Saturday, December 7, 2013
Nhà văn Phạm Đình Trọng: Thông báo về việc từ bỏ đảng tịch đảng viên Đảng CS
Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19.5.1970. Đến nay, 20.11.2009, tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng. Thiếu vài tháng nữa, tôi tròn 40 năm là người Cộng sản. Từ lúc tự nguyện đứng vào hàng ngũ Cộng sản, đến tự rút ra khỏi đảng là một quá trình chuyển biến trong tôi, từ nhận thức bằng tình cảm sang nhận thức bằng lí trí và cũng là quá trình chuyển biến của chính đảng Cộng sản, từ ý chí vì dân, vì nước sang ý chí chỉ vì sự tồn tại của đảng.
B. Đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc
Với chuyên chính vô sản tạo ra những cuộc đấu tố, thanh trừng thảm khốc, với nền kinh tế kế hoạch duy ý chí bóp nghẹt sản xuất và cuộc sống, với nền văn hóa nghệ thuật khuôn phép, xơ cứng, triệt tiêu tìm tòi, sáng tạo, sau gần nửa thế kỉ tồn tại, hệ thống Cộng sản thế giới khuôn xã hội con người vào khuôn mẫu ra đời từ thế kỉ 19 trái tự nhiên, tất yếu phải sụp đổ. Từ một hệ thống Cộng sản thế giới trải rộng thành một khối lớn từ châu Âu sang châu Á nay chỉ còn năm nước Cộng sản như năm hòn đảo chơi vơi và Việt Nam là một hòn đảo chơi vơi và nhỏ bé. Đây chính là lúc phải bừng tỉnh để nhận lại đường, từ bỏ sự trì trệ, trái tư nhiên, đưa đất nước trở lại dòng chảy tiến hóa, cùng nhịp bước với sự phát triển của loài người. Làm việc này không phải chỉ vì đất nước, vì dân tộc mà trước hết vì chính đảng Cộng sản để đảng thoát khỏi xơ cứng, trì trệ của những tín điều đã bị thực tế cuộc sống bác bỏ, đã bị lịch sử chứng minh là sai trái, để đảng Cộng sản vẫn giữ được vai trò lãnh đạo bằng lòng tin và sự gửi gắm của nhân dân, chứ không phải bằng điều 4 của Hiến pháp, không phải bằng bạo lực chuyên chính vô sản. Nhưng đảng ở cấp cao đã không làm được như thế! Không có sự nhạy bén, năng động của tư duy công nghiệp để thắng sức ỳ của tư duy nông nghiệp thô sơ, không có sự mẫn cảm và sáng láng của trí tuệ và tài năng tạo ra bước ngoặt cần có cho dân tộc, vẫn kiên trì với những tín điều Cộng sản, những người lãnh đạo đảng ở cấp cao đã bình thản neo đất nước ta, dân tộc ta trên hòn đảo chơi vơi. Để tồn tại được trên hòn đảo chơi với đó, đảng đã thực hiện hai điều ngược với quyền lợi nhân dân và dân tộc.
. Bạo lực chuyên chính vô sản lại được sử dụng với nhân dân
Nhân dân có tiếng nói xây dựng, đóng góp, nói tiếng nói bức thiết của cuộc sống, tiếng nói vì lợi ích chính đáng của người dân nhưng không thuận tai đảng, không phù hợp với lợi ích của đảng, có hại cho sự tồn tại của đảng thì nhân dân nói tiếng nói đó liền bị đẩy sang phía kẻ thù “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, phải chuyên chính! Đẩy nhân dân trở thành kẻ thù, hàng loạt vụ bắt bớ đã diễn ra, hàng loạt cuộc đấu tố dựng tội tàn nhẫn, hàng lọat phiên tòa đã tuyên những bản án khắc nghiệt. Chuyên chính vô sản đã gây ra Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Vụ án Nhân Văn Giai phẩm, Vụ án Xét lại chống đảng, đã chà đạp lên số phận bao người trung thực, tài giỏi, gây nỗi kinh hoàng cho dân tộc, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước. Những cuộc bắt bớ, đấu tố đang diễn ra là cuộc cải cách ruộng đất kinh hòang năm nào vẫn đang âm thầm tái diễn đến tận hôm nay! Sức mạnh tạo ra bằng lòng tin mới là sức mạnh trường tồn, vô tận. Đó là sức mạnh của lẽ phải, của nhân nghĩa, của lòng người. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi). Sự nhân nghĩa tạo ra sự yên dân, tạo ra sức mạnh trường tồn. Sức mạnh của bạo lực là sức mạnh nhất thời, sức mạnh nghịch đạo. “Cái còn thì sẽ còn nguyên / Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan” (Trần Đăng Khoa) Sức mạnh bạo lực ngự trị ở xã hội yên hàn là sự bất ổn lớn của cuộc sống, là nguy cơ lớn cho dân tộc.
