Tuesday, June 11, 2013

Độc quyền chính trị có hợp hiến hay không?

Độc quyền chính trị có hợp hiến hay không?

Các luật sư trong nước đã bắt đầu thảo luận về tính hợp hiến và hợp pháp của việc độc quyền chính trị và ngăn cấm đối lập của đảng cộng sản Việt Nam. Ở đây tôi muốn nêu lên nhận xét nhỏ của mình về các bản Hiến pháp của Việt Nam.

Năm 1946, Quốc hội dân cử đầu tiên được bầu ra với sự tham gia của nhiều đảng phái và nhiều thành phần xã hội. Bản Hiến pháp 1946 là cơ sở pháp lý cho việc khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mà sau này là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Điều 1 của bản Hiến pháp 1946 quy định:

"Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo."

Như thế, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam đã xác định rõ quyền bình đẳng tham gia chính quyền của mọi đảng phái, mọi thành phần trong xã hội. Đây là điểm cực kì quan trọng về dân chủ và công bằng xã hội.

Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định:

"Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết."

Năm 1959, quốc hội và chính phủ tuyên bố thông qua bản Hiến pháp mới mà không hề có một cuộc trưng cầu dân ý thực sự để nhân dân phúc quyết như quy định của Hiến pháp. Như thế, Hiến pháp 1959 và các bản Hiến pháp 1980, 1992 sau này đều không có giá trị pháp lý.

Do đó, tôi cho rằng việc đảng cộng sản Việt Nam tự ý thay đổi Hiến pháp để chiếm giữ độc quyền chính trị là vi hiến, xem thường ý dân. Đó cũng là lý do mà đảng và chính quyền luôn nơm nớp lo sợ bị lật đổ, sợ "diễn biến hòa bình". Đã không "chính danh", làm sao "ngôn thuận"? Một chính phủ "của dân, do dân, vì dân", nghĩa là do dân bầu ra, không bao giờ phải sợ những điều vô lý như vậy. Việc vi phạm pháp luật ở cấp cao nhất đã dẫn đến tình trạng tụt hậu thê thảm của Việt Nam hôm nay.

Thực trạng đất nước

Bất kì ai quan tâm đến tình hình Việt Nam đều nhận thấy rằng ba vấn đề nhức nhối nhất của đất nước ta hiện nay là tham nhũng, lạm dụng quyền lực của cán bộ đảng viên và sự bất lực của chính quyền trước những tiêu cực trong xã hội.

Ba vấn đề nhức nhối nhất của đất nước là tham nhũng, lạm dụng quyền lực của cán bộ đảng viên và sự bất lực của chính quyền trước những tiêu cực trong xã hội.

Tham nhũng phá hoại kinh tế quốc gia, làm mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Lạm quyền dẫn đến tham nhũng, bất công. Dẫn chứng cụ thể nhất là việc người dân phải khiếu kiện vượt cấp do các quan chức từ địa phương tới trung ương lạm quyền, xét xử oan sai cho dân, chiếm đất đai của dân. Theo báo VietNamNet thì cả nước có tới 81 329 vụ khiếu nại tố cáo trong năm 2004, và có thể còn cao hơn nữa vào năm 2006.

Có ai không đau lòng khi thấy nhân dân Việt Nam bị chèn ép như vậy ? Một dân tộc đã đổ bao xương máu vì đấu tranh cho tự do, độc lập, xứng đáng sống trong một chế độ tốt đẹp hơn.

Giải pháp

Tham nhũng lộng hành là do chế độ chuyên quyền, bưng bít. Dân không hề được biết, được bàn, được kiểm tra. Muốn chống tham nhũng thì trước hết Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do báo chí của nhân dân. Trong hơn 600 tờ báo của cả nước với hơn 82 triệu dân, tất cả đều là báo "quốc doanh", không có một tờ báo tư nhân nào để nhân dân có thể tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến. Tự do báo chí không chỉ giới hạn ở báo giấy mà bao gồm cả hệ thống truyền thanh, truyền hình, và mạng Internet. Chỉ khi có tự do báo chí, nhân dân mới có thể điểm mặt chỉ tên từng kẻ tham nhũng.

Lạm quyền luôn tồn tại và phát triển dưới chế độ toàn trị. Áp đặt hệ thống độc đảng hiển nhiên là lạm quyền. Để tháo gỡ hệ thống áp đặt này, chúng ta phải tích cực hỗ trợ cho Đảng và Nhà nước thực hiện đúng mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ như đã hô hào từ bấy lâu nay.

Việc đầu tiên phải thúc đẩy là bầu cử tự do, công bằng nhằm bầu ra người đại diện trung thực cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó là điều kiện tiên quyết, thiết yếu.

Thực hiện các giải pháp trên là bắt buộc, không được phép trì hoãn vì đó là những điều đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Nhân dân trong và ngoài nước, những đảng viên cộng sản tiến bộ, yêu nước cần cùng nhau để thực thi quyền tự do báo chí, quyền tự do lập hội, hội họp, cũng như quyền bầu cử và ứng cử tự do.

No comments:

Post a Comment