Tuesday, February 3, 2015

Cảm Nghĩ Về Một Cuộc Di Cư 60 Năm Trước.

Cảm Nghĩ Về Một Cuộc Di Cư 60 Năm Trước.

Nhân dịp tham gia « Ngày Kỷ niệm 60 năm cuộc di cư đầu tiên của đồng bào miền Bắc ». Như một minh chứng hùng hồn cho sự chối bỏ chính thể cộng sản việt nam cũng như để cảm tạ đồng bào miền Nam đã mở rộng vòng tay tiếp nhận và cưu mang những nạn nhân của cộng sản đến từ phương Bắc vào ngày 7 tháng 11 năm 2014 vừa qua tại Hội Trường CĐ Người Việt Quốc Gia vùng Montréal, người tham dự xin ghi lại một vài cảm tưởng.


Trải qua một cuộc bể dâu …

Thấm thoát đã 60 mươi năm, hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu là nước đã chẩy qua cầu. Những người trong cuộc di cư ngày đó, bây giờ một số người đã  về bên kia thế giới và rất nhiều người còn lại, chưa một lần về thăm lại chốn cũ quê xưa.  Từ một buổi sáng trời còn mờ sương trên kinh thành miền Bắc, hay một đêm vượt tuyến kinh hoàng từ một ngôi làng nào đó trong vùng châu thổ sông Hồng, sông Gianh, người ta đã đành đoạn rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ anh em họ hàng, bỏ bạn bè chòm xóm để ra đi, mặc dầu  không ai nghĩ rằng một lần đi sẽ là mãi mãi tha hương, ai cũng nghĩ rằng chỉ một thời gian sau, khi chế độ cộng sản tàn phai, người người sẽ lại xum họp, những hạnh phúc của phút gặp lại sẽ xóa mờ những đớn đau khổ ải của buổi chia ly. Những chuyến tầu đưa người đi sẽ đón người trở về và người sẽ cùng người xây dựng lại quê hương.

Đó đã là lần di cư vĩ đại đầu tiên của hàng triệu đồng bào trong một cuộc trốn chạy, như một sự chối từ chủ nghĩa mà một số người đã dùng bạo lực, với sự giúp đỡ của ngoại bang, áp đặt trên một nửa quê hương phía Bắc. Và cũng từ đó, một cuộc chiến tranh tương tàn huynh đệ kéo dài suốt hai mươi năm với bao nhiêu là máu xương của đồng bào, của tuổi trẻ hư hao, bao nhiêu là đổ vỡ tan hoang trên cả hai miền đất nước, với ý đồ duy nhất là nhuộm đỏ cả miền Nam, ngỏ hầu áp đặt chế độ hung tàn cộng sản lên trên toàn đất nước.

 Xin cám ơn miền Nam thân yêu, nơi đã dang rộng vòng tay đón nhận những người anh em từ phương Bắc. Xin cám ơn đồng bào miền Nam, những người anh em hiền hòa đã cưu mang trong nhân ái và chia xẻ cho chúng tôi bầu không khí tự do dân chủ non trẻ dưới bóng Cờ Vàng. Xin cám ơn miền Nam đã cho chúng tôi chung vai góp sức trong hai mươi năm dài để bảo vệ  miền đất tự do còn xót lại trên quê hương. Chúng ta đã cùng sống, cùng xây dựng, cùng chiến đấu để giữ vững sự an bình thịnh vượng, để cho lúa thêm xanh, nắng thêm vàng, đời thêm đẹp, để cho tiếng trẻ thơ ê a tập đọc những bài học về yêu thương ngập tràn trên phần bên này của đất nước, để cho con người được sống  đúng nghĩa của con người, và để cho Việt Nam trở thành một minh châu dưới trời Đông Á.

Vận nước cơ trời, sau hai mươi năm anh dũng chiến đấu, mặc dầu chúng ta đã không thành công trong cuộc chiến tự vệ đó, nhưng chúng ta vẫn còn chính nghĩa. Chính nghĩa của chúng ta vẫn rạng ngời. Lá Cờ Vàng của chúng ta sẽ muôn đời là một biểu tượng  đích thực của tình tự dân tộc, của đùm bọc yêu thương, của Tự Do – Dân Chủ. Xin cám ơn những người đã nằm xuống để miền Nam của chúng ta được hưởng sự tự do trong hai mươi năm dài. Xin cám ơn những người đã hy sinh một phần thân thể, một tuổi thanh xuân, một tương lai mất mát vì sự sống còn của miền Nam trong cơn sóng dữ.  Xin cám ơn miền Nam đã cho tôi hưởng những chân tình và ân nghĩa, đã giúp cho tôi hiểu rõ ràng ý nghĩa ngọt ngào sâu đậm của câu « vị quốc vong thân… »

Ngày nay, cuộc chiến đó đã lùi sâu vào dĩ vãng, mọi sự đã đổi thay. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm di cư của đồng bào miền Bắc, thử nhìn lại quê xưa, bỗng chợt tiếc thương một thời đã mất, không cần phải có «… đêm nghe tiếng ếch bên tai, giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò » cũng cảm nhận được sự phế hưng của thời gian. Dưới sự cai trị của đảng cộng sản việt nam,  một chế độ bạo tàn, điên đảo hơn bất cứ triều đại nào trong lịch sử đất nước, những  truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân bản trong văn hóa của dân tộc Việt  đã chao đảo, đổi thay, đã bị cuốn trôi vào trong bùn đen tăm tối.
Than ơi !

… Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


TQT - Quốc Túy Trần.

Yểm Trợ Liên Lạc
Freespeech4vietnam
2127 Cliff Road, Suite H
Eagan, Minnesota. 55122
email: freespeech4vietnam@gmail.com
612-986-4914 cell
612-567-1719 voice mail
408-634-9703 cell

No comments:

Post a Comment