do hơn xu hướng xã hội, cũng không thể phủ nhận được ưu tiên này.
Tình hình Việt Nam
Băng rôn tuyên truyền cho ĐCSVN giăng khắp nơi ở Hà Nội. RFA photo
Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến hai xu hướng tự do và xã hội mà ta có thể thấy trong các nước khác. Ở Việt Nam thì ra sao và ngoài đảng Dân Chủ Xã Hội, xứ này có cần một đảng khác hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ mỗi quốc gia vào mỗi thời đều có những ưu tiên riêng nên mới có thay đổi trong kết quả bầu cử và ưu tiên của xứ này không nhất thiết là chân lý cho xứ khác. Nói chung, xu hướng tự do thì chú ý đến phát triển kinh tế để tạo ra của cải và trong tiến trình phát triển thì cũng có những người bị thua sút. Khi ấy, xu hướng xã hội mới đòi tái phân lại của cải đó để tiến tới công bằng hoặc ít ra giảm thiểu nạn bất công. Nhưng nếu xứ sở chưa có của cải thì chỉ tái phân sự nghèo khổ, vì vậy mỗi giai đoạn lại có một ưu tiên và không một đảng nào lại có độc quyền chân lý để cầm quyền mãi mãi. Trường hợp của Việt Nam cũng vậy. Trong hiện tại, các chuyên gia hay trí thức thất vọng với chế độ đều có chung cái nhìn là phải ra khỏi tình trạng quá sức bất công hiện nay và dân chủ là một bước cần thiết. Nếu họ làm cho người dân hiểu rõ như vậy thì sẽ có khả năng vận động rộng lớn hơn.
Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta vừa nói đến ba ưu tiên xã hội, kinh tế và chính trị của yêu cầu đa đảng tại Việt Nam. Nhưng với nhiều người thì còn một bài toán ưu tiên hơn nữa, đó là an ninh của Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc. Ông nghĩ sao về ưu tiên này?
Trong hiện tại, các chuyên gia hay trí thức thất vọng với chế độ đều có chung cái nhìn là phải ra khỏi tình trạng quá sức bất công hiện nay và dân chủ là một bước cần thiết.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cứ hay nói ngược nhưng cho rằng chính mối lo của người Việt về nguy cơ bị mất độc lập vào tay Trung Quốc sẽ là yếu tố góp phần then chốt cho sự chuyển hóa về xã hội, kinh tế và chính trị. Trước hết, sở dĩ mối nguy Trung Quốc lại trở thành sinh tử vì vai trò của đảng Cộng sản hiện nay. Thứ hai, về lý luận thì mô hình đang phá sản của Trung Quốc không là mẫu mực cho Việt Nam, như chúng ta nhiều lần trình bày trên diễn đàn này từ cả chục năm qua. Thứ ba, những gì lãnh đạo Bắc Kinh cố gắng thi hành để bảo vệ chế độ của họ, kể cả với hàng ngũ "đảng viên năm hào" đang tác động vào dư luận, có thể là phương cách chống đỡ của lãnh đạo Hà Nội, có khi cũng với loại "đảng viên ba xu" đang đả kích những người đòi chuyển hóa ở Việt Nam. Ta nên theo dõi chuyện ấy để xem chế độ Hà Nội cưỡng chống sự thay đổi như thế nào và trong phạm vi này, giới trẻ có hiểu biết có thể góp phần quan trọng cho sự xoay chuyển về tư duy tại Việt Nam.
Vũ Hoàng: Đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment