Tạp chí The Economist của Anh tuần này có bài bàn về thực trạng Hà Nội mạnh tay trấn áp giới bất đồng chính kiến và blogger trong lúc nỗ lực phê và tự phê của quan chức và lãnh đạo bị xem chỉ có tính chiếu lệ.
Bài báo có tựa "Chính trị Việt Nam: Mánh khóe tín nhiệm" với tiêu đề phụ "Đàn áp thì khốc liệt; tự phê bình thì nhẹ nhàng."
Bài này mở đầu bằng đề cập tới hai vụ bắt giữ blogger mới nhất là Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy, anh trai của sinh viên Đinh Nguyên Kha vốn bị xử tù 8 năm gần đây.
Những vụ bắt giữ này, cùng với vụ bắt blogger Trương Duy Nhất, là “một phần của chiến dịch trấn áp giới bất đồng quy mô hơn vốn được tăng cường từ tháng 12 năm ngoái khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ra lệnh cho an ninh sẵn sàng ứng phó với “các thế lực thù địch” dùng internet để truyên truyền nhằm đe dọa an ninh quốc gia và chống Đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam”.
“Ủy ban Bảo vệ Nhà báo nói rằng Việt Nam nay là nhà tù lớn thứ sáu thế giới cho nhà báo”.
Tạp chí có uy tín của Anh đánh giá rằng “Cũng như các nuớc có hệ thống toàn trị khác, chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển internet vì lý do kinh tế.
“Tuy nhiên chính phủ Việt Nam lại đang cố gắng bóp nghẹt việc dùng internet để bày tỏ quan điểm hoặc để truy cập các nguồn không tin khác ngoài báo chí và truyền hình của nhà nước.”
Bỏ phiếu tín nhiệm
"Hai phần ba quốc hội đáng ra đã phải có cơ hội bày tỏ tín nhiệm “thấp” cho ai đó để người này bật khỏi ghế"
The Economist
Tuy nhiên bài báo nhận xét thực trạng bùng nổ blog có cái nhìn chỉ trích không hề suy giảm bởi điều họ gọi là có quá nhiều thứ đúng là cần phải chỉ trích.
“Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, trở thành mục tiêu của nhiều sự bất bình.
“Vụ tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ từ hôm 27/05, là lời nhắc nhở cho người dân Việt Nam về một học giả bị bỏ tù vào năm 2011 sau khi kiện ông Dũng lạm dụng chức quyền.”
Vào đầu tháng Sáu đã diễn ra việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. 498 đại biểu bỏ phiếu theo ba cấp độ (tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp).
“Gần một phần ba dân biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp với ông Dũng trong khi đối thủ của ông trong cuộc đấu đá nội bộ bao trùm lên đảng cầm quyền, ông Trương Tấn Sang lại có phiếu tín nhiệm cao.”
Tuy nhiên báo này nhận định việc lấy phiếu tín nhiệm mang nặng tính hình thức.
“Để ai đó bị bật ghế đòi hỏi tỉ lệ phiếu 'tín nhiệm thấp' từ hai phần ba thành viên quốc hội."
“Hơn nữa, các đại biểu không được có lựa chọn 'không tín nhiệm' với chính phủ, một bước lẽ ra sẽ phản ánh chính xác hơn tâm trạng của nhiều người Việt Nam,” bài báo kết luận.
No comments:
Post a Comment