Bắt đầu từ năm 2007, đường phố Sài Gòn và Hà Nội, hai thành phố lớn nhất đất nước chứng kiến những cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lược. Đây là lần đầu tiên những cuộc biểu tình không phải do đảng cộng sản lãnh đạo được nhìn thấy trên đường phố. Người biểu tình chống tham vọng giành trọn biển Đông với một đường biên giới trên biển do tự người Trung Quốc vẽ ra trên bản đồ. Đường hải giới đó bị người Việt Nam gọi một cách châm biếm là đường lưỡi bò, tên được đặt theo hình dạng của nó, và còn ám chỉ sự tham lam của con bò Trung quốc đói ăn liếm hết đất.
Các cuộc biểu tình bị trấn dẹp. Có thể có nhiều lý do được đưa ra để giải thích sự trấn dẹp lòng yêu nước ấy, như là sự gắn bó giữa hai đảng cộng sản anh em Việt Hán, hay là sự lo sợ của đảng cộng sản rằng cái sẩy sẽ nẩy cái ung, tức là từ sự chống ngọai xâm sẽ chuyển thành chống sự cai trị của đảng cộng sản... Một nhóm đặc biệt được thành lập sau những cuộc biểu tình ấy, đó là nhóm NO-U, với những chiếc áo thun mang hình cái lưỡi bò bị gạch chéo. Chiếc áo đó đã trở nên nổi tiếng, nó đi cùng với những phản đối dân sự hiện nay, từ việc ủng hộ các sinh viên Nguyên Kha và Phương Uyên bị bắt do những họat động chống Trung quốc đến những cuộc đấu tranh đòi đất của nông dân, từ những cuộc tuyệt thực ủng hộ blogger Điếu Cày đến các cuộc hội thảo của các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngòai. Chiếc áo đó cũng sang cả Washington trong đòan người biểu tình phản đối ông chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.
Và những người làm nên cái tên NO-U, dù hiện không có cuộc biểu tình nào ở Hà Nội và Sài Gòn, vẫn họat động chung với nhau trong những nhóm gọi là nhóm NO-U. Anh Lã Việt Dũng, một thành viên của phong trào NO-U, nói với chúng tôi về sự ra đời của NO-U.
“Từ những cuộc biểu tình chống Trung quốc đến lần biểu tình thứ mười nếu tôi nhớ không lầm, thì xuất hiện một chiếc áo, và trong một cuộc giao lưu, chúng tôi đã quyết định lấy biểu tượng đó làm biểu tượng chống Trung quốc. Sau khi các cuộc biểu tình bị trấn dẹp, người biểu tình bị bắt. Chúng tôi đã tổ chức thành những nhóm NO-U khác nhau, như bóng đá, từ thiện, ủng hộ dân oan v.v... Nói chung là có hai vấn đề, một là phong trào NO-U nói chung, hai là những nhóm NO-U cùng sở thích.”
Hoạt động từ thiện
Hoạt động nổi bật của nhóm NO-U trong thời gian gần đây là họat động từ thiện. Họ đã bỏ tiền ra, hoặc kêu gọi sự hảo tâm từ cộng đồng để xúc tiến các họat động đó
Các hoạt động mà NO-U đang thực hiện cho thấy họ là một nhóm dân sự độc lập. Anh Dũng nói tiếp:
“Chúng tôi bắt đầu là những người yêu chuộng tự do và dân chủ, khi chúng tôi nghĩ là chúng tôi làm đúng thì chúng tôi không xin phép.”
Nhóm NO-U từ thiện của anh Lã Việt Dũng đã không xin phép để đi lên xã miền núi Hán Đồng, nơi các em nhỏ thiếu thực phẩm phải bắt chuột để ăn. Tại đây nhóm NO-U đã dựng lán trại, phòng học cho các trẻ em nghèo. Cuối buổi nói chuyện với chúng tôi anh Dũng có nói rằng anh thấy cần phải có nhiều tiếng nói dân sự cất lên trong tình cảnh xã hội Việt Nam hiện tại.
Khi tìm hiểu về họat động dân sự trong thời kỳ tiền dân chủ ở các nước cựu cộng sản Đông Âu, một thính giả của đài Á châu tự do tại Cộng hòa Czech có cho chúng tôi biết về sự thành lập của nhóm Hiến chương 77 nổi tiếng như sau:
“Bắt đầu là sự không hài lòng việc một ban nhạc bị cấm biểu diễn, một nhóm được thành lập để chống đối việc ấy, và sau đó hình thành nhóm Hiến chương 77.”
Nhóm Hiến chương 77 đã làm bùng nổ phong trào dân sự tại Tiệp Khắc những năm 80 của thế kỷ trước, dẫn đến sự chuyển đổi sang hệ thống dân chủ một cách êm thắm.
Nguyên nhân hình thành các nhóm dân sự ở Việt Nam, trong đó có nhóm NO-U từ thiện bắt nguồn từ một động cơ mang tinh thần dân tộc, chống chủ nghĩa đại Hán từ phương bắc. Đó là một nguyên nhân mà không có nhà cầm quyền nào tại Việt Nam có thể xem thường trong lịch sử mấy ngàn năm qua.
Vai trò xã hội của nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo ngày càng tỏ ra suy yếu bởi hàng lọat các vụ bê bối gần đây như vụ Bệnh viện mắt Hà Nội, Vụ xét nghiệm máu cùng một kết quả. Ngoài ra còn những căn bệnh mãn tính trong giáo dục mà hàng chục năm qua đã cho thấy không có thuốc chữa. Trong lúc ấy các nhóm xã hội được thành lập, họ sẽ chia sẻ gánh nặng của một nhà nước phúc lợi, để xã hội phát triển hài hòa hơn trong sự đa dạng. Một điểm đáng lưu ý là anh Dũng cho chúng tôi biết rằng các họat động từ thiện của nhóm NO-U hiện không gặp khó khăn gì,
“Họ chỉ đàn áp khi chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc thôi, chứ các họat động khác không khiến họ lo ngại gì.”
Cho đến hôm nay, vẫn không có một sự giải thích rõ ràng minh bạch nào từ phía nhà cầm quyền của về lý do tại sao họ đàn áp những người biểu tình ái quốc bất bạo động. Và mặc dù nhóm NO-U từ thiện của anh Dũng không bị phiền hà gì khi đi Hán Đồng giúp đỡ trẻ em nghèo, nhưng các cơ quan truyền thông của Việt Nam cũng không có một dòng nào về họ. Có vẻ như Việt Nam không công nhận họ tồn tại và nhà nước vẫn giành về mình mọi lo toan, từ chống ngọai xâm cho đến đưa đò cho trẻ em sang sông, dù thực tế chứng tỏ là họ không đủ sức.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-u-chari-gr-vs-commu-shyness-08132013100008.html
Hình ảnh nhóm Từ thiện NO-U và những chuyến đi:
Hình ảnh nhóm Từ thiện NO-U và những chuyến đi:
Nguồn ảnh: FB Nguyễn Lân Thắng
No comments:
Post a Comment