Một xưởng may bất hợp pháp chuyên sản xuất hàng may mặc nhái của người Việt
ở ngoại ô Matxcơva bị cảnh sát đột nhập (Ảnh : Nguoiviet.de)
Trong chiến dịch truy bắt tội phạm tại Matxcơva, tiến hành từ 31/07 cảnh sát Nga đã khám xét hàng loạt xưởng may lậu và bắt khoảng 1.200 người Việt Nam. Hôm thứ sáu, một trại lều dã chiến đã được dựng lên cho họ tạm trú trong khi chờ kiểm tra lý lịch. Thông tấn Xã Việt Nam cho biết những người bất hợp lệ sẽ bị đưa về nước.
Nhiều vụ tai tiếng công nhân Việt Nam bị đối xử như nô lệ đã bị chính các nạn nhân tố giác trong quá khứ.
Trên mạng « Việc làm 24 giờ » vẫn còn trang quảng cáo tuyển mộ nhân viên sang Nga làm nghề may mặc với mức lương cam kết là 500 đôla mỗi tháng, nhưng phải trừ 180 đôla tiền ăn. Bao nhiêu nạn nhân đã bị lừa đảo và lừa đảo như thế nào ?
Từ Francfurt, ông Vũ Quốc Dụng, thành viên của Liên minh bài trừ nạn nô lệ mới tại Châu Á gọi tắt là CAMSA, có nhã ý trả lời phỏng vấn RFI sau đây :
1) Xin ông cho biết tình trạng chung của các công nhân Việt Nam ở Nga
Trong vụ bố ráp 20 xưởng may chui ở thủ đô Moskva hôm 30.7 vừa qua, cảnh sát Nga đã bắt giữ 1.200 người Việt. Đây là con số người Việt Nam bị bắt cao nhất từ trước đến nay. Vụ bố ráp này nằm trong chiến dịch chống nạn cư trú bất hợp pháp của tháng Bảy. Trước đó vào ngày 8.7 cảnh sát Nga đã bắt 250 và ngày 15.7 đã bắt 67 người Việt. Những người làm việc không có giấy phép và cư trú không có chiếu khán hợp lệ thì Nga sẽ giam họ để chờ trục xuất về Việt Nam.
Những công nhân Việt sang Nga làm việc trong các xưởng may chui nằm trong 3 dạng. Thứ nhất, một số được các công ty môi giới tuyển mộ sang làm cho các công ty Nga. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nhiều công ty Nga bị phá sản nên công nhân Việt bị mất việc và đã trốn ở lại để đi làm gỡ vốn. Thứ hai, một số sang thăm gia đình rồi ở lại quá hạn chiếu khán và đi làm lậu. Thứ ba là những người bị lừa sang làm cho các xưởng may chui. Tất cả những người này luôn luôn lo sợ là nếu bị bắt và trục xuất thì họ sẽ trắng tay, vì chưa được chủ trả hết tiền lương và còn mắc nợ ở nhà.
Các xưởng may lậu đẻ ra vấn nạn về nhân quyền vì các công nhân làm việc trong đó như những người nô lệ. Hiện nay người ta ước tính có vài nghìn xưởng may lậu của người Việt ở Nga với vài chục ngàn nhân công. Chúng ta không có con số thống kê chính xác nhưng chúng ta có thể làm bài toán nhân vì biết mỗi xưởng may lậu có từ 20 đến 200 công nhân. Con số nạn nhân như vậy rất lớn. Phải gọi là vấn nạn vì những công nhân này khi đã rơi vào vòng nô lệ thì họ sẽ không có lối thoát.
2) Các công nhân này làm việc và sinh sống thế nào?
Khi còn ở Việt Nam hoặc khi mới bắt đầu làm ở Nga thì các công nhân này được hứa hẹn trả đến 500 Mỹ kim một tháng. Vài người cũng có lãnh được số tiền này trong vài tháng đầu. Nhưng sau đó phía chủ đã khất lần việc trả lương hoặc trừ lương của họ vào những khoản nợ không biết từ đâu ra. Nhiều người làm 3, 4 năm mà chẳng cầm được đồng lương. Còn việc thì họ phải làm tối tăm mặt mũi - 12, 14, 16 tiếng một ngày là chuyện thường. Mỗi ngày họ phải làm từ xế chiều đến trưa hôm sau thì mới được đi ngủ.
