“Trường Thi Trận Bút”
Trần Xuân Thời
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là một trường chuyên nghiệp, không phải là một phân khoa tự do của Viện Đại Học Saigon như Văn khoa hay Luật Khoa mở rộng cho sinh viên ghi danh vào học tự do không cần qua kỳ thi nhập học. Trường được thành lập do Nghị Định 246-CAB/SG ngày 7 tháng 4 năm 1952, sưa đổi bởi Nghị Định 560/PTT/TTK ngày 22 tháng 8 năm 1954 và đổi danh xưng thành Học Viện Quốc Gia Hánh Chánh bởi Nghị Định 483-TTP/TTK ngày 9 tháng 8 năm 1955.
Học Viện có nhiệm vụ nghiên cứu và đào luyện các viên chức hành chánh cao cấp cho chính phủ Vìệt-Nam Cộng Hòa. Hơn hai ngàn sinh viên đã tốt nghiệp tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh từ khoá I Đốc Sự Đà Lạt nhập học năm 1952 đến năm 1975.
Chương trình huấn luyện gồm 3 ban: Tham sự, 1 năm (5 khóa tốt nghiệp từ năm 1965-1970) ; Đốc sự, 3 năm ½ (20 khóa tốt nghiệp từ 1952-1975) và Cao học, 2 năm (8 khóa tốt nghiệp từ 1965-1975).
Muốn nhập học, thí sinh phải có văn bằng Tú tài toàn phần cho ban Tham sự, Đốc sự và văn bằng Cử nhân hay tương đương cho ban Cao học.
Tất cả thí sinh dự tuyển phải trải qua một kỳ khảo hạch gồm một bài bình luận về các vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị…, để lượng giá kiến thức tổng quát, khả năng suy luận và khả năng diễn đạt tư tưởng của thí sinh.
Đa số thí sinh bị loại vì bài bình luận. Ban giám khảo chỉ chọn một số thí sinh có điểm cao về bài bình luận. Sau đó chấm tiếp các bài khác của các thí sinh đã được chọn, với hệ số thấp hơn, như bài thi về sử ký hoặc địa lý nhân văn hay địa lý kinh tế và một bài sinh ngữ, để tuyển chọn 100 thí sinh hằng năm trong hằng ngàn thí sinh dự tuyển. Tỷ số trúng tuyển khoảng 5% mỗi năm cho các ban.
Bài bình luận với hệ số 4 là một bài trắc nghiệm về khả năng am hiểu vấn đề, khả năng phân tích và khả năng bình phẩm, tổng hợp một đề cương
Thí sinh đã thi thố tài năng qua các bài bình luận về triết lý trị quốc an dân, các thể chế chính trị hoặc các định chế kinh tế, xã hội quốc tế. Ví dụ như:
Đề thi vào khoá 5 Ban Đốc sự (1957). Anh chị hãy bình luận câu: “Hà chính mãnh ư hổ dã” (Chính sách hà khắc tàn bạo hơn cọp dữ). Đề thi bài bình luận thi vào khoá 11 Ban Đốc sự (1963) “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh nhi bất tùng““(Bản thân là chính trực, không ra lệnh người cũng nghe; bất chính thì có ra lệnh người cũng không nghe). Đề thi vào khoá 12 Ban Đốc sự (1964): “Dân chủ và Độc tài”. Đề thi vào khóa 22 Ban Đốc sự (1974): “Ngày xưa người ta coi công chức là phụ mẫu chi dân”. Anh chị nghĩ thế naò?. Đề thi vào khoá 1 Ban Cao học (1965):”Vấn đề các nước bị chia đôi“. Đề thi vào khoá 3 Ban Cao học (1967): “Chiến tranh và các định chế quốc tế” hay đề tài kinh tế như đề thi vào khoá 1 Ban Tham sự (1965) “Chánh sách tái phân lợi tức”….
Đa số các đề thi của các bài bình luận không mấy liên quan đến chương trình trung học hoặc đại học, nhằm trắc nghiệm kiến thức tổng quát về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị ... Kiến thức tổng quát được thủ đắc qua kinh nghiệm sinh hoạt hằng ngày hay qua các phương tiện truyền thông như báo chí, các tập san nghiên cứu, truyền thanh, truyền hình mà chỉ những học sinh hay sinh viên có năng khiếu theo dỏi thời cuộc, lưu tâm đến hiện hình đất nước hay tình hình thế giới mới nghiên cứu.