. Liên minh thua thiệt với Trung Quốc
Là một đảng nhỏ bé, lại theo đuổi chủ nghĩa quốc tế vô sản, đảng Cộng sản Việt Nam muốn tồn tại không thể thiếu thành tố quốc tế. Suốt quá trình tồn tại trước đây, đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Xô Viết là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc. Đảng Cộng sản Liên Xô giải tán. Nhà nước Xô Viết tan rã. Mất chỗ dựa tưởng như trường thành bền vững muôn đời, chơi vơi giữa thế giới đang ầm ầm biến chuyển không thuận cho Cộng sản, lại ảo tưởng rằng cùng là nước Cộng sản, cùng kiên trì con đường Xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc sẽ thay thế Liên Xô, giương cao ngọn cờ Cộng sản, làm chỗ dựa cho các nước Cộng sản còn lại, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã cố quên đi bản chất tham lam, bành trướng của Trung Quốc, cố quên đi bàn tay những người lãnh đạo Trung Quốc còn đỏ lòm máu nhân dân Việt Nam, cố quên đi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nước ta do Trung Quốc phát động giết hại hàng vạn đồng bào chiến sĩ ta năm 1979, cố quên đi những cuộc chiến do Trung Quốc gây ra chiếm đất, chiếm biển đảo của ta. Cuộc chiến năm 1974 đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hòang Sa của ta. Cuộc chiến năm 1988 đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa của ta, giết hại gần 70 chiến sĩ ta. Cố quên đi để cầu thân với Trung Quốc, tìm chỗ dựa để đảng tồn tại, cố lấy lòng lãnh đạo Trung Quốc để giữ chiếc ghế quyền lực!
Nhìn thấy cuộc chiến tranh chống Mĩ của ta rất có lợi cho Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy vừa làm cho Mĩ sa lầy, yếu đi, để Trung Quốc vượt lên, vừa làm cho Việt Nam kiệt quệ càng phải phụ thuộc vào Trung Quốc, Trung Quốc liền trù tính thiết kế cuộc chiến tranh ấy theo công thức: Đánh Mĩ = Máu người Việt Nam + Vũ khí, trang bị Trung Quốc. Viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ rất to lớn, cấp bách. Sự phối hợp giữa Việt Nam với Trung Quốc trong đối sách quốc tế của cuộc chiến tranh cũng rất quan trọng, khẩn thiết. Khẩn trương, cơ mật như vậy nhưng lúc đó đâu có cần lập đường dây nóng, đường dây bảo mật! Thế mà ngày nay, trong mối bang giao hòa hiếu thông thường, trong cuộc sống hòa bình, dân chủ, công khai, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Trung Quốc và Việt Nam lại phải lập đường dây nóng, đường dây bảo mật giữa lãnh đạo hai nước. Đầu tháng 6. 2008, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang Trung Quốc, đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được đề xuất. Chỉ bốn tháng sau, tháng 10. 2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Trung Quốc chính thức kí kết văn bản thiết lập đường dây này. Tháng 5. 2008, tên đường dây được gọi là đường dây nóng. Đến tháng 10. 2008 được gọi là đường dây bảo mật. Với người dân, đó là đường dây vô cùng bất bình thường. Từ đường dây bất bình thường đó mà bao nhiêu điều bất bình thường trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã xảy ra. Nhà nước Trung Quốc cứ ngang ngược lấn tới và nhà nước Việt Nam cứ cam tâm chấp nhận!
Trung Quốc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào phủ huyện Tam Sa của họ. Học sinh, sinh viên Hà Nội liền mang cờ Tổ quốc, mang băng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam tập hợp đông đảo nhưng ôn hòa và trật tự trước sứ quán Trung Quốc. Ngày 9.1.2008 có mặt ở Hà Nội, tôi đã được chứng kiến cuộc tập hợp của lòng yêu nước đó. Tôi đã được nghe tiếng hô Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là tiếng nói của lịch sử dựng nước Việt Nam, tiếng nói của những người Việt Nam ở những thế kỉ xa xưa đã dong buồm cánh dơi ra nhận đất Hoàng Sa, Trường Sa, tiếng nói của Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam từ thế kỉ 18 đã vẽ chuỗi đảo cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ Việt Nam, tiếng nói của đội binh Hoàng Sa được triều đình nhà Nguyễn phái ra giữ đất Hoàng Sa, tiếng nói của những người lính Việt Nam đã bỏ mình ngoài biển Đông trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là tiếng nói của ý chí mọi thế hệ người Việt Nam khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với mảnh đất đã thấm đẫm máu xương tổ tiên người Việt, là tiếng nói vô cùng cần thiết trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Nhưng một lực lượng công an hùng hậu được huy động đến quyết liệt và nhanh chóng giải tán cuộc tập hợp của lòng yêu nước, bắt đi những người nồng nhiệt bộc lộ lòng yêu nước. Nhìn sắc áo xanh, áo vàng công an giăng kín che chở sứ quán Trung Quốc và sát khí đằng đằng xua đuổi, giằng kéo bắt bớ thanh niên ta, giật xé băng chữ Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, trong lòng tôi nghẹn một nỗi đau xót, tủi nhục!
