Saturday, May 16, 2015

TRAO ĐỔI VỚI LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI VỀ VIỆC “ỦNG HỘ” VIỆT NAM VÀO TPP.

TRAO ĐỔI VỚI LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI VỀ VIỆC “ỦNG HỘ” VIỆT NAM VÀO TPP.
Nguyễn Quang Duy
Trong cuộc gặp giữa, ông Tom Malinowski - Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và đại diện của 14 tổ chức dân sự tại Hà Nội ngày 6/5/2015, ông Tom đề nghị các đại diện đặt mình trong vai trò của 535 thượng nghị sĩ Mỹbỏ phiếu bầu Việt Nam gia nhập TPP. Kết quả có 5/14 phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng, và 8 phiếu chống lại.
Luật sư Nguyễn Văn Đài là một trong 5 người đã bỏ phiếu ủng hộ và trên Facebook đã giải thích “Tại sao tôi “bỏ phiếu” ủng hộ Việt Nam vào TPP?”. Xin gởi đến bạn đọc để hiểu rõ quan điểm của Luật sư Đài.
Luật sư Đài cho biết quyết định ủng hộ dựa trên: “Tôihoàn toàn tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ đạt những thỏa thuận tốt nhất về nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam.”
Trong phần kết luận Luật sư nhấn mạnh: “Tôi “bỏ phiếu” để Việt Nam vào TPP bởi tôi tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để dành được kết quả tốt nhất trong việc đối thoại nhân quyền với Việt nam.
Trong khi chính Quốc Hội và dân chúng Hoa Kỳ còn đang chất vấn để Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ có thể làm việc tốt hơn, thì sự “tin tưởng” hay “hoàn toàn tin tưởng” cho thấy Luật sư Đài đã quá lý tưởng nếu không nói là quá xa rời thực tế.
Cụ thể là Thượng viện Hoa Kỳ hôm 12-5 vừa bỏ phiếu chống lại việc thảo luận dự luật đàm phán nhanh (TPA), không cho phép Tổng thống Barack Obama và hành pháp thảo luận đàm phán TPP nhanh gọn. Thượng viện đòi hỏi phải kiểm soát và xem xét từng chút một trong tiến trình đàm phán này.
Nhưng đến ngày hôm sau Thượng viện lại cho thông qua điều đó chứng tỏ họ vẫn còn phân vân và chưa “hoàn toàn tin tưởng” vào hành pháp.
Khi trao đổi trên Facebook với Luật sư Đài, tôi được hỏi: “Chúng ta đi nhờ vả họ mà không tin họ thì chúng ta nhờ họ làm gì phải không anh Nguyễn Quang Duy?”
Căn bản của đối thoại dân chủ là tìm hiểu, chất vấn trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Có tin nhau mới đối thoại với nhau, nhưng hoàn toàn tin tưởng để đi đến những quyết định quan trọng là vấn đề cần xét lại.
Còn suy nghĩ “nhờ vả” là suy nghĩ không ổn.
Thứ nhất, ông Tom đến với các tổ chức dân sự Việt Nam, vì Hoa Kỳ là một quốc gia đã ký các hiệp ước quốc tế về nhân quyền, Hoa Kỳ có bổn phận phải thúc đẩy các chính thể vi phạm nhân quyền, như Việt Nam, thực thi các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký.
Thứ đến ông Tom làm việc này nhằm thực hiện một thủ tục hành chính bảo đảm với dân chúng Hoa kỳ quyền lợi của họ không bị thiệt thòi.
Lấy thí dụ, Việt Nam cần có công đoàn tự do để giới hạn việc các công ty hay nhà cầm quyền cộng sản bóc lột sức lao động của người Việt, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng xuất cảng Việt Nam, vì thế sẽ thiệt hại đến quyền lợi của giới lao động Hoa Kỳ.
Và ông Tom đối thoại với các tổ chức dân sự vì đa số công dân Mỹ gốc Việt muốn nhà cầm quyền cộng sản phải thực thi nhân quyền, phải hoạt động trong vòng luật pháp và phải tôn trọng luật chơi quốc tế.
Không phải tự nhiên, Tổng Thống Obama nêu đích danh Không đáp ứng TPP, Việt Nam sẽ bị loại!!!”. Câu tuyên bố của ông là kết quả của việc cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ liên tục lên án cộng sản vi phạm nhân quyền.
