Tuesday, June 11, 2013

Hồ Chí Minh và tập đoàn nhúng tay vào máu vì áp lực viện trợ của Trung Cộng và Liên Xô!

Hồ Chí Minh và tập đoàn nhúng tay vào máu vì áp lực viện trợ của Trung Cộng và Liên Xô!

Sổ Tay

Vũ Ánh

Ðây không phải là một câu chuyện mới mẻ gì. Nó chỉ là câu chuyện cũ về điều mà nhiều người dân miền Bắc cho tới nay vẫn tin là “bác bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước.”
 Nhưng nếu họ được phép “thong thả” đọc cuốn biên niên thời sự “Bên Thắng Cuộc” của Huy Ðức thì họ sẽ thấy từ trang 255 cho đến trang 265, những người phụ tá thân cận của ông Hồ tiết lộ trong những cuộc phỏng vấn của tác giả hay trong những tài liệu mà không phải ai cũng tiếp cận được sẽ thấy nó chứa đựng nhiều điều khác hẳn với suy nghĩ của họ. Nội dung của những lời lẽ của những nhân chứng nói trên đã phơi bầy ra một thực tế mà từ trước đến nay không ai trong số những tác giả ở Việt Nam dám đề cập tới: đó là việc ông Hồ không tìm ra ra được con một con đường nào để cứu nước cả. Áp lực rất nặng nề về viện trợ của Bắc Kinh và Liên Xô khiến ông ta chỉ còn cách nhắm mắt bước vào một ngõ cụt là thực hiện những gì mà các “đàn anh, đàn thầy” mình áp đặt. Tác giả “Bên Thắng Cuộc” trích dẫn lời của Hoàng Tùng, chánh văn phòng Trung ương để chứng minh con hẻm đó như thế nào, xin trích:
“Cho dù Stalin và Mao tiếp tục thúc ép, tại Ðại Hội II diễn ra vào năm 1951, thay vì chủ trương cải cách ruộng đất, Tổng bí thư Trường Chinh (Ðặng Xuân Khu) đã đưa ra thuyết 'ba giai đoạn' theo đó trước hết phải giảm tô, giảm tức rồi mới đi đến cải cách ruộng đất. Theo lời ông Hoàng Tùng: thuyết ba giai đoạn của Trường Chinh đưa ra tại Ðại Hội II là có ý kiến của ông Hồ, nhưng Trường Chinh phân tích rất hay. Năm 1946, khi họp Xứ ủy, tôi đã được nghe ông (Trường Chinh) nói rằng, những cải cách nhỏ đều có ý nghĩa cách mạng, nhiều cải cách nhỏ cộng lại thành cuộc cách mạng lớn. Nhưng sau Ðại Hội, theo ông Hoàng Tùng, Mao và Stalin đã gọi ông Hồ sang nhất định bắt phải làm (theo đường lối của họ). Mao Trạch Ðông nói thẳng: nếu các đồng chí (họ Hồ) không cải cách ruộng đất, chúng tôi sẽ không viện trợ nữa. Ðể có viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã phải chấp nhận cuộc đấu tranh giai cấp ở một nước Ðông phương, điều mà trước đó ông đã từng cho là không thích hợp.”
Những điều mà ông Hoàng Tùng nói ra từ trước đến nay vẫn được coi là “tuyệt mật.” Thời kỳ “đổi mới” của ông Nguyễn Văn Linh, một vài viên chức cấp trung và thấp có nói mé trên một vài tờ Tin Sáng cuối cùng trước khi tờ báo này bị đóng cửa về điều gọi là “sức ép của các đàn anh” sau khi một phần của những số báo này lọt được vào trong tù qua những lần các bạn tù của tôi được thăm nuôi. Người nhà họ khéo léo ngụy trang những bài báo nói trên trong những bao bì gói quà tiếp tế. Theo Huy Ðức, chính vì Stalin và Mao quá giáo điều cho nên ông Hồ phản ứng mạnh đối với kế hoạch cải cách ruộng đất theo kiểu của họ mà thôi, chứ thực tế thuyết “ba giai đoạn” của Trường Chinh đã thể hiện một cách rõ ràng bước đi của một nhà nước công nông đúng theo như các lãnh đạo đệ tam quốc tế chủ trương. Cũng vẫn theo tác giả, sau khi chính phủ Ðoàn kết Dân tộc tan vỡ và nhất là thời kỳ chính phủ Việt Minh rời bỏ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, các chính sách mang mầu sắc giai cấp đã bắt đầu được hình thành.
