Vai trò Nhà nước
Thế thì nhà nước phải làm gì? Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp luật. Và phải áp dụng công bằng, không ai được đứng ngoài pháp luật và đứng trên pháp luật. Và phải bảo hộ quyền sở hữu tài sản, phải tổ chức xây dựng các dịch vụ cung ứng hàng hóa đến tạo cơ hội đồng đều cho mọi người. Phải thực hiện cạnh tranh và xóa bỏ độc quyền. Và điều rất quan trọng là phải điều tiết thu nhập. Điều tiết thu nhập để cho những người như trẻ con chưa kiếm được tiền thì có cơ hội đi học, người già không kiếm được tiền nữa, lúc bấy giờ bệnh tật nhiều bởi vì già mà càng về già càng lắm bệnh tật, lúc bấy giờ kinh phí càng cao lên. Lúc bấy giờ thì vai trò của bảo hiểm sẽ quan trọng hơn.
Một nguyên lý là quyền lực phải được giám sát. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối. Đấy là mệnh đề mà ông Jean Jacques Rousseau đã nêu lên rồi. Thế thì nhà nước có khuyết tật không? Nhà nước cũng có khuyết tật. Nếu như không có sự cải cách, sự khống chế, thì nhà nước luôn luôn muốn phình to ra. Hiện nay loài người chưa tìm được liều thuốc để làm cho nhà nước miễn dịch được với quan liêu tham nhũng, lạm dụng chức quyền. Chỉ có một điều phòng ngừa là công khai minh bạch, giám sát chế ngự quyền lực. Nếu như anh làm không được thì tôi sẽ thay anh khác. Thế thôi. Chứ nếu còn để ông nhà nước thì ông ta sẽ ôm đồm, nay ông có cục thì ngày mai ông ta sinh thêm hai, ba chi cục, ngày kia ông lên tổng cục vv. Nhà nước của chúng ta bao nhiêu cục, bao nhiêu tổng cục, từ tổng cục ông ấy có chi nhánh khắp nơi rồi ông ấy lại sinh thêm văn phòng ở nước ngoài. Nhiều sáng kiến lắm. Cứ ngồi nghe ông ấy nói thì lý sự gì ông ta cũng đúng hết đấy. Cho nên nhà nước có xu hướng phình to, đó là một xu thế. (…) Nếu như quan liêu tham nhũng mà kết hợp với những khuyết tật của kinh tế thị trường thì có thể dẫn đến những căn bệnh rất nghiêm trọng như là mafia. Như vậy tức là bộ máy nhà nước của chúng ta trong kinh tế thị trường phải khác rất nhiều so với bộ máy nhà nước của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Bây giờ tôi xin nêu điểm cuối cùng là hội nhập, sau đó tôi sẽ nêu vấn đề mà các anh có nói trong đề cương. Về cấp độ hội nhập thì chúng ta thấy, việc sơ đẳng nhất là ký hợp đồng thương mại ưu đãi giữa hai nước như ta với ông Lào là tôi có thủy sản, mực khô thì ông bán cho tôi xe máy. Thế rồi nó lạm dụng đến mức là mỗi người dân Lào mỗi ngày tính ra phải ăn đến mười mấy ký mực khô, mấy ký tỏi. Dĩ nhiên là không có chuyện đó, đó là nó lấy tiền để nó buôn lậu xe máy thôi. Chưa đủ thì nó lập khu vực thương mại tự do. Khu vực thương mại tự do sẽ loại bỏ thuế quan chung. Trong đó sẽ lập ra một mục ông bỏ thuế quan gì, tôi bỏ thuế quan gì. Nhưng nếu một thằng trong đó lại ký hiệp định bên ngoài với một thằng thứ ba, rồi thằng bên ngoài thứ ba lại cho hàng hóa nước ấy chạy đi khắp khu vực này. Giống như thằng Singapore, mình cho thằng Coca Cola vào đầu tư với cách là công ty Singapore, hồi mình chưa bình thường hóa quan hệ, năm 92 nó đã vào đây rồi. Mình biết thừa Coca Cola là của Mỹ, nhưng nó lấy danh nghĩa là như thế. Đến một bước nữa là liên minh thuế quan, tức là thuế quan chung đối với người trong khu vực, còn anh không được tùy tiện ký hiệp định với nước ngoài, mà thái độ thuế quan đối với nước ngoài phải được hành động chung. Xong rồi đến thị trường chung nghĩa là đến một mức nữa là dịch chuyển lao động tự do, tiền vốn tự do. Tức là trong khu vực thị trường tự do đó, thì lao động muốn đi làm chỗ nào thì làm, tiền vốn muốn đầu tư cái gì thì đầu tư. Đến liên minh kinh tế thì chúng ta thấy có chính sách kinh tế chung, có đồng tiền chung như liên minh châu Âu. Như vậy là đồng tiền chung thì không