40 năm trước ngày 19/1/1974 Trung cộng đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Tuy là kẻ giành chiến thắng, nhưng Trung cộng đã bỏ mặc những chiến sĩ hải quân VNCH (HQ 10 - Nhựt Tảo) trôi giạt trên những chiếc bè mỏng manh.
Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma-Trường Sa, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, Trung cộng tiếp tục dùng tàu cản trở những hoạt động cứu trợ nhân đạo này. Chúng ta hãy phân tích sự dã man vô nhân đạo này của Trung cộng để tiếp tục tố cáo ra công luận Việt Nam và quốc tế.
Bối cảnh
Sau khi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lợi dụng sự bất lợi của HQ10 (Nhựt Tảo), chiếc tàu mang số hiệu 389 của Trung cộng đã tấn công tới tấp và HQ10 bắt đầu trúng đạn ở đài chỉ huy, phòng lái... , hầu hết các sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên ngành giám lộ và vận chuyển (tức thủy thủ bẻ lái) có mặt trên đài chỉ huy và phòng lái đều tử trận ngoại trừ Hạm phó (Nguyễn Thành Trí) bị thương nặng nơi mặt, bụng và chân phải (mất một miếng thịt ở chân phải). Ngoài đài chỉ huy và phòng lái, hầm máy và hầm đạn dược cũng bị trúng đạn bốc cháy.
Tình trạng HQ10 lúc này quá bi đát, gần 70% nhân viên đã hy sinh kể cả Hạm trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy. Đại úy Trí từ đài chỉ huy bò xuống boong tàu, được hai nhân viên dìu đứng gần bè cấp cứu dõng dạc tuyên bố:” Hạm trưởng đã hy sinh, tôi thay mặt Hạm trưởng ra lịnh đào thoát. ”Quyền Hạm trưởng Nguyễn Thành Trí là người cuối cùng miễn cưởng rời chiến hạm. Trong những giờ phút sau cùng, đại úy Trí vẫn không quên những bài học về Hải Quy trong hai năm thụ huấn nơi quân trường.
Thanh toán HQ 10 xong, hai chiếc 281, 282 quay lại tiến gần đến các bè, Hạm phó Nguyễn Thành Trí dặn các nhân viên trên bè: ”nếu bị bắt, bị đánh cũng đừng khóc, đừng van xin”. Tất cả đều hồi hộp không biết chúng sẽ hành động như thế nào? Chúng sẽ vớt họ lên bắt sống làm tù binh? Chúng sẽ bỏ mặc cho bè các anh tiếp tục trôi để chết lần mòn giữa biển khơi? Hay là chúng sẽ bắn vào bè để giết chết hết các anh?...
Cuối cùng, sau khi chạy quanh các bè khoảng 2 vòng, chúng vẫy tay cười rồi bỏ đi. Chúng đã chọn phương cách thật tàn nhẫn vừa khỏi phí đạn, vừa khỏi tốn công chăm sóc các anh theo luật tù binh quốc tế, vừa khỏi mang tiếng sát nhân vì chúng nghĩ là sớm muộn gì các anh cũng sẽ chết.
Hộ tống hạm HQ10 Nhật Tảo trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974.
Vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế về tù binh chiến tranh
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Công ước Genève về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh là công ước về các quy tắc mà các nước đã phê chuẩn hoặc chưa phê chuẩn được khuyến cáo tuân theo khi đối xử với tù binh, hàng binh chiến tranh và dân thường trong vùng chiếm đóng.
Tù binh chiến tranh là những quân nhân bị bắt khi tham gia chiến đấu trong một cuộc chiến giữa các bên.
Đối xử nhân đạo với tù binh và hàng binh chiến tranh là các hướng dẫn về việc bảo toàn an toàn tính mạng, danh dự, phẩm giá tù binh và hàng binh. Nó bao gồm các khuyến cáo về việc trợ giúp cứu chữa cho người bị thương; các hành vi bị khuyến cáo không được phép dùng để truy bức về tinh thần và thể xác; các hình thức, các nhục hình và các lời nói làm xúc phạm đến nhân phẩm người bị bắt hoặc xúc phạm niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng hoặc lý tưởng người bị bắt; các khuyến cáo về việc không được dùng tù binh và hàng binh làm con tin hoặc bia đỡ đạn, hoặc lao động khổ sai... các hướng dẫn về việc sinh hoạt tối thiểu của người bị bắt về vệ sinh, lương thực, thuốc men, thực phẩm tùy theo điều kiện cho phép của các bên và tình hình chiến trường.
Di ảnh hạm phó Nguyễn Thành Trí
trên bàn thờ nhà bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh
Bộ mặt thật của Trung cộng
Sau hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 Trung cộng đã bắt sống 48 quân nhân thuộc hải quân VNCH. Ngày 20/1/1974 Bộ tư lệnh Hải quân VNCH đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu hội Chữ Thập Đỏ quốc tế can thiệp với Trung cộng trao trả các tù binh do Trung cộng bắt giữ. Kết quả, phía Trung cộng đã trao trả 48 quân nhân vào 2 đợt:
- Đợt 1 gồm 5 quân nhân bị thương vào 31. 1. 1974.
- Đợt 2 gồm 43 quân nhân vào ngày 17. 2. 1974.
Tuy nhiên 7 thủy thủ trên các bè đào thoát từ HQ10 đã tử thương bao gồm cả hạm phó Nguyễn Thành Trí, trước khi được tàu Hà Lan cứu vớt vào sáng 22/1/1974.
Chưa dừng lại ở đó ngày 14/3/1988 Trung cộng tiếp tục thảm sát ở Trường Sa, gây ra cái chết cho 64 binh sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Điều dã man hơn cả là sau đó Trung cộng còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
Bài học rút ra
1974, chúng lợi dụng cuộc chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt đã thừa cơ thôn tính Hoàng Sa. 1988, một lần nữa khi lễ tang của Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng diễn ra chúng lợi dụng lúc này tấn công chiếm giữ một số đảo ở Trường Sa.
Bài học Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 cho chúng ta biết Trung cộng đã, đang và sẽ không bao giờ là một làng giếng tốt! Chúng đang thi hành một chính sách "đại Hán", vị kỷ của một nước lớn và vì thế nhắc nhở cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam rằng không bao giờ được phép đánh đổi những lợi ích trước mắt để đánh đổi chủ quyền của quốc gia, dân tộc.
Xin mượn lời của vua Lê Thánh Tông để kết thúc bài viết này: "Nếu ngươi dám đem 1 thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di".
Do Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận sưu tầm
No comments:
Post a Comment