Tuesday, October 4, 2016
Ai Sợ Ai ??? Trần Trung Đạo
Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu và phong trào chống Formosa tại Kỳ Anh cách nhau tròn 60 năm. Đó một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, xương máu nhưng chỉ vì một mục đích tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Hôm nay, tự do, dân chủ không còn là một ước mơ mà là một hiện thực trong tầm tay với. Mỗi người Việt Nam, bên cạnh những khó khăn phải chịu đựng, thử thách đang phải đương đầu, sẽ cảm thấy vinh dự vì được sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà những đóng góp, những hy sinh của mỗi người sẽ góp phần làm thay đổi một cách căn bản hướng đi đích thực của dân tộc hôm nay và mai sau.
Phần đông các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng Sản đồng ý chế độ CS tồn tại nhờ vào cơ chế toàn trị trong đó hai phương pháp được áp dụng song song gồm bạo lực làm cho con người sợ hãi và tẩy não làm cho nhận thức con người trở thành phụ thuộc.
Tuy nhiên, “bạo lực cách mạng” dù sắt máu đến đâu và “giáo dục trồng người” dù tinh vi đến đâu cũng không thể được thực hiện một cách dễ dàng, bởi lẽ con người không thể bị thuần hóa hay bị chế ngự một cách tuyệt đối.
Khác với loài động vật, con người có khả năng nhận thức và có đời sống tâm linh. Sức phản kháng trong con người chống lại bất cứ chế độ độc tài nào là một phản ứng tự nhiên được diễn ra dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh dù khắt khe và bất hạnh đến bao nhiêu.
Lãnh đạo CS thường gọi cuộc tranh đấu giữa “chuyên chính vô sản” và “tàn dư tư bản” là cuộc đấu tranh “ai thắng ai”. Thật ra, để gọi cho đúng phải gọi đó là cuộc đấu tranh “ai sợ ai”, bởi vì ngày nào người dân không còn sợ đảng CS, đó cũng là ngày cáo chung của chế độ độc tài CS.
Cuộc chiến “ai sợ ai” đã diễn ra ngay khi chế độ CS được thiết lập lên các quốc gia bị CS chiếm.
Tại Liên Xô
Trong suốt 74 năm tại Liên Xô, “ai sợ ai” diễn ra một cách khủng khiếp theo từng giai đoạn, từng thời điểm với số người chết dưới chế độ CS được ước tính từ 20 triệu người đến 61 triệu người. Dù sắt máu bao nhiêu, Lenin và Stalin cũng không dập tắt được tiếng nói bất khuất của người dân tại các nước cộng hòa bị trị như trường hợp cuộc nổi dậy giành độc lập của Georgia năm 1924 hay cuộc đình công của công nhân nhà máy tơ Teikovo năm 1932 chẳng hạn. Đương nhiên, các phong trào này bị tiêu diệt không thương tiếc.
Sau thời kỳ Leonid Brezhnev và Yuri Andropov, người dân bớt sợ dần. Âm nhạc jazz và rock tây phương xâm nhập vào Liên Xô và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới trẻ. Trong lãnh vực văn học, các tác giả tại Liên Xô trong đó có Yurii Trifonov, nhà văn từng đoạt giải thưởng thưởng Stalin, cũng bắt đầu chuyển hướng sáng tác và đưa các quan tâm xã hội vào tác phẩm. Thập niên 1970 đánh dấu sự phục hưng của tôn giáo tai Liên Xô khi người dân bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn vào các giá trị văn hóa và truyền thống của các dân tộc trong khối Liên Xô. Tất cả dọn đường cho cách mạng dân chủ đang cháy ngầm tại Liên Xô.
Tháng Giêng 1987, Gorbachev nhận thức con đường duy nhất để duy trì chế độ là phải thực hiện cấp bách các cải tổ kinh tế (Perestroika) và cởi mở văn hóa chính trị (glasnost). Tuy nhiên vào thời điểm đó, phần thắng trong cuộc chiến “ai sợ ai” đã nghiêng hẳn về phía người dân. Người dân ngày càng ít sợ đảng CS Liên Xô trong lúc lãnh đạo Liên Xô ngày càng sợ người dân.