Ðây chính là thời điểm bố tôi cùng nhiều người bạn của ông phải “dinh tê” có nghĩa là phải bỏ kháng chiến để trở về vùng “tề” hay còn có một từ ngữ khác là “về thành.” Huy Ðức trích dẫn một trong những sắc lệnh của Hồ Chí Minh đầu tiên về cải cách ruộng đất:
“Ngày 14 tháng 7, 1949, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh buộc các chủ điền phải giảm tô cho các tá điền từ 25 đến 35%, lấy ruộng đất của điền chủ người Pháp và người Việt bị ghép tội Việt gian để chia cho nông dân. Ngày 22 tháng 5, 1950, ông ta lại ký sắc lệnh khác xóa bỏ hợp đồng vay nợ giữa chủ điền và tá điền trước năm 1945, nếu là món nợ sau năm 1945 thì chỉ trả vốn mà không phải trả lãi. Ngày 20 tháng 4, 1953 ông Hồ lại ký sắc lệnh “Giảm tô” bằng cách giảm thêm giá thuê đất 25% để tổng số tổn phí của tá điền không quá 1/3 hoa lợi.”
Thế nhưng xương sống của những sắc lệnh của ông Hồ từ 1949 đến 1953 là bạo lực chính trị để bắt buộc người dân miền Bắc phải theo chính là chính sách đấu tố ruộng đất. Ðể thăm dò phản ứng và để thị uy, ông Hồ ra lệnh cho ông Trường Chinh thực hiện với 6 xã thí điểm ở huyện Ðại Từ thuộc tỉnh Thái Nguyên và sau đó chính thức thực hiện vào năm 1953. Về tổng quát, những điều mà tác giả “Bên Thắng Cuộc” đưa ra không phải là những điều mới mẻ, nhưng một vài chi tiết là những bằng chứng mới cho thấy ông Hồ và những phụ tá thân cận của ông biết rằng những áp lực của Bắc Kinh và Ðiện Kremlin ép họ phải thực hiện ngay chính sách cải cách ruộng đất bằng đấu tố sẽ gây ra những hậu quả tai hại, điều mà ông Hồ vẫn cho rằng “đó là điều không phải.” Tại Hội nghị Trung Ương 5 họp từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 11, 1953, Hồ Chí Minh đã đọc một bài diễn văn, trong đó ông nhấn mạnh: “Vấn đề mấu chốt là cải cách ruộng đất” và “để đẩy mạnh kháng chiến (chống Pháp), chúng ta phải ra sức thực hiện cải cách ruộng đất.”
Lời lẽ của Hồ Chí Minh mặc nhiên là một lời xác nhận và là một lệnh cho những cấp dưới của ông phải tiến hành ngay việc đấu tố ruộng đất làm như đó là một quyết định của chính ông ta chứ không phải là quyết định từ Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Và để che giấu sự việc ông và tập đoàn lãnh đạo Việt Minh bị ngoại bang dùng viện trợ (để kháng chiến) để buộc mình phải làm, ông Hồ còn tự phê, xin trích:
“Chúng ta đã nặng về đoàn kết địa chủ để kháng chiến mà không xem trọng đầy đủ vấn đề nông dân và vấn đề ruộng đất. Nông dân ta chiếm 95% dân số mà chỉ có 3/10 ruộng đất, quanh năm khó nhọc và suốt đời nghèo nàn. Giai cấp địa chủ không đầy 5% nhân số mà chiếm hết 7/10 ruộng đất, ngồi mát ăn bát vàng. Tình trạng ấy thật là không công bằng. Nước ta bị xâm lược, dân ta lạc hậu và bần cùng cũng vì đó.”
Ông Hồ nói tới mục đích của cải cách ruộng đất, đó là “tiêu diệt chế độ phong kiến, chiếm hữu ruộng đất, giải phóng nông dân, thực hiện người cày có ruộng, bồi dưỡng nông dân, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.” Phương châm mà ông ta đưa ra là: “Làm cho nông dân tự giác, tự nguyện đấu tranh giành lại quyền lợi của mình, dùng lực lượng nông dân để giải phóng nông dân,” với phương thức để thực hiện: “phóng tay phát động quần chúng nông dân và lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh, phải dựa hẳn vào quần chúng nông dân, đi đúng đường lối quần chúng, tuyệt đối chớ dùng cách ép buộc, mệnh lệnh, bao biện.” Cái lối kể chuyện lại, trích dẫn nhưng câu chữ của họ Hồ, nghe qua có thể làm cho độc giả chán nản, bảo: “Ồ, câu chuyện này ai mà chẳng biết.” Nhưng với những người cần tìm ra những bằng chứng để thiết lập một cáo trạng đối với mặt trận Việt Minh trong việc lợi dụng lòng yêu nước của người Việt Nam, lợi dụng kháng chiến để áp đặt lên đầu lên cổ dân chúng cái ách Cộng sản thì những câu chữ của ông ta là những thông tin cần thiết.
