Ngô Minh Tâm: Kể chuyện đi thăm ba trong tù
Mấy ngày qua, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ đã hân hoan chào đón chú Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, bước ra khỏi nhà tù nhỏ, chấm dứt những năm tháng tù đày, khổ ải. Đây là một tin rất vui cho phong trào đấu tranh trong và ngoài nước. Nhưng xen lẫn niềm vui đó là nỗi buồn của thân nhân các nhà đấu tranh hiện đang bị giam cầm, đang phải chịu đựng sự đối xử bất công, sự trả thù tàn bạo trong các trại giam, như trường hợp anh Đặng Xuân Diệu, chị Tạ Phong Tần, cả ba tôi: ông Ngô Hào, cùng nhiều người tù chính trị khác.
Nghe tin chú Hải được thả, tôi và nhiều anh em rất vui mừng cho gia đình cô Tân. Cô và những người thân trong gia đình cô đã không còn được tự do trong nhiều năm qua vì có người chồng, người cha là tù chính trị. Trong niềm vui đó, tôi lại bồi hồi nhớ đến ba tôi. Năm nay ba tôi đã 65 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã có cháu chắt và vui vầy với con cháu; thế nhưng ông đã phải “hưởng tuổi già” trong nhà tù khắt nghiệt, thiếu ăn, thiếu mặc, không được chăm sóc y tế, chỉ vì ông đã dám lên tiếng phản đối những bất công trong xã hội, kêu gọi trả tự do cho các nhà tranh đấu, các tù nhân lương tâm.
Nhớ lại hôm đi thăm ba ngày chủ nhật 19/10/2014, hôm đó trời Phú Yên mưa rất to, sấm chớp đùng đùng. Tôi cùng mẹ và em trai sửa soạn các thứ để mang cho ba tôi. Hôm nay khác với những lần đi thăm nuôi trước đây, mẹ tôi đã chuẩn bị nhiều thức ăn hơn, những món ăn mặn và lương khô để dành cho ba dùng trong các ngày mưa lụt. Mẹ nghĩ, hiện Phú Yên đang vào mùa bão, mà nhà tù ba đang ở thì xa, đường đi khó khăn, ngập lụt, không biết tháng sau có đi thăm nuôi ba được hay không, nên mẹ đã chuẩn bị nhiều đồ thăm nuôi cho ba hơn mọi khi.
Sau khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, gia đình lên đường đi thăm ba. Trời mưa xối xả, những hạt mưa nặng trĩu bắn vào mặt rất đau. Em tôi chở mẹ đi trước, tôi đi sau. Nhìn mẹ ngồi trên xe như “một đứa trẻ với thân hình nhỏ nhắn”. Có lẽ do tuổi tác, bệnh tật, cuộc sống thiếu thốn và luôn phải đương đầu với bão táp cuộc đời, nhất là trong thời gian sau khi ba đi tù, đã làm cho mẹ tôi có dáng người khắc khổ như thế.
Bước vào trại giam, mẹ và anh em tôi có cảm giác nôn nao khi sắp được gặp ba. Tới nơi, mẹ tất bật xuống xe kiểm tra đồ dùng mang theo, xem có bị ướt không. Sau khi chờ đợi hơn một giờ đồng hồ, hình ảnh người cha thân yêu thấp thoáng đằng xa. Ba vẫn bước đi chân thấp chân cao, do di chứng của một lần gãy chân và mảnh đạn còn sót lại từ thời chiến tranh. Không rõ do sức khỏe yếu, hay vì vui khi gặp lại ba mẹ con, nên ba luống cuống, đi muốn té.
Ngồi đối diện ba, được tận mắt nhìn thấy người cha thân yêu của mình đang chịu sự dày vò, khổ cực trong chốn lao tù, tôi vô cùng đau xót. Mở đầu câu chuyện, ba hỏi thăm sức khỏe của mẹ, vì sao mẹ ốm yếu và xanh xao như vậy. Ba còn dặn dò: “Bà phải cố ăn đi, uống thuốc vô để có sức đi thăm tui, có sức mà lo cho con nữa chứ”. Tuy lần nào đi thăm ba, tôi cũng đều nghe ông dặn dò mẹ, nhưng mỗi khi nghe lời ba nói, tôi đều cảm thấy buồn và xót xa cho tình cảnh của cha mẹ tôi: Liệu có còn cơ hội nào để họ được sống bên nhau trong quảng đời còn lại?
Ở nhà, mẹ trông ngóng từng ngày để được đi thăm ba, mua đồ ăn cho ba, ba thích ăn thứ gì, lần trước đã mang cho ba những gì, rồi mẹ lại lo lắng, không biết trong tù ăn uống ra sao, có thuốc men khi ba bị ốm đau hay không? Trong tù, ba lại lo cho mẹ, lo mẹ ở nhà bệnh, ăn uống không đầy đủ, sẽ không có đủ sức khỏe đi thăm ba trong những lần tới. Đó là những tình cảm yêu thương mà ba mẹ tôi, người ở trong nhà tù nhỏ, kẻ ở ngoài nhà tù lớn, đã dành cho nhau.
Tôi hỏi trong tù ba ăn uống thế nào? Ba trả lời: vẫn là món rau muống như thường lệ mà mọi người thường gọi đùa đó là món “rồng xanh”. Không rõ đây có phải là tiêu chuẩn chung cho mọi người, hay đây là “ân huệ”, mà trại giam “chiếu cố” cho những người tù chính trị không chịu sự khuất phục như ba tôi, như anh Đặng Xuân Diệu hay chị Tạ Phong Tần và nhiều tù nhân “cứng đầu” khác?