Trận chiến “ai sợ ai” cuối cùng diễn ra vào sáng ngày 19 tháng 8, 1991 khi Boris Yelstin, khoa học gia Mikhail Arutyunov và nhiều người khác hiên ngang trực diện với chế độ CS và cũng là khi chỉ huy trưởng đoàn tăng Sergey Yevdokimov quyết định không bắn vào dân. Mặc dù còn hơn ba tháng Mikhail Gorbachev mới chính thức từ chức nhưng hôm đó đã là ngày quyết định số phận của cơ chế độc tài.
Tại Trung Cộng
Mao là một trong số ít đồ tể hàng đầu của nhân loại nhưng chính y đã nhận ra sự phản kháng của xã hội không thể nào ngăn chặn được và gọi đó là “Diễn biến hòa bình”. Thật ra nếu gọi cho đúng đó là chuyển hóa xã hội dân chủ. Tháng Giêng 1964, Mao thừa nhận “Chính sách xâm lược và chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc Mỹ đe dọa một cách trầm trọng đến Liên bang Xô Viết, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Hơn nữa, nó đang mãnh liệt tìm cách đẩy mạnh chính sách “diễn biến hòa bình” tại các nước xã hội chủ nghĩa nhằm mục đích tái lập chủ nghĩa tư bản và làm tan rã phe xã hội chủ nghĩa”. Cuộc chiến “ai sợ ai” tại Trung Công đã diễn ra khốc liệt. Theo sử gia Frank Dikötter ước tính khoảng 45 triệu người đã chết dưới chế độ CS.
Sau trận chiến “ai sợ ai” đẫm máu tại Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, lãnh đạo Trung Cộng càng sợ dân hơn và áp dụng một chính sách trấn áp song song với hệ thống tuyên truyền tẩy não vô cùng chi tiết, tinh vi.
Sau Mao, Đặng Tiểu Bình cũng biết “diễn biến hòa bình” là điều không tránh khỏi và chủ trương chống lại bằng cách “chủ động tự diễn biến” qua các chính sách đổi mới kinh tế. Ngoài ra, các lãnh đạo Trung Cộng dành một ngân sách khổng lồ để đánh bóng hình ảnh “Đại Hán” thâm độc trong nhận thức của người dân Trung Quốc.
Tại Việt Nam
Riêng tại Việt Nam, theo tổng kết của sử gia Steven Rosefielde khoảng 200 ngàn đến 900 ngàn người Việt bị CS giết trong thời kỳ thiết lập chế độ CS tại miền Bắc năm 1954. Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc chiến “ai sợ ai” tại Việt Nam dừng lại.
Điển hình nhất là cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu. Theo nhiều tài liệu, đầu tháng 11, 1956 nhân dân Huyện Quỳnh Lưu và nhiều nơi khác thuộc tỉnh Nghệ An lên đến vài chục ngàn, đã họp nhau tố giác các điểm sai lầm trong cải cách ruộng đất, đòi lại tài sản bị cưỡng đoạt và đòi quyền được di cư vào miền Nam theo tinh thần của Hiệp định Genève. Các đại hội nông dân đã bị lãnh đạo CS huy động quân chủ lực đến đàn áp và cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu bị dập tắt trong máu.
Nhà báo Bùi Tín nhận xét về biến cố Quỳnh Lưu trên RFA: “Bi kịch Quỳnh Lưu ở Nghệ An có liên quan đến một số đồng bào Công giáo. Nhiều đồng bào, sau khi có thắng lợi Điện Biên Phủ, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thì đã tìm cách vào Nam. Lúc bấy giờ CS huy động quân đội, công an ngăn chận, không cho bà con kéo vào Nam, gây chết chóc nhiều quá sau khi xảy ra cảnh đẫm máu cải cách ruộng đất. Việc người dân chống đối chính quyền là do người ta chết nhiều quá, bị tù nhiều quá sau sự sai lầm cải cách ruộng đất. Tình trạng đàn áp chồng chất như vậy khiến nhân dân đồng loạt nổi dậy.”
Từ 1975 trên phạm vi cả nước, sức đề kháng của người dân bị trị vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức và trong mọi lãnh vực.