Thế giới cộng sản là thế giới còn có rất nhiều khoảng tối chưa được soi sáng. Những người ở ngoài thế giới u minh này chỉ hiểu được một phần rất nhỏ những khoảng tối ấy. Cho nên họ rất cần những người từng ở trong cái chăn của chế độ còn giữ được lương tri viết lên một phần sự thật về những con rận vẫn còn ẩn núp trong bóng tối. Từ 38 năm qua, trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, nhất là trong những cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, người ta hay có thói quen tự cô lập mình và tự tạo ra những điều cấm kỵ đối với quê hương cũ của mình. Cho nên, nhiều người vẫn mù mờ đối những vấn đề tại Việt Nam, ngay cả vấn đề lịch sử của cuộc chiến quốc cộng trước đây. Từ chỗ đặt ra những điều cấm kỵ, những nhà lãnh đạo và những chính trị gia cộng đồng tiến tới việc “phịa” ra những nguyên tắc đi ngược lại tự do tư tưởng: viết phải có lập trường, nghiên cứu cũng phải có lập trường chống Cộng, thậm chí họ tiến tới việc vi phạm vào nhân quyền khi đặt vấn đề tư cách chính trị của nhiều tác giả. Cầm tới một cuốn sách, không cần biết những dữ kiện trong phần nội dung có khả tín hay không mà chỉ cần hỏi: “Ông này là ai, từ đâu đến, VNCH hay Việt Cộng?” Ðó là lý do người ta hiểu tại sao trong gần 4 thập niên, các tác phẩm nào gây được tiếng vang trong cộng đồng người Việt là một con số nhỏ nhoi vì những tác giả “phe ta” chỉ viết cho phe ta đọc. Do chỉ viết cho “phe ta” đọc cho nên nhiều tác giả phải tránh những cái hố cấm kỵ và không tác giả nào lại dại dột phơi bầy ra những mảng tối chưa được soi sáng của phe mình !
Tôi nêu ra những yếu tố trên chỉ là có lý do để đưa ra một lời cảnh giác với tư cách của một người thích đọc sách mà thôi: đừng có quá đơn giản khi phủ nhận một tác phẩm nghiên cứu chỉ vì xuất xứ của tác giả. Hãy chú ý đến những thông tin và mức khả tín của chúng trong tác phẩm để giúp cho những nhận định riêng và độc lập của mình. Chẳng hạn như ở trang 262 trong “Bên Thắng Cuộc,” tác giả đưa ra một loạt những phương thức thực hiện trong chính sách đấu tố ruộng đất vốn là những điều mà tác giả từ phía người quốc gia đã nhắc tới nhiều, nhưng phần lớn đó là những kinh nghiệm cá nhân. Huy Ðức thuộc thế hệ của những thanh niên miền Bắc mới lớn sau chiến tranh Quốc Cộng đã có một cái nhìn tổng quát hơn về hậu quả của chính sách cải cách ruộng đất. Trong vụ này, người ta mới chỉ thấy ông Trường Chinh chính thức lên tiếng nhận sai lầm trong các hoạt động cải cách ruộng đất khiến chúng biến thành các cuộc hành hình mang tính giai cấp để chữa cháy cho ông Hồ. Cho tới nay, con số thực của những người chết vì đấu tố vẫn chưa được cấp cao nhất trong đảng Cộng sản chính thức xác nhận. Tuy nhiên, dường như tác giả “Bên Thắng Cuộc” đã có thể rút ra những con số thiệt hại từ Nội San Cải Cách Ruộng Ðất ngày 25 tháng 2, 1956, một nội san phổ biến hạn chế trong số những viên chức, cán bộ Ủy Ban Cải Cách Ruộng Ðất để đưa ra thông tin, xin trích:
“Số người bị qui oan lên tới 123,266 chủ yếu vì các biện pháp truy bức để 'đôn' tỷ lệ địa chủ lên 5% dân số như một định mức bắt buộc, dùng nhục hình như đánh, trói, giam cầm khi chưa có tòa án xét xử, kích động và hù dọa quần chúng để họ tố oan cho nạn nhân. Ở trên thì ‘phóng tay phát động’, ở dưới những ‘đoàn’, những ‘đội’ cải cách tha hồ lộng quyền, ‘nhất đội, nhì giời’. Một quốc gia nghèo như Việt Nam mà các đội đã đưa được 'định mức địa chủ' lên tới 5.68% dân số các địa phương tham gia.”
