Kháng thư của Khối 8406:
giết chết tự do ngôn luận và tự do internet
Kính thưa
Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Các chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Hôm 31-07-2013, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã công bố Nghị định 72/2013/NĐ-CP nhằm “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” gồm 6 chương và 46 điều. Nó sẽ có hiệu lực từ ngày 01-09-2013. Đây là nỗ lực mới của CS nhằm kiểm soát toàn bộ không gian ảo và “làm sạch” thông tin công cộng phổ biến qua Internet.
Vừa mới ban hành, văn kiện này đã được dư luận trong lẫn ngoài nước quan tâm, nhất là đến các điều 5, điều 20 và điều 25 quy định về nội dung đăng tải và thông tin trao đổi trên các trang mạng thế nào là được phép, là “hợp pháp”, thế nào là cấm chỉ, là “phạm luật”.
Đi từ kiểu phân loại: trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và trang thông tin điện tử ứng dụng, Nghị định đã định nghĩa “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp” (Điều 20.4). Điều đó có nghĩa là kể từ nay, các blogger và những người sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter… không được trích dẫn, chia sẻ, bình luận thông tin từ các báo hoặc từ các trang mạng của cơ quan Nhà nước hay từ bất cứ nơi đâu.
Nghị định mới cũng cấm các công ty dịch vụ Internet cung cấp những thông tin có nội dung bị xem là “chống phá Nhà nước Việt Nam, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự xã hội và đoàn kết dân tộc hoặc những thông tin xuyên tạc bôi nhọ uy tín các tổ chức, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm các cá nhân.” (Điều 5).
Điều 25 thì đòi buộc các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội phải “loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5…; Cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước…; Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin…; Đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân và người cung cấp thông tin khác trên mạng xã hội…; Báo cáo theo quy định và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…” Điều đó có nghĩa là Nghị định nhắm cưỡng bức các công ty Internet trên toàn cầu như Google, Facebook và một số khác phải đồng lõa với chính sách tăng cường đàn áp tự do Internet của nhà cầm quyền CS, phải gây nguy hiểm cho sự an toàn của công dân mạng bằng cách tiết lộ danh tính của những người bị coi là vi phạm các khoản cấm kỵ về ngôn luận được pháp luật Việt Nam quy định rất mập mờ, phải giới hạn đáng kể những nội dung có liên quan đến Việt Nam mà các công ty nước ngoài đăng tải trên trang web cũng như mạng xã hội của họ. (Theo Thông cáo của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo CPJ hôm 23-07-2013).
Mục đích chính khiến của Nghị định là cấm cản và giới hạn quyền tự do ngôn luận để đối phó với hướng phát triển Internet hiện nay không đúng ý nhà cầm quyền. Bởi lẽ Internet ngày càng tỏ ra là sức mạnh phá vỡ bức tường bưng bít thông tin, vô hiệu hóa cây kéo kiểm duyệt của nhà nước, đào mồ chôn chính sách “ngu dân để dễ trị” của Cộng sản, đồng thời nâng cao dân trí một cách sâu sắc, nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngoài ra, qua các mạng xã hội, những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam đã liên kết để hình thành các tổ chức, các khối nhóm, các hội đoàn vuột khỏi tầm kiểm soát của lãnh đạo Cộng sản vốn khư khư bảo vệ chế độ độc tài toàn trị.
Đồng hành với Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Tổ chức Ký giả Không biên giới, Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng nhiều tập thể và cá nhân khác (nhất là các blogger), Khối Tự do Dân chủ 8406 nhận định:
- Nghị định 72 vi phạm nặng nề Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (mà Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang mới cam kết tuân giữ trong Tuyên bố chung với Tổng thống Hoa Kỳ ngày 25-07-2013) và Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia”. Nghị định cũng vi phạm quyền công dân được tham gia vào việc điều hành xã hội, vi phạm quyền tự do tư tưởng và lập hội đã quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
- Nghị định 72 tiêu diệt quyền tự do ngôn luận và tự do internet, gây tổn hại nghiêm trọng cho việc xây dựng một xã hội lành mạnh trong đó các ý kiến thuận nghịch liên quan đến mọi vấn đề đều được phép trình bày để tạo nên một diễn đàn đa nguyên về tư tưởng ngõ hầu cuối cùng Chân Thiện Mỹ thắng cuộc. Nghị định cản trở việc xây dựng một nhà nước có tinh thần trách nhiệm nhờ được nhân dân thường xuyên góp ý, giám sát và phê bình tư cách lãnh đạo, phương thức quản lý điều hành, chính sách đối nội và đối ngoại. Nghị định cũng ngăn cản việc xây dựng một quốc gia tiến bộ văn minh nhờ các quyền tự do của công dân, mà tiên quyết là quyền tự do ngôn luận, được có cơ hội triển nở, như người ta đang thấy tại các nước dân chủ phú cường.
