Monday, June 10, 2013

Khái niệm “dân quyền”

Khái niệm “dân quyền”

“Dân quyền” là một khái niệm xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam do ảnh hưởng của các “sách mới” (tân thư) bằng chữ Hán được du nhập từ ngõ Trung Quốc[1].

Hiểu theo nghĩa thông thường, dân quyền có nghĩa là quyền lực của dân, đối lập với quân quyền (quyền lực của nhà vua). Nói đến dân quyền có nghĩa là quyền lực tối cao (sovereignty, souveraineté) thuộc về nhân dân. Ví như hai chữ dân quyền trong đoạn thơ sau đây, trích từ bài thơ “Tỉnh quốc hồn ca II” của Phan Châu Trinh:

Niên hạn chẳng kỳ kèo lâu chóng,
Cốt cho ta hiệu phỏng tinh thần.
Quyền vua đổi lại quyền dân,
Chánh cang trước phải vài phần khai minh.[2]

Nói “quyền vua đổi lại quyền dân” có nghĩa là chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ; quyền lực tối cao chuyển từ nhà vua – hay nói rộng hơn là hoàng gia, sang tay nhân dân. Khi được hiểu theo nghĩa này, hai chữ dân quyền đồng nghĩa với khái niệm “dân chủ” (democracy, démocratie) của phương Tây. Cần lưu ý là khi nói về chế độ dân chủ, Phan Châu Trinh sử dụng nhiều danh từ khác nhau: dân quyền, dân trị chủ nghĩa, chủ nghĩa dân chủ, bình dân chủ nghĩa, v.v…

Trong các tác phẩm của Phan Bội Châu, chúng ta cũng tìm thấy hai chữ “dân quyền” được sử dụng theo ý nghĩa tương tự. Như đoạn văn sau đây trích từ tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo (viết vào năm 1908 và xuất bản lần đầu tại Nhật Bản vào năm 1909):

Dân quyền đáng sợ đến như vậy đấy! Ở châu Á ta, bậc đại hiền Mạnh Tử có nói rằng: “Dân là quý vua là thường”. Những vị vua tốt ở châu Âu cũng nói với dân rằng: “Ta là công bộc của các ngươi”. Sao vậy? Vì rằng, chính phủ phải dựa vào nhân dân để mà được yên, nhân dân cũng nhờ vào chính phủ mà có giá trị. Nhân dân có nghĩa vụ giám đốc chính phủ. Nhân dân mà làm tròn nghĩa vụ của mình thì chính phủ không dám làm sai; chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân. Chính phủ mà làm tròn nghĩa vụ của mình, thì nhân dân không đến nỗi mất chỗ nương tựa. Chính phủ tức là chỉ đại biểu cho cả nước mà thôi. Còn cái căn bản, cái then chốt thì toàn là ở dân. Vua phải lấy dân làm trời, dân chính là trời của kẻ đứng đầu cai trị nước. Ngày nay, dân quyền đã mất hết, thì có dân cũng như không có dân. Có dân mà như không có thì cái được coi là trời không còn nữa.[3]

Nhưng “dân quyền” còn có một nghĩa thứ hai rất ít được chú ý đến. Theo ý nghĩa này, dân quyền có nghĩa là quyền của người dân hay quyền của công dân[4]. Chữ quyền ở đây tương đương với chữ right trong tiếng Anh hoặc droit trong tiếng Pháp.

Trong tác phẩm Tân Việt Nam (viết năm 1907 – trong thời gian hoạt động tại Nhật Bản), Phan Bội Châu trình bày về một nước Việt Nam mới sau khi giành được độc lập và tiến hành “duy tân” (đổi mới) theo khuôn mẫu của Nhật Bản như sau:

Sau khi đã duy tân rồi, thì uy quyền nước ta ta cầm, nhân đạo của ta ta giữ, nền văn minh thông suốt, cửa tự do mở rộng, báo chí tràn đường, tân thư đầy ngõ, đơn từ kiện cáo, bút lưỡi hùng đàm, luận bàn đủ các việc nội trị ngoại giao. Người viết văn được rộng đường trước thuật. Bao nhiêu ẩn tình của chú phu xe, của người lính ngựa, của bà mẹ góa, của đứa con côi, thảy thảy đều đạt tới tai vua. Đến khi đó, người nước ta sẽ sung sướng ngây ngất như khen biển lớn là không cùng, mắt xem khó hết, như lạ vì trời xanh sao quá rộng, tay khó với vin. Tự do như thế, sướng biết chừng nào! [5]

Hoặc: “Sau khi đã duy tân rồi (…) Mọi thứ dân quyền đều được bình đẳng”.[6]

Ý nghĩa thứ hai của khái niệm dân quyền càng rõ nét hơn trong tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh – người đề xướng con đường cứu nước theo một hướng hoàn toàn khác: giành quyền tự trị bằng phương pháp đấu tranh chính trị (bất bạo động).

