Wednesday, January 8, 2014

Một câu chuyện buồn ‘74


Trong không khí ấm cúng của Tết, miền Nam Việt Nam đã trở lại sinh hoạt bình thường từ sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 sáu năm về trước do cộng sản Hà Nội cùng với cái gọi là Mặt trận Giải phóng miền Nam đã ngang ngược vi phạm Hiệp ước Ngưng bắn trong những ngày trước và trong Tết mà họ đã ký kết. Đó là vào lúc gần cuối năm 1973, dịp Tết Giáp Dần 1974 đang đến, con tàu Hộ tống Hạm Nhựt Tảo vừa hoàn tất chuyến hải trình 2 tháng xa nhà, đang tiến về bến cảng Tiên Sa để chuẩn bị đón Xuân và phục hồi sức lực trước khi nhận thêm những nghĩa vụ mà Tổ quốc đang mong đợi.

Vài chàng pháo thủ bá vai nhau, vui chân trên đường phố Đà Nẵng, dạo quanh những gian hàng Tết sớm trưng bày giữa lòng đường đón chào khách. Những hình ảnh nầy khiến cho họ càng nhớ hơn đến những người thân yêu nơi xa nào đó đến nỗi họ không sao cầm lòng được khi ngồi đọc lại những lá thư nhà bên chiếc quán ven đường.

Người yêu của chàng pháo thủ Phạm Văn Hùng, vẫn lờn vờn trong trí anh, qua những chiếc bóng Xuân trong trang phục sắc màu bình dị. Anh cũng mới mua 2 chiếc lược đồi mồi - một cho Mẹ, một cho người yêu - và cặp bánh cớm gừng trong lớp giấy kiếng bóng đỏ dành cho bàn thờ tổ tiên. Anh cũng không quên những đứa em với những chiếc áo sơ mi trắng như món quà đầu Xuân cho năm học. Những người bạn của anh cũng thế, dường như ai cũng khệ nệ với những món quà dành cho gia đình sau khi được lãnh số lương hàng tháng và thêm ít tiền Tết.

Đang say sưa cao hứng huyên thuyên cùng bạn bè, một chiếc xe Quân Cảnh có chữ MP thắng gấp trước quán. Một người trên xe nhảy nhanh xuống và nói ngắn gọn: “Các anh cần về ngay bến cảng theo lệnh gọi.” Cả nhóm ngạc nhiên trước lời nói nhẹ nhàng nhưng gần như mệnh lệnh đó, khiến không ai có thể bác bỏ. Vì cả bọn biết rằng quân lệnh không phải là chuyện đùa dù trong bất kỳ trường hợp nào như hôm nay, chỉ mới được thong dong vài tiếng ngày phép tại ngũ trước khi chính thức được cấp phép nghĩ Tết rời bến cảng. Họ nhanh nhẹn, như vẫn là tác phong quân nhân thời chiến, rời khỏi quán và hối hả trở lại bến cảng, nhưng tiếng nói cười đùa với nhau vẫn còn rộn rã như pháo Xuân vốn phải im tiếng từ dạo cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản đã biến tiếng pháo xuân thành hàng loạt tiếng súng AK, xác pháo đỏ trở thành hàng ngàn xác thường dân, những ngày Tết hóa thành ngày quốc tang trên toàn cỏi miền Nam Việt Nam, và lời chúc tụng đầu năm được thay thế bằng những lời hận thù, hằn học của quân cộng sản như thể họ, những người miền Bắc, không phải là cùng dòng giống Việt Nam, ngoại trừ cùng một ngôn ngữ hiểu được.
Con tàu định mệnh

Thủy thủ đoàn của chiến hạm HQ10 tụ tập đầy đủ trên những chiếc giường cá nhân chồng chất lên nhau. Họ khoe cho nhau những món quà mới mua cho gia đình, hoặc thì thầm với người bạn về lá thư riêng tư nào đó. Trong cái không khí ấm cúng của tình đồng đội bao trùm trong khói thuốc, họ như luôn cảm thấy chan hòa cùng cái Tết thu hẹp trong con tàu nầy. Đời sống của một quân nhân luôn gắn liền với định mệnh nào đó, như chính họ đang gắn liền con tàu định mệnh. Họ vẫn biết thế và chấp nhận vì nghĩa vụ Tổ quốc. Họ vẫn vui cười khi có dịp, xem định mệnh như cơn gió bất chợt trên sóng biển, có lúc lờn vờn như đùa giỡn với con tàu. Biết bao lần rồi, thủy thủ đoàn HQ10 từng thách thức với tử thần, hiên ngang trên khối nước mênh mông vô bờ bến để bảo vệ chủ quyền biển Đông, bao gồm cả hải đảo Hoàng Sa - nơi chỉ có dấu chân của những ngư nhân Lý Sơn đôi khi phải trú tạm vì bão biển, và vài ngôi mộ được phủ mặn sương muối như những chứng nhân giữa trời biển về chủ quyền vốn được minh định của nó.