Tác giả không đưa ra ý kiến của mình về tỷ lệ 5.68% địa chủ trong một quốc gia nông nghiệp nghèo đói như Việt Nam vào thập niên 40, 50. Nhưng độc giả chắc chắn sẽ có những so sánh và người ta sẽ lạnh xương sống khi nghĩ đến việc giết người có định mức mà tập đoàn Hồ Chí Minh chủ trương và thực hiện. Cá nhân, những thông tin này giúp tôi hiểu lý do tại sao làng tôi chỉ là một làng rất nghèo cách thành phố Hải Phòng không xa lắm, bà nội tôi chỉ có 10 mẫu ruộng mà cũng bị đấu tố chết trong đợt phóng tay phát động cuối cùng mà Huy Ðức đề cập tới trong “Bên Thắng Cuộc.” Nhưng ngày nay chuyện bà nội tôi chết oan không còn là vấn đề cá nhân gia đình tôi nữa mà là vấn đề của lịch sử đất nước. Lịch sử cần có thêm những người viết lại, viết thêm về thảm kịch này, không phải là để chửi rủa thù oán, mà là để cho những thế hệ mai sau và trước mắt thế hệ trẻ hiện nay ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại có thể rút ra được những bài học.
Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Những thuộc hạ của ông ta đã xây một lăng tẩm rất lớn tại quảng trường Ba Ðình. Thời kỳ Việt Nam còn đóng cửa với thế giới bên ngoài, những khách ngoại quốc hay trong nước thăm Hà Nội thường được yêu cầu vào viếng xác ướp của “Bác.” Khách được chụp hình đăng trên báo Nhân Dân để làm bằng chứng về nghi thức ngoại giao. Nhưng từ năm 2000 đến nay, cảnh này không còn diễn ra nữa, một phần cũng vì Hà Nội hiểu rằng hợp đồng kinh tế và những dự án viện trợ, vay nợ, việc chia chác quyền lực, đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, cấu véo công quĩ làm của riêng ngày nay quan trọng hơn việc dẫn khách viếng thăm xác ướp của họ Hồ. Ngay cả đối với dân chúng miền Bắc, ngày nay ông Hồ cũng không còn là hình ảnh thiêng liêng như trước đây dù lệnh bất khả xâm phạm đối với cái tên của ông ta vẫn còn trên cửa miệng những người cầm quyền. Một phụ tá rất quan trọng của ông Hồ là ông Hoàng Tùng cũng tiết lộ những chi tiết về người “boss” của mình đã giúp cho những người thích lên án có thể cáo buộc ông Hồ tội nhúng tay vào máu của ngay cả những người ân của mình. Ở các trang 263 và 264, Huy Ðức đã chọc vào đúng “ổ kiến lửa” ở Hà Nội, xin trích:
“Theo ông Hoàng Tùng, về sau chính Hồ Chí Minh đã phải than: ‘Mình nói để mình đánh Pháp xong đã rồi sẽ cải cách ruộng đất theo cách của Việt Nam, nhưng mà (họ) cứ ép cho bằng được. Biết bao trí thức địa chủ đã theo Việt Minh, đóng góp tiền bạc từ những ngày khó khăn, giờ đây bị ‘hai ông anh lớn’ (Nga và Trung Cộng) phải chấn chỉnh lại, không địa chủ, người có gốc ‘Tây’ đứng trong tổ chức. Giữa thập niên 50, 'địa chủ không kháng chiến' thì đã 'dinh tê'. Cải cách đấu tố, theo ông Hoàng Tùng ‘coi như đánh vào lực lượng mình.’ Ông Hoàng Tùng còn kể lể thêm: 'Khi ấy tôi thường họp Bộ Chính Trị nên cũng biết một số việc, trong đó có việc thí điểm cải cách (ruộng đất) chọn bắn bà Nguyễn Thị Năm. Bà Năm nổi tiếng ở Hà Nội với tên gọi là Cát Hanh Long. Bà có con trai là cán bộ Việt Minh, một người là cán bộ cấp bậc trung đoàn trưởng làm việc ở Cục Chính Trị của Văn Tiến Dũng. Từ năm 1945 đến 1953, bà Năm tham gia công tác ở Hội Phụ Nữ. Trong 'tuần lễ vàng', gia đình bà hiến 100 lượng vàng. Vẫn theo ông Hoàng Tùng ‘các anh Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Ðức Thọ thường ăn cơm ở nhà bà và được bà Năm coi như con. Họp Bộ Chính Trị ‘Bác’ nói: ‘Tôi đồng ý người có tội thì phải xử, nhưng tôi cho là không phải đạo khi phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà và người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng.’ Nhưng sau đó cố vấn Trung Quốc Lã Quí Ba đề nghị mãi, ông Hồ nói: ‘Thôi tôi theo đa số chứ tôi vẫn cho là không phải.’ Ông Hoàng Tùng nói: ‘Hồ Chí Minh bị nó (Trung Cộng) coi là hữu khuynh. Khi ấy mà kháng cự thì nó cắt viện trợ.’ Ðể có viện trợ, theo ông Hoàng Tùng ‘Mỗi ngày đội cải cách thường phải tìm cho ra một người đến bắn thị uy, nói là để cho nông dân phấn khởi. Tôi đi xem bắn một vụ, tôi thương quá, anh ấy chỉ có 7.5 mẫu ruộng.' Chính Hồ Chí Minh và các ủy viên Bộ Chính Trị đều biết các đội đã dùng nhục hình để qui sai địa chủ, nhưng việc chấn chỉnh chỉ dừng lại ở những lời răn dạy.”
Vào tháng 10 năm 1956, Bộ Chính Trị thừa nhận:
“Do tư tưởng chỉ đạo tả khuynh, tác phong đại khái, quan liêu, độc đoán trấn áp, cho nên việc đánh địch càng đi tới càng mất phương hướng, đánh tràn lan, đánh vào địch, đánh cả vào hàng ngũ của ta, qui bức nhục hình phổ biến. Coi tổ chức của đảng, coi tổ chức cũ của chính quyền và của quần chúng là do địch lũng đoạn nên đã khủng bố tàn khốc những người nông dân vô tội, đả kích mù quáng vào đảng viên và cán bộ cốt cán của đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng. Hàng vạn đảng viên tốt bị thanh trừng, hàng nghìn bị bắt, một số đảng viên có nhiều công lao bị xử oan, phải chịu những nhục hình rất tàn khốc dã man, dùng quần chúng để vạch tội đảng viên cũ... sai lầm nghiêm trọng và vô nguyên tắc vi phạm những quyền tự do cá nhân của công dân. Trong số 8,829 đảng viên bị xử trí ở Tả Ngạn thì 7,000 thuộc thành phần nông dân lao động và các thành phần lao động khác.”
Cải cách ruộng đất là một đống bùn trộn lẫn với máu của nhiều nông dân hiền lành, những người đã đóng góp xương máu để bảo vệ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ấy vậy mà chỉ vì Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đòi hỏi mà từ Hồ Chí Minh cho đến những tay chân thân cận nhất của ông đành lòng nhắm mắt ra lệnh tắm máu họ bằng một cuộc tàn sát dã man nhất trong lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp mà đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương. Huy Ðức cho công bố những điểm gây ngạc nhiên được ông Hoàng Tùng tiết lộ trong cuộc phỏng vấn dài dành cho tác giả, xin trích (trang 264):
“Ông Hoàng Tùng, ngay từ đầu cuộc nói chuyện đã gọi các ‘đồng chí Trung Quốc’ là NÓ, (nói) tiếp: ‘Không chỉ có địa chủ bị bắn, nhà thờ, nhà chùa đều bị nó phá sạch. Ðền thờ An Dương Vương thì nó dùng làm nơi để phân bón. Ông Trường Chinh thì mặc cảm vì nhà cũng có 7 mẫu ruộng, do ông chủ yếu làm nghề viết báo nên cho người ta cấy rẽ lấy tô, rất dễ bị 'quy' (cáo buộc, gán tội). Ông Hoàng Quốc Việt thì không sâu sắc, ông Hồ Viết Thắng thì hăng hái quá. Bố ông Trần Quốc Hương, một ông thầu khoán, dành dụm