Trận hải chiến Hoàng Sa oanh liệt vào năm 1974 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa với quân xâm lược Trung Cộng, tính đến nay đã có 40 năm. Thế nhưng gương hy sinh Vị Quốc Vong Thân của người lính, người chỉ trực chiến với quân thù xâm lược Trung Cộng, những người vĩnh viễn nằm lại biển trời quê hương không về như mới xảy ra hôm qua hôm kia, vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và những diễn biến xoay quanh trận hải chiến do các cấp trách nhiệm liên quan kể lại, đã chạm đến trái tim của những người Việt Nam yêu nước ngày hôm nay.
Với hành động kiêu hùng từ chối rời chiến hạm, cùng chết với chiến hạm của người lính, người chỉ huy xem cái chết nhẹ tựa lông hồng đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, hoà lẫn vào lời nói của các cấp chỉ huy Không Quân, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trong kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa bất thành, cũng hào hùng đầy khí phách không kém do phi công nằm vùng Nguyễn Thành Trung, người bỏ bom dinh độc lập năm 75 kể lại: “Mấy ông cấp tá... phát biểu trong cuộc họp rằng, đánh với Việt Cộng là chỉ đánh chơi thôi... Đánh với Trung Cộng mới là đánh... cho nên trận này... cấp đại tá, trung tá, thiếu tá đánh trước, đánh cho họ biết người Việt Nam là như thế nào...”(1)
Hải chiến Hoàng Sa khơi dây một cái gì đó tận đáy sâu tâm hồn về người lính hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà... bàng bạc đâu đó, rất bất khuất, kiêu hùng là niềm kiêu hảnh làm hảnh diện hai tiếng Viêt Nam nhưng cũng chính nó khơi lại nỗi xót xa, ngậm ngùi đến đắng lòng cho một cuộc hải chiến 14 năm sau. Đó là trận hải chiến Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 do binh chủng hải quân thuộc quân đội nhân dân Việt Nam “anh hùng” tham chiến.
Nhân 40 năm tưởng niệm hải chiến Hoàng sa, xin tóm tắt câu chuyện về trận hải chiến Trường Sa nằm ngoài tư liệu, tài liệu hoặc có liên quan thì chỉ là tài liệu tuyệt mật thuộc bí mật quốc gia, cấm “phát tán” trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Nội dung câu chuyện này đã được phổ biến trong một bài viết trước đây và chuyện hải chiến là bài học không bao giờ cũ của lòng yêu nước, của gương hy sinh qua mọi thời đại, mọi dấu mốc dựng nước, giữ nước, cứu nước, mở nước của lịch sử dân tộc Việt Nam, ngay từ thuở tổ tiên nòi Việt mang gươm đi mở cõi:
“Câu chuyện kể là một câu chuyện có thật, với sự thật dần dần hé lộ do chính những người trực tiếp tham chiến, sống sót bị bắt làm tù binh kể lại. Câu chuyện thật đó là sự thật về trận hải chiến Trường Sa năm 1988 của thế kỷ trước. Một trận chiến không cân sức, quái đản kỳ lạ nhất trong lịch sử chiến tranh bởi những chiến sĩ tham gia chiến trận không được trang bị vũ khí, chỉ được học tập quán triệt chủ trương đường lối của đảng trước khi xung trận.
Lập luận này nghe “quen quen” là phải “hết sức kềm chế, giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao hòa bình, tránh không để vụ việc diễn biến phức tạp...” và các chiến sĩ quân chủng hải quân của quân đội nhân dân “anh hùng” đã nghiêm chỉnh chấp hành, quyết tâm dùng sinh mạng với tay không, rất can trường dựng cờ tổ quốc bám, giữ biển đảo cho dù kẻ thù hung hãn được trang bị vũ khí tận răng, bắn giết chiến sĩ hải quân ta như bắn bia không nương tay. Điều đáng buồn là những anh hùng quân chủng hải quân Việt Nam trước khi chết vẫn cố hô vang: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông... chứ cương quyết không để mất đảo!”(2)
Có lẽ, các chiến sĩ hải quân bảo vệ Trường Sa ngã xuống, vĩnh viễn ở lại biển không về, trong họ ấp ủ lý tưởng trong sáng, lòng yêu nước vô bờ nhưng các anh không thể ngờ rằng, các anh đã bị lãnh đạo bán đứng cho các toan tính đen tối của họ và sự hy sinh của các anh đã bị người ta phản bội, không hề được nhắc tới. Ngay cả nhân dân ngưỡng mộ sự hy sinh cao cả của các anh, các thân nhân ruột thịt thương khóc các anh, các đồng đội may mắn sống sót thương nhớ làm lễ tưởng niệm vinh danh, tri ân các anh cũng bị ngăn cấm. Họ phải gạt nước mắt, nuốt ngược nước mắt vào trong, tưởng niệm trong lòng suốt mấy mươi năm qua, ngay cả bây giờ ở tại thời điểm này vẫn còn bị ngăn cấm. Tại sao đảng “bạc tình”không ghi công, lại sợ nhân dân vinh danh, tri ân các anh, còn là bí ẩn khó giải thích?