Lệnh nhổ neo được ra vào ngay chiều hôm đó bởi tân Hạm trưởng Ngụy Văn Thà qua Hạm phó Nguyễn Thành Trí để sớm gia nhập cùng Khu trục Hạm HQ4-Trần Khánh Dư và Tuần dương Hạm HQ16-Lý Thường Kiệt của Hải quân Việt Nam, vốn là con tàu đã có mặt trước đó quanh hải đảo Hoàng Sa từ ngày 15/01/1974, cũng là ngày mà nó phát ra lời yêu cầu cho sự hỗ trợ khi đối mặt với nhiều tàu đánh cá trá hình của Trung cộng đang ngang nhiên đổ người và cắm cờ trên Hoàng Sa. Mặc dù chưa được sửa chữa hoàn chỉnh, con tàu HQ10 vẫn cố băng mình vào sóng biển, chạy đuổi theo sau con tàu chủ soái Tuần dương Hạm HQ5-Trần Bình Trọng một cách mệt nhọc với một trong hai động cơ được vội vã tu chỉnh tạm thời. Cuối cùng, nó cũng có mặt ở vùng biển Hoàng Sa vào khoảng 10 giờ tối ngày 19/01/1974 để dự vào hải hình chiến lược cùng 3 con tàu của Hải quân Việt Nam chống lại khoảng 18 tàu chiến Trung cộng đang ẩn núp chực chờ với một mưu toan quyết đánh chiếm Hoàng Sa trong chiến lược bủa vây hiệp lực với cộng sản Hà Nội thôn tính miền Nam Việt Nam.

Những món quà không bao giờ đến

Hạ sĩ pháo thủ Vương Văn Hà, một trong số ít người sống sót sau trận chiến sinh tử Hoàng Sa, có lần nhớ lại: chúng tôi phải ngồi ôm những khẩu pháo từ sáng sớm đến trưa, chờ đợi cho mệnh lệnh khai hỏa, mà trong bụng thì chưa có gì. Vài Giám lộ và thủy thủ khác phải chạy tới lui để tiếp tế cháo trắng trộn vào vài tép mở heo cho những pháo thủ đỡ lòng.

Phía cuối thân tàu, ngoài khẩu pháo 76.2 ly của anh Vương Văn Hà ở phía trước là hai tay xạ thủ gan lì Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Văn Lợi mà đồng đội thường gọi đùa là hai anh em, đang nheo mắt làm trò với nhau, lâu lâu cúi xuống rít vài hơi thuốc sau những khẩu đại liên khác. Riêng thủ pháo Phan Văn Hùng, dường như có nhiều suy tư, đăm đăm nhìn vào tàu địch như muốn đốt cháy kẻ thù Trung cộng xâm lược vốn cố tình lợi dụng dịp Tết để gây hấn như cộng sản Hà Nội đã làm vào năm 1968. Bất chợt, anh nhớ đến đôi lược đồi mồi còn nằm trong túi quần mà trong lúc quá vội trở về bến cảng, anh đã không kịp tạt vào nhà người quen nhờ gởi giùm về gia đình. Nhưng có lẽ nhờ thế, anh cảm thấy chút gì hơi ấm thân quen trong cái giá lạnh sương sương của biển cả trong những ngày sắp hết năm dù hiện giờ nắng cũng đã lên cao.

Trước một ngày con tàu HQ10 xuất hiện, 18/01/1974, sau lần phát quang hiệu cảnh cáo cuối cùng của Khu trục Hạm HQ4-Trần Khánh Dư - khẳng định chủ quyền của miền Nam Việt Nam, và yêu cầu tàu Trung cộng ra khỏi hải phận Việt Nam - và trước sự khiêu khích, ương ngạnh có chủ đích của con tàu ngụy trang đánh cá của Trung cộng là phần tấn công tiếp cận của HQ4 bằng cú đâm mạnh vào con tàu đó với sự hiệp sức của Tuần dương Hạm HQ16 đã khiến giặc Tàu tạm thời thối lui. Tiếp theo là những cuộc đổ bộ vào đảo Quang Hòa lúc khoảng 7 giờ sáng hôm sau vào ngày 19/01/1974 của hai nhóm biệt hải thuộc HQ4 và HQ5, với sự có mặt của HQ10, dù phải vất vả băng mình dưới mưa pháo, súng cối 82, và những khẩu đại liên của quân thù. Cuối cùng họ đã lên được bờ đá và chạm phải một hỏa lực của quân thù đông gấp nhiều lần họ đang chờ sẵn sau những khối đá. Cuộc cận chiến không đồng sức trên bộ đã thực sự khởi đầu với vài chiến sĩ Hải quân phải chịu hy sinh. Nhưng họ cố bám và chống trả sống chết cho đến khi có lệnh thu quân. Những con tàu HQ rất nóng lòng muốn lao vào trận chiến để bảo vệ đồng đội đang bị thế yếu, nhưng chúng phải chờ đợi một mệnh lệnh cho phép khởi động.