phải đổi tiền nữa, chính sách thương mại chung thì anh không thể tùy tiện bội chi ngân sách nữa. Nghĩa là tất cả thứ đó anh bị ràng buộc và sẽ tiến tới hình thành một thế giới đại đồng như Liên minh Châu Âu, có Quốc hội chung, nó sẽ dự kiến thành một Liên bang châu Âu hay Hợp chủng quốc châu Âu; rồi thì nó có chính phủ châu Âu, có chính sách chung. Thế thì, một thể chế chính trị trong khung cảnh hội nhập kinh tế phải hướng tới các giá trị chung, các quy luật chung. Chứ anh không thể nào tiếp tục cứ bảo hội nhập, nhưng quy trình hải quan anh là khác, thuế anh làm khác, mọi thứ anh làm khác. Nghĩa là nó đã “kẹp chì” rồi thì anh không giám sát nữa, anh đã “kẹp chì” rồi thì nó không phải kiểm tra nữa. Chứ còn ông hải quan cứ mở tung hết tất cả ra để kiểm tra, kể cả kiện bông ông cũng tháo tung ra hết để kiểm tra, thế thì chết rồi. Thế rồi đi thì nó bảo là chèn bốn thước hai, thì bốn thước hai anh phải cho nó đi chứ. Đằng này anh không nói không được, phải dỡ ra. Như thế là không được. Như vậy, tôi muốn tóm lại phần mào đầu hơi dài của tôi, rằng là, chúng ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất là lớn. Môi trường trong và ngoài nước cũng rất khác. Chúng ta đã tiến rất nhanh, đã vượt lên trước rất nhiều, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn là một nước nghèo, tốc độ phát triển chung của chúng ta vẫn chậm, pháp luật của chúng ta vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta nhận là chúng ta có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng bất công trong xã hội hiện nay cực kỳ lớn. Cực kỳ lớn bởi vì nguồn thu của ngân sách là toàn thuế gián thu cả, 24% là thu từ bán dầu lửa, 22% là thuế nhập khẩu; sắp tới ông giảm thuế rồi thì ông thu bằng cái gì. Trong khi đó, các nước trên thế giới có 40% là thuế bất động sản, 40% là thuế thu nhập; còn lại 20% là các thứ khác. Chứ đằng này, ông không điều tiết được chút nào cả. Thuế thu nhập của Việt Nam đóng được 2% vào tổng thu ngân sách trong đó phần lớn là tiền người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam làm việc cho nước ngoài. Chênh lệch giàu nghèo đấy là mới được đo bằng tiêu dùng, chứ hiện nay chưa biết được chênh lệch về tài sản là bao nhiêu. Gần đây có một tổ chức quốc tế có hỏi tôi, lúc bấy giờ tôi có làm cố vấn để điều tra về vấn đề chênh lệch giàu nghèo, về tiêu dùng và về tài sản như thế nào? Thế thì bây giờ lấy cái gì để đo chênh lệch giàu nghèo về tài sản trong một đất nước mà không có khai báo mọi việc đều là bằng tiền mặt và không có công khai minh bạch. Cho nên, nếu chúng ta không có một bước tiến trong chuyện công khai, minh bạch thì nguy cơ lớn lắm. Tôi thấy nói về nguy cơ ta mới chỉ nói tới những méo mó hay mặt trái của kinh tế thị trường. Theo tôi, nguy cơ quan liêu, tham nhũng, bộ máy nhà nước bất lực không thu được của anh giàu ví như những anh giàu bất chính bằng cách đầu tư đất đai. Xin báo là nguồn tiền tiết kiệm trên địa bàn Hà Nội một năm là: 144 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm ở TP. Hồ Chí Minh chỉ 7 nghìn tỷ đồng. Thế mà kinh tế Hà Nội chỉ bằng một phần tư kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chưa kể TP. Hồ Chí Minh một năm kiều hối gửi về 1, 2 tỷ đô la. Thế thử hỏi ông Hà Nội làm sao mà lãi nhiều tiền tiết kiệm thế. Chính vì thế, ông không có cách gì đứng ra kinh doanh, ông chỉ đi mua đất cát, đẩy giá bất động sản lên làm cho giá đất như ở Hàng Gai lên đến 4 nghìn đôla một mét vuông, cao nhất thế giới, cao hơn cả Tôkyô. Nến như chúng ta không làm được điều tiết định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi người đều kinh doanh, anh nào có lãi anh chia sẻ, đóng góp cho xã hội; xã hội ngày càng phát triển thì rất nguy.
Người không đáng hoan nghênh một tý nào là ông tham nhũng, là ông lạm quyền, là ông đi chiếm đất mà không đóng thuế, bóp méo thị trường bằng cách ông nâng giá lên. Hiện nay chúng ta đang đứng trước một thách thức rất lớn là chúng ta có trở thành Nhà nước pháp quyền được không, có trở thành một Nhà nước mà pháp luật có hiệu lực không, chúng ta có điều tiết được không. Nếu không, tôi thấy nước Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Đại hội X đang đứng trước ngã ba đường. Nếu tiếp tục đi con đường này thì những mâu thuẫn và thách thức nội bộ ở nước Việt Nam sẽ rất lớn. Thách thức và cơ hội trên thế giới có thể giải quyết được nên Việt Nam mạnh, phát huy được nội lực lên, phát huy được trí tuệ lên. Nhưng thách thức cũng rất lớn. Một chức năng nữa của Nhà nước là kịp thời phát hiện những mâu thuẫn và giải quyết những mâu thuẫn lợi ích. Những chuyện như vụ Trảng Cát vừa rồi, có đáng gì đâu. Có phải là người ta không kêu đâu. Kêu suốt cả năm rồi. Nhưng bộ máy của anh không làm được việc đó. Hiện nay trong Đảng có hai loại đảng viên. Một loại đảng viên có chức có quyền và một đảng viên không có chức có quyền. Hai loại đảng viên này xa cách nhau lắm, xa cách nhau rất nhiều. Tôi không biết anh chị có gặp mấy chiến hữu cựu chiến binh, mấy anh em đang phò tá anh Nguyễn Nam Khánh viết thư này khác đấy. Mấy anh em đó rất có tâm huyết. Họ sinh hoạt có trí tuệ, họ có những suy nghĩ có thể là hơi cổ một chút vì họ chưa hiểu đầy đủ nguyên lý của kinh tế thị trường v.v... Nhưng họ rất tâm huyết. Những anh em đấy, hiện nay đi đâu họ cũng đều phải đút lót hết và làm gì cũng phải đút lót. Ra đến phường, bị quát nạt bởi một cô phục vụ bé tý vừa mới ra trường nhưng bởi vì là con ông bí thư. Các anh nói là nó không làm gì được cả, ngay cả bộ máy của phường cũng “kinh” con bé này luôn, đụng đến nó không khéo nó về ton hót với bố nó thì mình chưa dọn được nó, nó đã dọn mình đi rồi. Thế thì, một bộ máy như vậy, một sự méo mó như vậy dẫn đến những hành vi mà nó không thể hiện bản chất chế độ của chúng ta. Cho nên, điều đầu tiên tôi thấy muốn báo cáo là trước những sự thay đổi rất sâu sắc của kinh tế trong nước, đã xuất hiện những lợi ích khác nhau. Vì mỗi cá nhân tự kinh doanh thì lợi ích sẽ khác nhau. Bây giờ không phải lấy làm ngạc nhiên là một tỉnh có những lợi ích khác nhau. Anh không nên hy vọng rằng là mọi việc, mọi người đều nói thật với anh hết. Anh không nên hy vọng là bằng phê bình, tự phê bình, mọi việc anh đều có thể giải quyết được hết cả. Chuyện ấy là quá ngây thơ. Mô hình sinh hoạt ấy của thời kỳ Đảng hoạt động bí mật thì rất tốt; bởi vì lúc bấy giờ là gươm kề cổ, thằng nào làm không đúng quy định thì nó tống cổ anh luôn. Bây giờ lại là trong kinh tế thị trường. Trời ơi, cơ hội là đi ra nước ngoài, nó gửi tiền ra nước ngoài, nó làm mọi thứ. Tất cả việc đó Đảng không kiểm soát được, thế mà bảo là mày cứ phê bình, tự phê bình. Thế tức là anh đề cao một công cụ mà hiệu lực của nó ngày càng thu hẹp lại, bởi vì mức độ thông tin và hoạt động của người ta càng mở rộng ra mà thông tin mình có được lại càng thu hẹp lại. Thế tức là mình sẽ dẫn đến một tình hình là sinh hoạt nó rất dữ, nhưng hiệu lực không tương xứng. Có thể đi đến một kết luận là: Hệ thống chính trị của chúng ta đang bộc lộ ngày càng nhiều những bất cập để giải quyết những vấn đề lâu dài, cơ bản, cấp bách của dân tộc và của đất nước.