Học viện có sứ mệnh đào tạo những thanh niên nam (90%) và nữ (10%) có kiến văn, khả dĩ am hiểu tình hình xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị để đảm nhiệm các vai trò quản trị nền hành chánh công quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Học viện tuyển chọn các thí sinh có năng khiếu sưu tầm, quan tâm đến đời sống cộng đồng, thiên về sinh hoạt của nhân quần xã hội, hoặc có khuynh huớng bẫm sinh phục vụ quần chúng.
Truyền thụ kiến thức thì dễ, nhưng đào luyện ý chí (will) và tâm tưởng (mentality) cho tha nhân để phục vụ công ích thì rất khó, nếu không chọn đúng đối tượng. Phương pháp tuyển chọn hữu hiệu là mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài, khám phá những sĩ tử có sẵn căn bản, ước nguyện hay khuynh hướng bẩm sinh về ngành quản trị công quyền. Năng khiếu của thí sinh thường được nhận diện qua khả năng thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo được biểu lộ trong bài bình luận vì “Văn tức là người” (Le style, c’est l’homme).
Bài bình luận là phương tiện để phát hiện khả năng của thí sinh qua tiến trình “Ý tại, ngôn ngoại”. Thí sinh có cơ hội bộc phát ý tưởng sẵn có trong nội tâm để thi thố tài năng qua trường thi trận bút. Nhờ đó, Học viện có thể khám phá và đào luyện được những sĩ tử có kiến thức thích ứng cho ngành quản trị qua hệ luận: “Tư tuởng được thể hiện qua ngôn, từ. Ngôn, từ sẽ phát sinh ra hành động. Hành động nhiều lần sẽ thành thói quen. Thói quen lâu ngày sẽ trở thành bản tính, nhân cách, tác phong hành sự.”
“Công tác giáo dục cũng như công việc của người thợ may”. Trước khi may áo, người thợ may phải đo kích thước của khách hàng, không phải để chê bai “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn. Béo chê, béo trục béo tròn. Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra“, mà để may cho đúng kích thước. Cũng vậy, trước khi đào luyên nhân tài, Học Viện cần tìm hiểu xem thử những sĩ tử nào có khả năng thích ứng để trở thành chiến sĩ tuyến đầu làm công bộc của dân. (Administrateur civil/ Field administrator) mà người xưa thường gọi là “Phụ mẫu chi dân”.
Bước chân vào trường thi trận bút mà không có tư tưởng thì chẵng khác nào ra trận mà không trang bị vũ khí thì làm sao chiến thắng được đối phương. Đảm nhiệm công tác trị quốc an dân mà không có tư tưởng thì làm sao chu toàn sứ mệnh “Thứ, Phú, Giáo”: Làm cho dân ngày càng đông đảo, càng giàu mạnh và nâng cao trình độ dân trí ngày càng cao.
Một khi đã có tư tưởng thì tư tuởng lên khuôn cho hành động. Hay nói cách khác, có tri, ắt có hành. Tri hành thường phải hợp nhất. Môt khi tri hành không hợp nhất thì đúng là “Kỳ thân bất chính, tuy lệnh, nhi bất tùng”. Không đủ tư tưởng để bình luận một đề thi đáp ứng chủ đích của Học viện thì thí sinh không đủ tiêu chuẩn để được tuyển chọn theo học ngành quản trị công quyền.
Những nguời có khả năng chuyên khoa về Anh văn, Pháp văn, toán học… hoặc những học sinh hay sinh viên thích thi ca, ”thức suốt đêm làm thơ rồi đợi chờ” hoặc luyện chưởng của Kim Dung để viết tiểu thuyết thì khó lòng mà vượt qua cửa ải của bài bình luận.
Một số thí sinh không trúng tuyển cho biết cảm tưởng là đề thi không phù hợp với sở trường của họ nên nạp giấy trằng. Đúng, mỗi người có một sở trường vì nhân sinh quý thích chí. Các thí sinh nầy thi thử, nhưng không có duyên với hành chánh nên đã dấn thân và thành công trong các ngành chuyên khoa khác.
Chương trình huấn luyện gồm các môn chính trị, kinh tế, tài chánh, hành chánh, kế toán, tư pháp, luật lao động, soạn thảo công văn, soạn thảo ngân sách, thuế khóa, phương pháp sưu tầm, xã hội học, thống kê, bang giao quốc tế, các vấn đề hành chánh điển hình, luật hành chánh…
Riêng ban Đốc sự, cuối năm học, sinh viên phải thi viết 8 môn và thi vấn đáp 4 môn.
Trong năm thứ 2, sinh viên chọn ngành chuyên môn: Ban Hành Chánh hay ban Kinh Tài… Việc chọn ban nầy áp dụng từ khoá Đốc sự Đà-Lạt (1952) đến khóa 12 Đốc sự (1964). Chương trình thay đổi từ khóa 13 (1965) đến khóa 22 (1974), tất cả sinh viên học chung một chương trình, không chia ban hành chánh hay kinh tài và thời gian thực tập cũng không thống nhất giữa các khóa. Trong chương trình cao học, (1965) khi thi vào, thí sinh đã tự chọn ngành chuyên môn như hành chánh, tài chánh, kinh tế, ngoại giao, xã hội, thẩm tra kế toán….
Qua năm thứ 3 sinh viên thường được phân chia đi thực tập tại các tỉnh địa phương hoặc các bộ tại trung ương. Sau đó trở lại Học viện học phần thời gian còn lại của chương trình trước khi thi tốt nghiệp.
Trong thời gian thực tập, sinh viên nghiên cứu các vấn đề hành chánh địa phương, trung ương và gởi tờ trình tam cá nguyệt về Học Viện, đồng thời thu thập tài liệu để viết luận văn ( research paper) cho cuối khoá học. Luận văn từ 40 đến 60 trang về một trong các đề tài liên quan đến nền hành chánh công quyền quốc gia hiện hành do sinh viên tự chọn.
Sau khi tốt nghiệp, các tân khoa chọn chỗ để phục vụ tại các bộ, phủ tại trung ương hay tại toà hành chánh các tỉnh, các thành phố điạ phương, theo thứ tự xếp hạng sau kỳ thi tốt nghiệp.
Trong thời gian tòng học tại Học viện, các sinh viên được huấn luyện qua chương trình “Cao Đẳng Quân Sự“ hoặc được hoãn dịch vì lý do học vấn. Từ năm 1952, sinh viên các khoá Đốc Sự Đà-Lạt và các khoá Đốc sự kế tiếp 1,2,3,4, thụ huấn quân sự tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt trong lúc theo học chương trình hành chánh. Một phần huấn luyện quân sự cho khóa 4 và toàn khoá 5 được chuyển qua huấn luyện tại Long Hải. Sau khi tốt nghiệp các tân sĩ quan được lệnh phuc vụ tại các quân khu trong thời gian sáu tháng trước khi được biệt phái về đảm nhiệm các chức vụ hành chánh tại trung ương hay địa phương.
Sinh viên các khoá Đốc sự 6,7,8, từ năm 1958, sau khi mãn khoá, được Bộ Quốc Phòng động viên vào các khoá sĩ quan tại Trường Sĩ Quan Hiện Dịch Đồng Đế, Nha Trang.
Sinh viên các khóa Đốc sự 9 đến khóa 16, sau khi tốt nghiệp và được bổ nhiệm vào các chức vụ trong nền hành chánh quốc gia tại trung ương và điạ phương, đã lần lượt được Bộ Quốc Phòng động viên vào các khóa Sĩ Quan Trường Võ Khoa Thủ Đức từ năm 1964 đến năm 1972.
Đa số sĩ quan gốc công chức được Bộ Quốc Phòng cứu xét, theo yêu cầu của các Bộ, Phủ, cho biệt phái ngoại ngạch, “chiếu nhu cầu công vụ”, về nhiệm sở cũ để đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại trung ương và địa phương để điều hành nền hành chánh quốc gia.
Tại địa phương, cựu sinh viên hành chánh đảm nhiệm các chức vụ Phó Quận Trưởng, Trưởng Ty, Phó Tỉnh Trưởng, Phó Thị Trưởng, Đaị Diện Vùng … Tại trung ương, từ cấp Chủ sự, Chánh Sở, Giám Đốc, đến Tổng, Bộ Trưởng, Viện Trưởng, Thủ Tướng trong suốt 20 năm từ 1955-1975.
Việt Nam thoát khỏi sự bảo hộ của Pháp từ năm 1954 với một nền hành chánh tự trị phôi thai. Nhằm mục đích thăng tiến nền hành chánh quốc gia, thưc hiện các chương trình phát triển, kinh bang tế thế trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt nhất là áp lực về chính trị và quân sự.
Về chính trị, ý dân là ý trời, Chính phủ Viêt Nam Cộng Hoà chủ trương “công tâm vi thượng” đánh lấy lòng dân thay vì gây binh đao, tấn công ra Bắc để chiếm thành trì, ”công thành vi hạ”. Vì trận chiến tâm lý, “đắc nhân tâm”, phức tạp và khó khăn liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống trong công tác xây dựng tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân Việt Nam nên Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã nhờ Đại học Michigan State University, Hoa Kỳ, bảo trợ chương trình đào luyện một lực lượng sĩ phu hành chánh mới, thấm nhuần tinh thần quốc gia và kỷ thuật quản trị khoa học tân tiến.
Về quân sự, miền Nam thường trực chịu áp lực hiếu chiến của miền Bắc. Đảng Cộng sản Hà nội sẵn sàng gây hấn để phục vụ chủ trương của Cộng Sản Quốc Tế, nên Chính Phủ Việt Nam Công Hoà đã gia tăng quân lực qua sự hình thành các Trung Tâm Huấn Luyện binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cho quân lực Việt Nam Cộng Hoà để baỏ toàn lãnh thỗ và an ninh cho miền Nam.
Các viên chức hành chánh tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hánh Chánh, hoặc tốt nghiệp thêm các ngành khác như Văn Khoa, Luật Khoa, Sư phạm hay Khoa học cũng đồng thời xuất thân từ các quân trường đào tạo Sĩ quan cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt, Trường Sĩ Quan Đồng-Đế và Trường Sĩ Quan Thủ-Đức, với văn tài và võ lược hầu có thể đảm nhiệm hữu hiệu công tác trị quốc an dân từ địa phương đến trung ương.
Các công chức-quân nhân nầy, tuy thường được biệt phái nhưng vẫn là quân nhân tại ngũ, nên được quản trị, thăng thưởng và chế tài bởi hai quy chế: Quy chế công chức và quy chế quân nhân. Công chức- quân nhân vi phạm kỷ luật thường bị chế tài về quân kỷ. Lệnh biệt phái bị thu hồi và được thuyên chuyển ra các đơn vị tác chiến, hay phục vụ tại các tiểu khu.
Trong thời gian thi hành công vụ, một số công chức - quân nhân xuất thân từ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và các Quân Trường Sĩ Quan đã hy sinh vì tổ quốc.
Sau năm 1975, dù hoàn cảnh biến đổi ra sao đi nữa thì áo rách phải giữ lấy lề. Cảnh khổ là nấc thang cho kẻ anh tài, kho tàng cho người khôn khéo và cũng có thể là vực thẵm cho người yếu đuối. Cựu sinh viên tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt, trân quý niềm tin vào chính nghĩa quốc gia, tinh thần tự trọng, và trình độ văn hoá văn, võ song toàn đặc thù của mình.
“Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời”.
Nền giáo dục mỗi người Việt thủ đắc qua các trường Văn từ tiểu, trung, đại học, hoặc Võ từ các trường huấn luyện binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan và bảo tồn trong tâm tưởng thể hiện đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam:
“Trong lăng miếu ra tài lương đống.
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương”
Là của hương hỏa, công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy; là gia bảo thiêng liêng của tổ quốc in hình dấu vết của hồn thiêng sông núi mà người công dân nước Việt Nam Cộng Hoà luôn hãnh diện, ấp ủ trong hoài bảo, tựa bản nhạc vàng ru trọn đời mình!
Ngày nay, sau gần 40 năm viễn xứ, hầu hết cựu sinh viên HVQGHC khắp năm châu bốn bể,cùng với các cấp Dân, Quân, Cán, Chính, công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà cao quý đang lưu vong, nhờ căn bản vốn liếng văn hóa còn lại “La culture est ce qui reste quand on a tout oublie’”, đều đã thành công với tinh thần “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, sống trong tự do, xứng đáng với nhân phẫm và quyết tâm thực hiện đại nghiệp cứu quốc để tái thiết tự do, dân chủ và thinh vượng cho Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, qua Học Viện Quốc Gia Hành Chánh cũng như các định chế giáo dục các ngành Văn và Võ khác, đã đào luyện nên những con người Việt- Nam, phục vụ đất nước với tình đồng hương, nghĩa đồng bào trong dòng sinh mệnh của dân tộc.
Những gì chúng ta trải qua trong cuộc đời đều là những hoài niệm đáng nhớ, đáng thương. Những hoài niệm êm đềm đã ghi sâu trong tâm tưởng về những năm dài, tháng rộng của một phần đời sinh sống, phục vụ quê hương và một phần đời viễn xứ. Không tự tôn về quá khứ, mà cũng không tự ty về thân phận của kiếp sống tha hương.
Cicéro, một nhà hùng biện nỗi tiếng ở thành Rome, năm 46 trước công nguyên, đã nói người lớn khác trẻ em vì người lớn biết quá khứ, nhớ lịch sử. Dù quá khứ là quá khứ, “Le passé est le passé”, cũng như tuổi tác “xuân bất tái lai”, không thể thay đổi hay đều chỉnh được, chúng ta vẫn giữ thái độ “Bất oán thiên, bất vưu nhân, hạ học nhi thượng đạt”. Không oán trời, không trách người, phàm làm người nên biết thời vận. Biết quá khứ giúp chúng ta am hiểu tình, lý của cuộc đời, tức là biết lẽ sống.
Cho dù chúng ta không loại bỏ ý niệm siêu hình về một phần của cuộc đời thường do định mệnh an bài vì chúng ta không giải hoá được các ẩn số cố hữu. Thế nhưng, thế thượng thường tình, con người vẫn cố gắng dành phần tự quyết định thân phận của mình. “Chacun est l’artisan de sa fortune“, hoặc theo nhân sinh quan trung dung. “Có trời mà cũng tại ta”.
Nhân sinh quan cổ, kim, Đông, Tây vẫn là một:
Đông, Kinh Dịch, thì quan niệm:”Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chí”. Trời hành đạo mạnh mẽ, cốt giúp người tự lực, tự cường, chứ không giúp người biếng nhác, hay Hoàng Thiên bất phụ hão tâm nhân. Khi nên Trời cũng chiếu người. Con người muốn gì thì Trời cũng ban cho. “Nhân chi sở dục, Thiên tất tòng chi”.
Tây thì khuyên ta “Aide toi, le ciel t’aidera”. Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp mình sau như Kinh Thánh cũng đã truyền “Creator willed that man should be left in the hand of his own counsel …for his own sake“. (Sir 15:14). Trời ban cho thế nhân quyền tự do quyết định thân phận của mình.
“Tự thắng để chỉ huy” hay “Thắng lòng mình hơn thắng một vạn quân”. Tự lực, tự cường vẫn là hoàng đạo trong tiến trình: Tu,Tề,Trị, Bình. – Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên ha-.
“Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu”. Làm người mà không nhìn xa, ắt có ngày sẽ gặp phiền phức, âu lo, như quá khứ đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm đau thương.
Vì thế, dù sống trong thời gian nào, xã hội nào, chúng ta cũng phải phấn đấu hết mình, để khuất phục hoàn cảnh, trước khi phục mệnh. ”Trời đâu riêng khó cho ta mãi. Vinh nhục dù ai cũng một lần”.
Sống xứng đáng là người Việt cao quý trong bất cứ tình huống nào và phục vụ tập thể đồng môn nói riêng, cộng đồng Việt-Nam hải ngại nói chung, thì cũng như phục vụ chính quê hương mình vậy.
Trần Xuân Thời
Kính chuyển đến quý Hội Cựu Sinh Viên các Quân Trường Đà Lạt, Thủ Đức, Đồng Đế vàc các Hội Cựu Quân Nhân, các Đoàn thể, Cộng đồng,để tạo sự thông cảm về mối liên hệ mật thiết giữa CSV Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và CSV các quân truờng trong công tác phối hợp sinh hoạt khi cần.
Hiện nay có 20 Hội CSVQGHC trên toàn thế giới tại Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc Châu, với khoảng 1500 cưụ sinh tốt nghiệp HVQGHC đồng thời tốt nghiệp tạị các quân trường Sĩ Quan trong các thâp niên 50, 60 và 70.
Lưu vong năm thứ 40 : “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”
“Dù thù nước chưa trả xong đầu đã bạc
Nhưng gươm mài bóng nguyệt đã bao ngày
Yểm Trợ Liên Lạc
Freespeech4vietnam
2127 Cliff Road, Suite H
Eagan, Minnesota. 55122
email: freespeech4vietnam@gmail.com
612-986-4914 cell
612-567-1719 voice mail
408-634-9703 cell
Freespeech4vietnam
2127 Cliff Road, Suite H
Eagan, Minnesota. 55122
email: freespeech4vietnam@gmail.com
612-986-4914 cell
612-567-1719 voice mail
408-634-9703 cell
No comments:
Post a Comment