Chúng ta cần thoát khỏi suy nghĩ nhờ vả, xin cho, chúng ta cần vận động chính giới Tây Phương trong tinh thần đôi bên cùng có lợi. Vì thế, cần nhận định rõ ràng tại sao họ đến với chúng ta, họ cần gì ở chúng ta và họ mang lại cho chúng ta điều gì.
Luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ: “Về nguyên tắc: Việc đấu tranh nhân quyền hay dân chủ phải do chính Nhân dân trong nước quyết định. Việc áp lực từ bên (ngoài) có mạnh hay hiệu quả bao nhiêu thì cũng phải tùy thuộc vào sức mạnh nội lực. Trong khi nội lực mà yếu, bên ngoài tác động mạnh thì chẳng có giá trị gì. Những nếu nội lực mạnh, thì đôi khi cũng chẳng cần áp lực bên ngoài. Em là người làm việc với các cơ quan ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp, Úc, EU, Canada, Thụy điển, Thụy sĩ,.... gần 15 năm. Em hiểu những gì họ có thể làm được.”
Cố Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần văn Lắm khi được hỏi: sau bao năm làm việc trong ngành ngoại giao ông có gì để truyền lại cho thế hệ nối tiếp?, ông Lắm cho biết người làm ngoại giao không nói “KHÔNG” mà cũng không nói “CÓ”, làm ngoại giao là thương lượng nhằm đạt được tối đa trong hoàn cảnh và khả năng cho phép.
Với kinh nghiệm ngoại giao gần 15 năm của Luật sư Nguyễn Văn Đài quyết định bỏ phiếu “ủng hộ” Việt Nam vào TPP, dường đã đi ngược với nguyên tắc ngoại giao mà ông Lắm nêu ra.
Luật sư Đài nhận định “nội lực” của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam còn rất yếu. Theo tôi, chính vì nội lực còn yếu nên những người đại diện cần phải hết sức cân nhắc đưa quyết định khi vấn đề còn trong vòng tranh luận.
Nếu tôi là một trong các đại diện, khi ông Tom Malinowski đề nghị “bỏ phiếu bầu” tôi đã tránh “trò chơi” lợi thì ít mà hại thì nhiều này bằng bốn cách:
Tôi đề nghị ông Tom không nên đưa ra trò chơi vì vai trò của các đại diện chỉ là cập nhật tình hình, đưa ra quan điểm còn việc quyết định là của những người làm chính sách Hoa Kỳ;
Tôi cho ông Tom biết đây là một quyết định quan trọng tôi cần tham khảo ý kiến các thành viên trong tổ chức;
Tôi đề nghị ông Tom cho chúng tôi những người đại diện được thảo luận để lấy ý kiến chung; và
Nếu các ý kiến trên không được chấp nhận tôi sẽ rời phòng họp để không tham dự trò chơi. Cách này thường được những chính trị gia Tây Phương sử dụng nhằm tránh mâu thuẫn trong quyết định chính trị.
Cách nay đúng 1 năm, ngày 14-5-2014, nhân bà Trần Ngọc Minh mẹ cô Đỗ Thị Minh Hạnh sang Úc vận động nhân quyền, chúng tôi đã tổ chức 1 cuộc Hội Thảo “Về Lao Động và Xã Hội Dân Sự Tại Việt Nam”. Có tất cả 14 dân biểu và nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền - Tự Do, đảng đối lập - Lao Động và đảng Xanh tham dự.
Chúng tôi cập nhật tình hình nhân quyền, cung cấp thông tin, đưa ra nhân chứng bà Trần Ngọc Minh.
Chúng tôi cũng đưa ra quan điểm là nhà cầm quyền Cộng sản phải tôn trọng nhân quyền, phải thi hành hiến pháp và luật pháp quốc gia và phải tuân thủ luật chơi quốc tế.
Chúng cung cấp tin tức và ý kiến với mục đích rõ ràng là giúp các dân biểu nghị sỹ Úc có đầy đủ thông tin về nhân quyền Việt Nam.
Tóm lại, theo tôi những tranh luận ủng hộ hay chống lại việc Việt Nam (nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam) tham gia vào TPP rất tốt và rất cần thiết.
Nguyên tắc cơ bản để xây dựng dân chủ là đối thoại, nhờ đó chúng ta mới hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau và có thể cùng nhau cộng tác hành động.