Thú thật, theo những thông tin do những người trong cuộc cung cấp thì biến cố Trường Sa năm 1988 không phải là trận hải chiến đúng nghĩa của hải chiến, bởi một bên tay không dựng cờ giữ đảo theo chỉ đạo của đảng “hết sức kềm chế, không để vụ việc diễn biến phức tạp...”. Với bên kia kẻ địch thù được trang bị hỏa lực súng lớn, súng nhỏ lại manh động, hung hăng bắn giết như cướp biển thời trung cổ và các chiến sĩ quân chủng hải quân Việt Nam anh hùng trở thành những tấm bia thịt cho “hải tặc” Trung Cộng bắn giết chứ không đúng là một trận hải chiến đúng nghĩa như loa đài rêu rao theo kịch bản do đảng dàn dựng.
Phải nói theo thói thường dù thua trận, nếu được trang bị vũ khí và không bị lãnh đạo, chỉ đạo quái đản, kỳ lạ bám giữ đảo bằng tay không, bằng nước bọt nài nỉ van xin lòng thương sót của kẻ thù. Chắc chắc các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt nam anh hùng không chết thảm, chết nhục nhả, chết tức tưởi, chết như các tử tội bị xử tử tập thể trừng mắt chờ những phát súng lạnh lùng cướp đi mạng sống giữa biển nước mênh mông. Thành thật mà nói, các chiến sĩ hải quân nhân dân cũng không đến đổi hèn nhát nếu có cơ hội đánh trả hoặc tiên hạ thủ vi cường như các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã khai hỏa vào tàu địch, đã liệt oanh ngã xuống cho trận chiến đúng thật hải chiến ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Có thể, sự thật về biến cố Trường sa dần phơi bày ra khác với tuyên truyền lừa mị của đảng, nhà nước cộng sản nên họ cố tình ngăn chận, cấm cản không cho người dân quan tâm đến biển đảo, muốn biết sự thật về trận hải chiến Trường sa, muốn tiếp cận những nhân chứng sống. Những cá nhân trực tiếp tham dự trận hải chiến, những cá nhân đủ điều kiện phát ngôn đúng với sự thật lịch sử trận hải chiến Trường sa. Bên cạnh những nhân chứng sống, sống sót trong biến cố Trường sa, là trên thế giới mạng tin học còn có đoạn phim ngắn ghi lại bối cảnh“chiến công” của hải quân Trung Cộng tàn sát, bắn vào các bia thịt tội nghiệp của chiến sĩ hải quân Việt Nam được kẻ thù tung lên trình chiếu trên YouTube đã lột trần sự thật của trận hải chiến Trường sa như đấm vào mồm đảng cộng sản nên đảng chỉ ú ớ không thành tiếng, phải tắt loa đài thông tin sai sự thật, phục vụ công tác tuyên truyền như đảng thường làm.
Dù thế nào đi nữa, dù các chiến sĩ Trường Sa bị phản bội, bị bán đứng, bị đảng cộng sản trói tay đưa đi làm bia thịt để cho Trung Cộng bắn giết nhưng nhân dân Việt Nam vẫn không phủ nhận sự hy sinh bởi tình yêu quê hương của các anh là trong sáng, hào hùng. Sự hy sinh của các anh đáng được trân trọng, tri ân, ghi nhớ cho đến muôn đời sau. Nhưng đảng, nhà nước lưu manh cộng sản Việt Nam sợ sự thật, sợ một cách khó hiểu, không dám nhắc đến các anh, thậm chí ngăn cấm thân nhân, đồng đội, những người ngưỡng phục làm lễ tưởng niệm, vinh danh các anh?”(3)
Trên đây chỉ là một phần sự thật của trận hải chiến Trường Sa, đàng sau trận hải chiến Trường Sa chắc còn nhiều bí ẩn “gay cấn” của các hiệp ước, mật ước đã được nhiều thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam ký kết với cộng sản Trung Quốc chưa được bạch hóa. Có thể các bí mật đó là lý do chính khiến cho lãnh đạo cộng sản ngăn cản thân nhân “liệt sĩ Trường Sa” và người dân ngưỡng mộ làm lễ tưởng niệm cho những chiến sĩ hải quân của quân đội nhân dân Việt Nam, rất anh dũng với tay không hô vang: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo...Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ nhất quyết không để mất đảo...”
