Ở góc độ tâm linh, cuộc biểu tình lớn chưa từng có này của Người Hà Nội thời cộng sản đã diễn ra ngay tại Hồ Gươm, nơi Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa Thiêng sau khi quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi nước Việt cách nay 6 thế kỷ, há chẳng phải để mượn lại Cụ Rùa vũ khí để diệt nội xâm – chính quyền tham nhũng “hèn với giặc ác với dân” - cùng hung hăng ngoại xâm đến từ láng giềng phương Bắc đó sao!Ngắm nhìn qua ảnh chụp ngập tràn các phương tiện thông tin đại chúng nghìn con người tóc bạc hòa tóc xanh đến nhi đồng măng sữa, áo dài thướt tha kề váy ngắn, quần jeans, tay giương cao những biểu ngữ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh diễu hành quanh Hồ Gươm giữa lòng Thủ đô Hà Nội vào sáng Chủ nhật 29 tháng 3 năm 2015 để phản đối chính quyền nơi đây tàn sát 6700 cây xanh, hủy diệt môi trường mà tôi ứa nước mắt. Người Hà Nội – phải rồi Người Hà Nội – đã lại vùng đứng lên trước bạo quyền, một cách đồng loạt!Hẳn nhiên cuộc xuống đường rầm rộ của Người Hà Nội hôm nay bất chấp các xe cảnh sát đặc chủng kè kè với những cái loa ra rả yêu cầu giải tán được phát hết công xuất, bất chấp an ninh nổi chìm chĩa camera ghi hình từng khuôn mặt họ, là tiếp nối tự nhiên của bao cuộc phản kháng chính quyền một cách tập thể và bất bạo động của Người Hà Nội hoặc do Người Hà Nội khởi xướng trong nhiều năm trở lại đây. Là trang mạng Bauxite Việt Nam được Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng lập ra đầu năm 2009 để phản đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và an ninh quốc gia. Là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 19/01/2013 của 72 nhân sĩ, trí thức và Thư ngỏ ngày 28/7/2014 của 61 đảng viên ĐCSVN lão thành gửi lãnh đạo và toàn thể đảng viên Đảng CSVN đòi xóa bỏ chế độ toàn trị của đảng này. Là Kiến nghị ngày 2/9/2014 của 20 cựu sĩ quan cao cấp Lực lượng vũ trang nhân dân kiên quyết yêu cầu Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam không huy động lực lượng vũ trang chống lại nhân dân, chỉ huy động lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc. Là những cuộc biểu tình không ngớt diễn ra để phản đối Trung Quốc xâm lược, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia xen lẫn tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa năm 1974, biên giới phía Bắc năm 1979 và Trường Sa năm 1988…
Một hình ảnh khác của sự kiện hôm nay cũng vô vàn xúc động: đoàn người biểu tình quỳ xuống mặc niệm những công nhân Hà Tĩnh thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo tại khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh xảy ra mấy ngày trước. Thật tự nhiên, thật cao cả! Người Hà Nội vì đồng bào ở khắp miền Tổ Quốc thì đồng bào cả nước ắt sát cánh cùng Người Hà Nội trong cuộc chiến giành lại Quyền Dân. Không nghi ngờ gì nữa, chính phẩm chất toàn quốc này của Người Hà Nội đã góp phần khẳng định Hà Nội sẽ mãi là Thủ đô Nước Việt.Và cũng chính cuộc xuống đường đầy khí thế này của Người Hà Nội đã đặt Quyền biểu tình ở cấp độ nghiêm túc nhất.Trong mọi trường hợp không thể áp dụng Nghị định 38/2005/NĐ-CP cho công dân thực hiện quyền biểu tình được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013 hiện hành, huống hồ Nghị định chỉ điều chỉnh “tập trung đông người” chứ không điều chỉnh “biểu tình”. Nói cách khác, cấm đoán biểu tình bất bạo động là vi Hiến!Các Hiến pháp Việt Nam 1959, 1980, 1992 và 2013 (hiện hành) đều công nhận công dân có quyền biểu tình. Thế nhưng cho đến nay quyền hiến định này đã không được luật hóa, cụ thể là không có Luật biểu tình. Không những thế mới đây Chính phủ còn đề nghị Quốc hội hoãn xét Dự thảo Luật biểu tình sang năm tới. Lý do mà Chính phủ đưa ra là “có một số nội dung cần nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…; phạm vi áp dụng của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng CSVN, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”. Lý