Đa số những công nhân này không thể hoặc không đủ can đảm để chạy thoát khỏi cảnh nô lệ. Cũng giống như các công nhân đi xuất khẩu lao động, hộ chiếu của họ bị chủ thu giữ. Những người chủ này không ngần ngại đe dọa là sẽ tố cáo họ với công an Nga về việc chiếu khán của họ đã hết hạn để công an bắt họ. Nhiều người cũng không biết chạy đi đâu khi không biết một chữ tiếng Nga và cũng không biết đang ở chỗ nào để nhờ người đến cứu. Hoặc họ còn nuôi hy vọng là một ngày nào đó họ sẽ nhận lại được số lương mà chủ đang thiếu họ vì họ thấy hàng may và đơn đặt hàng vẫn còn nhiều. Phía chủ hiểu tâm lý này nên dùng tiền nợ như đồ thế chân. Nói chung vì hy vọng sẽ được trả tiền lương mà nhiều người nấn ná ở lại làm trong các xưởng may chui. Quốc tế gọi họ là "nô lệ vì nợ nần".
3) Các công nhân này ăn ở ra sao?
Tôi có dịp đi thăm các đồn điền nuôi nô lệ da đen ở Mỹ hồi cuối thế kỷ 19 và thấy những người công nhân Việt Nam của các xưởng may chui ở Nga ở không bằng các nô lệ da đen. Họ được bố trí ở ngay trong xưởng, thường là một tầng hầm hay một ngôi nhà trong khu công nghiệp bị bỏ phế. Cửa ra vào thì có người canh gác, còn cửa số thì có chấn song sắt nên họ rất khó chạy thoát. Nếu chạy trốn mà bị bắt lại thì sẽ bị đánh đập một cách dã man. Phòng ngủ của họ là những nhà kho tối tăm, ẩm thấp - lạnh lẽo trong mùa đông, nóng nực trong mùa hè. Mỗi người được phân cho một chỗ nằm trên cái giường nhiều tầng đóng bằng gỗ tạp. Giang sơn của họ là cái giường nơi họ chất tất cả các vật dụng cá nhân vào đó và che bằng những mảnh vải, nhiều khi là bao bố, để có chốn riêng tư. Nếu bị bệnh nặng thì họ cũng không thể đi bác sĩ. Chúng ta khó có thể tượng tượng được là có những người phải chịu đựng một cảnh sống như vậy trong thế kỷ 21.
4) Cảnh sát Nga đối phó với tình trạng công nhân Việt Nam trong các xưởng may lậu thế nào?
Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) của chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát Nga phải giải cứu những người nô lệ người Việt trong các xưởng may chui và phải mở cuộc điều tra về nạn buôn người vì trường hợp của các nạn nhân nằm trong qui định về buôn người của quốc tế. Nhưng cảnh sát Nga đã làm việc rất tắc trách và nếu có đến khám xét các xưởng may chui thì cũng chỉ phạt chủ về tội vi phạm luật lao động. Nhiều công nhân muốn được giải cứu và muốn được hồi hương đã không được hoàn thành ý nguyện chỉ vì cách làm việc này của Nga.
Tôi e rằng chiến dịch bố ráp lần này cũng chỉ là một phản ứng đối với việc một cảnh sát Nga bị một nhóm người Trung Á đánh trọng thương hoặc chỉ nhằm lấy điểm trong cuộc tranh cử chức thị trưởng thành phố Moskva lần này. Trong tuyên bố của cảnh sát Nga, chúng ta thấy có nhiều dấu hiệu của nạn buôn người, nhưng trong kết luận chúng ta lại không thấy Nga nhắc đến tội phạm này mà chỉ nói đến các tội làm chui và ở lậu. Ngày nào mà giới chức Nga không chịu gọi tên cho đúng vấn đề thì chúng ta khó mà đối phó hữu hiệu với nó.
5) Đại sứ quán Việt Nam ở Nga đã làm gì để giúp các nạn nhân và ông có lời khuyên nào đối với những công nhân này?
Đại sứ quán Việt Nam ở Nga đã không làm gì để đối phó với nạn buôn người trong các xưởng may chui. Có những bằng chứng cho thấy nhân viên của đại sứ quán Việt Nam ở Nga có quan hệ với các chủ xưởng may chui.
Riêng tôi chỉ khuyên mọi người nên phòng bệnh. Các công nhân xuất khẩu lao động thì cần tìm hiểu thật kỹ các điều kiện tuyển dụng như CAMSA đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại. Những người có thân nhân tại Nga thì nên nhờ thân nhân cho biết tình hình thực tế của các xưởng may chui. Tôi nghĩ người Việt ở Nga không nên che giấu những thực tế mà ai cũng đã biết. Còn những người muốn đánh bài liều thì nên bình tâm tính lại xem họ có thể đầu tư số tiền đi vay vào một cơ hội nào khác để khỏi bị cảnh tiền mất tật mang không. Các nạn nhân nên kể cho họ hàng, bạn bè và hàng xóm về những khổ nhục để họ biết mà tránh.
RFI xin cảm ơn ông Vũ Quốc Dụng
No comments:
Post a Comment