Theo tôi, sứ mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam phải là sứ mạng của Đảng cầm quyền là phải chỉ ra một chiến lược, chỉ ra một cương lĩnh, tạo cơ hội phát triển cao độ nhất tính sáng tạo của dân tộc để đất nước này đi lênh nhanh và thực hiện được công bằng, dân chủ, thực hiện được quyền tự do kinh doanh, tự do phát triển của mỗi con người. Đấy là câu mà ông Mác đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cơ mà. Đó là sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người. Mỗi một người có tự do thì mọi người mới được tự do, chứ không phải một vài người có điều kiện tự do ông muốn đi đâu cũng được. Tôi muốn Ban Tổ chức Trung ương nắm tình hình để báo cáo ra.
Hiện nay, ở Hà Nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp luôn. Chỗ nhà tù Hỏa Lò cũ, nó có một nhà trẻ quốc tế, giá là 2.800 đô la một tháng. Quá 16h30 mà anh không nhận trẻ thì nó giữ lấy cho anh, nhưng mỗi giờ nó đòi thêm anh 4 đôla. Có một cô người nước ngoài tưởng rằng là giá cao thế chắc không đến lượt người Việt Nam nên cô ấy đến chậm một chút. Cô ấy gặp tôi bảo là có 20 chỗ thì người Việt Nam làm hết rồi, không đến chỗ cho con bà nữa, lại phải đi kiếm nhà trẻ khác. Thế tức là 2.800 đô la không là cái gì. Các anh chị cứ xem mà xem, có rất nhiều người đi khám bệnh ở Singapore, đi nghỉ, đi chữa bệnh luôn xoành xoạch, rồi giám đốc đi Macao đánh bạc luôn xoành xoạch. Thử hỏi các cơ quan xuất nhập cảnh báo cáo xem nào, những ai đi nhiều, đi đâu lúc này chúng ta sẽ biết. Thì đấy là một điểm.
Điểm thứ hai nữa là, việc xây dựng một hệ thống chính trị có hiệu lực, mỗi một bộ phận có chức năng phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập là điều rất quan trọng. Trong đó, có một điểm rất quan trọng đối với Đảng cầm quyền là phải biết được thông tin, nguyện vọng hiểu được tâm tư của người dân một cách kịp thời nhất. Cái đó, nếu đưa vào báo cáo thì theo tôi là rất hạn chế, vì từ trước tới nay chúng ta đã có quá nhiều ví dụ về việc ấy rồi. Về bản chất thì không có gì ngạc nhiên cả bởi vì kinh tế thị trường nó có những lợi ích riêng, nó có thể có một lợi nhuận nào đấy dù là hợp pháp hay không hợp pháp. Mọi người đều hành động, rằng là theo đúng điều lệ của Đảng, chính sách của nhà nước ấy, nhưng có một cái “cục” mà ông không nói ra là “cục” lợi ích. Cái cục đó là nặng lắm chứ và điều đó cũng là điều bình thường thôi. Thế bây giờ mình phải làm sao thiết kế một cơ chế và để cho thông tin phải thông suốt, phải có một kênh độc lập để nó giám sát phát hiện và để nó đưa lên kịp thời. Nếu mà chúng ta muốn hạn chế kênh đó không muốn nghe kênh đó thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vụ Tây Nguyên. Mà vì Tây Nguyên có phải anh em người ta không báo đâu, báo từ lâu lắm rồi, có sách đã xuất bản rồi chứ, từ năm 1996 người ta đã viết là với tiết mục là cứ ào ạt lên lấy đất như thế này thì chắc chắn sẽ dẫn tới một xung đột trong xã hội mà không thể nào giải