Tuesday, August 20, 2013

Nhiều người bị đánh đập, sách nhiễu, hành hung

Những người có quan điểm đối lập với nhà cầm quyền tại Việt Nam tiếp tục bị sách nhiễu thậm chí hành hung, đánh đập một cách vô cớ.
Theo dõi- tấn công
Ngày 16 tháng 8 vừa qua Tòa án tỉnh Long An là nơi thu hút chú ý của nhiều người quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Có người từ Hà Nội, Hà Nam cho đến những người ở Sài Gòn, Vũng Tàu đã tụ về đó để theo dõi phiên xử phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha về tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Trong số những người về Long An đó có mẹ con chị Trần Thị Nga ở Hà Nam, bà Bùi thị Minh Hằng ỡ Vũng Tàu…
Cũng như lâu nay, những người công khai lên tiếng đòi hỏi quyền lợp hợp pháp của công dân, phản đối những sai trái, nhũng lạm của các cấp chính quyền… thường bị các đối tượng mà họ cho là an ninh, công an theo dõi.
Bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết lại việc bị theo dõi và hành hung đối với bản thân bà hồi ngày 17 tháng 8 vừa qua như sau:
Khi xe vừa dừng lại ở cửa khách sạn, nhóm người này đã núp sẵn ở ngã tư .Tôi vừa kịp băng qua đường đến điểm lấy vé mà lúc đó có cả trăm người quanh khu vực đó vì là bến xe, 2 tên nào đó vọt lên cầm hòn đá đập vào đầu tôi
Bà Bùi Thị Minh Hằng
Khách sạn có những bậc cao để đi lên quầy lễ tân, họ đã đi lên. Lúc đó tôi cầm máy nên chạy lùi vào trong. Không ngờ họ tấn công anh Truyển và mẹ con cô Thúy Nga trước. Cháu bé mới 8 tháng tuổi và bị bọn côn đồ này đánh đến khóc thét lên. Lúc đó tôi xót xa, vội vàng nhào ra và cùng lúc đó bảo vệ khách sạn và mọi người đến. Họ gọi điện cho công an nhưng một người đến, chắc là công an phường, và vẫn ngồi trên yên xe hỏi ‘cái gì đó’ và sau đó bỏ đi.
Chúng tôi thu xếp đến nhà thờ đi dự lễ và sau đó ra xe taxi về. Nhóm người này tiếp tục đeo bám. Ngay tại cửa nhà thờ Kỳ Đồng có một người đã cố tình đâm xe vào tôi khi tôi mở cửa xe taxi bước lên. Người đó rồ xe cố tình đâm tôi, nhưng tôi bước lên xe taxi kịp. Sau đó chúng tôi đến bến xe ở Quận nhất để mua vè về Vũng Tàu, nhà của tôi. Tôi cũng rất cẩn thận nói với anh chị em là họ tiếp tục đeo bám với tác phong cố tình gây hấn, nên phải để ý khi xuống xe taxi khả năng họ sẽ tấn công. Tôi nói bác lái xe đậu sát vào cửa khách sạn. Khi xe vừa dừng lại ở cửa khách sạn, nhóm người này đã núp sẵn ở ngã tư .Tôi vừa kịp băng qua đường đến điểm lấy vé mà lúc đó có cả trăm người quanh khu vực đó vì là bến xe, 2 tên nào đó vọt lên cầm hòn đá đập vào đầu tôi. Về đến nhà tôi hiện nay chúng cũng rất đông, sáng nay chỉ có hai bây giờ cả chục rồi.
Cựu tù nhân Trương Minh Đức, người chứng kiến sự việc mẹ con chị Trần thị Nga bị đánh khi ở tại khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, kể lại điều diễn ra :
Chúng tôi nghỉ qua đêm tại khách sạn. Buổi sáng khi tôi và anh Truyển xuống định đi mua thức ăn sáng thì bất ngờ từ dưới chân cầu thang họ tấn công lên. Vừa đó có chị Nga cũng vừa trên cầu thang đi xuống bồng cháu Tài- 8 tháng tuổi. Lúc đó ở ngoài rất nhiều, nhưng có bốn thanh niên xông vào đánh chị Nga. Riêng tôi cũng bị một trong bốn người này khống chế để giật điện thoại, nhưng tôi đã bỏ vào túi quần và giằng giật nên họ chưa giật được. Riêng chị Nga bị hai người đánh, anh Bắc Truyển la lên sao lại đánh phụ nữ; hai người quay lại nắm cổ anh Bắc Truyển và đánh anh tại chân cầu thang.