mua được 20 mẫu ruộng, cũng bị đội (cải cách) đem ra đấu. Khi ông Hương nghe được tin chạy về tới nơi thì bố ông đã chết. Ông Hương than: Thôi, ruộng đất thì không tiếc gì, nhưng không thể chịu được cảnh con đấu cha, vợ đấu chồng. Các mạng thì cũng phải có đạo đức chứ ! Bố ông Nguyễn Khắc Viện là Nguyễn Khắc Niêm từng đỗ Ðệ Nhị Giáp Tiến Sĩ. Tây đưa lên hàng thượng thư (bộ trưởng). Thời kháng chiến, Hồ Chí Minh cũng có gởi thư vận động ông Niêm. Khi có cải cách ruộng đất, bị bị ‘đội’ bắt, ông Nguyễn Khắc Niêm đã tự tử chết. Mình (đảng Cộng sản) không hiểu thâm ý Trung Quốc là muốn sửa ta. Ðầu tiên là họ sửa quân đội nên lập ra chức chính ủy. Chính ủy là người (ảnh hưởng) bao trùm lên Tư lệnh, ý họ muốn nhắm vào ông Võ Nguyên Giáp, một vị tướng xuất thân từ giới trí thức và mới chỉ tham gia đảng Cộng sản năm 1940. Trung Quốc cho rằng ông Giáp xuất thân không phải công nông mà nắm quân đội là không ổn. Có người, mà tôi (Hoàng Tùng) ngờ là Lý Ban, người phó của Văn Tiến Dũng đưa cho cố vấn Trung Quốc một danh sách những cán bộ xuất thân không phải công nông định để gạt ra khỏi quân đội. Ông Giáp đưa danh sách đó cho ông Hồ. Bác (lời ông Tùng) bảo đốt ngay, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ.”
Tóm lại, trong chính sách đấu tố ruộng đất, có tới gần 72% phú nông bị “quy” sai là địa chủ. Cho nên, theo ông Hoàng Tùng, “Pháp Mỹ chỉ chịu một phần. Chính cải cách ruộng đất, và việc đánh thuế công thương nghiệp, cải tạo tư sản là nguyên nhân chính khiến hơn một triệu người miền Bắc đã phải di cư vào Nam.” Nhưng hậu quả quan trọng trong chính sách nhuốm máu nông dân nói trên không phải là chuyện di cư hay không di cư mà quan trọng chính là: trong phong trào được gọi là cải cách ruộng đất mà sao có quá nhiều máu đổ và người chết như vậy? Hồ Chí Minh là người như thế nào khi ông ta biết rằng việc bắn bà Cát Hanh Long, một ân nhân của cách mạng là sai mà ông ta không vẫn cứ cúi đầu trước cố vấn Trung Cộng và tập đoàn đồ tể dưới quyền ông?
Hiển nhiên, “Bên Thắng Cuộc” mới chỉ đưa ra một phần, tuy là khá quan trọng liên quan đến chiến dịch tắm máu nông dân miền Bắc, nhưng vẫn còn cần phải mở lại những trang kế tiếp về phía những hậu duệ của những nạn nhân trong cuộc đấu tố ruộng đất từ 1950 cho đến hết năm 1956. Khi các cuộc nghiên cứu này có đầy đủ tiếng nói ôn tồn mang tính cương quyết của sử học, bản cáo trạng đối với ông Hồ và tập đoàn của ông mới được kể như tạm hoàn tất. Tôi tin rằng, một bản cáo trạng có nghiên cứu, không mang lời lẽ cuồng nộ, lên án nặng nề, nhưng vô tư và công bằng sẽ hữu hiệu trong việc đánh đổ “thần tượng Hồ Chí Minh” nơi những người Việt Nam còn tin vào ông ta hơn là chỉ đả đảo, đạp mặt và giẫm lên cờ đỏ sao vàng một cách an toàn và dễ dãi ở Hoa Kỳ.
Tuy muộn nhưng đã đến lúc người quốc gia chống Cộng hiện nay ở hải ngoại nên thay đổi sách lược đấu tranh và cần các cuộc nghiên cứu mang tính khoa học và sử học về cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc thay vì chỉ trang bị cho mình biểu ngữ, loa điện, vỗ ngực xưng tên và la hét những khẩu hiệu trên đường phố đã bắt đầu bị dư luận hoài nghi.


No comments:

Post a Comment