quyết được. Tôi lên Tây Nguyên gặp anh em nói rồi, về báo cáo lại rằng là người Tây Nguyên chưa có đất đâu. Các anh cứ để ý mà xem, khi mà đi ngoài đường thấy có dân tộc gùi một gùi măng, đang đi có một cái ôtô đỗ xịch, xuống mua mấy ký măng trả có 1.500 đồng. Tôi bảo sao các vị trả rẻ thế. Cô ta nói, các ông bênh gì bọn mọi đó. Mọi thì trả thế là tốt rồi. Vậy mình có phải đối xử với người dân tộc bình đẳng như anh em đâu. Mình cứ nói thế thôi, không phải như thế. Thế bây giờ làm sao đưa được người đồng bào dân tộc ấy tham gia vào kinh tế thị thường, họ phải đứng trên chân của họ, phải được kinh doanh thì mới được. Chứ bây giờ với trình độ của họ như vậy, cho họ vay tiền thì họ để trong ống nứa gác lên gác bếp. Thế thì, với tình hình hiện nay, theo tôi phải có một sự nhận chân về cơ hội và thách thức; nhận thức được thực trạng dù có thể nhiều người không thích nghe, không muốn chấp nhận và cho rằng nếu nói về nguy cơ này thì hơi quá đáng. Theo tôi, hệ thống chính trị của chúng ta có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả, đang tự tạo ra nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề, kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường thì dẫn tới sự chệch hướng rất lớn. Nếu chúng ta kiểm điểm một cách nghiêm túc rằng chúng ta có tạo ra được công bằng xã hội không thì xin báo cáo với các anh là không. Thuế thu nhập 1,2% là không. Bộ máy Nhà nước này đã bất lực, thất bại trong việc điều tiết những người có thu nhập cao. Những người đó là những người có chức, có quyền hay là có hiểu biết, có trí tuệ kiếm ra tiền. Nếu kiếm ra tiền thì anh phải góp vào xây dựng đất nước chứ sao anh lại thế. Bây giờ, chúng ta có chiến lược như là người Thụy Điển hay không. Xin báo cáo là ở Thụy Điển, thuế thừa kế tài sản là 50%. Bố anh chết, anh chỉ được nhận 50% tài sản còn lại. Tôi hỏi Thụy Điển là tại sao mày làm dã man thế mày. Nó bảo, triết lý của chúng tao là không cho thằng nào sống được phè phởn được bằng tiền thừa kế cả. Bố nó giàu, chúng tao sẽ lấy cái giàu có ấy đi cho đất nước; còn lại, nó phải tự đi làm. Tiền thừa kế ấy có thể làm một bệ phóng tốt, nếu mà nó muốn thành người. Điều đó cũng có mặt trái. Trong nền kinh tế toàn cầu, những thằng Thụy Điển giỏi nó sang Mỹ làm. Tôi hỏi là mày sang làm gì, nước mày là thiên đường nhất trên thế giới. Nó bảo thiên đường thì cũng có thiên đường, nhưng nó cũng có mặt trái, nên tao sang Mỹ làm ăn khoảng 10 năm, sau đó lại về Thụy Điển tao dưỡng già, lúc bấy giờ tao được hưởng cái phúc lợi của nó cũng tốt. Thế tức là không có một mô hình hoàn chỉnh, mọi công cụ đều có mặt trái; anh điều tiết nó, quá thì nó không sống được, phải chạy đi chỗ khác để nó làm. Ví dụ, giờ người Thụy Điển xây nhà ở Hy Lạp và Tây Ban Nha rất nhiều là bởi vì ở đấy giá rẻ, mùa đông lại ấm áp và cũng trốn được một ít tiền thuế thu nhập. Nếu như thế này thì không lâu nữa, tôi tin là người Thụy Điển sẽ mua đất mua nhà ở Nha Trang, Hội An.
Thế thì, bây giờ nguy cơ đó đã bộc lộ chưa. Theo tôi, nguy cơ đó bộc lộ khá rõ. Hiện nay, ta chưa có được sự tổng kết sâu sắc chưa thấy được hết căn bệnh, chưa thấy được hết nguồn gốc và bản chất sâu xa tính sâu rộng của điều này. Tôi nghĩ rằng, sự bất cập và nguy cơ này có liên quan đến cả sự tồn vong của chế độ mà nguy cơ lớn nhất là từ trong nội bộ của chúng ta. Bởi vì như thế, anh không thể thu hút đầu tư được, tham nhũng sẽ ngày càng tăng lên, phân biệt giàu nghèo sẽ ngày càng tăng lên. Và bằng cách như thế này thì anh không đưa được người giỏi lên mà anh đưa những thằng đút lót, nhiều tiền lên. Và thằng đút lót nhiều tiền nó muốn lên thì nó chạy chức, chạy quyền, nó lại phải hoàn vốn lại khoản tiền mà nó đã đầu tư vào. Cho nên, việc đầu tư mà nó muốn làm không phải lo gì cho nước cho dân cả mà nó kiếm cách lấy lại được tiền của nó. Như thế bộ máy sẽ ngày càng méo mó, và mức độ cứ thế hệ sau của người giữ vị trí đó nó lại càng kém hơn người trước đây cả về năng lực, trí lực, cả về động cơ.
Đồng chí Phạm Văn Đồng trước khi chết có nói với tôi là không biết đại hội này rồi đến đại hội sau có còn đại hội được nữa không. Chắc là các đồng chí có nghe đồng chí Phạm Văn Đồng trước khi mất có những tâm tư rất lớn, lo rằng là bây giờ Đảng như thế này thì Đảng là thế nào, cương lĩnh là thế nào, lý luận là thế nào, chất lượng là thế nào, Đảng làm cái gì, đảng viên nên như thế nào, trách nhiệm như thế nào trước xã hội. Nhiều điều chưa nghiên cứu được thì cụ đã mất rồi.
Thế thì, một điều nữa là với tình hình như thế này mà nếu như không có sự chuyển hướng một cách rất cơ bản thì tôi thấy có một nguy cơ. Nguy cơ là người nói cứ nói, mà giới trẻ thì nó làm theo kiểu khác. Xã hội của chúng ta dẫn tới sự phân hóa về suy nghĩ, tình cảm rất mạnh. Thử hỏi mấy cụ cựu chiến binh, cụ có đọc kỹ báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân không. Rất kỹ, nhưng sau đó có phát biểu không. Mang ra bàn bạc về những chuyện nọ, chuyện kia, những chuyện mà không đăng báo. Rồi là các tài liệu rất hay từ Internet xuống, nhiều lắm, mình không biết, các cụ lại biết. Thế bây giờ là trong tình hình toàn cầu như thế này, mình phải cung cấp những thông tin chính thức, trung thực. Thông tin chính thức, trung thực rất nhiều tại sao mình không cung cấp cho người ta được. Xin lỗi các chị là có một vấn đề mà mọi người đều biết cả. Bây giờ bảo là cấm mại dâm, có cấm không, có cấm được không. Thế bây giờ xử lý vấn đề này như thế nào? Có mấy cấp xử lý. Tức là phải khoanh lại một chỗ. Tức là người ấy, mình thì luật pháp không công khai, nhưng người ấy phải bảo vệ người ta chứ, phải chăm sóc người ta về mặt y tế, rồi bảo vệ về pháp luật, cho người ta cái quyền để sau này người ta được hưởng. Người nào là người ăn tiền nhiều nhất. Một là mấy mụ chủ chứa, là mấy ông khách sạn. Mấy ông ấy biết hết, Bảo kê nó biết hết. Xã hội ông không biết đâu. Chỉ có điều là ông muốn tóm cổ lúc nào là ông tóm, thế thôi. Tôi ở Nghĩa Tân, trước đây có mấy cô đứng đường, cứ thấy tôi đi tập thể dục mới đến “chào hàng”. Tôi mới hỏi cô ấy rằng là sao giỏi thế, đứng đây mà cảnh sát không phát hiện. Cô ấy bảo, trời ơi chỗ đứng này là mỗi tháng một trăm ngàn đó. Ngày nắng thì còn được vài ba bữa chứ ngày mưa thì làm sao. Khủng khiếp lắm chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, chúng ta phải thấy là phải có một giải pháp về tình hình đó.
No comments:
Post a Comment