Riêng chị Nga bị hai người đánh, anh Bắc Truyển la lên sao lại đánh phụ nữ; hai người quay lại nắm cổ anh Bắc Truyển và đánh anh tại chân cầu thang
Trương Minh Đức
Kỷ luật trong tù
Đó là trường hợp của một số người bất đồng chính kiến đang ở ngoài xã hội.
Cũng vào ngày 16 tháng 8, gia đình của tù nhân Trần Hữu Đức đi thăm anh này trong tù. Anh Đức là huộc nhóm những thanh niên Công giáo- Tin Lành, đang bị giam tù tại Trại K3-Phú Sơn 4, thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin từ người nhà của anh Trần Hữu Đức cho biết anh này trước đó bị biệt giam với lý do mà bản thân anh Đức cũng như gia đình cho là không theo đúng qui định. Em gái của tù nhân Trần Hữu Đức khi đang trên đường từ trại giam về cho biết như sau:
Lúc ra thăm anh thì gầy hơn, mặt mũi xanh xao hơn vì anh bị biệt giam 10 ngày và tuyệt thực từ hôm đó 10 ngày luôn. Anh nói hôm kia đưa anh ra còn tồi tệ không đi nổi. Tôi hỏi lý do làm sao. Anh nói họ bảo lý do gửi thư; nhưng anh thấy vô lý. Qui định cho gửi thư, đã qua kiểm duyệt của cán bộ Sơn và Triêm; nhưng khi ra gửi lại không cho với lý do hết sức vô lý. Họ còn đưa 5 tù nhân bên hình sự sang làm chứng gian nói là mặc đồ thế này, thế nọ… Anh cũng nói chưa có trường hợp nào biệt giam mà giống như anh. Trước lúc biệt giam phải qua hai lần cảnh cáo: lần thứ nhất rồi lần thứ hai; nhưng anh không được một lần cảnh cáo nào. Họ xiềng tay, xiềng chân anh cả ngày lẫn đêm. Anh nói xiềng tay, xiềng chân chỉ ban ngày thôi; nhưng đối với anh cả ban đêm luôn, không mở một phút, một giây nào.
Họ xiềng tay, xiềng chân anh cả ngày lẫn đêm. Anh nói xiềng tay, xiềng chân chỉ ban ngày thôi; nhưng đối với anh cả ban đêm luôn, không mở một phút, một giây nào
Em gái của tù nhân Trần Hữu Đức
Giải đáp- nhận định
Trước những hành xử bị cho là vô lý như thế, những người trong cuộc đã chất vấn cơ quan chức năng và họ nhận được câu trả lời không thỏa đáng.
Em gái của tù nhân Trần Hữu Đức trình bày lại chuyện xảy ra ở Trại giam K3:
Cán bộ bảo việc gì chị cũng cặn kẽ thế; lúc nào cũng bắt lẽ từng li từng tí. Làm việc cũng tương đối thôi, đâu phải tuyệt đối được.
Cù tù nhân lương tâm Trương Minh Đức đưa ra nhận định về hành động đánh người từ những thành phần được ông và những người trong cuộc xác định là người của công an, an ninh:
Điều hết sức băn khoăn: không hiểu họ nhận được lệnh của ai tấn công chị Nga. Có thể do chị Nga là người đã xuất hiện ở Long An hôm trước đó tại phiên tòa phúc thẩm xử Phương Uyên; vì họ chỉ nhắm vào chị Nga. Đây là hành động mà tôi cho là họ rất vô nhân tính.
Vào chiều ngày 16 tháng 8, những người đến Long An theo dõi phiên phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tỏ ra hết sức vui mừng và hoan nghênh tuyên bố của tòa giảm án phân nửa cho cả hai sinh viên và án treo cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Dư luận sau đó cũng phần nào hy vọng có thay đổi gì đó trong hành xử của phía nhà cầm quyền. Tuy nhiên việc theo dõi, hành hung các đối tượng bất đồng chính kiến, rồi việc tra tấn tù nhân vẫn tiếp tục diễn ra như trình bày của những người trong cuộc khiến cho chút hy vọng mong manh của họ bị tắt mất.

No comments:

Post a Comment