Vào cuối tháng 4 năm 1911, Phan Châu Trinh lần đầu tiên đặt chân đến nước Pháp. Được đi thăm một số thắng cảnh tại thủ đô Paris, được ngắm và nghe thuyết minh về những bức tượng đồng của các chí sĩ đã đổ máu cho nền dân chủ ở Pháp, ông đã ứng khẩu một bài tứ tuyệt trong đó có hai câu thơ:

Thử bang đệ nhất dân quyền tổ
Bách vạn đầu lô cấu tự do.[7]

Nghĩa đen là: “Nước này là nước tổ dân quyền bậc nhất, Trăm vạn cái đầu đã rơi để mua lấy tự do”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương đã dịch thơ thành hai câu sau đây:

Nơi đây xứ gốc quyền dân chủ,
Trăm vạn đầu rơi đổi tự do.

Trong hai câu thơ chữ Hán này, hai chữ dân quyền gắn liền với hai chữ tự do (freedom, liberté).

Đối với Phan Châu Trinh, tự do không phải là một khái niệm triết lý cao siêu hoặc một quan niệm về nhân sinh thoát ly đời sống thực tế, mà là một khái niệm của triết học chính trị gắn liền với cuộc sống đời thường của con người. Để có thể hiểu rõ những danh từ như dân quyền, tự do được tìm thấy trong các tác phẩm của ông, chúng ta cần gắn liền chúng với tư tưởng của các nhà triết học chính trị Thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 17-18) và bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) năm 1789 – một trong những văn kiện căn bản của cuộc Cách mạng Pháp.

Vào đầu thế kỷ 20, khái niệm nhân quyền (quyền con người) chưa thịnh hành như ngày nay, cuộc đấu tranh cho dân quyền ở nước ta gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự hình thành ý thức quốc gia. Xét trong bối cảnh đó, hai chữ dân quyền (quyền công dân) có giá trị tương đương với hai chữ nhân quyền (quyền con người) mà chúng ta thường dùng ngày nay.

Như vậy, trong quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, dân chủ gắn liền với tự do. Có thể thấy rõ điều này qua một câu thơ trong “Tỉnh quốc hồn ca II”: “Công quyền là thánh, tự do là thần”[8]. Diễn dịch ra ngôn ngữ đời nay, câu thơ đó có nghĩa: hai nguyên tắc thiêng liêng cần được đề cao là công quyền và tự do.

Công quyền (public power, pouvoir public) có nghĩa là: quyền lực chính trị là của chung, không thể là của riêng ai, bởi vì mục đích cuối cùng của nó là phục vụ cái chung (công), lợi ích chung (công ích) chứ không nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của một cá nhân, một nhóm người, một dòng họ hay một đảng phái chính trị nào – dù là Đảng (đảng viết hoa). Một đảng chính trị cho dù có xưng danh là “Đảng của toàn dân” cũng không thể được gọi là công quyền. Chỉ có một Nhà nước của toàn dân phục vụ cho lợi ích của cả cộng đồng mới có thể được gọi là công quyền. Một Nhà nước như thế đương nhiên phải bảo đảm đầy đủ các quyền tự do căn bản của người dân.

Tư duy của Phan Châu Trinh là tư duy minh bạch, thể hiện rõ lập trường đứng về phía nhân dân của một trí thức yêu nước. Chính vì dị ứng với một phương pháp tư duy như thế mà hàng loạt các nhà chính trị và lý luận vốn yêu thích độc tài hơn tự do đã tìm cách xuyên tạc, tung hỏa mù xung quanh cuộc đời và tư tưởng chính trị của ông, khiến cho các thế hệ sau hiểu sai và đánh giá sai về ông. Ở chiều sâu của thái độ dị ứng đó là nỗi sợ hãi của các nhà lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền: sợ chính nhân dân của mình, sợ khi dân trí được nâng cao thì người dân sẽ đứng lên đòi quyền làm chủ!

No comments:

Post a Comment