Kế đến, tôi hỏi ba về thuốc men trong trại thế nào, bởi ba tôi hiện đang mắc nhiều chứng bệnh như thiếu máu não, cao huyết áp, loét bao tử, cao mỡ trong máu... Thật bất ngờ khi nghe ba nói rằng ba được đi ký tên khám bệnh và nhận thuốc rồi. Tôi nghe ba nói vậy nên mừng quá, nhưng rồi tôi vô cùng thất vọng khi nghe ba kể tiếp rằng, ngày nào ba cũng phải đến trạm xá để ký tên nhận thuốc. Có những ngày được nhận thuốc nhưng có những ngày chỉ lên để ký xác nhận vào một cuốn vở học sinh là nhận thuốc, nhưng không hề được nhận một viên thuốc nào!
Tôi không hiểu vì sao những người trong trạm y tế của trại giam phải làm như vậy? Có phải họ muốn dùng chữ ký của các tù nhân để chứng minh với các tổ chức nhân quyền, với chính phủ Mỹ và các nước phương Tây, rằng họ đã đối xử với tù chính trị ở Việt Nam “tử tế”, rằng tù nhân được chăm sóc y tế, được nhận thuốc men đầy đủ, để chứng minh Việt Nam “có tiến bộ về nhân quyền”? Và nhờ sự “tiến bộ” đó nên Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam?! Cũng chính nhờ sự “tiến bộ” đó nên các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ cũng dễ dàng hơn?!
Sau đó ba có kể, cách đây khoảng 1 tháng, có một vị an ninh trên tổng cục VIII xuống gặp ba. Tôi không hiểu họ xuống gặp ba tôi để làm gì. Họ xuống hỏi thăm vì quan tâm tới ông, hay là xuống kiểm tra xem ba tôi đã chịu khuất phục hay vẫn còn ngoan cố? Tôi hỏi ba: khi gặp họ ba nói gì? Ba trả lời rằng, ba không ngần ngại tuyên bố: Ba là lính Việt Nam Cộng hòa, đã chiến đấu bảo vệ đất nước và bảo vệ sự tự do, dân chủ của người dân. Ba vào tù hôm nay cũng chỉ vì lên tiếng cho sự tự do của người dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Và ba đã bị bắt vào tù, bị đày ải thế này, vậy mà họ tuyên truyền “Mỹ ngụy” xấu lắm, ác độc lắm, thế sao người tù nào thời đó cũng được ăn uống đầy đủ, được vui chơi thoải mái?! Ba trải qua bao nhiêu chiến trận, bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu đày ải, ba không sợ, bởi việc làm của ba là quang minh chính đại, nên dù có bị bắt, dù có bị tù tội, tra tấn, ba cũng cam chịu vì ba hiểu việc làm của mình là chính nghĩa. Một chế độ không phải lúc này thắng là đúng đâu, muốn biết chế độ đó đúng hay sai thì 50 năm, hay thậm chí 100 năm nữa, khi con cháu thấy được tự do, lúc đó mới biết ai đúng ai sai. Dù bây giờ những người tranh đấu đang bị tù đày, không có nghĩa là những điều họ làm là sai.
Nghe những điều ba nói, tôi biết ba không sợ. Và tôi hiểu, một người lính Việt Nam Cộng Hòa như ba tôi, dù sống trong cảnh lao tù khổ ải, vẫn giữ nguyên khí chất của người lính ấy. Ba kể, kết thúc buổi gặp gỡ, vị an ninh đó nói với ba: Cố gắng giữ sức khỏe để ở tù nhé. À, thì ra họ đến để kiểm tra tinh thần của ba tôi ra sao, đã khuất phục chế độ này chưa?!
Và cuối cùng thì giờ thăm nuôi cũng đã hết. Dắt xe ra về mà lòng tôi nặng trĩu, khi nghĩ tới thân thể già yếu, bệnh tật của người cha mình ngày đêm tranh đấu trong chốn lao tù. Liệu ông có còn đủ sức để sống thêm 14 năm nữa, bước ra khỏi tù khi mãn án, hay ông phải bỏ xác trong tù như những người tù chính trị đã từng gửi nắm xương tàn trong các trại tù nơi xa xăm nào đó?
Tôi mong tất cả những người dân Việt Nam trong và ngoài nước đang tranh đấu cho lẽ phải, các tổ chức nhân quyền, các cơ quan truyền thông quốc tế và chính phủ của những nước ủng hộ cho tự do dân chủ, hãy giúp lên tiếng, can thiệp cho tất cả các tù nhân lương tâm, những người đang bị bức hại trong chốn lao tù, như trường hợp anh Đặng Xuân Diệu, chị Tạ Phong Tần, bố tôi, cùng tất cả những người tù chính trị khác, được ăn uống đầy đủ, được chữa trị khi đau ốm và nhất là được tự do, sớm bước ra khỏi nhà tù nhỏ, về đoàn tụ với gia đình.
Xin ghi nhận nơi gia đình tôi tấm lòng tri ân gửi đến tất cả mọi người!
25-10-2014
Ngô Minh Tâm
Post by Nick Lý Đức Hùng & HậnCộngSảnVìCôngLý
Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận - Freespeech4vietnam