Giờ điểm không thể lâu hơn nữa, lệnh khai hỏa được ban ra từ Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đang theo dõi tiến trình ở trung tâm hành quân qua Soái Hạm HQ5-Trần Bình Trọng của Đại tá Hà Văn Ngạc vào lúc 10g24 sáng ngày 19/01/1974. Tất cả 4 con tàu HQ liền tung ra hết hỏa lực như có thể, nhắm vào quân thù vốn cũng là đồng minh thân thiết nhất của cộng sản Hà Nội.

Những xạ thủ kiên cường của con tàu HQ10 yếu đuối nhất trong 4 con tàu, cũng không chịu kém khi buông ra hàng loạt đạn pháo vào những mục tiêu đang vây quanh nó. Những thủy thủ vận dụng hết sức mình chuyền nhanh những quả pháo, hoặc liên tục cung cấp những thùng đạn cho đồng đội dưới hỏa lực như mưa của kẻ thù càng lúc ùa đàn ra như giống thủy quái khát máu. Một người ngã lăn, một người nối tiếp; một nòng súng im, lại được tiếp tục gầm lên như muốn thét lên rằng: “Khai pháo! Khai pháo!” Hạ sĩ Vương Văn Hà hăng say khạc pháo vào quân thù khiến cho tàu địch bị mất khả năng điều khiển và cho đến khi một quả pháo của địch đánh trúng bộ chỉ huy của con tàu HQ10. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh tại chỗ, ngay trong lúc mưa đạn điên cuồng của giặc Tàu trút xuống hàng loạt. Anh Vương Văn Hà nhìn thấy quanh mình là xác của những đồng đội, nhưng vẫn cố gắng chống chọi đến khi được lệnh rời bỏ con tàu. Trong lúc phóng mình về phía sau để tìm cách thoát hiểm, anh nhìn thấy, lẫn trong những mảnh thịt nát bấy đó, dường như một cái gói giấy kiếng bóng đỏ màu - mà đúng ra là một màu hồng hoan hỉ trong ngày Tết - hòa ngợp trong dòng máu đỏ của bạn mình.

Những màu đỏ ám ảnh

Sau khi rời khỏi con tàu HQ10 - đang chìm dần xuống đáy biển cùng Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và những tử sĩ Hải quân - trong nước biển muối mặn pha lẫn máu đồng đội mà anh Vương Văn Hà đã nhiều lần phải lặn ngụp uống vào, anh ta cùng vài người bạn khác đã may mắn được thoát cái chết trên biển. Không phải chỉ là nguy cơ kiệt sức vì thiếu nước, thức ăn, và cái lạnh chết người của biển cả, mà còn là những hiểm nguy kéo theo trong những lằn đạn xối xả của giặc thù, máu lạnh, đê tiện Trung cộng - vì những hành động dã man khi ra tay tàn sát thủy thủ đoàn không còn khả năng chiến đấu, là sự vi phạm quy ước chiến tranh, là sự biểu hiện thú tính của những người cộng sản. Cuối cùng là, một số đồng đội lại phải chịu hy sinh trong căm hận thế cô.

Mối thù quốc gia chưa rửa được, tiếp theo là những cuộc tang thương khi một lần nữa, chính anh cũng là nhân chứng nhìn thấy màu đỏ máu rợn người tràn ngập miền Nam Việt Nam. Những màu đỏ sắc máu của Trung cộng không khác gì những màu đỏ khát máu của cộng sản Hà Nội. Chúng lan dần, lan dần thay màu giấy bóng đỏ bao bọc món quà ngày Tết mà đến cả những ngày sau này anh Vương Văn Hà cũng không sao tránh khỏi cảm giác kinh sợ mỗi khi vô tình nhìn thấy màu đỏ đó đây. Và anh luôn tự hỏi, có phải chăng những kẻ sắc máu nhất luôn ưu thích màu đỏ ói. Cũng như loài bò mộng thường hay điên tiết khi bị màu đỏ thu hút trong những đấu trường Tây Ban Nha; con người càng điên cuồng, dã man hơn khi màu đỏ cứ đập vào mắt mỗi ngày từ khắp mọi hướng, mọi nơi (?)

Chắc chắn, anh ta không phải là một nhà phân tâm học, mà chỉ là một chiến sĩ từng đối diện với máu thịt phơi bày. Anh ta có thể sai, hoặc đúng trong ý nghĩ chưa thể quyết đoán của mình. Nhưng anh ta biết chắc rằng "món quà Tết không bao giờ đến được đó" không phải là niềm vui mong đợi của người nhận như sắc màu ngụ ý của nó. Có chăng là những đau khổ nhói lòng, những uất nghẹn trong nước mặt tự buông rơi, những đôi môi run run không thể bật thành tiếng khóc, và những tiếng vọng lời nguyền đầy u ẩn: “Khát máu! Khát máu!” Tất cả những thứ đó đang bám đầy quê hương Việt Nam, chìm ngập trong một màu đỏ máu của những cái gọi là quốc kỳ của cộng sản tay sai bán nước mà một ngày nào đó, lịch sử sẽ tự minh định lại cái tội phản quốc của nó.




Do Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận sưu tầm

No comments:

Post a Comment