Sau khi hệ thống CS Châu Âu sụp đổ đầu thập niên 1990, để tồn tại, về mặt kinh tế, hàng loạt các biện pháp “đổi mới” đã được lãnh đạo đảng thực thi bên cạnh những “cởi trói” trong văn hóa, văn nghệ. Nhà tù luôn có thêm tù nhân mới nhưng ánh sáng văn minh thời đại cũng đã tràn vào qua những khe hở nhỏ. Nhiều tiếng nói khác đã bắt đầu được gióng lên, các mạng lưới dân chủ được nối kết, các phong trào xã hội được hình thành.
Hiện nay, lãnh đạo CSVN chỉ còn biết dựa vào tầng lớp bồi bút để bênh vực phần lý luận, dựa bộ máy quân đội, công an để trấn áp đồng bào. Thế nhưng đừng quên, đảng Cộng sản Liên Xô từng có cả một viện hàn lâm chuyên tập trung nghiên cứu lý luận Cộng Sản, Đông Đức có những binh đoàn được trang bị vũ khí hiện đại và kỹ thuật của cơ quan Bảo vệ Nhà nước trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản Hungary chắc tinh vi hơn các cơ quan an ninh Việt Nam, nhưng tất cả đều không cứu được đảng CS.
Việc Thủ tướng CS Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng xin lỗi vì đã chạy xe vào Phố Cổ Hội An cấm chạy xe mới đây là một bằng chứng. Lãnh đạo CS thành thật với dân hơn? Không phải, nhưng rõ ràng họ biết sợ sức phản kháng của người dân hơn. Vai trò quyết định trong trận chiến “ai sợ ai” ngày nay không chỉ tùy thuộc vào giới lãnh đạo CS mà thôi như 41 năm trước.
Sự kiện nhiều chục ngàn dân liên tục xuống đường của đồng bào Hà Tỉnh và nhiều nơi ở miền Trung chống công ty Formosa gây ô nhiễm đang làm đầy ly nước bất bình công phẫn của các tầng lớp nhân dân đối với chế độ.
Lãnh đạo CSVN, thay vì đàn áp đẫm máu như họ đã làm để dập tắt cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An tháng 11 năm 1956, họ chọn lui vào thế thủ bằng cách im lặng và ra lệnh cho mấy trăm tờ báo, các hệ thống truyền thanh, truyền hình im lặng. Nhưng lãnh đạo đảng im lặng được bao lâu và nếu không im lặng họ sẽ làm gì?
Chắc chắn lãnh đạo đảng không muốn tự đào huyệt chôn mình bằng một Quỳnh Lưu đẫm máu khác nhưng cũng không có nhiều chọn lựa dành cho đảng ngoài việc chờ cơn phẫn nộ của nhân dân lắng xuống và tìm cách thỏa hiệp riêng với các thành phần trong phong trào. Đây là thời điểm thách thức của lòng yêu nước và thái độ dứt khoát không phải chỉ nơi các lãnh đạo phong trào mà cả các tầng lớp nhân dân muốn đi cùng dân tộc và thời đại. Yêu nước không bao giờ quá trễ.
Không thể biết trước là đặc tính huyền bí của cách mạng dân chủ. Mohamed Bouazizi ở phố Sidi Bouzid của Tunisia không phải là người đầu tiên bị công an đánh đập và cũng không phải người duy nhất bị tịch thu chiếc xe bán rau cải nhưng anh là giọt nước đã làm tràn ly cách mạng Hoa Lài. Giọt nước nào sẽ tràn ly cho cách mạng dân chủ tại Việt Nam không ai có thể nói trước nhưng chắc chắn giọt nước đang được rót xuống ở một nơi nào đó trên quê hương đã quá nhiều đau khổ. Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu và phong trào chống Formosa tại Kỳ Anh cách nhau tròn 60 năm. Đó một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, xương máu nhưng chỉ vì một mục đích tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam.
Hôm nay, tự do, dân chủ không còn là một ước mơ mà là một hiện thực trong tầm tay với. Mỗi người Việt Nam, bên cạnh những khó khăn phải chịu đựng, thử thách đang phải đương đầu, sẽ cảm thấy vinh dự vì được sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà những đóng góp, những hy sinh của mỗi người sẽ góp phần làm thay đổi một cách căn bản hướng đi đích thực của dân tộc hôm nay và mai sau.
3.10.2016 Trần Trung Đạo
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment