Saturday, May 13, 2017

THUNG LŨNG NƯỚC MẮT - KIM THANH


 1. Thung lũng nằm tít phía trong quốc lộ I, dưới chân một ngọn núi khá cao được gọi là Núi Sạn, cách thành phố Nha Trang khoảng bảy, tám cây số về hướng Bắc. Trái với tên gọi, Núi Sạn cây cối um tùm, leo lên mới thấy vài phiến đá to, lởm chởm, tuyệt nhiên không có viên sỏi, viên sạn nào, hiểu theo nghĩa đen, và đường vào núi cũng không quanh co, hiểm trở gì để phải liên tưởng đến “sạn đạo” của đất Ba Thục ngày xưa. Hồi nhỏ, vào những ngày nắng chói chang, tôi và các bạn thường đạp xe ra thung lũng để đá bóng, trên những bãi cỏ mượt êm, hoặc leo núi, cắm cờ, chơi trò trốn bắt. Rồi rủ nhau ra biển, bơi lội, sẩm tối mới về nhà. Những cánh đồng chung quanh biếc xanh một màu với thân lúa cao vút, cúi rạp, uốn khúc la đà, triền miên như sóng, mỗi lần có ngọn gió lùa qua. Thuở ấy, dân cư thưa thớt, rải rác vài xóm nhà tranh vách đất, đèn dầu leo lét. Nơi nào cũng gặp thiên nhiên tươi mát, chim chóc đua nhau hót vang, trái cây rừng phủ cành, như cam thảo, chùm bao, long nhãn, và sim tím, hái xuống ăn thỏa thuê. Và hàng thùy dương trên bãi Hòn Chồng, gần nhà tôi, nghiêng bóng lung linh trong ánh chiều tím ngát. Khung cảnh hoang dã, đầy thơ, tịch mịch, dễ gây hồn mộng mơ, lãng mạn, và cô liêu...
       Nhưng rồi chiến tranh ùa đến, mịt mờ khói lửa. Tôi khoác áo chiến binh, xa Nha Trang, biền biệt, lê gót phong sương trên các nẻo sa trường Cao Nguyên. Chợt trở về, từ trại Vĩnh Phú, cuối 1983, sau tám năm tù khổ sai cải tạo tiếp theo ngày đại nạn của dân tộc, để ngậm ngùi thấy tất cả đã biến đổi, thương hải tang điền! Người từ miền Bắc, miền Trung đến lập nghiệp tại quê tôi, tấp nập, xô bồ, cất nhà chi chít, dọc ngang đủ kiểu, trên cả những nghĩa địa cũ, chiếm đất của người chết, lấn sâu vào tận chân Núi Sạn, dọc hai bên đường rầy xe lửa, ra đến bãi Dương, Hòn Chồng. Cây cối trên núi và hàng phi lao ven biển bị đốn gục. Ruộng vườn biến mất. Núi Sạn chỉ còn trơ sườn đá đen loang lổ, có vẻ thấp xuống –như phẩm giá con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa– ngang bằng một ngọn đồi trọc. Thung lũng trở thành một nghĩa địa mới, nằm bên một trại cùi tân trang cùng mang tên Núi Sạn. Cỏ cây không mọc nổi nữa. Đạp xe đi tìm, không thấy đâu sân đá bóng và những trái rừng ngày trước. Đau biết mấy, như nỗi lòng của Bà Huyện Thanh Quan trước một Thăng Long Thành hoang phế: Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.  
 
      Trình diện phường khóm và đồn Công an khu vực xong, tôi được chỉ định về thung lũng Núi Sạn “công tác” tại một hợp tác xã dệt vải thô, thứ vải dùng để tẩm liệm, may áo tang, hoặc trải giường. Hợp tác xã là một căn nhà rộng, hai tầng, gần Tháp Bà, tịch thu của một thương gia chạy thoát năm 1975. Bên ngoài hợp tác xã là một cái chợ tên Chợ Bàu, sát quốc lộ, trước kia là một cái ao to ngập nước. Công việc của tôi khá đơn giản: buổi sáng quét sân xi măng, buổi chiều vào dọn phía trong, lau những khung dệt, sau khi hai mươi lăm cô thợ xong việc, sửa soạn ra về. Và mỗi cuối tháng, tôi và một nam công nhân, tên Võ Minh Thiện, đạp xe ba gác qua phố Nha Trang chở vải nộp cho các cơ quan, đại lý. Thiện phụ trách sửa chữa những khung dệt, tay nghề rất vững. Anh lịch sự với tôi, ưa giúp đỡ người khác, kín đáo, ít nói, lại càng ít nói về mình, dù đôi lần tôi đến bắt chuyện, như một bạn đồng nghiệp. Nhìn Thiện, tôi nhớ chắc anh là cựu SVSQ khóa 4 trường ĐH/CTCT/ĐL, nơi tôi đã từng phục vụ trong tư cách sĩ quan Văn hóa vụ, nhưng khi được hỏi Thiện chỉ cười cười, không chối, cũng không nhận, và lảng sang chuyện khác. Biết thế, tôi chẳng hỏi han gì nữa. Sau này, Thiện lấy một cô rất hiền, dễ thương, lớn tuổi nhất trong đám thợ dệt “choai choai”, và đám cưới của hai đồng nghiệp tất cả nhân viên hợp tác xã dệt đều đi dự.
      Mỗi ngày, giữa hai công việc, để giết thời gian, tôi ra quán giải khát trước cổng, ngồi uống nước mía, hút thuốc, trầm ngâm ngắm nhìn người qua lại trong chợ. Điều này làm lão chủ nhiệm người Quảng Ngãi –trước 75 có thời làm công cho gia đình tôi– khó chịu, cằn nhằn hoài. Nhưng tôi bất cần, vì biết bọn công an bắt tôi đến hợp tác xã chỉ cốt nhờ người kiểm soát việc đi đứng của tôi thôi. Cũng như mỗi tuần một lần, bất thần sau nửa đêm bọn chúng nhảy tường, xông vào nhà, bắt mở cửa, lục lạo các phòng ngủ, kể cả phòng của hai em gái tôi, Bội Trân và Huyền Trân, xem tôi còn đó hay đã đi rồi. Chúng dư biết sớm muộn gì tôi cũng tìm đường vượt biên, nên ra sức canh, rất kỹ. Lão chủ nhiệm, một thứ anh hùng cách mạng 30 tháng 4, bảo hoàng hơn vua, không hiểu, nhất định bắt tôi “lao động tốt, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh trên”.          
      Còn các cô thợ, hầu hết lớn lên sau 1975 như Huyền Trân, khi nghe nói tôi là sĩ quan “ngụy” cải tạo về, mới để ý liếc dòm tôi từ đầu đến chân, một cách chăm chú, nửa như thương cảm, nửa như tò mò muốn biết một ông “đại úy ngụy” chánh hiệu ra sao, có giống con giáp nào không. Sau đó, các cô tự động quét dọn sạch sẽ khu vực dệt, lau chùi những khung cửi, trước khi về, bớt việc cho tôi. Khi thân nhau hơn, trong giờ giải lao, vài cô chọc tôi, hỏi “chú có vợ chưa, để emgiới thiệu bà dì út của em cho”, hoặc “khi nào đại úy đi vượt biên cho em theo với”. Tôi cười dễ dãi, nhưng không nói gì. Một bữa, thấy tôi thơ thẩn trong sân, một cô đến gần, nói nhỏ vào tai: “Em là Thanh, bạn thân của Huyền Trân, đi nhiều lần bị bể hoài. Khi nào có mánh, anh cho em biết với nhé!”. Tôi hoảng hốt, sợ bị gài bẫy, lắc đầu quầy quậy, lên lớp: “Không, tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ ở lại với đất nước, đồng bào”.
 
      Sáu tháng sau, một buổi trưa, tôi đang ngồi ở quán nước, lão chủ nhiệm sai người ra gọi vào. Lão yêu cầu tôi leo lên mái nhà, quét dọn rong rêu. Mái nhà cao chênh chếch, gần như thẳng đứng. Công việc khá nguy hiểm, rủi trợt chân té xuống, chết oan, dại gì! Dĩ nhiên, tôi kiếm cớ từ chối. Lão la lớn, sỉ vả tôi nào là “chây lười, chưa lao động cải tạo tốt”, nào là “phản động, cãi lệnh cấp trên”. Tôi cũng không vừa, to tiếng chửi lão là “đồ cách mạng dỏm”, “thứ ăn cháo đái bát”. Lão uất khí, gọi công an đến xin giải quyết. Tên công an phường họp tất cả lại, hỏi các nhân chứng. Đám đàn ông thanh niên không ai dám nói một lời bênh đỡ tôi. Võ Minh Thiện xanh mặt, nhìn tôi với vẻ ái ngại, lo lắng cho tôi. Còn các cô thì tranh nhau phát biểu, cho lão chủ nhiệm “phản ứng quá đáng”, “lạm dụng quyền hành”, “nhiệm vụ của người ta là quét sân mà bắt leo lên mái nhà, như vậy không đúng!” Nghe xong, tên công an không biết phân xử thế nào, chỉ bắt tôi làm tờ kiểm điểm, rồi bỏ đi. Tôi nhìn các cô, gật đầu, tỏ dấu biết ơn. Và nghiệm lại lời bàn của ông thầy tử vi trước kia: số tôi có sao Hồng Loan chiếu mệnh, nên thường gặp “nữ quới nhân phò hộ”.
                                                                        
      2. Sau vụ này, tôi bị thuyên chuyển về trại cùi Núi Sạn. Nhiệm vụ như cũ, nghĩa là quét dọn vệ sinh, đổ rác. Mẹ tôi lo lắm, dặn tôi bớt ngang bướng. Kệ chúng nó, mẹ bảo, đất nước này đâu phải của mình nữa đâu. Ráng nhịn đi con, chờ ngày thuận tiện trốn đi. Nhà mình toàn “ngụy quân” là mục tiêu cho chúng nhắm. Lúc ấy, Nguyễn Kim Trọng, em kế tôi, cựu trung úy dạy Anh văn tại Võ Bị, đang bị truy lùng về “tội” vượt trại tù Đồng Trăn, về nhà được mẹ và anh em cưu mang, che chở, suốt ngày tự giam lỏng, đọc sách, ăn ngủ tại chỗ, trong căn gác hẹp –có một ô gỗ vuông ăn thông với mái nhà, khi biến động là gỡ ra, nhảy tót lên trần. Cũng may, trước đó không lâu, chúng đã trả lại nửa căn nhà bị tịch thu làm trụ sở phường. Mẹ sợ, nếu vì tôi mà công an “ghé thăm” thường xuyên thì rất nguy cho Trọng. Mẹ nói thế cũng oan cho tôi, vì hai cô con gái đẹp, độc thân, của mẹ cũng là nam châm cực mạnh hút đám thanh niên, và đặc biệt bọn công an phường và khu vực, không mời mà đến nườm nượp. Tuy nhiên, tôi hứa từ nay sẽ ngoan ngoãn, cho mẹ yên tâm. Để chuẩn bị công việc mới, tôi ra chợ trời mua một đôi găng tay, một khẩu trang, một bộ đồ lính cũ, và mấy chai cồn rửa tay.                                                                            
       Trại cùi, được dời về Núi Sạn từ một địa điểm khác, trước 1975, đã do các tu sĩ dòng Phan-xi-cô địa phương sáng lập và điều hành, như vậy về lý là một trại tư, nhưng nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý luôn, chẳng phải thương yêu gì đám bệnh nhân khốn khổ kia, nhưng cốt bỏ túi món tiền viện trợ béo bở của các hội từ thiện thế giới. Trại tương đối rộng rãi, ngăn nắp, còn khang trang hơn những trại tù cải tạo –nơi tôi đã bị giam nhiều năm. Ba dãy nhà mái tôn khá lớn, nằm song song, loang loáng ánh mặt trời. Một bệnh xá kiểu dã chiến để bác sĩ, y tá làm việc và bệnh nhân đến uống thuốc. Việc nấu nướng do hai chị bếp ở ngoài mướn vào đảm trách. Một dãy hố tiêu sát hàng rào kẽm gai, được đổ vôi trắng khử trùng chung quanh, nặc mùi diêm sinh, và những con ruồi xanh to bay vo ve, thấy ớn. Dọn vệ sinh hố tiêu và nhà ở do các bệnh nhân tự lo, đỡ cho tôi lắm. Tôi chỉ giữ việc dọn dẹp bệnh xá, quét sân và đào lỗ để chôn rác, hoặc chôn người chết. Mỗi ngày đứng trước cái sân đất rộng thênh thang và những thùng phuy to ngập rác đặt ở bốn góc, thấy mà ngao ngán. Đồng nghiệp “thâm niên công vụ” của tôi là một ông già ốm tong teo, tên Mân, lụ khụ, răng chỉ còn vài chiếc, mà lần đầu mới gặp tôi nghĩ chắc chả làm được tích sự gì, có khi tôi phải cáng đáng công việc giùm ông. Nhưng rất may, ông còn khoẻ, quét dọn nhanh thoăn thoắt, thỉnh thoảng còn giúp ngược tôi. Cũng không cần găng tay, khẩu trang. Ông nói: “Tui tứ cố vô thân, lại già rồi mà cậu! Trước sau rồi cũng chết. Ở cái xã hội chó đẻ này bây giờ, chết sớm càng khỏe mà cậu. Ủa, cậu phạm tội gì mà bị phạt vô đây? Bộ ngụy cải tạo về hả? Còn tui, nhậu say ở quán, chửi chế độ, bị giam ba tháng, sau bị đày vô đây... Tổ sư chúng nó, bọn khốn kiếp. Chỉ giỏi ăn hiếp người cô thế.”
        Đây cũng là lần đầu tôi giao tiếp gần gũi với bệnh nhân phong cùi. Cảm thấy ghê ghê trước những vết thương chảy máu mủ, những ngón tay, ngón chân co quắp, bị cụt, những cặp mắt mờ đục, có khi mù hẳn, những thân người tiều tụy, những bước đi thất thểu, xiêu vẹo. Ôi, những con cháu Eva bị đọa đày trong Thung Lũng Nước Mắt –cũng như tôi và dân miền Nam, ở một bối cảnh khác, rộng lớn, có khi bi đát hơn– hằng van xin Nữ Vương, Mẹ Maria Nhân Ái, mở lòng cứu độ, như lời kinh cầu mà cả nhà tôi vẫn đọc đêm đêm, từ thời ấu thơ. Phải mất một tháng, tôi mới quen dần. Trong số khoảng ba trăm bệnh nhân, có vài gia đình gồm cha mẹ và những đứa con nhỏ đủ lứa tuổi, đang được điều trị. Họ nhìn tôi một cách dửng dưng, như vô cảm. Còn tôi, lòng buồn bã, xót thương họ vô cùng, vì thấy đời mình đâu có gì khá hơn. Rồi bỗng dưng nhớ đến Hàn Mặc Tử và những vần thơ bi thiết:
 
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút                                                                                
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
                                                                                              (Rướm máu)
 
       Tôi không biết trại trưởng là ai. Nhưng trại phó điều hành kiêm thông dịch viên giao tiếp với người ngoại quốc là một tu sĩ Phan-xi-cô, thầy Pierre, quen biết ba mẹ tôi ngày trước. Bác sĩ trưởng là Nguyễn Phúc Vĩnh Phương, vừa ra trường thì nước mất, chuyên về bệnh “da liễu” (dermatology), người hiền lành, dễ mến, gặp tôi chào hỏi tử tế. Một bác sĩ Pháp tuổi độ ba mươi, Jean-Luc de Neuville, thuộc tổ chức Médecins Sans Frontières (Y Sĩ Không Biên Giới), và một nữ y tá người Úc trẻ đẹp, Ann Mary, tình nguyện đến giúp đỡ. Tất cả nhiệt tình, chăm sóc bệnh nhân chu đáo.      
      Dưới mắt mọi người, tôi chỉ là một cái bóng trên sân đất, một công nhân vệ sinh giữa những công nhân khác. Một hôm, như thường lệ, tôi quét dọn xong bệnh xá, trước giờ phát thuốc, có bác sĩ de Neuville ngồi làm việc. Lần đầu, anh ngước nhìn tôi, nói cám ơn. Và cũng lần đầu, tôi thấy rõ mặt anh. Trắng trẻo, đẹp trai, vẻ tự mãn như tất cả những anh Tây có “máu xanh” (sang bleu, quý tộc) và chức phận. Tôi gật đầu, toan bước ra, thì anh gọi giật lại, nói thật chậm, kéo dài từng chữ, vừa nói vừa ra dấu tay:
      - Tôi được Frère Pierre cho biết rằng trước kia anh là một quân nhân (Jean-Luc làm động tác bóp cò súng) của miền Nam. Một cựu sĩ quan mà phải quét nhà (anh ta làm động tác quét), tôi thấy không xứng đáng, vous... com...pre... nez... Anh hiểu chứ?
       Tôi bật cười, rồi nghiêm trang bảo anh ta:
      - Trước hết, bác sĩ có thể nói với tốc độ bình thường như khi nói với đồng hương của bác sĩ, và khỏi cần ra dấu tay. Tôi hiểu được. Thầy Pierre nói đúng: tôi là một cựu đại úy VNCH, và xin bác sĩ đừng ái ngại cho tôi, vì việc quét dọn tại trại cùi này không là gì cả so với những năm lao động khổ sai tôi đã phải trải qua sau khi chiến tranh chấm dứt. Một điều mà thầy Pierre, và dĩ nhiên bác sĩ nữa, không biết, và cực chẳng đã tôi phải nói ra, khi cần thiết thôi, là trước khi vào lính tôi đã học trường Pháp, có văn bằng Pháp, dạy trường Pháp Collège français ở đây, và được chính phủ Pháp cho đi tu nghiệp sư phạm tại Grenoble, quê hương của Stendhal, ba tháng hè năm 1965, chưa kịp đi thì bị gọi nhập ngũ...
        Nghe tôi nói một hơi, với giọng chua chát, không vui, Jean-Luc có vẻ rất ngạc nhiên, mặt đỏ dần, đứng lên, đến bên tôi, bắt tay, và nói:
        - Ồ, tôi thật không ngờ. Hân hạnh biết anh! Chỉ nghe anh nói một lần tôi tin anh ngay. Xin lỗi anh. Bây giờ chúng ta là bạn, nếu anh cho phép. Ở đây một mình, tôi cần một người bạn cùng nói một ngôn ngữ để tâm sự. Từ nay, chúng tôi sẽ không để anh quét dọn bệnh xá nữa. Chúng tôi sẽ nhờ le père Mân làm thay.
       - Tại sao? Dù sao, tôi cũng cám ơn Jean-Luc. 
      Từ hôm đó, Jean-Luc lúc rỗi rảnh thường đi tìm gặp tôi bên những thùng rác, trên các băng gỗ dành cho nhân viên tạp dịch ngồi nghỉ mệt. Một cách nhanh chóng, chúng tôi trở thành thân đến độ tutoyer, “toa moa” với nhau.
      Jean-Luc kể về mình và gia đình ở Lyon. Còn tôi, vì phản xạ tự nhiên sau những năm sống chung với Việt Cộng, chẳng dám hé môi nói điều gì về gia đình, hoặc chính trị, kể cả những khi Jean-Luc lên tiếng “tiếc thay cho một người có tài như anh mà không được chế độ mới trọng dụng”, hoặc “chất xám, tài nguyên của đất nước, đã bị phí phạm”. Tôi lắc đầu:
      - Bọn họ chưa giết là may rồi, Jean-Luc. Tôi không bao giờ nuôi ảo tưởng về hạnh phúc, về thương yêu, về hận thù, về cuộc đời, về ý thức hệ này nọ. Đúng hơn, ảo tưởng đã mất. Illusions perdues, anh còn nhớ tác phẩm của Balzac? Giờ chỉ còn là thực tế phũ phàng và đôi mắt mở to để nhìn cho rõ. Tôi mong được yên thân ngày nào hay ngày nấy.
      Và để đổi hướng câu chuyện, tôi hay bàn về văn chương, về Stendhal, Baudelaire –những tác giả tôi yêu mến. Jean-Luc thú thật không biết nhiều về văn học sử Pháp, chưa đọc hết Le Rouge et le Noir, tiểu thuyết nổi tiếng của Stendhal, và tuy Grenoble không xa Lyon bao nhiêu mà anh cũng chưa có dịp đến và chỉ biết Grenoble giáp giới với Thụy Sĩ, có rặng núi Grande-Chartreuse buổi sớm sương mờ vây phủ và con sông Isère, dài lắm, đi qua thành phố trước khi nhập vào sông Rhône  –những điều anh đã học được trong lớp địa lý. Như tôi.
 
      Một buổi trưa, tôi đang nghỉ giải lao trên băng gỗ, dưới một bóng cây to, thì bác sĩ Vĩnh Phương đi ngang qua. Thấy tôi, anh dừng lại, mỉm cười chào, ngồi xuống, rồi nói:
     - Anh làm việc chắc mệt lắm hỉ? Tôi nghe thầy Pierre và bác sĩ de Neuville nói nhiều về anh, toàn là tốt. Thấy anh làm việc chăm chỉ, đường hoàng, tôi muốn kết bạn với anh, anh nghĩ sao?
     Bị hỏi bất ngờ, tôi lúng túng, đúng hơn, ngờ vực, chưa biết trả lời sao, thì Phương tiếp:
     - Anh đừng nghi ngại, tôi cũng thuộc thế hệ “ngụy”, rất nể phục và thương cảm những sĩ quan cải tạo trở về. Hơn nữa, tôi khoái thái độ bất cần đời và vẻ ngang tàng điếc không sợ súng của anh. Trước khi anh đến đây, tôi đã được báo cáo đầy đủ về vụ anh cự lão chủ nhiệm hợp tác xã dệt và nhận chỉ thị phải theo dõi anh sát nút, nhưng đời nào tôi làm cái chuyện khốn nạn đó, tôi là bác sĩ mà, đâu phải công an. Tôi thật sự... 
      Tôi gật đầu, bắt chặt tay anh. Phương vui lắm. Từ đó, anh thường mời tôi và Jean-Luc lên văn phòng anh uống cà-phê hoặc đạp xe ra các quán dọc theo quốc lộ ăn trưa –như tôi vẫn làm một mình hằng ngày.
 
      Rồi một chiều thứ bảy, Phương mời chúng tôi và cô y tá Ann Mary đến dùng cơm, tại nhà ở tận Cầu Đá. Chúng tôi nói tiếng Anh, vì có Ann Mary. Cô cười, khen nịnh, nhưng thực ra là chê: “Nghe mấy ông, you guys, nói tiếng Anh biết là dân Tây liền, vì accent lạ lắm!” Phương giới thiệu vợ, hai con nhỏ, và đặc biệt, bà mẹ vợ và cô em út của vợ, tên Loan, từ  Sài Gòn vừa ra Nha Trang thăm gia đình anh và tắm biển. Loan cùng tuổi hai mươi với Huyền Trân và các cô thợ ở hợp tác xã dệt. Tôi liếc nhanh, để kịp thấy một dáng mảnh mai, gương mặt đẹp, mái tóc dài bới gọn, tai đeo hai vòng khuyên lớn, vẻ thông minh, bặt thiệp. Nhưng tôi không để ý lắm, vì chê Loan còn con nít, và vì tâm hồn khi ấy nặng trĩu những ưu phiền và đầu óc chỉ nghĩ đến mỗi một chuyện: vượt biên. Còn Loan, trong bữa ăn, tò mò nhìn tôi, lịch sự coi tôi chỉ là một anh “ngụy” cải tạo về, không hơn không kém, và là người bạn mới của ông anh rể. Thế thôi. 
 
      3. Bội Trân đạp xe ra trại cùi tìm tôi bất ngờ, một buổi trưa nắng, trong lúc tôi và ông Mân đang hì hục khiêng thùng phuy đầy rác đổ vào hố. Thấy cảnh này, em chớp mắt, như muốn khóc. Có lẽ nhớ lại những lần theo mẹ ra thăm tôi ở Vĩnh Phú và thăm Kha, hôn phu của em, tại Thanh Hóa. Tôi tháo khẩu trang, găng tay, choàng vai em, nói nhỏ:
       - Thì cũng giống như hồi anh còn ở trại Vĩnh Phú thôi. Tại đó, anh còn hốt phân nữa mà. Không sao đâu. Mà em ra đây có việc gì?
        - Mẹ bảo em mang ra cho anh dĩa xôi lạp xưởng mẹ mới nấu để anh ăn trưa.
       Ông Mân đứng bên nãy giờ, lên tiếng hỏi:
        - Ai vậy cậu Hai? Bà xã hả?
       Tôi quay lại:
        - Ấy chết, tôi quên giới thiệu, xin lỗi bác Mân. Đây là Bội Trân, em gái của tôi.
        Em gật đầu chào ông. Ông nhìn em, tấm tắc khen:
        - Trời ơi, cô đẹp quá, giống cô đào xi-la-ma gì đó, có chồng con gì chưa cô?
       Hai anh em nhìn nhau cười, không trả lời. Bội Trân ngỏ ý muốn đi xem trại. Tôi chia một nửa phần xôi cho ông Mân, và nhờ ông làm nốt công việc, rồi đến xin phép thầy Pierre. Chúng tôi vào các dãy nhà ở. Nơi nào Bội Trân cũng thăm hỏi bệnh nhân một cách ân cần, và mủi lòng, nước mắt lưng tròng, khi thấy những em bé ngồi thẫn thờ, buồn bã nhìn qua khung cửa sổ hẹp mảnh không gian xanh ngắt và bầy chim nhỏ đậu trên cành hót líu lo, như mời gọi. Rời nhà ở, chúng tôi tạt qua gian bếp trong giờ phát cơm. Thấy món ăn có cơm, khoai mì, cá khô, nước mắm và canh rau, tôi nói với Bội Trân: “Khá hơn nhiều so với các trại tù cải tạo của anh”. Rồi đến bệnh xá. Jean-Luc đang ngồi viết, thấy chúng tôi bước vào, bật đứng dậy. Tôi giới thiệu: “Marie-Amélie, em gái tôi!”. Em giơ tay cho anh ta bắt, và nói liền bằng tiếng Pháp, một cách rất tự nhiên, khiến Jean-Luc sửng sốt, buột miệng, hỏi một câu ngớ ngẩn:
      - Như vậy cả nhà anh đều nói tiếng Pháp à?
      - Không, mẹ tôi và những đứa em lớn lên trong chế độ này không biết nói tiếng Pháp.
      Sau hôm đó, Bội Trân xin thầy Pierre cho vào trại cùi, tình nguyện phụ bếp, hai lần một tuần. Những ngày khác, em qua chợ Đầm phụ bán nước mía cho Huyền Trân. Mẹ tôi đồng ý ngay. Các con thương người thì Chúa sẽ thương các con, mẹ bảo. Em lãnh việc chia thức ăn, phát nước cho bệnh nhân. Sắc đẹp tự nhiên, cách ăn mặc đơn giản, cử chỉ dịu hiền, thái độ đoan trang của em đã chinh phục mọi người. Jean-Luc có vẻ cũng thích em lắm. Những ngày em đến, anh ta ghé nhà bếp, dù chỉ để nói bonjour, tu vas bien? và chuyện trời mưa trời nắng với em.
 
      Một buổi chiều tan việc, trên đường về nhà, ngang nghĩa địa, Bội Trân dừng lại, dưới một tàn cây, chỉ tay vào phía trong, bảo tôi:
- Lệ Ngà đang nằm trong đó, chắc anh biết? Cũng tội. Hay là anh vào thăm mộ một chút.               
     Tôi lắc đầu. Thôi em, hãy để thời gian làm quên những si mê, đớn đau, và hờn tủi. Tình yêu dù thiết tha đến đâu một ngày rồi cũng trôi qua như nước chảy dưới cầu. Sous le pont Mirabeau.Thơ Apollinaire đó em. Buổi tối xa xưa nào, em nhớ không, nửa năm trước ngày nước mất nhà tan, em và Kha lên Đà Lạt thăm anh và Lệ Ngà. Kha vừa từ phi vụ ở Phù Cát trở về, chưa kịp thay đồ bay. Em mặc jupe xanh, áo màu hồng nhạt, đeo bông tai vàng lóng lánh của ngày đính hôn. Tụi mình vào quán L’Eau Vive của các nữ tu người Pháp thuộc Domaine de Marie, gọi mónbouillabaisse mà em thích, bifteck và rượu Bordeaux, vừa ăn vừa chuyện trò khe khẽ dưới ánh đèn mờ ảo, giữa tiếng đàn dương cầm dặt dìu, nhè nhẹ của một ma-sơ. Thật là tuyệt diệu. Do Kha yêu cầu, Lệ Ngà xin phép lên đánh một bản. Bản Appassionata, sonate 23 của Beethoven đó, để tặng riêng anh, vì biết anh mê nó lắm. Anh mê nó, vì nghe nỗi khổ đau tột cùng, mà vẫn đằm thắm, của tình yêu nát tan đã chết theo mùa thu phai úa, trên đôi môi hững hờ, bởi những chia lìa, mất mát, và phản bội  –dàn trải ngút ngàn qua suốt bản sonate, trên từng phím đàn thánh thót, đứt quãng, chìm xuống như từng giọt lệ ngân. Kha cắn môi, ngồi bất động, còn em thì nép vào ngực Kha, lắng nghe, nước mắt giàn giụa. Các thực khách ngừng ăn. Khi nốt nhạc cuối cùng dứt hẳn, tiếng vỗ tay vang lên, kéo dài, và Lệ Ngà trở lại bàn, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Anh ôm siết Ngà vào lòng, hôn mái tóc đầy hương, như siết ôm hạnh phúc thật, mà mong manh, không cho bay đi. Anh nghĩ, một người nếu, như tụi mình, thực sự đã nghe sonate Appassionata một lần rồi sẽ không còn muốn oán thù ai nữa. Và anh đọc ở đâu đó, Lénine có nói rằng nếu cứ tiếp tục nghe bản nhạc này ông ta sẽ không hoàn thành nổi cuộc cách mạng vô sản. Lúc ấy, tụi mình còn trẻ, đời còn đẹp, mộng còn đầy. Anh yêu buổi tối ấy quá, cũng như anh yêu em, yêu Lệ Ngà, Kha, và mọi người. Rồi ngờ đâu, Kha và Lệ Ngà đều ra đi, vĩnh biệt cõi đời. Chỉ còn hai anh em mình, ở lại với bóng mờ của hạnh phúc phù du, và riêng anh, dư âm xót xa của Appassionatangày cũ. Thôi em, hãy để Ngà ngủ yên và thời gian làm quên...
 
      Thêm một đợt bệnh nhân bình phục được rời Thung Lũng Nước Mắt về với gia đình. Trên mặt và tay chân họ còn rất ít dấu vết của căn bệnh quái ác, dữ dằn. Mỗi người nhận một xắc tay màu xanh, quà của Liên Hiệp Quốc, một bộ quần áo mới, và các vật dụng khác. Từ nay, họ không còn sống cô lập, không lây cho ai nữa, vì các bác sĩ, sau khi thử máu, biết chắc vi trùng đã hoàn toàn bị tiêu diệt nhờ các loại thuốc viện trợ rất hữu hiệu. Nhưng, tôi thầm hỏi, còn những kẻ cùi hủi tâm hồn thì lấy thuốc gì chữa đây? Buổi tiễn đưa diễn ra đơn sơ, nhưng đậm tình người, trước sân bệnh xá, dưới sự chứng kiến của thầy Pierre, hai bác sĩ, các y tá. Có những vòng tay ôm cho người về, có những lời chúc lành cho bệnh nhân ở lại. Bội Trân và tôi nhìn theo và mừng cho họ. Từng người lần lượt ra cổng. Cuối cùng, còn lại một bé gái, khoảng tám tuổi, vẫn đứng yên, thút thít khóc. Bội Trân tiến nhanh đến hỏi em và được biết em tên Trang, mồ côi cha mẹ, không thân nhân, lúc lên ba đã bị ai đem bỏ trước cổng trại. Bé không biết về đâu. Một lúc sau, Bội Trân trở lại, nói với tôi:
- Em muốn nhận nuôi bé Trang, xin phép anh trước. Em sẽ nói với mẹ sau.                     
Rồi không chờ tôi trả lời, em đi thẳng đến chỗ thầy Pierre, bác sĩ de Neuville, và Vĩnh Phương, nói gì đó với họ mà tôi thấy ba người gật đầu lia lịa. Em lại đến bên bé Trang, vuốt tóc bé, xách giỏ đồ, nắm tay, dắt về phía tôi. Em hớn hở khoe:
      - Thủ tục nhận nuôi rất đơn giản, đặc biệt cho em, nhờ thầy Pierre. Tí nữa em sẽ ký vài giấy tờ là xong.
      Tôi nhìn kỹ bé Trang, mừng rỡ thấy bé mặt trắng hồng, tươi tắn, tay chân lành lặn, bình thường, không ai có thể ngờ bé đã phải ở trong Thung Lũng Nước Mắt đã năm năm. Jean-Luc, sau này, bảo tôi rằng bé Trang không nhiễm bệnh, vì theo y khoa bé thuộc loại người có kháng tố bẩm sinh chống lại phong cùi dù chung đụng với bệnh nhân. Đáng lẽ bé phải rời trại lâu rồi, nhưng các nhân viên hành chánh quên bẵng sự hiện diện và hồ sơ của bé, cho đến hôm ấy.
      Bé Trang về ở với gia đình tôi, mẹ tôi vui lắm, hôn Bội Trân, và ôm bé Trang vào lòng.
 