Khác biệt là các chiến sĩ hải quân của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, rất “đặc biệt” trước khi chết vẫn hô to những lời lẽ rất “ấn tượng” thể hiện ý chí “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của họ và các chiến sĩ hải quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không được như thế. Các anh chỉ thể hiện tình động đội, lòng yêu nước tự nhiên rất đời thường nhưng không làm mờ nhạt hình ảnh kiêu hùng của người lính Việt Nam Cộng Hòa, nằm lòng phương châm Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm.
Đặc biệt, sự khác biệt lớn nhất giữa hai trận hải chiến năm 1974 và năm 1988 của thế kỷ trước, là sự phủ nhận với sự ghi nhận gương hy sinh của những chiến sĩ hải quân đối với tổ quốc của người dân nhớ ơn và của các lãnh đạo quốc gia đại diện nhân dân tri ân họ:
Đối với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, một chính phủ bị hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản ra rả chửi bới là “...ngụy quyền, tay sai bán nước, cầu vinh...”. Qua vị nguyên thủ quốc gia, nguyên tổng thống Việt Nam Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu đã có nghĩa cử tri ân gởi đến các chiến sĩ hải quân tham gia trận hải chiến Hoàng Sa, với những lời tuy giản dị nhưng nói lên được lòng biết ơn đối với những chiến sĩ xả thân vì tổ quốc: “tôi gởi lời khen ngợi nồng nhiệt đến tất cả các chiến sĩ hải quân Việt Nam, đặc biệt đến những chiến sĩ hải quân đã tham gia chiến đấu chống lại bọn xâm lăng cộng sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tôi cũng xin chia buồn và bày tỏ niềm kính trọng vô cùng đối với những gia đình của các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Tôi tin tưởng rằng lực lượng hải quân Việt Nam sẽ luôn luôn duy trì truyền thống dũng cảm và xả thân này.”(4)
Đối với nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo đảng nhà nước đã không có hành động tri ân sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ hải quân, quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tham gia hải chiến Trường Sa. Những người thừa hành đã chấp hành nghiệm chỉnh mệnh lệnh “hết sức kiềm chế”, không manh động làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai đảng, hai nhà nước, là đứng yên cho giặc thù nhắm bắn trong nhiệm vụ tay không giữ đảo. Không những thế lãnh đạo đảng, nhà nước còn ngăn cản, bắt bớ những ai tự phát làm lễ tưởng niệm các anh hùng của cuộc hải chiến Trường Sa. Thậm chí họ còn vu cho bất cứ ai tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân Trường Sa mà không có sự cho phép của họ, với những bịa đặt mơ hồ là nhận tiền của các thế lực thù địch - kích động, xúi dục phá hoại chính sách ngoại giao mềm dẻo đối thoại hòa bình trong tranh chấp Biển Đông của đảng và nhà nước “ta”?
Qua những gì lãnh đạo đảng, nhà nước cộng sản đối xử với những người lính hải quân, quân đội nhân dân làm theo lệnh trên giao trong trận hải chiến Trường Sa và những gì lãnh đạo chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đối xử với chiến sĩ hải quân tham gia trận hải chiến Hoàng Sa, không khó để cho chúng ta nhận ra sự khác biệt nhất định giữa vô luân và nhân văn của hai chế độ. Từ đó nhìn rộng ra hơn, nhìn sâu vào mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa với Hoa Kỳ và mối quan hệ ngoại giao của cộng sản Việt Nam với cộng sản Trung Quốc. Qua quan sát thực tiễn trong quá khứ ngay cả cho đến thời hiện tại và tiếp cận các văn kiện, chứng cứ trong các kho tài liệu thuộc loại bí mật lịch sử được bạch hóa của các bên liên quan, tham gia “trò chơi” chiến tranh Việt Nam, đã phơi ra trần trụi sự thật, đủ cơ sở để cho ra kết luận: Ai mới đích thực là ngụy quyền, tay sai bán nước cầu vinh?
Lê Nguyên
Do Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận sưu tầm
No comments:
Post a Comment