Sunday, June 1, 2014

Ước mơ của trẻ em đường phố SG.



Ước mơ của trẻ em đường phố

Sài Gòn, nơi được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông một thời và cũng là đất thánh của những người nuôi mộng đổi đời. Đã có không ít cuộc đời được thay đổi, lên hương giữa đất Sài Gòn và cũng có không ít số phận mãi le lói giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Vỉa hè Sài Gòn trở thành bạn bè, người thân của những số phận này. Đặc biệt, kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975 đến nay, vỉa hè Sài Gòn ẩn chứa không biết bao nhiêu câu chuyện đời éo le, cay đắng và giấc mơ đổi đời tàn lụi theo năm tháng.

Đất lành chim đậu

Một người bạn tên Phước, là cư dân Sài Gòn gốc Trung, chia sẻ: “Sài Gòn thì nó giống như một Liên Hiệp Quốc vậy đó, ai có cơ may thì lên, tài năng là một phần, cơ may là một phần, phải có vốn liếng, không có vốn liếng thì khó lắm, chủ yếu là phải nói thật, nhà có gốc gác một chút, quan chức hay gì đó kia chứ còn hai tay trắng mà vô đây nuôi mộng thành đạt thì trong một triệu người có vài người thôi, chứ không nhiều được đâu, trong này nó vậy. Bây giờ nếu chịu khó đi ra ngoài, gầm cầu, hiên nhà, công viên... người ta ngủ lây lất đó, không phải bụi đời đâu, đừng nghĩ như vậy, bụi đời cũng có nhưng mà nó không nhiều, chủ yếu là người vô gia cư người ta đi làm không đủ tiền thuê phòng trọ hoặc nợ tiền bị chủ trọ đuổi ra ngoài, nhiều thứ lắm, đất này là vậy, nó chỉ hợp với một số người, nhưng mà ai cũng nuôi mộng vô Sài Gòn làm giàu, bởi vì người ta nghĩ Sài Gòn nó giống như những năm trước 1975, nó dễ sống, dễ kiếm, nhưng bây giờ không phải vậy, bây giờ vô mà không có đường thì không có đường lui luôn. Mình hồi đó mình có chút may mắn là mình vô đúng thời điểm….”
Anh Phước kể thêm câu chuyện lúc anh mới vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng, sống ở một vùng núi miền Trung quá cực khổ, vợ chồng anh quyết định bôn tẩu vào Sài Gòn. Lúc đó phòng trọ cho dân lao động thuê ở không nhiều như bây giờ, đêm đầu tiên, vợ chồng anh được Sài Gòn chào đón bằng một giấc ngủ vỉa hè mệt mỏi. Sáng hôm sau phát hiện hai chỉ vàng mang theo đã bị người ta ăn cắp lúc ngủ.
Quá tuyệt vọng, hai vợ chồng lang thang thuê chỗ ở mặc dù chưa biết lấy gì để trả tiền phòng trọ. Sau đó anh đi phụ hồ còn chị thì đi rửa chén bát thuê. Hai năm làm thuê đủ các công việc, hai anh chị dành dụm được ba chỉ vàng và chị quyết định mua một tủ thuốc lá ngồi bán trên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, Tân Bình. Đến năm thứ ba, anh mua được chiếc xe gắn máy, vậy là vợ bán thuốc lá, kẹo bánh còn chồng thì chạy xe ôm.
Đến năm thứ sáu thì anh chị dành dụm được khoản tiền kha khá, chuyển sang chợ Tân Bình buôn vải thô, rồi dần dà buôn thêm chỉ cuộn, buôn phụ tùng máy dệt, sau đó mua một miếng đất và mở xưởng dệt. Cơ may cứ đến với anh chị, cuối cùng anh chị sinh hai cháu và mua được nhà cao tầng, sắm được xe hơi. Như để kết thúc câu chuyện của mình, anh Phước nói rằng đất Sài Gòn luôn hiền lành và mở rộng vòng tay cưu mang những người lương thiện, biết tính toán làm ăn và không tiêu xài quá độ. Nhờ vậy mà vợ chồng anh đã đổi đời.
Một người khác, quê gốc Quảng Nam, đang làm ở một tòa soạn báo khá lớn trong nước, chia sẻ với chúng tôi rằng anh thấy Sài Gòn vừa là đất thánh đồng thời vừa là tử huyệt của những ai nuôi mộng đổi đời ở nơi đây. Sống giữa Sài Gòn, nếu may mắn thì mọi chuyện sẽ êm xuôi và hanh thông nhưng nếu không may mắn, chỉ cần một ngày không có xu nào dính túi thì mọi bị kịch đang phủ xuống đôi vai, khó mà lường được bi thảm đến độ nào.
Anh đơn cử một ví dụ, năm thứ hai đại học báo chí, gia đình anh gặp khó khăn, cha anh bệnh nặng nên không thể tiếp tế cho anh hằng tháng, anh phải đi làm thêm nhiều công việc, tuy nhiên, làm cách gì cũng không thể trang trải được chi phí học tập và ăn ở. Đó là chưa muốn kể đến chuyện bị quỵt tiền công diễn ra như cơm bữa ở thành phố này. Đến kì thi học kì, anh vừa chuẩn bị thi thì có danh sách những ai chưa nộp học phí phải ra khỏi phòng, không được thi. Anh năn nỉ gì cũng không được. Cuối cùng, những người bạn miền Nam chung lớp phải lật chiếc mũ đi mượn từng người một và ghi lại danh sách những người cho mượn, số tiền bao nhiêu để anh nộp thi kịp thời và trả khi có tiền.
Nhờ những bạn bè tốt mà anh khỏi bị bảo lưu một năm học, đó là do may mắn gặp người tốt bụng, nếu như ai cũng giống những giám thị đại học thì có lẽ anh phải bỏ học vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân vỡ mộng về giới trí thức, về các bậc thầy cô…

Nhiều người ngủ gầm cầu

Một nhà thơ có thâm niên mười năm đạp cyclo tại Sài Gòn, chia sẻ: “Cái đất Sài Gòn, người ta muốn thoát cảnh sống, người ta lên vậy thôi, người ta sống lây lất vậy thôi, người ta mưu sinh vậy thôi. Nó như một vùng đất người ta canh cánh hướng về vậy đó, thành bại không biết, ít nhất một lần người ta thử sức, thượng vàng hạ cám. Nhưng có đổi đời gì đâu, sống lây lất thôi chứ có đổi đời gì đâu. Nói chung những người có tài năng thực sự thì sống đất Sài Gòn được, còn kiểu như vận may thì hiếm lắm, đất Sài Gòn không có vận may cho ai đâu. Đất này là đất để trải nghiệm mà, làm có khi cả năm không có tiền xe về, nhưng người ta cứ muốn vậy, cái chốn phồn hoa mà, chắc người ta tưởng đâu dễ sống lắm, không dễ đâu, cũng nghiệt ngã lắm!”
Theo nhà thơ này, hiện tại, chuyện chờ vận may ở Sài Gòn nghe ra rất hy hữu bởi khi mà mọi thế lực đã đi vào ổn định, từ thế lực tư bản đỏ cho đến thế lực cầm quyền và thế lực giang hồ, hầu như mọi thứ đã đi vào qui cũ, ổn định, chạy nhịp nhàng như một guồng máy. Chính vì thế, những người chân ướt chân ráo bước vào Sài Gòn sẽ cảm thấy mình đang ở đâu xa tít mù khơi ngay giữa thành phố. Chuyện đi kiếm cơ hội nghe ra rất mệt mỏi và viễn vông.
Đặc biệt, trong tình hình kinh tế mỗi lúc một ì ạch, tuột dốc, hầu như mọi nhóm ngành nghề đều co cụm, việc kiếm cơm của giới lao động nghe ra hết sức lây lất và chắp vá, chật vật. Với trải nghiệm hơn mười năm đạp cyclo ở thành phố Sài Gòn, nhà thơ này cay đắng nhận ra rằng Sài Gòn không phải là miền đất thánh như anh từng nghĩ, bởi đó là chuyện đã rất xưa, chuyện của thời Sài Gòn còn giữ nguyên vẹn cái tên của nó, một người bình dân có thể sống ung dung và không bận tâm cho mấy về chuyện cơm áo gạo tiền.
Còn Sài Gòn hiện tại, ngay cả cái tên của nó cũng bị lấy mất, nó không còn là một hòn ngọc viễn đông một thuở mà nó đã lem luốc như một cục than, thay vì lấp lánh hạnh phúc, Sài Gòn bây giờ được trang điểm bằng một cái tên khác cùng hàng triệu người lao động nghèo ở các vỉa hè, từ bán vé số cho đến bán tạp hóa di động, bán chuối luộc, bán đậu phộng rang, bán sức lao động còng lưng đạp xe để lấy vài đồng còm và không ngoại trừ bán dâm để nuôi thân qua ngày đoạn tháng.
Với nhà thơ này, Sài Gòn bây giờ chẳng còn gì thú vị, nó đã đổi thay quá nhiều, trộm cướp, giật dọc, băng đảng phát triển rầm rộ, người bóc lột người. Nỗi sợ hãi và lép vế của người nghèo dường như bao trùm cả giới lao động nghèo ở thành phố này. Đặc biệt, Sài Gòn hào sảng và khẩu khí, sẵn sàng xuống đường vì chính nghĩa của một thời đã bị người ta khóa cổng, chặt đứt thói quen và thay vào đó một tập khí luồn cúi, tuân thủ vô điều kiện.
Câu chuyện cấm biểu tình phản đối Trung Quốc trong những ngày gần đây đã chứng minh rằng Sài Gòn là một cái chuồng mới mẽ của khu vực, ở đó kẻ mạnh có thể áp đảo và người yếu chẳng ai thương xót, che chở hoặc ít nhất cũng động viên một đôi lời!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nick Lý Đức Hùng & HậnCộngSảnVìCôngLý
Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận - Freespeech4vietnam 

No comments:

Post a Comment