do “không đủ thời gian để nghiên cứu, tham khảo” này là hoàn toàn không thuyết phục vì Bộ Công an được giao soạn thảo Luật biểu tình không phải mới đây mà từ 4 năm về trước, 2011. Vả lại Quốc hội với nửa nghìn người được trả lương cốt để làm luật không lẽ không biết chỉnh sửa, bổ sung những bất hợp lý, khiếm khuyết (nếu có) của Dự thảo Luật? Đó là chưa kể đến trí tuệ của quảng đại nhân dân một khi Dự thảo Luật được công bố, như đã được thể hiện trong đợt góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cách đây 2 năm mà bản thân tôi đã tích cực tham gia với tư cách tù nhân chính trị tại Trại giam số 5 – Bộ Công an ở Thanh Hóa (1). Để nói sự trì hoãn Luật biểu tình không gì khác hơn là nhằm kéo dài việc cấm cản công dân thực hiện quyền hiến định này, sự cấm cản được cụ thể hóa bởi Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định “một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.Điều 8 Nghị định quy định “Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung đông người” (Khoản 2) và “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đã cho phép hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp có quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc huỷ bỏ việc tập trung đông người khi xét thấy các hoạt động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép” (Khoản 3). Tiếp đó, Điều 11 Nghị định quy định: “Đối với những trường hợp tập trung đông người trái pháp luật thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm” (Khoản 1), “Trường hợp tập trung đông người trái với quy định của pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan chức năng vận động, giáo dục, thuyết phục họ tự giải tán, trở về nơi cư trú. Đối với người cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ thì các cơ quan chức năng được phép áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý và buộc người vi phạm trở về nơi cư trú” (Khoản 2).Như vậy theo Nghị định 38/2005/NĐ-CP, biểu tình chỉ có thể diễn ra nếu “được phép” của chính quyền, đồng nghĩa biểu tình không “được phép” của chính quyền là “trái pháp luật” và trong trường hợp đó biểu tình sẽ bị chính quyền dùng vũ lực giải tán. Bên cạnh đó, vẫn theo các quy định trên của Nghị định, những cuộc biểu tình của những người khiếu nại, tố cáo, tức những cuộc biểu tình mang nội dung phản đối chính sách, hành vi được cho là trái pháp luật của chính quyền, hoàn toàn bị cấm, trong khi biểu tình được hiểu trước hết là hành vi phản đối chính quyền bất luận trong nước hay ngoài nước. Ngoài ra, quy định chính quyền có thể không trả lời trước 7 ngày kể từ khi nhận đăng ký biểu tình cũng đã loại bỏ trên thực tế biểu tình vì đa phần các cuộc biểu tình có mục tiêu chặn đứng ngay lập tức hành vi, chính sách của chính quyền gây thiệt hại cho công dân, quốc gia và xã hội. Để so sánh, luật về biểu tình của các nước dân chủ quy định những người tổ chức biểu tình ngoài trời chỉ phải thông báo chính quyền thời gian và địa điểm biểu tình để chính quyền kịp thời có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia, như ngăn đụng độ với các cuộc biểu tình đối lập nếu có, hạn chế ảnh hưởng của biểu tình tới mọi hoạt động bình thường khác. Thậm chí, theo Luật về tụ tập của Đức, "tụ tập bột phát bởi một lý do tức thời, sẽ không cần báo trước". Tóm lại, chính quyền có quyền cấm hoặc giải tán tụ tập, biểu tình chỉ trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về sử dụng vũ lực của những người biểu tình và trong trường hợp như vậy chính quyền phải công khai lý do.
Ts Luật Cù Huy Hà Vũ
Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận
Freespeech4vietNam
2127 Cliff Road, Suite H
Eagan, Minnesota.55122
612-986-4914 cell
612-567-1719 voice mail
408-634-9703 cell
web: www.freespeech4vietnam.org
email: freespeech4vietnam@gmail.com
A Non-Profit Organization EIN-39-2080199
|
No comments:
Post a Comment