- Nghị định này, con đẻ sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, muốn khủng bố lòng yêu nước của người dân khi họ bày tỏ trên mạng (để từ đó bằng hành động) ý chí và nguyện vọng bảo vệ đất nước trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc vốn ngày càng lộng hành và hung hãn. Như thế là nhà cầm quyền CSVN cố tình đánh sụt dân trí và tiêu diệt dân khí, mở đường cho âm mưu Hán hóa dân tộc và dẫn đến đại họa nước mất nhà tan.
- Nghị định này cũng sẽ đưa tới nhiều hệ quả tai hại về mặt kinh tế. Nó sẽ hạn chế sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin đang hé nở của Việt Nam do kiềm chế sự đổi mới trong nước và ngăn cản đầu tư nước ngoài. Các cá nhân, tổ chức thuộc mọi lĩnh vực đang hoạt động ở Việt Nam sẽ bị Nghị định cản trở khả năng hoạt động và trao đổi thông tin giữa họ. Rồi vì nhà cầm quyền siết chặt tự do ngôn luận thì chắc chắn chẳng quốc gia nào dám tin vào Việt Nam để trao đổi mậu dịch, nói chi đến chuyện hợp tác trong những lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, quân sự…
- Điều 5 Nghị định trình bày hết sức mơ hồ (để nhà cầm quyền có thể tùy nghi giải thích và trừng phạt) các hành vi bị cấm, gồm "chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo" cũng như "đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".
- Điều 20 định nghĩa hết sức tùy tiện, hết sức hàm hồ về trang thông tin điện tử cá nhân. Thông tin trên mạng là tài sản chung của mọi người, là tài nguyên trí thức của toàn nhân loại, mỗi cá nhân, tự bản tính và do quyền lợi, đều có thể tiếp nhận và chia sẻ, giải thích và bình luận, miễn là tôn trọng bản quyền (ghi rõ xuất xứ). Điều 25 rõ ràng lôi kéo và cưỡng bức các công ty internet toàn cầu vào việc bảo vệ một chế độ chỉ biết bưng bít sự thật, cai trị bạo tàn, tham lam vô độ và cố chấp trong sai lầm lẫn tội ác.
Vì những lý do trên, Khối Tự do dân chủ 8406:
1- Mạnh mẽ đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải hủy bỏ tức khắc Nghị định 72 cùng một số điều liên hệ trong Bộ luật Hình sự như điều 79, 88 và 258. Việc cố gắng đóng ấn quyền lực của nhà nước lên truyền thông điện tử như thế là một động thái cường quyền, phản dân chủ và thất nhân tâm, đi ngược lại trào lưu thế giới, chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại. Thay vì kéo dài sự tồn tại của đảng CS, Nghị định này sẽ kéo dài bản cáo trạng mà Dân tộc rồi đây sẽ dành cho đảng thôi.
2- Mạnh mẽ đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người yêu nước, các blogger, các tù nhân lương tâm đã hành xử quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet để vạch trần sai lầm, tố cáo tội ác của hàng lãnh đạo chính trị, để đóng góp tâm huyết, điều trần lẽ phải cho việc xây dựng quốc gia. Việt Nam CS bị Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp thứ 172 trên 179 quốc gia trong bảng sắp hạng gần đây về tự do báo chí, quả là một điều hết sức ô nhục.
3- Tha thiết kêu mời cộng đồng quốc tế hãy nghiêm khắc lên án Việt Nam vì đã ban hành và chuẩn bị thực thi Nghị định quái đản này. Vì hành vi chà đạp quyền con người, coi khinh các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, Việt Nam không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ và tự gây cản trở trong các đàm phán liên quan Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
4- Tha thiết kêu mời toàn dân Việt Nam can đảm hành xử quyền tự do ngôn luận trên internet và qua các trang mạng xã hội, vì điều này phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị là văn kiện mà nhà cầm quyền Việt Nam đã tham gia mà lại có giá trị cao hơn Nghị định 72 này. Mỗi công dân mạng, mỗi blogger hãy trở thành một nhà báo cổ vũ cho cho dân chủ và nhân quyền, sự thật và lẽ phải.
Làm tại Việt Nam ngày 17-08-2013
Ban điều hành Khối 8406:
1- Kỹ sư Đỗ Nam Hải – Sài Gòn – Việt Nam.
2- Linh mục Phan Văn Lợi – Huế – Việt Nam.
3- Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn - Quảng Nam - Việt Nam
4- Giáo sư Nguyễn Chính Kết – Houston – Hoa Kỳ.
5- Bà Lư Thị Thu Duyên – Boston – Hoa Kỳ.
Với sự hiệp thông của Linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu quân nhân Trần Anh Kim, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và các tù nhân lương tâm khác đang ở trong lao tù Cộng sản.
No comments:
Post a Comment