Cũng nhờ đối thoại chúng ta mới có khả năng chủ động đáp ứng tình hình bất kể Hoa Kỳ có chấp nhận hay không chấp nhận Việt Nam tham dự vào TPP.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
15-05-2015
Tại sao tôi “bỏ phiếu” ủng hộ Việt Nam vào TPP?”.
Nguyễn Văn Đài
I/ Trước hết cần phải hiểu về bản chất và mục đích của TPP:
Chiến lược xoay trục của Mỹ về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm mục kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc về chính trị, quân sự, kinh tế và lãnh thổ. Bởi vậy Mỹ dựa vào 2 trụ cột chính để thực hiện chính sách xoay trục:
1/ Về quân sự: Mỹ sẽ chuyển dịch 60% lực lượng và thiết bị quân sự về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh hàng hải và răn đe Trung Quốc.
2/ Về kinh tế: Mỹ và Nhật Bản xây dựng TPP cùng 10 nước thành viên với mục đích từng bước hạn chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thuế xuất khẩu hàng hóa trong các nước TPP chỉ từ 0-5%, bởi vậy hàng hóa xuất khẩu của các nước thành viên vào Mỹ và Nhật sẽ có giá rẻ hơn hàng hóa từ Trung Quốc. Do vậy hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên khác của TPP sẽ giảm dần. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cũng vì thế mà sẽ suy yếu.
II/ Việt Nam vào TPP có lợi gì cho việc cải thiện nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam?
1/ Việt Nam không vào TPP miễn phí.
Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra các yêu cầu cụ thể về việc cải thiện nhân quyền, xây dựng pháp luật và nhà nước pháp quyền với phía Việt Nam. Và chỉ khi nào phía Việt Nam đáp ứng các yêu cầu căn bản của Hoa Kỳ thì khi đó việc đàm phán TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mới được kết thúc đàm phán. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ đạt những thỏa thuận tốt nhất về nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam.
2/ Việt Nam vào TPP sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hiện tại kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về cả xuất và nhập khẩu. Nhưng khi Việt Nam vào TPP, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng nhanh chóng, từ khoảng 20 tỷ USD hiện nay, có thể lên tới 40-70 tỷ USD trong vòng vài năm. Như vậy kinh tế Việt Nam sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Lúc đó Hoa Kỳ có nhiều sức mạnh hơn trong việc thúc đầy Việt Nam cải thiện nhân quyền, cũng như cải cách dân chủ.
III/ Không có TPP, Việt Nam sẽ như thế nào?
1/ Chế độ CS sẽ không bao giờ sụp đổ vì không có TPP.
Chúng ta đều biết rằng cộng sản sinh ra từ nghèo đói, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh. Họ đã từng chiến đấu chống lại các cường quốc trên thế giới. Họ chưa bao giờ bị khuất phục bởi nghèo đói, chiến tranh, bom đạn, áp lực từ bên ngoài.( Ví dụ điển hình là Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 và giai đoạn bị cấm vận 1975-1995, Bắc Hàn, Cu Ba hiện nay).
Không có TPP, cộng sản VN sẽ càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và phụ thuộc một cách toàn diện. Ông Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc cử chi tại Sài Gòn đã từng nói là Trung Quốc sẵn sàng cho VN vay 20 tỷ USD để cứu nguy kinh tế. Như vậy Trung Quốc sẽ không bao giờ để cộng sản Việt Nam sụp đổ.
2/ Không có TPP, tình trạng nhân quyền còn tồi tệ hơn.
Chắc chắn là như vậy, lúc đó cộng sản VN không có gì để mất, họ sẽ gia tăng đàn áp, thậm chí đàn áp khốc liệt hơn hiện nay. Có thể, họ hoàn toàn làm theo mệnh lệnh từ Bắc Kinh.
IV/ Kết luận:
Tôi “bỏ phiếu” để Việt Nam vào TPP bởi tôi tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để dành được kết quả tốt nhất trong việc đối thoại nhân quyền với Việt nam.
LS Nguyễn Văn Đài -  Hà Nội VN
Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận  
Freespeech4vietNam
2127 Cliff Road, Suite H
Eagan, Minnesota.55122
612-986-4914 cell
612-567-1719 voice mail
408-634-9703 cell
web: www.freespeech4vietnam.org
email: freespeech4vietnam@gmail.com

No comments:

Post a Comment