      Rồi, một đêm trăng sáng, Bội Trân kéo tôi ra ngồi trên ghế đá trong vườn nhà, dưới vòm lá bưởi, bên những chậu hoa ngát hương. Em nói:
      - Em muốn tâm sự với anh về một chuyện riêng. Cách đây một tuần, Jean-Luc ngỏ lời yêu em và hứa nếu được lấy em, anh ta sẽ mang em ra khỏi vùng đất bất công này về một nơi có ánh sáng, có tình yêu muôn thuở, có tương lai rực rỡ hơn... Anh nghĩ thế nào?
      Tôi cười, hỏi ngược:
     - Chuyện tình cảm là tùy em quyết định, anh biết gì. Còn em thấy sao?
      Em trả lời liền, như đã suy nghĩ lâu lắm:
      - Jean-Luc có đầy đủ điều kiện để trở thành một người chồng lý tưởng cho các thiếu nữ, có cả em, mơ ước, một cơ hội bằng vàng cho những cô muốn thoát ra khỏi địa ngục này. Anh ta lại đẹp trai, tính tình phóng khoáng, dễ thương, có địa vị, con nhà danh giá. Anh ta chỉ thiếu một điều, đối với em, rất quan trọng: đó là kinh nghiệm khổ đau trong đời. Như anh, các anh Trọng, Hiệp, như Kha, như biết bao sĩ quan VNCH còn đang bị đọa đày trong các trại tù cải tạo mà em đã từng gặp trên đường đi thăm các anh. Như những bệnh nhân phong cùi mà mới đây em có dịp tiếp xúc. Một người, em nói chung thôi, sung sướng và thành công từ tấm bé, không biết đau khổ, sẽ khó thông cảm khổ đau của người khác, sẽ tự phụ, sẽ ích kỷ...
      Tôi ngắt lời em:
      - Nhưng Jean-Luc đã tình nguyện đến giúp trại...
      - Đúng thế. Nhưng có thể vì trách nhiệm nghề nghiệp của một bác sĩ. Trong mắt anh ấy, em chưa đọc thấy tấm lòng xót thương, em muốn nói, compassion, bao la, tuyệt đối, như của giám mục Seitz ở Kon Tum, của linh mục Damien ở Polynésie, hay các nữ tu trại cùi Qui Hòa, mà em chỉ nghe nói đến, hoặc ít ra của thầy Pierre mà em biết rõ...
     Ngập ngừng một lúc, em thở dài, tiếp:
     - Hơn nữa, anh ấy đánh giá em hơi thấp. Đâu phải lấy anh ấy để mong thoát khỏi nơi này? Có khác gì tên công an trưởng khu vực năm nào đã năn nỉ nếu em yêu và lấy nó nó sẽ bảo lãnh các anh về hết.
     Tôi gật gật đầu, im lặng nghe, rồi cười, nói:
     - Tình yêu mà em đem mổ xẻ như thế thì còn gì là tình yêu?
     Em cũng cười, và tiếp:
     - Thì cũng chính vì vậy mới là không yêu, và hồn em mới mãi giá băng, từ khi em mất Kha. Kỷ niệm và hình bóng của Kha còn chất ngất trong em. Kha đã ở lại, vì em, và chết thảm trong tù. Em không thể yêu ai được nữa.
      Tôi hỏi: 
     - Em sẽ nói sao với Jean-Luc?
     - Một lần thôi, tế nhị, dứt khoát. Rồi em xin nghỉ, không đến trại nữa. Jean-Luc sẽ hiểu.                                                         
       4. Hơn hai mươi năm trôi qua, kể từ ngày đó. Trọng vượt biên trước tôi, đến Indonesia. Hiệp, một người em khác, cán bộ Trung Ương Tình Báo, lúc ấy còn trong tù Z30, và sau mười bốn năm, mới được thả và đến Mỹ theo diện HO. Đầu năm 1984, sau những chuyến đi hụt, bị lừa, bị bắt, cuối cùng tôi đến được Subic Bay, Philippines, từ Nha Trang, cùng với Bội Trân, trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ, vượt bao giông tố hãi hùng. Ba tháng trước đó, em và tôi đã ra Thanh Hóa, tìm đến trại cải tạo, đem hài cốt của Kha về chôn tại nghĩa trang Núi Sạn bên các ngôi mộ của gia đình tôi. Em cũng đã bàn giao bé Trang cho Huyền Trân. Đến đảo Phi, Bội Trân xin tôi cho em đi Pháp sống với người chị kế, Thể Trân, định cư tại Nanterre từ 1978. Một năm sau, em xin vào tu trong dòng kín Carmel ở Lisieux, quê hương của thánh nữ Thérèse, giữa tuổi thanh xuân, giã biệt thế gian và tháng ngày khổ nạn, để “tìm bình an cho tâm hồn và béatitude, hạnh phúc của Chúa ban”, như em nói với Mẹ Bề Trên, và để, tự dưng tôi nghĩ đến Lệ Ngà, bắt chước các mỹ nhân tự thuở xưa mãi mãi “bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Ngày em khấn dòng, anh em chúng tôi từ Mỹ đến dự lễ, ôm em, khóc cười, buồn vui lẫn lộn. Do tôi mời, bác sĩ de Neuville từ Lyon cũng đến, đặt những grosses bises (cái hôn tình bạn) trên đôi má em.
      Jean-Luc vẫn còn độc thân. Ann Mary về nước, lấy một Việt Kiều Úc. Vĩnh Phương được đi tu nghiệp một năm tại Bordeaux, trở về làm bác sĩ bệnh viện Nha Trang. Các cô thợ dệt đều có chồng con, tay bồng tay bế. Cô Thanh, người đã một lần xin tôi chỉ “mánh” vượt biên, hiện làm chủ một tiệm ăn ở Orange County. Thầy Pierre và ông già Mân đã chết. Qua đặc san của Tổng Hội Cựu SVSQ/ĐH/CTCT/ĐL, tôi được biết NT4 Võ Minh Thiện cũng đã từ trần. Bé Trang nay là một thiếu nữ ba mươi tuổi, đẹp và hiền thục, giống như hai mẹ nuôi Bội Trân và Huyền Trân. Xưởng dệt đóng cửa. Thung Lũng Nước Mắt vẫn còn.
 
      Còn Loan, cô em vợ của bác sĩ Vĩnh Phương? Năm 1992, Loan theo mẹ, cựu nhân viên sở Mỹ, định cư tại San José, do người anh đi trước bảo lãnh. Ở đó, Loan chơi thân với một cô em họ của tôi. Từ Cheney, Washington, nơi đang dạy học, tôi xuống San José nghỉ hè, và tình cờ, tại nhà cô em, được gặp lại Loan –mà mười năm trước tôi đã thầm chê là con nít. Rồi chạy trời không khỏi nắng, ba năm sau, “con nít” Loan trở thành vợ tôi và sau đó nữa là mẹ của hai đứa nhỏ. Như một kết thúc có hậu trong những truyện cổ tích. Hay đúng hơn, một định mệnh an bài, huyền diệu mà những ông thầy tử vi và bói toán trên cõi đời này bó tay, không đoán trước được.
 
     Kính lạy Nữ Vương Maria, Mẹ của lòng Nhân Ái.
 
FSP4VN

No comments:

Post a Comment