Ngày 17 tháng 2 năm nay, 2009, tròn 30 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng là lần giỗ tròn thứ 30 hàng vạn đồng bào chiến sĩ ta đã ngã xuống để bảo vệ đất đai biên cương nhưng gần ngàn cơ quan thông tấn báo chí cả nước được lệnh không được nói một lời, không được viết một chữ nhắc đến sự kiện này, không được nhắc đến sự hi sinh bi tráng và cao cả của đồng bào chiến sĩ ta trong cuộc chiến giữ nước này! Trong khi đó, một nhà xuất bản cấp nhà nước của ta lại xuất bản tập sách dịch của Trung Quốc ca ngợi những người lính Trung Quốc đã sang chinh phạt Việt Nam! Ôi chao, để làm đẹp lòng những người lãnh đạo Trung Quốc, để có chỗ dựa cho đảng, chúng ta phải vô ơn và nhục nhã phỉ báng cả hương hồn liệt sĩ của chúng ta! Đảng tồn tại bằng cách đó, làm sao tôi có thể đứng trong đảng đó được!
Báo Du Lịch đăng bài tri ân chiến sĩ quân đội ta đã chiến đấu hi sinh để bảo vệ Trường Sa thì báo bị đình bản! Blogger viết blog bày tỏ sự bất bình trước việc dân ta đánh cá trên vùng biển của ta bị lính Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp bóc, thì Blogger bị bắt! Còn báo Điện tử đảng Cộng sản Việt Nam sốt sắng tiếp sóng tuyên truyền cho Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa là của Trung Quốc thì báo bình thản vô can!
Những sự việc đau lòng, tủi nhục này diễn ra hàng ngày nhiều lắm, không sao kể xiết!
Những nhượng bộ, thỏa hiệp để Trung Quốc vạch lại biên giới, phân chia lại vùng biển, chiếm đất, chiếm biển của ta. Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 3. 3. 2009 tôi đã dẫn chứng về việc mất đất mất biển. Những hợp đồng kinh tế dễ dãi, ưu ái dành cho Trung Quốc. Đại dự án bô xít gây lo lắng bất an cho cả dân tộc về môi trường, về văn hóa, về an ninh quốc phòng và đại dự án bô xít không vì nhu cầu cấp bách của sự phát triển kinh tế đất nước mà chỉ vì năm 2001, vừa trở thành người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang Bắc Kinh ra mắt những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, từ bô xít đột ngột xuất hiện trong tuyên bố chung Giang Trạch Dân – Nông Đức Mạnh: “Nhất trí thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trong dự án bô xít nhôm Đắc Nông”. Năm 2006, từ bô xít lại được nhắc lại trong thông báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào: “Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô xít Đắc Nông”! Thế là dự án bô xít Tây Nguyên trở thành “chủ trương lớn của đảng và nhà nước ta” (lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Căn nguyên vì sao Trung Quốc cần khai thác bô xít của Việt Nam và mối nguy hại của việc khai thác bô xít Tây Nguyên tôi đã nêu trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 3. 3. 2009. Điểm xuất phát của dự án bô xít Tây Nguyên là từ chuyến đi Trung Quốc của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam và từ chuyến đi Việt Nam của người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc, sự nôn nóng thúc giục thực hiện dự án bô xít Tây Nguyên của phía Trung Quốc, sự phân tích thấu đáo của các nhà khoa học chỉ ra sự thua thiệt về kinh tế, mối nguy cơ về môi trường, về văn hóa, nỗi bất an về thế chiến lược quốc phòng của dự án bô xít Tây Nguyên đã cho thấy chủ trương lớn này của đảng không vì dân tộc Việt Nam! Cũng không vì dân tộc Việt Nam những đoàn người Trung Quốc lũ lượt đến Tây Nguyên, đào bới bô xít, đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa làm cảng biển, những người Trung Quốc sục sạo khắp rừng sâu núi thẳm với danh nghĩa thăm dò khai thác khoáng sản nhưng thực chất họ làm gì chúng ta không biết! Càng không vì dân tộc Việt Nam những đoàn ô tô tải sức chở trên 20 tấn đêm đêm ầm ầm chở khoáng sản hiếm, tài nguyên quí của nước ta kìn kìn chạy sang phương Bắc!
Vì mối giao hòa với Trung Quốc làm chỗ dựa bảo đảm cho sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam mà đất đai của tổ tiên không được bảo toàn, quyền lợi kinh tế đất nước không được coi trọng, đạo lí làm người, văn hóa dân tộc không được giữ gìn, cả đến quyền công dân, lòng yêu nước của nhân dân không được nhìn nhận thì tôi không thể là đảng viên Cộng sản như vậy. Tôi xin trở về làm quần chúng, làm dân thường, đau nỗi đau của dân, cùng dân lo toan giữ lấy nước.
Freespeech4vietnam suu tam
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment